Ngôn ngữ
Phó Hiệu trưởng Hoàng Anh Tuấn tại buổi lễ công bố quyết định và giao nhiệm vụ đào tạo Thạc sỹ Quản trị Báo chí truyền thông cho Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông
Theo PGS.TS Đặng Thị Thu Hương - Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, CTĐT Thạc sỹ Quản trị Báo chí truyền thông là chương trình liên ngành giữa khoa học báo chí - truyền thông và khoa học quản lý. Lần đầu tiên ở Việt Nam, học viên được cấp bằng Thạc sỹ Quản trị Báo chí truyền thông - khác với các CTĐT tại một số cơ sở đào tạo hiện nay vẫn cấp bằng ThS Báo chí học và trên bảng điểm mới thể hiện chuyên ngành Quản lý/ Quản trị Báo chí).
Chương trình bao quát kiến thức lý luận và thực tiễn về quản trị báo chí truyền thông trên 3 lĩnh vực: truyền thông chính trị, kinh tế truyền thông và văn hóa truyền thông đại chúng. Đặc biệt, với hình thức đào tạo tín chỉ, CTĐT được thiết kế tối ưu để học viên có thể hoàn thành khóa học và nhận bằng sau 18 tháng.
Chương trình có độ “mở” cao khi phù hợp với tất cả các ứng viên đã tốt nghiệp đại học, trong đó ứng viên tốt nghiệp ngành gần và ngành khác cần hoàn thành khóa học chuyển đổi kiến thức.
Việc triển khai đào tạo ThS. Quản trị Báo chí và truyền thông tiếp tục nối dài thêm những CTĐT mới, đáp ứng nhu cầu xã hội mà Viện xây dựng trong thời gian qua
Với việc được trang bị những kiến thức cơ bản, nền tảng, cả về lý luận và thực tiễn, có tính liên ngành giữa khoa học báo chí truyền thông, khoa học quản lý, chính trị học, kinh tế học…, học viên sau tốt ngiệp có đủ năng lực làm việc trong lĩnh vực quản trị báo chí truyền thông, tư vấn, tham mưu về hoạch định chính sách báo chí truyền thông tại các cơ quan quản lý, lãnh đạo, chỉ đạo báo chí; quản lý hoạt động báo chí truyền thông; quản trị báo chí truyền thông tại các cơ quan báo chí truyền thông; quản trị hoạt động truyền thông tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức...
Đặt hoạt động quản trị báo chí và truyền thông trong bối cảnh của kỷ nguyên công nghệ số, CTĐT Thạc sỹ có nhiều môn học mới, mang tính ứng dụng cao, như: Khoa học và Nghệ thuật lãnh đạo, quản lý; Chính sách và chiến lược quản trị truyền thông số, Truyền thông chính trị, An ninh truyền thông mạng, Công nghiệp truyền thông, Xây dựng và quản trị thương hiệu cơ quan báo chí truyền thông, Truyền thông doanh nghiệp, Quản trị và xử lý khủng hoảng truyền thông, Báo chí dữ liệu, Công chúng truyền thông và thị trường truyền thông,...
Thay mặt Ban Giám hiệu, Phó Hiệu trưởng Hoàng Anh Tuấn đánh giá cao sự năng động, sáng tạo của Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông trong việc xây dựng và phát triển các CTĐT có chất lượng cao; đón đầu nhu cầu xã hội cũng như xu hướng báo chí truyền thông hiện đại; lấp đầy những khoảng trống trong đào tạo nhân lực cho ngành báo chí truyền thông của đất nước.
Trước đó, Viện đã thành công trong việc xây dựng CTĐT Thạc sỹ Báo chí định hướng ứng dụng, CTĐT cử nhân Báo chí chất lượng cao định hướng xã hội hóa nhận được những phản hồi tích cực của dư luận xã hội.
Năm 2018, Viện đã triển khai các khóa đào tạo Thạc sỹ Báo chí định hướng ứng dụng tại Vĩnh Long, Cà Mau; năm 2019 mở tiếp 03 lớp tại Đà Nẵng, Vĩnh Long và Bình Dương.
Nhà trường mong rằng CTĐT Thạc sỹ Quản trị Báo chí truyền thông lần đầu tiên được xây dựng và tuyển sinh sẽ tiếp tục là một sản phẩm chất lượng, không chỉ thu hút người học mà còn góp phần tạo thêm dấu ấn và bản sắc riêng trong hoạt động đào tạo của Viện.
Theo Pháp luật Việt Nam
Tác giả: Thanh Hà
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn