Ngôn ngữ
“Em đâu có biết lúc mặt trời sinh ra
Mặt trời là nước mắt suốt cuộc đời mẹ cha”
Ước mơ ngày thơ bé thoắt hiện trong những giấc ngủ trưa hè bình yên và mát mẻ trong cơn gió từ tay mẹ. Lá cây xào xạc, đong đưa giữa bầu trời trong vắt của màu xanh: xanh của ước mơ, xanh của hi vọng. Trong giấc mơ thuần khiết và vụng dại, tôi từng ước mình được là một cô công chúa xinh đẹp trong câu chuyện mẹ kể. Tôi ước mơ trở thành phi công chu du khám phá biết bao vùng đất lạ. Tôi ước làm họa sĩ vẽ bao bức tranh tươi đẹp cho đời. Tôi đã mơ, biết bao điều lớn lao mà chính tôi cũng không biết chông gai thế nào để thực hiện được nó. Tôi đã ngỡ, sẽ mang theo ước mơ đó đến tận ngày lớn khôn. Ngờ đâu cuộc sống đã thay đổi nhiều thứ. Năm tôi ba tuổi ba bỏ đi.. Những thử thách đã ập đến và tôi đã bắt đầu biết trân trọng hai từ: ‘Ước mơ”. Cho tới tận bây giờ, trong tôi vẫn không thể quên đi kí ức đau buồn ấy và tự hứa sẽ trở thành một người tài giỏi, thành đạt để báo đáp công ơn của mẹ. Tôi đã cố gắng học để đỗ vào ngôi trường mình mơ ước và sau này ra trường có thể làm công việc mình yêu thích. Thế nên vào cái ngày nhận được giấy báo trúng tuyển của trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân Văn với ngành Quản trị văn phòng, tôi đã nhảy lên sung sướng, vui mừng và cảm thấy rất vinh dự vì đã trở thành sinh viên một đại học hàng đầu trong cả nước. Bước chân vào giảng đường đại học là một niềm hạnh phúc, là một sự công nhận cho 12 năm đèn sách vất vả. Tôi xem đó như một cái duyên đã đưa tôi đến với ngôi trường này và Khoa “Lưu trữ học & quản trị văn phòng”. Tôi yêu thích công việc của một nhà quản trị, một thủ lĩnh tài ba có thể dẫn dắt và làm chủ đám đông bằng cái tài và cái tâm của mình. Và cũng từ khi bước chân vào cánh cổng trường Nhân Văn, cuộc sống của tôi đã thay đổi từng ngày. Tôi đã được cô Phạm Diệu Linh dìu dắt từng bước và chọn làm bí thư lớp. Bên cạnh tôi là sự ủng hộ của bạn bè, những người bạn mới nhưng dường như đã thân từ thuở nào. Tôi cảm thấy mình đang dần trở lên tự lập dù cho đôi lúc tôi thấy thật mệt mỏi khi phải vật lộn trong những mối quan hệ đan xen phức tạp, những bài tập hóc búa và môi trường xa lạ không người thân chỉ dẫn nơi thủ đô xa hoa và tấp nập này.
Ngày đầu tiên nhập học, tôi được học những bài học về lịch sử truyền thống của trường qua mấy chục năm thăng trầm cùng những biến cố của dân tộc. Tôi đã rất xúc động và cảm thấy trân trọng ngôi trường thân yêu này vô cùng. Gợi nhớ một chặng đường, tôi càng tự hào với bước trưởng thành lớn mạnh của trường. Tôi không biết hết và càng không thể nhắc lại được hết những mốc lịch sử, những bước ngoặt lớn lao của nhà trường trong suốt chặng đường phát triển đan xen thách thức và chiến công. Không thể không tự hào trước hàng trăm công trình khoa học có giá trị, đã và đang phục vụ đắc lực sự nghiệp giải phóng dân tộc trước đây, cũng như công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc hôm nay. Nhưng cứ mỗi lần đi qua ngôi nhà truyền thống cổ kính nơi lưu giữ những tấm bằng khen, huân chương, huy chương, những sự kiện quan trọng của trường... là trong tôi lại tăng thêm ý chí phấn đấu, phải học tập, rèn luyện thật tốt để xứng đáng với ngôi trường uy nghiêm, cổ kính, với những gì tốt đẹp theo truyền thống xưa nay.
Mới ngày nào bước chân vào trường với biết bao bỡ ngỡ, tôi đã rất hoang mang lo sợ không biết mình có thể học tập tốt được không. Nhưng đến giờ, khi trải qua một học kì tôi đã quen dần với cách học ở trường Đại học. Tôi đặc biệt ấn tượng với lời dạy bảo của các thầy cô trong những buổi tọa đàm “Hành trang sinh viên” rằng “Đại học là tự học” và muốn lĩnh hội được nguồn tri thức chỉ có tự học mà thôi. Tôi cùng các bạn trong lớp đã có những đêm thức trắng nhiều đêm để ôn bài trước kì thi, cùng hồi hộp đợi chờ để đăng kí môn học, cùng lo lắng về kết quả kì thi. Rồi cũng có lúc rủ nhau đi Bờ Hồ ngắm cảnh, ăn kem Tràng Tiền và chơi những trò chơi tinh quái đậm chất sinh viên. Đó có lẽ sẽ là những giây phút chẳng thể nào quên được trong trái tim tôi.
Với mỗi người, ngôi trường mang những ý niệm riêng biệt. Là bởi nó gắn liền với chúng ta bằng những hồi ức riêng biệt. Nó là tương lai, là hiện tại hay quá khứ, tùy theo vị trí của chúng ta trên dòng thời gian. Đối với tôi ngôi trường Nhân Văn chính là hiện tại bởi tôi còn cả một chặng đường dài phía trước gắn bó với ngôi trường này. Trải qua thời gian tiếp xúc với môi trường mới, mặc dù chưa nhiều, nhưng tôi thực sự ấn tượng về ngôi trường mình đã chọn. Đó là khoảng thời gian tuyệt vời không những đối với tôi mà còn của nhiều tân sinh viên như tôi. Chúng tôi hiểu và yêu Trường, yêu ngành QTVP mà tôi đã chọn, và tin tưởng với sự lựa chọn của mình. Tôi nhận thấy rằng đây là một môi trường học đường lý tưởng, với các thầy cô tâm huyết, có trình độ cao, cùng với sự nề nếp, nghiêm túc trong mỗi lần thi cử. Không chỉ có vậy, tổ chức Đoàn – Hội hoạt động rất sôi nổi và hiệu quả. Sống xa nhà tôi và các bạn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, lần đầu tiên chúng tôi phải tự mình giải quyết tất cả mà không có bố mẹ kề bên, nhưng chính sự quan tâm của nhà trường, của khoa, chính những hoạt động do Đoàn – Hội tổ chức như: Tọa đàm” Hành trang sinh viên”, chương trình “Xuân yêu thương”, những buổi thăm hỏi và chúc tết của các thầy cô trong khoa… đã là những động lực mạnh mẽ giúp chúng tôi vượt qua tất cả điều đó, và củng cố lòng quyết tâm hơn nữa trong học tập và rèn luyện. Giờ đây tôi có thể tự tin nói với người thân và bạn bè rằng: "Tôi đã lựa chọn đúng!"
Dưới sự dìu dắt nâng đỡ của các thầy cô giáo, tôi tự thấy rõ nét hơn con đường đi của riêng mình và tôi cũng nhận thấy trách nhiệm của mình đối với nhà trường và xã hội. Là chủ nhân tương lai của đất nước, chúng tôi - những tân sinh viên của trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân Văn sẽ nguyện không ngừng học hỏi để nâng cao kiến thức chuyên môn và kiến thức xã hội để có thể góp một phần sức lực nhỏ bé của mình vào sự phát triển chung của nhà trường và của đất nước, đưa đất nước ta trở thành một nước sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ đã căn dặn.
Có những lúc tưởng chừng như khó khăn đã thực sự khiến tôi gục ngã nhưng tôi sẽ không bao giờ từ bỏ ước mơ của mình. Và tôi biết dù có điều gì đó khiến tôi không chạm được đến tận cùng ước mơ thì những ngày tháng tôi sống vì nó, theo đuổi nó cũng làm cho những giờ khắc tôi trải qua trở lên vô cùng ý nghĩa. Bởi ‘không ai đánh thuế ước mơ cả’ ước mơ sẽ là đôi cánh lạc quan nâng tôi lên và đưa tôi đi qua bao sóng gió của cuộc đời, cho tôi niềm tin, góp thêm cho đời những tia sáng xanh của hi vọng tuổi trẻ.
Chặng đường của tôi còn xa lắm, biết đâu mai tỉnh dậy chông gai sẽ lại ập đến với tôi. Nhưng với niềm tin vào chính bản thân mình cùng những tin tưởng của gia đình, thầy cô và bạn bè tôi sẽ kiên cường hành động vì ước mơ trở thành nhà quản trị tài ba của mình. Tôi đang từng ngày in đậm dấu ấn ngôi trường Nhân văn vào trong kí ức để sau này khi chạm tay đến ước mơ, tôi vẫn luôn nhớ rằng ở nơi ấy tôi đã sống những ngày tháng cống hiến và nỗ lực hết mình...
Xin cho tôi viết vài dòng thơ
Gửi đến thầy tôi chút bất ngờ
Bao năm bụi phấn hoài trên bảng
Mà tâm trong sáng chẳng vết nhơ
Hãy cho tôi rãi một tình thương
Chan chứa bao lên khắp mái trường
Cho mỗi gốc cây từng vệt nhỏ
Bạn bè tôi đó nỗi vấn vương
Hãy cho tôi gửi chút nhớ thương
Nếu phải xa Nhân văn yêu dấu
Một chiều hè về gió thoảng hương
Trên mái tóc ai dưới mái trường
Xin hãy cho tôi hóa đám mây
Che khi nắng bỏng rát lưng thầy
Xin hãy cho tôi làm ngọn gió
Thổi nhẹ vai cô lúc giảng say
Cho tôi một lần kể bạn nghe
“ Quản trị văn phòng” khoa tôi đó
Nơi tôi ấm ủ một giấc mơ
Làm nhà quản trị dù gian khó
Để mai đây khi đã ra trường
Mạnh bước xông pha vạn nẻo đường
Kỷ niệm vấn vương dường không dứt
Ấm áp tình thương tựa ánh dương .
Sẽ nhớ hoài
Nhân Văn trong tôi”
Hà Nội, ngày 15 tháng 3 năm 2015
Hà Nội ngày trở gió, tôi bất chợt nghe nhịp tim đập thật nhanh khi những âm thanh thời gian chỉ vừa lướt qua khung cửa sổ. Bỗng thấy Hà Nội mang đến chút gì đó hanh hao không phải của nắng, cũng không phải của gió mà là của lòng người, của những nghĩ suy bộn bề trong tâm tưởng. Vậy là đã qua hơn 6 tháng kể từ ngày tôi giã từ gia đình, xa cuộc sống vốn thân thuộc để đến với nơi thủ đô tráng lệ này. Tôi đứng trước cánh cổng trường trầm ngâm suy nghĩ như một cô bé ngốc lạc vào câu chuyện cổ tích ngày xưa để rồi chợt nhận ra mọi thứ rồi sẽ đổi thay như những gì đã định. Những góc cạnh rồi sẽ thành những đường cung. Ngôi trường vẫn cứ nằm yên đó, lặng lẽ buồn vui, lặng lẽ già đi theo năm tháng. Ngôi trường kể lể về cuộc đời mình bằng những câu chuyện vô ngôn. Nó là quyển nhật ký không lời của biết bao con người, biết bao thế hệ đi qua nó. Bằng loại mực có tên “Năm Tháng”, người ta ghi lại thời sinh viên của mình lên quyển nhật ký “Ngôi Trường”. Và rồi sau nhiều năm tháng lùi xa, người ta tìm về và người ta họa lại cuộc đời mình bằng những trang nhật ký chưa bao giờ trọn vẹn, bằng một thứ màu vẽ của người họa sĩ mang tên “Cũ Kỹ”.
Ngôi trường đứng lại để thời gian đi qua. Năm tháng cứ hững hờ vẽ bức tranh muôn màu của nó. Tôi vẫn tiếp tục trên hành trình dang dở của mình. Cổng trường mở ra chứa đựng biết bao điều thú vị, ngọt ngào và lạ lẫm với cô tân sinh viên như tôi. Tôi làm sao quên được những kỉ niệm đẹp với thầy cô, bạn bè và tôi thầm cảm ơn những phút giây trôi qua trong cuộc đời mình cùng giây phút hiện tại tôi đang sống. Thời sinh viên chính là gió. Người ta không thể giữ mãi gió, nhưng người ta có thể luôn luôn cảm nhận được hơi mát của nó cho tới ngày ra đi....
Tác giả: Nguyễn Thị Thanh Trà
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn