Ngôn ngữ
Thời gian thấm thoát trôi, mới ngày nào vẫn còn là một cô bé được bố mẹ săn sóc từng chút một vậy mà bây giờ tôi đã là cô sinh viên năm ba của trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn. Ba năm so với cuộc đời một con người không phải là quãng thời gian quá dài, song ba năm tại mái trường này đã tạo ra những thay đổi lớn trong cuộc đời tôi.
Hồi còn là học sinh, tôi luôn mơ ước được trở thành sinh viên của trường Nhân Văn, là sinh viên của một ngôi trường có bề dày lịch sử, nơi đã đào tạo biết bao anh tài cho đất nước. Và rồi mơ ước đó đã thành sự thật, tôi không bao giờ có thể quên được cảm giác cầm trên tay tờ giấy trúng tuyển của trường, cảm giác hạnh phúc ngập tràn, không có lời nào có thể diễn tả được cảm xúc của tôi lúc đó. Rồi ngày đầu tiên đặt chân đến trường đại học cũng đến, hôm đấy bố con tôi dậy thật sớm, ăn sáng rồi bố đưa tôi đến trường làm thủ tục. Lúc đó, tôi thực sự đã rất ngạc nhiên khi biết rằng bố tôi sẽ chờ ở ngoài, và tôi sẽ vào trong đó làm thủ tục một mình, tôi sẽ tự cầm một số tiền lớn và tất cả giấy tờ quan trọng của mình. Mới tối hôm qua bố vẫn sang phòng nhắc nhở tôi kiểm tra lại giấy tờ đã đầy đủ chưa, còn thiếu gì nữa không, vậy mà hôm nay tôi sẽ phải tự làm mọi chuyện, không có bố. Thế là tôi đã là sinh viên rồi đó, từ giờ trở đi, tôi sẽ phải tự mình bước đi trên con đường này, bố mẹ sẽ không bước cùng tôi nữa, bây giờ, họ sẽ chỉ đứng đó và dõi theo tôi thôi. Tôi sẽ phải tự bước đi, tự quyết định, tự chịu trách nhiệm cho cuộc đời của mình. Tôi đã là người lớn rồi.
Dần dần, tôi cũng thích ứng với cuộc sống tại Nhân văn, tôi nhanh chóng kết bạn, bắt kịp với cách học tín chỉ và cách đăng ký tín chỉ. Lần đầu tiên trong cuộc đời, tôi thức nguyên đêm, ngồi bên máy tính, mắt không rời khỏi màn hình, tay không rời chuột và nút f5. Dù tôi van nài, kêu khóc thế nào, bác “portal” mỉm cười hiền hòa không quên nói “vui lòng quay lại sau”. Nhưng như vậy vẫn còn hạnh phúc, có khi bác còn đóng cửa cái rầm, mặc cho nhưng đôi mắt ngơ ngác không hiểu chuyện gì xảy ra. Rồi một khi đã qua “cửa” thì “chuột” được hoạt động hết tốc lực, ai cũng ra sức “kích”, tiếp đó là những lời cầu nguyện để hy vọng ghi nhận thành công. Đến hẹn lại lên, một năm hai lần, bác chẳng trễ hẹn bao giờ, nhờ có bác mà facebook có dịp nhộn nhịp, anh em có dịp hội ngộ, đi đăng ký tín chỉ vui nhưđi hội. Có lẽ rằng, 10 năm hay 20 năm nữa, trong mỗi buổi họp lớp, vẫn sẽ nhắc đến chuyện đăng ký tín chỉ, nhắc đến những ngày cùng nhau thức đêm, cùng nhau “kích chuột”, cùng nhau chen chân vào cái cửa bé tẹo, cùng nhau khóc lóc khi thấy “portal” sập, cùng nhau cười vang khi đăng ký thành công…
Ở mái trường Nhân Văn, điều mà tôi ấn tượng nhất đó chính là đội ngũ giảng viên của trường. Tôi ấn tượng với thầy cô không chỉ vì thầy cô có kiến thức khoa học rất sâu và rộng mà còn vì thầy cô luôn tận tình giúp đỡ sinh viên. Tôi vẫn còn nhớ khi khoa phát động làm nghiên cứu khoa học, tôi cùng đứa bạn cũng học đòi, tham gia dù chỉ mới chân ướt chân ráo, học được vài khái niệm tâm lý đơn giản. Hai đứa hý hứng lắm, viễn cảnh lúc đó cũng lớn lao lắm chứ, nhưng cuối cùng lại thu gọn trong một lĩnh vực bé tẹo, vậy mà cũng chật vật làm không xong, động vào cái gì cũng không biết, động vào cái gì cũng phải giải thích lại từ đầu. Hơn một lần, hai đứa cảm thấy mệt mỏi, muốn bỏ cuộc, muốn dừng lại ở đây. Hơn nữa, các nhóm khác trong lớp cũng đã bỏ cuộc hết rồi, chỉ còn lại hai đứa thôi; điều đó càng khiến cho hai đứa đã nản lại càng thêm nản. Lúc đó, điều giúp hai đứa có đủ nghị lực để bước tiếp, đi đến hết con đường chính là sự nhiệt tình của giảng viên hướng dẫn. Dù hai đứa hỏi cái gì cũng không biết, vụng hết chỗ nói, nhưng thầy vẫn ân cần chỉ bảo, từng chút một từng chút một. Nhờ sự giúp đỡ tận tình của thầy, hai đứa đã hoàn thành công trình nghiên cứu của mình, dù vẫn còn nhiều điểm chưa thật tốt nhưng tôi hài lòng với công trình của mình, chúng tôi đã không bỏ cuộc mà tiếp tục đến cùng.
Trong ba năm học, cũng có những lúc tôi cảm thấy không hài lòng với chương trình đào tạo của trường. Những người bạn của tôi, họ đều được tiếp cận với những kiến thức chuyên ngành rồi vậy mà tôi, đã năm ba rồi mà vẫn lởn vởn ở những môn đại cương, nào là xã hội học đại cương, tôn giáo học đại cương, nhân học đại cương, lịch sử Việt Nam đại cương… đến bao giờ tôi mới được học chuyên ngành? Tôi vào trường để trở thành nhà tâm lý học cơ mà, tôi có muốn trở thành nhà sử học hay nhà xã hội học đâu, sao mà tôi cứ phải học mấy môn này chứ? Câu hỏi đó cứ quanh quẩn trong đầu của tôi hết ngày này qua ngày khác, sự chán nản, khát khao muốn được học chuyên ngày của tôi ngày càng lớn. Sau đó tôi cũng đã tìm được câu trả lời cho bản thân mình … Một ngày kia, trong khi đi chơi với gia đình và những người bạn của bố mẹ, tôi đã khiến bố mẹ và các bác ngạc nhiên vì những kiến thức xã hội, khả năng phân tích các sự kiện xã hội của mình. Lúc đó tôi rất tự hào vì bản thân mình, tự hào vì mình là sinh viên Nhân Văn, nếu không là sinh viên Nhân Văn làm sao tôi biết được những kiến thức đó, làm sao tôi đưa ra được những lý luận sắc bén đến vậy.
Tại mái trường Nhân Văn, tôi không chỉ được học những kiến thức chuyên môn, mà còn đượchọc những bài học làm người. Thầy cô thường dạy “các em là sinh viên Nhân Văn thì phải sống sao cho xứng với hai chữ “Nhân văn”, là một người đẹp về cả ngoại hình và tâm hồn, là một người có ích cho xã hội”. Những lời thầy cô dạy, tôi sẽ mãi khắc ghi trong lòng. Tôi sẽ cố gắng sống và học tập để xứng đáng là sinh viên của Nhân Văn - trường đại học trọng điểm, đầu ngành, có uy tín và có truyền thống lâu đời.
Bao nhiêu đó chưa thể nói hết tình cảm của tôi với Nhân Văn. Ở đây, chúng tôi, từng thế hệ sinh viên được chắp thêm đôi cánh ước mơ để bước vào thế giới kì diệu. Mai này, dù có ra trường và trưởng thành thì tôi sẽ mãi nhớ về mái trường Nhân Văn yêu thương.
Tác giả: Lưu Ngọc Chinh - Tâm lý học K57
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn