Tin tức

Xã hội càng "trí tuệ nhân tạo" sẽ càng cần "nhân văn số"

Thứ sáu - 04/10/2019 04:42
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã đặt giáo dục đại học Việt Nam trước những thử thách lớn để bắt kịp với xu thế nhân lực lao động trong tương lai. Khoa học - công nghệ có vai trò lớn trong xã hội trí tuệ nhân tạo, vậy lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn có vị trí như thế nào trong giáo dục - đào tạo và nhân lực lao động? Phóng viên đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Hoàng Anh Tuấn (Phó Hiệu trưởng phụ trách đào tạo và công tác sinh viên của Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN) về vấn đề này.
Xã hội càng
Xã hội càng "trí tuệ nhân tạo" sẽ càng cần "nhân văn số"

Con người vẫn là trung tâm của xã hội trí tuệ nhân tạo

Phóng viên: Trí tuệ nhân tạo và rô-bốt đang thâm nhập ngày càng sâu rộng vào nhiều lĩnh vực của cuộc sống con người, Ông nhận định như thế nào về nguy cơ đối với các khu vực việc làm trong thời gian tới?

PGS.TS Hoàng Anh Tuấn: Rô-bốt dưới dạng thức đơn giản vốn đã hiện diện từ khá lâu trong một số lĩnh vực sản xuất, ngày càng trở nên tinh xảo, nhất là trên nền tảng nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo hiện nay.

Trong vài năm trở lại đây, ở các nước phát triển, rô-bốt không chỉ giới hạn trong khu vực sản xuất mà còn phổ biến ở các lĩnh vực dịch vụ như lễ tân, khách sạn, thư viện... Thậm chí, rô-bốt đã bắt đầu thực hiện những việc tưởng như chỉ con người mới có thể làm được: phẫu thuật y học, tư vấn luật, giảng bài, giảng kinh thay cho sư tăng…

Ngay tại Việt Nam, rô-bốt đã làm thay chức năng của nhân viên trong thư viện.  Như vậy để thấy viễn cảnh rô-bốt thay thế hoàn toàn con người trong một số lĩnh vực kỹ thuật không còn xa nữa.

Một số lượng lớn vị trí việc làm bị thay thế hoàn toàn bởi rô-bốt, nhất là những lĩnh vực lao động giản đơn. Điều này đồng nghĩa với việc những thị trường lao động trình độ thấp (như Việt Nam) sẽ không còn là lợi thế cạnh tranh trong xã hội 4.0.

Nhưng nói như vậy không có nghĩa là rô-bốt có thể thay thế mọi lĩnh vực. Trí tuệ nhân tạo có thông minh và ưu việt đến đâu vẫn chỉ là phương tiện phục vụ con người.

Con người vẫn sẽ ở vị trí trung tâm của xã hội trí tuệ nhân tạo, nhưng mỗi cá nhân sẽ phải nỗ lực hơn để theo kịp sự phát triển của công nghệ.

Xã hội càng trí tuệ nhân tạo sẽ càng cần nhân văn số - 2

Rô-bốt thay thế nhân viên thư viện (nguồn: internet)

Giáo dục - đào tạo: Từ STEM sang STEAM

Phóng viên: Nói như vậy nghĩa là khoa học - công nghệ đang và sẽ có vai trò lớn trong xã hội trí tuệ nhân tạo, vậy lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn có vị trí như thế nào trong giáo dục - đào tạo và nhân lực lao động, thưa ông? 

PGS.TS Hoàng Anh Tuấn: Có một thực tế là trong những năm qua, phương diện khoa học - công nghệ được đặc biệt đầu tư trong hoạt động giáo dục và đào tạo của thế giới nói chung.

Mô hình giáo dục STEM (Science: Khoa học; Technology: Công nghệ; Engineering: Kỹ thuật; Mathematics: Toán học) biểu hiện rõ nhất cho xu hướng này.

Theo số liệu thống kê năm 2016, các quốc gia phát triển mạnh nhất về STEM có số học sinh – sinh viên tốt nghiệp hàng năm là: Trung Quốc (4,7 triệu), Ấn Độ (2,6 triệu), Hoa Kỳ (0,568 triệu), Nga (0,561 triệu), Iran (0,335 triệu)…Ở Việt Nam, mô hình giáo dục STEM thịnh hành trong khoảng một thập kỷ qua, đặc biệt là ở các trường tại địa bàn đô thị.

Nhưng cũng từ vài năm gần đây, mô hình STEM bộc lộ tính mất cân đối bởi xu hướng “duy kỹ” của nó. Người ta đang hướng đến mô hình STEAM (hoặc STEMA) có tính cân bằng và hoàn thiện hơn. STEAM đơn giản là STEM + Arts (nghệ thuật, nhân văn).

Với sự bổ sung khối kiến thức xã hội - nhân văn (triết học, đạo đức, lịch sử, ngôn ngữ, văn chương…), nội dung giáo dục – đào tạo của STEMA trở nên toàn diện và ưu việt hơn, bởi chúng ta đều biết bất kỳ nền khoa học công nghệ nào cũng được xây dựng và điều phối để phục vụ con người.

Hội nghị thượng đỉnh đổi mới giáo dục thế giới (WISE) và Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) đã và đang chủ trì nhiều thảo luận liên quan đến vai trò của các ngành xã hội và nhân văn trong xu hướng phát triển toàn diện của nền giáo dục và nghề nghiệp trong tương lai. 

Ở Việt Nam hiện nay, nhiều cơ sở giáo dục từ phổ thông đến đại học đã bắt đầu quan tâm chuyển đổi sang mô hình STEAM…Như vậy để thấy rằng sự cân bằng giữa khoa học - công nghệ với nhân văn - nghệ thuật đang và sẽ tiếp tục là xu thế thịnh hành của giáo dục thế giới trong thời gian tới.

PGS.TS Hoàng Anh Tuấn

“Xã hội số” đòi hỏi “Nhân văn số”

Phóng viên: Như vậy là lĩnh vực nhân văn đang được giáo dục thế giới nhìn nhận là rất quan trọng, có nhiều cơ hội để phát triển trong bối cảnh bùng nổ của xã hội trí tuệ nhân tạo?

PGS.TS Hoàng Anh Tuấn: Đúng là các lĩnh vực của khoa học xã hội và nhân văn đang có cơ hội rất rõ ràng trong tổng thể nền giáo dục và hoạt động xã hội hiện nay.

Tuy nhiên, cơ hội mới chỉ là cơ hội. Để biến cơ hội thành hiện thực, các đơn vị đào tạo cần quyết tâm đổi mới, hội nhập và nắm bắt xu thế hiện nay mới có thể đáp ứng được những yêu cầu rất mới và rất khác của thị trường nhân lực trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang thay đổi rất nhiều tiêu chuẩn về nghề nghiệp.

Nói một cách đơn giản, “xã hội số” đòi hỏi một nền “nhân văn số” tương thích để có thể hòa hợp phát triển.

Phóng viên: Vậy “nhân văn số” là gì, thách thức thế nào trong việc đổi mới để nắm bắt nó, thưa ông?

PGS.TS Hoàng Anh Tuấn: Nhân văn số (digital humanities) là một khái niệm tương đối mới ở Việt Nam.

Hiểu một cách đơn giản, nhân văn số là một nền khoa học xã hội – nhân văn đáp ứng tiêu chuẩn của kỷ nguyên số hiện nay, theo đó nó đòi hỏi một sự đổi mới mang tính đột phá trong việc hài hòa hóa các giá trị khoa học truyền thống với những phương pháp nghiên cứu hiện đại, liên ngành, ứng dụng công nghệ hiện đại, phần mềm xử lý dữ liệu…

Chẳng hạn, sử học và bảo tồn di tích ứng dụng các phương pháp nhân văn số để tăng tính chính xác và độ hấp dẫn.

Dự án “Cỗ máy thời gian Venice” ở Ý là một ví dụ sinh động về tính ưu việt của nhân văn số. Dự án này thu thập và kết nối tất cả các thông tin, tư liệu, di sản văn hóa… về thành phố Venice vào trong một kho dữ liệu mở trên mạng… 

Trong các lĩnh vực chuyên sâu khác mang tính truyền thống như Văn học, Ngôn ngữ, Nhân học hoặc Triết học, ứng dụng nhân văn số vào nghiên cứu, đào tạo và xuất bản cũng đã cho những kết quả hết sức ấn tượng.

Thực ra, những dạng thức sơ giản của Nhân văn số đã được các chuyên gia khoa học xã hội và nhân văn sử dụng từ nhiều năm qua (máy tính, trình chiếu, đồ họa, dữ liệu mạng…).

Tuy nhiên, trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của khoa học số hiện nay, những ứng dụng đó đã trở nên quá lỗi thời. Thực tiễn phát triển quá nhanh và mạnh mẽ của nhân văn số hiện nay buộc mỗi cá nhân hoạt động trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn cần ý thức cập nhật và ứng dụng các phương pháp mới vào hoạt động nghiên cứu, giảng dạy, xuất bản…

Xã hội càng trí tuệ nhân tạo sẽ càng cần nhân văn số - 4

 “Venice Time Machine”: dự án nhân văn số thành công ngoài mong đợi, không chỉ ở giá trị sử học và bảo tồn di sản…mà còn thúc đẩy ngành du lịch (Ảnh: Internet)

Chuẩn nhân lực 4.0: thay KAS bằng KASH

Phóng viên: Theo nhận định của ông thì nhân văn số rõ ràng là xu hướng khó có thể cưỡng lại được, vậy từ góc độ người học, sinh viên lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn của Nhà trường cần hội tụ những điều kiện gì để có thể thành công trong xã hội số?

PGS.TS Hoàng Anh Tuấn: Tôi đã có dịp trao đổi về vấn đề nguồn nhân lực trong xã hội 4.0 và từng khẳng định về tầm quan trọng của mô hình KAS vốn đã được các thị trường lao động quốc tế áp dụng rộng rãi. KAS là hệ 3 tiêu chí chính để đo chất lượng nguồn nhân lực, gồm: kiến thức (Knowledge), thái độ (Attitude), và các kỹ năng (Skills).

Trong suốt nhiều thập kỷ trước đây, giáo dục đại học ở Việt Nam thường chỉ tập trung vào việc trao truyền kiến thức cho sinh viên. Phải khẳng định rằng kiến thức đương nhiên rất quan trọng trong giáo dục đại học ngày nay.

Tuy nhiên, kiến thức chỉ là một trong những thành tố tạo nên thành công của người học, nhất là trong bối cảnh tri thức số đã tạo ra một môi trường tự học và tự khai thác kiến thức gần như không giới hạn thông qua các nguồn học liệu mở trên internet.

Cùng với đó, các tiêu chí về nghề nghiệp hiện đại ngày càng mang tính liên ngành, xuyên lĩnh vực, ứng dụng công nghệ và mạng hóa…đòi hỏi hệ các kỹ năng phức hợp, tính thích ứng cao từ người lao động.

Đồng thời có thái độ tích cực, tư duy phản biện được coi là cơ sở thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo trên nền tảng tri thức và hệ kỹ năng đã có, là động lực thúc đẩy sự phát triển xã hội.

Gần đây, chuyên gia giáo dục thế giới đề cập đến thành tố thứ tư là thói quen (Habits), tạo thành mô hình KASH, thay thế cho mô hình KAS trước đó.

Hệ những thói quen tốt quyết định rất nhiều đến thành công của con người về lâu dài (từ thói quen đời thường là sự ngăn nắp, tính nguyên tắc, thói quen tập luyện… đến thói quen đọc sách, học tập suốt đời).

Ở một số nền giáo dục tiên tiến ở Âu - Mỹ ngày nay, người ta chú trọng đến xu hướng giáo dục thói quen thành công (Habits of Success) cho học sinh và sinh viên thay vì chỉ chăm chăm dạy kiến thức. Chuyên gia tin rằng thói quen thành công sẽ giúp con người học tập suốt đời, thích ứng với mọi thay đổi về tri thức và nghề nghiệp.

Bởi lẽ đó, tôi tin rằng, sinh viên tốt nghiệp với KASH trong tay không chỉ đảm bảo cơ hội nghề nghiệp trên thị trường lao động đầy tính cạnh tranh và biến đổi vô lường hiện nay, mà còn có nền tảng vững chắc để đảm bảo thành công về lâu dài.

Các trường đại học, vì vậy, cần nắm bắt xu thế này để có chiến lược đào tạo và hỗ trợ phù hợp cho sinh viên.

 

Tác giả: Thùy Dương (VNUMedia)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây