Tuyển sinh: Giữ vững số lượng - Nâng cao chất lượng

Thứ sáu - 13/12/2019 05:24
Năm 2019, công tác tuyển sinh được coi là một điểm sáng trong hoạt động đào tạo, bên cạnh những đổi mới về khung chương trình và phương pháp giảng dạy. 28 ngành và CTĐT bậc đại học và 73 chuyên ngành sau đại học của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn vẫn tiếp tục chứng tỏ sức hút lớn với thí sinh và xã hội, đặc biệt trong bối cảnh việc tuyển sinh nói chung của các trường đại học đang có dấu hiệu giảm sút. Đây là ghi nhận tại hội nghị tổng kết công tác đào tạo của Nhà trường diễn ra đầu tháng 12 vừa qua.
Tuyển sinh: Giữ vững số lượng - Nâng cao chất lượng
Tuyển sinh: Giữ vững số lượng - Nâng cao chất lượng
  • Hội nghị Công tác Đào tạo năm 2019 diễn ra trong các ngày 30/11 và 1/12 năm 2019 với sự tham gia của Ban Giám hiệu; lãnh đạo và trợ lý đào tạo của các Khoa/Bộ môn trực thuộc; đại diện lãnh đạo các phòng chức năng, Trung tâm Đảm bảo chất lượng đào tạo, Trung tâm Ngoại ngữ và HTĐT, Đoàn Thanh niên; lãnh đạo và chuyên viên Phòng Đào tạo.
  • Các đại biểu tham dự Hội nghị nghe 08 báo cáo chuyên đề và tập trung thảo luận về 04 nội dung trọng tâm: Tổng kết công tác tuyển sinh đại học và sau đại học năm 2019 và phương hướng năm 2020; Triển khai công tác đào tạo đại học theo khung chương trình điều chỉnh năm 2019; Tổ chức đổi mới hoạt động giảng dạy trong năm học 2019-2020; Tiếp tục đổi mới công tác đào tạo sau đại học.

 

Những điểm sáng

Trong mùa tuyển sinh đại học năm 2019, Trường ĐHKHXH&NV nhận gần 40.000 hồ sơ đăng ký, tăng hơn 10.000 hồ sơ, tương đương tăng 34,5% so với mùa tuyển sinh năm 2018. Kết quả tuyển sinh khả quan cả về quy mô tuyển và chất lượng đầu vào với tổng số 2.178 thí sinh nhập học.

GS. Hiệu trưởng Phạm Quang Minh phát biểu khai mạc Hội nghị

Đặc biệt, để đáp ứng nhu cầu xã hội, ngành Nhật Bản học trước đây là một chuyên ngành trong Đông phương học, thì nay đã trở thành một ngành đào tạo được tuyển sinh độc lập. Ba CTĐT CLC xã hội hóa theo thông tư 23 của Bộ GD&ĐT lần đầu tiên được tuyển sinh năm nay (gồm Báo chí, Khoa học Quản lý, Quản lý thông tin) đã được xã hội đón nhận, đạt đủ thậm chí vượt chỉ tiêu tuyển sinh dự kiến.

Hội nghị công tác đào tạo năm 2019 diễn ra tại Thái Nguyên

Năm nay cũng chứng kiến số lượng thí sinh dùng tổ hợp các môn ngoại ngữ để xét tuyển tăng đáng kể, lên đến 65% số thí sinh đăng ký. Thậm chí một số ngành như Quản trị khách sạn, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Nhật Bản học chỉ xét tuyển tổ hợp điểm có môn ngoại ngữ từ 2019. Điểm chuẩn của một số ngành khá cao, trong đó điểm xét tuyển khối C của ngành Đông phương học cao nhất hệ dân sự trong toàn quốc.

Nói về lứa sinh viên khóa QH-2019-X, GS.TS Hoàng Anh Tuấn - Phó Hiệu trưởng chia sẻ: Các em là thế hệ "vàng" của sinh viên Nhân văn, với những ưu điểm nổi bật về năng lực học tập, khả năng ngoại ngữ, sự độc lập và chủ động trong cuộc sống. Các bạn trẻ hiện nay có cá tính rõ nét, biết xác định mục tiêu và kiên trì theo đuổi đam mê. Các em chọn các ngành học của Trường ĐHKHXH&NV vì yêu thích và quyết tâm theo đuổi nghề nghiệp mà mình chọn đến cùng. Với đầu vào chất lượng như vậy, cộng với những đổi mới mạnh mẽ hiện nay của Nhà trường về chương trình và quy trình đào tạo theo hướng linh hoạt, hội nhập thì tin chắc rằng chất lượng đào tạo và sản phẩm đầu ra trong tương lại sẽ rất tốt. 

TS. Hoàng Văn Quynh - Phó phòng Đào tạo trình bày những kết quả trong công tác tuyển sinh đại học của Trường năm 2019. Thầy cho rằng hoạt động truyền thông năm nay đã được quan tâm đầu tư mạnh và sự phối hợp tham gia của các đơn vị - điều này đã góp phần giúp hoạt động tuyển sinh đạt kết quả tốt.

Tương tự, công tác tuyển sinh sau đại học năm vừa qua cũng rất khả quan. Sau hai đợt tuyển sinh, Nhà trường tuyển được 348 thạc sĩ, đạt 87% chỉ tiêu được giao; 50 NCS, đạt 100% chỉ tiêu được giao. Vài năm gần đây, tuyển sinh thạc sỹ của Nhà trường đóng góp khoảng 20-25% chỉ tiêu của toàn ĐHQGHN, tuyển sinh tiến sĩ đóng góp khoảng 50% chỉ tiêu chung. Đặc biệt, công tác đào tạo thạc sỹ định hướng ứng dụng tại địa phương được tiếp tục tổ chức với ngành Báo chí tại ba tỉnh Vĩnh Long, Bình Dương, Đã Nẵng.

Dấu ấn truyền thông

Tại Hội nghị, khi nói về những điểm nhấn trong hoạt động đào tạo, TS. Hoàng Văn Quynh - Phó trưởng phòng Đào tạo cho rằng hoạt động truyền thông là nhân tố quan trọng mang đến thành công trong công tác tuyển sinh đại học năm vừa qua. So với các năm trước, công tác quảng bá và tư vấn tuyển sinh  (TVTS) năm 2019 được chú trọng đầu tư mạnh mẽ hơn. Đặc biệt, sự xuất hiện đúng thời điểm của các thầy cô tham gia TVTS và quảng bá hình ảnh trường trên các cơ quan báo đài lớn như VTV, VOV, VTC, Giáo dục, Dân trí ... đã tạo hiệu ứng tốt.

TS. Đỗ Văn Hùng - Trưởng khoa Thông tin - Thư viện chia sẻ về một số kinh nghiệm trong công tác tuyển sinh ngành Quản lý thông tin hệ CLC theo thông tư 23 của Bộ GD&ĐT tại Hội nghị. Thầy chia sẻ: Tuyển sinh cũng tương tự như một doanh nghiệp tìm cách tiếp thị sản phẩm của, đó là phải lấy khách hàng làm trung tâm, luôn tâm niệm là  sản phẩm hay dịch vụ của mình phải thực sự mang tới những giá trị đích thực cho khách hàng. Hoạt động quảng bá cho ngành học Quản lý thông tin CLC được triển khai chủ yếu trên nền tảng online: website, facebook, youtube, livestream ... Khoa cũng tham gia tích cực vào các talkshow TVTS trên truyền thông để thông tin về ngành học mới tới thí sinh trên tinh thần: chân thành, thông tin cập nhật và rõ ràng, thấu hiểu nhu cầu người học.

Hoạt động TVTS còn thực hiện bền bỉ trong suốt thời gian từ tháng 1 đến hết tháng 8/2019, từ trước khi thí sinh đăng ký dự thi, đăng ký xét tuyển đến khi có kết quả thi THPT quốc gia và cả trong quá trình nhập học vào trường. Nhà trường lần đầu tiên thành lập Ban Truyền thông tuyển sinh với vai trò làm đầu mối triển khai công tác truyền thông và TVTS trong toàn trường. Năm nay cũng đánh dấu sự vào cuộc mạnh mẽ nhất từ trước đến nay của các đơn vị đào tạo, nhất là các đơn vị lần đầu tuyển sinh CTĐT CLC. Với sự đầu tư tốt trong quảng bá và TVTS của Khoa Thông tin - Thư viện thì số lượng nguyện vọng đăng ký vào ngành Quản lý thông tin đã tăng 5,5 lần so với năm 2018. Đây là một ví dụ điển hình cho hiệu quả của truyền thông trong công tác tuyển sinh của đơn vị.

Bên cạnh đó, bộ phận tuyển sinh còn tổ chức thiết kế và xây dựng mới Cổng thông tin tuyển sinh, hệ thống lại toàn bộ nội dung thông tin, cập nhật liên tục các thông tin tuyển sinh mới, bổ sung nhiều bài viết về tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu ngành nghề, tra cứu kết quả thi... Trong những ngày cao điểm có  hơn 20.000 lượt truy cập trang web Tuyển sinh của trường.

TVTS còn được đẩy mạnh qua fanpage TVTS với hơn 30 nghìn lượt theo dõi và fanpage Trường ĐHKHXH&NV với hơn 90 nghìn lượt theo dõi. Nhận thấy hiệu quả tích cực của truyền thông online, từ năm 2018, bộ phận tuyển sinh đã tăng cường hình thức quảng bá thông tin tuyển sinh có trả phí qua fanpage để tương tác tốt hơn với thí sinh. Ngoài ra, các fanpage của ĐHQGHN, các đơn vị đào tạo, của Đoàn - Hội sinh viên, fanpage của chương trình Đại sứ sinh viên cũng tích cực cập nhật thông tin để hỗ trợ thí sinh suốt mùa tuyển sinh.

TS. Nguyễn  Sơn Minh (Viện phó Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông) (phải) chia sẻ kinh nghiệm của Viện trong công tác tuyển sinh sau đại học. Năm 2018, Viện Đào tạo báo chí và Truyền thông tuyển sinh thành công hai lớp Cao học tại Vĩnh Long và Cà Mau với tổng sĩ số 100 học viên. Năm 2019, Viện tiếp tục mở  lớp ThS ứng dụng tại Vĩnh Long, Bình  Dương và Đà  Nẵng, với tổng số học viên hơn 100 người. Để có được những kết quả trên, Viện đã tích cực xây dựng mối quan hệ gắn bó với Tỉnh ủy, UBND và các ban ngành địa phương, đặc biệt là những cơ quan báo chí và quản lý báo chí ở địa phương; lồng ghép việc tuyển sinh với các hoạt động chuyên môn tại các tỉnh, thành (như nghiên cứu, tư vấn truyền thông) để vừa nâng cao vị thế của cơ sở đào tạo, vừa gợi mở các cơ hội hợp tác khác.

Kết quả khảo sát các kênh tiếp cận thông tin tuyển sinh của Trường do Phòng Đào tạo thực hiện cho thấy vai trò nổi bật của các kênh thông tin trực tuyến, đặc biệt là website tuyển sinh và fanpage Tư vấn tuyển sinh của Nhà trường. Theo đó, thí sinh tiếp cận thông tin từ website tuyển sinh chiếm 58,9%, từ fanpage Tư vấn tuyển sinh là 42,4%, từ Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo là 25,5%, trên các website và các kênh thông tin khác là 34,9%.

Các hoạt động TVTS tại các địa phương được cũng mở rộng: tham gia các chương trình tư vấn tuyển sinh do Báo Tuổi trẻ và ĐHQGHN tổ chức tại 6 tỉnh, thành phố; đưa chương trình Đại sứ sinh viên đến hơn 120 trường THPT ở 17 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.

Giữ vững đà phát triển

Đề xuất phương hướng hoạt động tuyển sinh năm tới, bộ phận Tuyển sinh đề nghị cần tiếp tục đầu tư xây dựng và cải tiến nội dung, giao diện của website tuyển sinh, quảng cáo website qua các công cụ tìm kiếm trực tuyến như google, facebook...; tiếp tục duy trì và phát triển chuyên trang TVTS trên facebook, quảng cáo trả phí để tăng lượt theo dõi; xây dựng các nội dung quảng bá trên các mạng xã hội nhiều người theo dõi như youtube, intasgram...; xây dựng một số nội dung chuyên đề về tuyển sinh để đưa lên các báo điện tử lớn và các công thông tin tuyển sinh của ĐHQGHN, Bộ Giáo dục và Đào tạo... Bên cạnh đó, các đơn vị cần chủ động xây dựng các sản phẩm quảng bá tuyển sinh riêng về ngành học của mình. Nhà trường cần tiếp tục tận dụng tối đa các kênh truyền thông khác: như tham gia các chương trình tư vấn trực tuyến trên truyền hình, chương trình tư vấn trực tuyến của ĐHQGHN, của các trường THPT và các địa phương.

GS.TS Hoàng Anh Tuấn - Phó Hiệu trưởng Nhà trường kết luận tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị Công tác Đào tạo 2019, Phó Hiệu trưởng Hoàng Anh Tuấn khẳng định: Hoạt động tư vấn và quảng bá tuyển sinh đã đi đúng hướng, có hiệu quả cao, đặc biệt là các kênh trực tuyến như website, facebook ngày càng đóng vai trò quan trọng, có sức lan tỏa rộng và là nguồn tìm kiếm thông tin chính cho thi sinh. Bên cạnh đó cần biểu dương sự nỗ lực của một số đơn vị trong việc đa dạng hóa cách tiếp cận thí sinh tiềm năng của mình và có chiến dịch truyền thông bài bản. Trong năm tới, công tác tuyển sinh cần tiếp tục theo hướng Giữ vững số lượng - Nâng cao chất lượng. Những thành công trong truyền thông tuyển sinh đại học sẽ được nghiên cứu áp dụng cho tuyển sinh sau đại học.

Các kết luận của Phó Hiệu trưởng Hoàng Anh Tuấn tại Hội nghị:

1. Tiếp tục duy trì sự ổn định trong công tác tuyển sinh các bậc và các hệ trong năm 2020: ổn định chỉ tiêu; tiếp tục đổi mới công tác quảng bá tuyển sinh đại học theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ truyền thông; tiếp tục phát huy vai trò của “Đại sứ sinh viên” trong tuyển sinh và đào tạo; tăng cường đầu tư cho công tác tuyển sinh sau đại học.

2. Hoàn thành xây dựng lịch trình giảng dạy cho các chương trình cử nhân được điều chỉnh trong năm 2019 theo hướng đảm bảo quy chế, tăng hiệu quả trong tổ chức giảng dạy, tăng tính tự chủ cho sinh viên trong việc đăng ký học phần trên cơ sở tư vấn sát sao của đội ngũ cố vấn học tập và giáo viên chủ nhiệm lớp.

3. Hoàn thành việc mở mới các ngành cử nhân “Văn hóa học” và “Hàn Quốc học”, các chuyên ngành thạc sỹ “Quản trị Báo chí - Truyền thông” và “Quản trị văn phòng” (định hướng ứng dụng) để bắt đầu tuyển sinh từ năm 2020. Tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch ngành và chuyên ngành theo hướng thực chất và khả thi.

4. Tập trung đầu tư các nguồn lực để nâng cao chất lượng dạy - học trong khuôn khổ thực hiện Kế hoạch Đổi mới hoạt động giảng dạy của Nhà trường đến năm 2025, tập trung vào 2 nhiệm vụ trọng tâm: 1) Tiếp tục tổ chức các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ giảng dạy hiện đại cho giảng viên của Nhà trường; 2) Triển khai từng bước kế hoạch “công nghệ hóa” hoạt động động giảng dạy, ưu tiên thực hiện một số video bài giảng để hỗ trợ cho các học phần chung, tạo tiền đề cho kế hoạch đẩy mạnh ứng dụng công nghệ dạy - học tại Nhà trường trong những năm tới.   

5. Tiếp tục chuẩn hóa hoạt động tổ chức quản lý đào tạo sau đại học trên cơ sở các kết quả tích cực của kế hoạch “quy trình hóa hoạt động đào tạo sau đại học” đã được triển khai thành công tại Nhà trường trong thời gian qua. Triển khai rà soát và đánh giá các nhóm chuyên ngành khó tuyển sinh trong 3 năm liên tục để báo cáo Đảng ủy - Ban Giám hiệu, đề xuất hệ giải pháp điều chỉnh theo hướng tích hợp một số chuyên ngành quá hẹp, tiến tới tổ chức tái cơ cấu hệ thống các chuyên ngành đào tạo sau đại học của Nhà trường phù hợp với nhu cầu xã hội và xu hướng phát triển phổ biến của khoa học xã hội và nhân văn trên thế giới hiện nay.

Tác giả: Thanh Hà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây