Ngôn ngữ
|
Chia sẻ với các giảng viên tại Hội nghị, GS.TS Phạm Quang Minh - Hiệu trưởng Nhà trường cho rằng đổi mới phải là công việc thường xuyên và liên tục, đặc biệt là đối với các giảng viên đại học với hai nhiệm vụ chính là giảng dạy và nghiên cứu. Nhưng đổi mới cũng không phải là điều gì đó quá to tát, mà đôi khi chỉ là những việc hết sức gần gũi với chúng ta. Đó là mỗi ngày các thầy cô hãy cố gắng đem đến một điều mới trong bài giảng của mình; là tâm niệm không bao giờ để sinh viên phải buồn ngủ trong mỗi giờ học; luôn tự hỏi mình đã thực sự thấu hiểu nguyện vọng và nhu cầu của sinh viên chưa; hay đã hết lòng chưa trong quá trình đồng hành, hợp tác và chia sẻ với các em...
Trong lĩnh vực quản lý đào tạo, GS Hiệu trưởng cho rằng còn rất nhiều khoảng trống cho việc đổi mới tư duy quản lý, từ việc sắp xếp lịch học sao cho linh hoạt và phù hợp với sinh viên, phát triển mạnh hơn nữa các học phần dạy bằng tiếng Anh phục vụ mục tiêu hội nhập hay có giải pháp cho việc thu hút học viên nước ngoài vào trường - một hướng mở rất giàu tiềm năng cho công tác đào tạo tại trường hiện nay.
TS. Lư Thị Thanh Lê (giảng viên Khoa Văn học) thì chia sẻ những thôi thúc và cảm xúc tích cực trong công việc và cuộc sống sau khi là một trong những giảng viên đầu tiên được tham gia khoá học VIBE - nâng cao năng lực giảng dạy và quản lý theo phương pháp tiếp cận tư duy đổi mới sáng tạo do ĐHQGHN và Đại học Dulbin (Ireland) tổ chức. Những kiến thức tiếp thu được từ khoá học khiến giảng viên trẻ có động lực phải thay đổi cũng như mang đến những góc nhìn hoàn toàn mới đối với công việc giảng dạy của mình.
"Tôi nhận ra rằng giảng dạy hiện nay mới chỉ chú trọng đến việc truyền thụ kiến thức chứ chưa chú trọng đến việc phát triển kỹ năng và giúp cho người học sáng tạo hơn, thích ứng hơn với thực tiễn thay đổi của cuộc sống. Kiến thức đã không còn là trung tâm của hoạt động giáo dục nữa và việc xây dựng được những kỹ năng và thói quen tốt mới quyết định sự thành công" - TS. Lê nói.
Chính sự phát triển của công nghệ đã làm thay đổi triết lý giáo dục theo hướng cá nhân hoá. Vì mỗi cá nhân luôn khác nhau về trình độ, nền tảng, cá tính, mong muốn nên mục tiêu của giáo dục đã chuyển hướng là giúp những người có xuất phát điểm thấp hơn hoàn thành mục tiêu học tập và bắt kịp người khác. Theo đó, sinh viên được học tốt nhất khi cho họ cơ hội giải quyết các vấn đề thực tiễn. Và vai trò của người thầy trong thế kỷ 21 đã chuyển từ người truyền thụ kiến thức thành người đồng hành, dẫn dắt và truyền cảm hứng.
Từ đó, TS. Lư Thị Thanh Lê đưa ra những gợi ý cho hoạt động đổi mới giảng dạy của Nhà trường, đó là tiến tới cung cấp dịch vụ giáo dục mang tính cá thể hoá ở quy mô lớn, giúp hỗ trợ việc học tập theo trình độ và nhu cầu của từng cá nhân. Quá trình giảng dạy phải đề cao sự tương tác giữa thầy và trò, giúp thúc đẩy hình thành các kỹ năng giao tiếp, hợp tác, phát triển bản thân, đặc biệt là khả năng sáng tạo và thích nghi...
Từ góc độ quản lý, ThS. Nguyễn Tích Nghị - Phó phòng Tổ chức cán bộ thông tin: Hoạt động đổi mới trong giảng dạy tại Trường đã diễn ra từ nhiều năm trước nhưng chưa trở nên rầm rộ, mạnh mẽ và bám sát chủ trương chung của ĐHQGHN như hiện nay. "Đổi mới hoạt động giảng dạy cần có sự đổi mới đồng bộ về cả chương trình đào tạo, hệ thống học liệu, cơ sở hạ tầng, internet... Nhưng yếu tố quan trọng nhất vẫn là đổi mới phương pháp và nâng cao năng lực giảng dạy của đội ngũ giảng viên".
Trường ĐHKHXH&NV hiện có 361 giảng viên, trong đó có 14 GS, 89 PGS, 153 TS. Lực lượng giảng viên từ 45 tuổi trở xuống chiếm 71%. Đội ngũ nhân lực chất lượng cao, trình độ cao cũng là một lợi thế lớn để bắt kịp tư duy đổi mới sáng tạo của thời đại. ThS. Nguyễn Tích Nghị đề nghị: để nâng cao năng lực giảng viên và đổi mới hoạt động giảng dạy, cần thống nhất chủ trương, tư tưởng ở các cấp và cho đến từng giảng viên; đa dạng các phương thức truyền thông, lan toả tinh thần này trong toàn trường.
Vừa qua, 20 giảng viên của Trường đã được tham gia khoá học sáng tạo VIBE và họ tiếp tục là hạt nhân để tổ chức rất thành công khoá học về nhà giáo dục khởi nghiệp sáng tạo tại Trường ĐHKHXH&NV vừa qua. Sắp tới 4 khoá học tiếp theo về chủ dề này sẽ được triển khai, hứa hẹn là một kênh lan toả tinh thần đổi mới sáng tạo trong cán bộ, giảng viên.
Đóng góp một góc nhìn mang tính kỹ thuật cho đổi mới, TS. Đào Minh Quân - Phó trưởng phòng Đào tạo trình bày tham luận về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng video bài giảng với quan điểm: Hiệu quả trong giảng dạy qua bài giảng video là lớn và làm thay đổi cách thức giảng dạy truyền thống theo hướng tich cực. Trước hết, cách dạy này phù hợp với những lớp có sĩ số đông; hai là giúp truyền tải kiến thức trực quan và khoa học; ba là giúp người học có thể học ở bất cứ đâu, bất cứ khi nào và củng cố kiến thức dễ dàng.
Diễn giải thêm, TS. Đào Minh Quân gọi đó là "lớp học đảo ngược" khi so sánh sự khác nhau giữa một bên là mô hình truyền thống với giáo viên chuẩn bị giáo án trên lớn, sinh viên học trên lớp và được giao bài tập về nhà; với một bên là giảng viên xây dựng các video bài giảng để học viên xem trước ở nhà và đến lớp chỉ để thảo luận với thầy cô.
Kết luận tại Hội nghị, Phó Hiệu trưởng Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh rằng đổi mới tiếp tục là hướng đi trọng tâm trong mọi khâu của hoạt động đào tạo trong Nhà trường năm học tới. Trọng tâm của công tác đào tạo năm 2020 là hoàn thiện "quy trình hoá" trong quản lý và đầu tư "công nghệ hoá" cho hoạt động giảng dạy của giảng viên. Định hướng này được áp dụng cho cả bậc đào tạo đại học và sau đại học. Cuối cùng Phó Hiệu trưởng nhấn mạnh rằng để đổi mới có hiệu quả thì trước hết đổi mới phải xuất phát từ ý chí và nguyện vọng của các thầy cô; cộng với những bước đi cụ thể và quyết liệt để biến những mong muốn và ý tưởng trở thành những kết quả nhìn thấy được trong thực tiễn.
Kết luận của Phó Hiệu trưởng Hoàng Anh Tuấn tại Hội nghị: 1. Tiếp tục duy trì sự ổn định trong công tác tuyển sinh các bậc và các hệ trong năm 2020: ổn định chỉ tiêu; tiếp tục đổi mới công tác quảng bá tuyển sinh đại học theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ truyền thông; tiếp tục phát huy vai trò của “Đại sứ sinh viên” trong tuyển sinh và đào tạo; tăng cường đầu tư cho công tác tuyển sinh sau đại học. 2. Hoàn thành xây dựng lịch trình giảng dạy cho các chương trình cử nhân được điều chỉnh trong năm 2019 theo hướng đảm bảo quy chế, tăng hiệu quả trong tổ chức giảng dạy, tăng tính tự chủ cho sinh viên trong việc đăng ký học phần trên cơ sở tư vấn sát sao của đội ngũ cố vấn học tập và giáo viên chủ nhiệm lớp. 3. Hoàn thành việc mở mới các ngành cử nhân “Văn hóa học” và “Hàn Quốc học”, các chuyên ngành thạc sỹ “Quản trị Báo chí - Truyền thông” và “Quản trị văn phòng” (định hướng ứng dụng) để bắt đầu tuyển sinh từ năm 2020. Tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch ngành và chuyên ngành theo hướng thực chất và khả thi. 4. Tập trung đầu tư các nguồn lực để nâng cao chất lượng dạy - học trong khuôn khổ thực hiện Kế hoạch Đổi mới hoạt động giảng dạy của Nhà trường đến năm 2025, tập trung vào 2 nhiệm vụ trọng tâm: 1) Tiếp tục tổ chức các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ giảng dạy hiện đại cho giảng viên của Nhà trường; 2) Triển khai từng bước kế hoạch “công nghệ hóa” hoạt động động giảng dạy, ưu tiên thực hiện một số video bài giảng để hỗ trợ cho các học phần chung, tạo tiền đề cho kế hoạch đẩy mạnh ứng dụng công nghệ dạy - học tại Nhà trường trong những năm tới. 5. Tiếp tục chuẩn hóa hoạt động tổ chức quản lý đào tạo sau đại học trên cơ sở các kết quả tích cực của kế hoạch “quy trình hóa hoạt động đào tạo sau đại học” đã được triển khai thành công tại Nhà trường trong thời gian qua. Triển khai rà soát và đánh giá các nhóm chuyên ngành khó tuyển sinh trong 3 năm liên tục để báo cáo Đảng ủy - Ban Giám hiệu, đề xuất hệ giải pháp điều chỉnh theo hướng tích hợp một số chuyên ngành quá hẹp, tiến tới tổ chức tái cơ cấu hệ thống các chuyên ngành đào tạo sau đại học của Nhà trường phù hợp với nhu cầu xã hội và xu hướng phát triển phổ biến của khoa học xã hội và nhân văn trên thế giới hiện nay. |
Tác giả: Thanh Hà, Nguyễn Văn Hồng