Ngôn ngữ
Tất cả mọi người sinh ra đều có ước mơ cho chính mình. Tôi cũng vậy, cũng đã từng mơ ước rất nhiều khi còn bé thơ. Nhưng rồi khi biết suy nghĩ hơn, tự mình nhận thấy sao những ước mơ ấy viển vông quá. Bạn đã từng nghĩ ước mơ của mình tầm thường, bé nhỏ so với người khác bao giờ chưa? Tôi thì chưa từng bởi mỗi người đều có ước mơ của riêng họ, nó phần nào phản ánh khát khao cháy bỏng của tâm hồn, vậy nên không ai có quyền phán xét nó tầm thường, ngay cả bạn cũng vậy. Chỉ có ước mơ viển vông và thực tế mà thôi. Nhưng giới hạn của nó thì rất mỏng manh, nó phụ thuộc vào chính bạn kìa. Tôi đã từng mơ ước nhưng cũng đã từng chính tay mình phá hủy nó ngay khi nó mới “thai nghén”. Nghĩ lại lúc đó, tôi đã từng đau khổ, dằn vặt một thời gian dài. Tôi tước đi quyền mơ ước của chính tôi rồi đưa tôi vào vỏ ốc của chính tôi, mà giờ đây tôi nghĩ lại nó có thể chính là pháo đài kiên cố giam hãm tâm hồn tôi và là nơi chỉ có tôi mới có thể phá vỡ nó. Bạn biết không, tôi đã sống lại theo nghĩa đen khi tự mình đập tan cái pháo đài ngu xuẩn kia. Tôi thật may mắn khi đã tìm lại được ước mơ của mình sau khi nó chết đi. Người ta thường nói: “Khi một cánh cửa đã đóng lại, một cánh cửa khác sẽ mở ra, điều bạn cần làm là thôi không chờ đợi cánh cửa đã đóng, mà hãy tìm một cánh cửa khác đang mở ra cho mình”. Tôi hạnh phúc khi nhận ra rằng cuộc đời của đứa trẻ 15 tuổi không khép lại, không u tối như tôi tự thôi miên mình như trước kia. Bạn có biết cánh cửa mới mở ra trước mắt tôi là gì không? Một tương lai tươi sáng khi tôi biết mình yêu thích một thứ gì đó – một điều mới lạ với một đứa học sinh cấp 2. Tôi biết đến “đại học” – một khái niệm đôi chút xa lạ với đứa “tự kỷ” như tôi.
Sau khi lên cấp 3, tôi tự định hướng cho mình theo khối D, cái khối mà theo tôi nghĩ lúc bấy giờ có môn Văn – môn tôi có thể “chém gió” hay “phiêu” dù tôi “phiêu” không tốt, có Anh văn – môn tôi yêu thích – tôi thích thả mình trong những cấu trúc, những trường từ vựng hay những giai điệu tha thiết và môn Toán khá “khoai” với tôi nhưng tôi nghĩ mình có thể cố gắng được. Nhưng học trường nào và học cái gì đây? Bạn chắc chắn cũng từng nghĩ như tôi khi bạn đang học lớp 12, chỉ là tôi nghĩ sớm hơn các bạn, phải không? Tôi đã khác trước kia, không còn u uất, trầm mặc nữa mà đã nói nhiều, đã yêu đời và yêu chính mình hơn. Tôi yêu thích sự tự do sáng tạo, ghét sự gò bó ràng buộc. Và tôi từng nghĩ mình sẽ học một ngôi trường thiên về xã hội và tự do. Và tôi chọn Nhân Văn. Lúc ấy Nhân Văn trong tôi có chút gần gũi nhưng cũng rất xa lạ. Trường thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội nên tôi lo sợ mình không đủ lực để đỗ, để theo đuổi ước mơ.Nhưng tôi là con người tham vọng nên đã tự hạ quyết tâm cho chính mình phải đỗ dù nếu phải thi lại lần nữa. Sau khi “lột xác” cho tâm hồn, tôi trở nên rất lạc quan, nhưng ai tránh khỏi lo âu khi kỳ thi đại học – một ngưỡng cửa cuộc đời mới đang gần kề. Tôi lại hoảng loạn trong tiềm thức nhưng không bao giờ tôi ngừng hy vọng. Tôi vùng vẫy trong những mớ hỗn độn của suy nghĩ và cố gắng giải thoát mình khỏi hố đen của tiềm thức – nơi tôi đã từng ở đó một thời gian không hề ngắn so với tuổi thơ của tôi. Tôi và bố mẹ, và người thân đã đưa ra những sự lựa chọn khác cho tôi. Tôi đã từng dao động, đã từng muốn vứt bỏ ước mơ một lần nữa. Nhưng sau khi tôi bỏ nó đi, tôi sẽ được gì? Lại u uất hay trầm mặc hay lại cố tươi cười dù rất đau? Không! Tôi sợ tôi mất niềm tin vào chính mình, vào tương lai. Nhân Văn trong tôi lớn lắm, nó dần dần từng bước soán lấy một phần không hề nhỏ trong tim tôi. Đôi khi tôi tự thôi miên mình trong viễn cảnh mình đã là sinh viên của Nhân Văn, hàng ngày tung tăng tới trường trong niềm tự hào và sung sướng. Và dường như viễn cảnh ấy là động lực lớn nhất khiến tôi vững bước dù đôi chút mạo hiểm.
Và tôi đã đỗ vào ngôi trường tôi hằng ao ước. Rồi sớm thôi, tôi sẽ được biết, được học những kiến thức, những kinh nghiệm của thầy cô mới mà nó không hề giống trước kia. Tôi sẽ có bạn mới, được tự lập, được trải nghiệm và chắc chắn có những vấp ngã. Tôi vẫn rộn ràng hạnh phúc dù phải xa bố mẹ để đi học xa – một điều mà trước tôi chưa từng làm.
Tôi cũng có những lúc chợt khóc vì nỗi nhớ nhà da diết, sự tủi hổ nơi xứ người. Một cô gái 18 tuổi ở tỉnh lẻ như tôi liệu có bị cám dỗ nào đó của cuộc đời vây quanh? Tôi đã khóc khi đi vào dòng người xa lạ, bước vào cuộc sống chỉ có mình tôi. Tôi đã vượt ra sự bỡ ngỡ ấy như thế nào? Tôi bị cuốn vào những bài giảng, những câu chuyện trong những giờ lên lớp của thầy cô. Bị sự nhiệt tình và sự chân thành của thầy cô mê hoặc. Tôi còn mặc cảm nhưng nó đã lùi chỗ cho sự hân hoan tiếp thu cái mới, cái lạ, sự đa dạng. Thầy cô là người đưa tôi vào những bài học cuộc đời đầu tiên. Bạn bè mới là người san sẻ nỗi cô đơn khi xa nhà. Cảm ơn Nhân Văn đã đốt cháy ước mơ trong tôi và đã giúp tôi giữ ngọn lửa nhiệt huyết ấy.
Lúc này đây, nghĩ về Nhân Văn, đó là một điều gì đó rất thiêng liêng. Tình yêu thôi dành cho Nhân Văn chưa từng vơi sau khi cái tên Nhân Văn đi vào cuộc đời tôi. Tôi cảm thấy mình thật may mắn khi được bước chân vào ngôi trường này, được tiếp nhận tri thức và bài học cuộc đời từ những giảng đường nay đã thân quen với tôi. Nhân Văn quá đỗi thân thương và gần gũi. Mỗi lúc có tâm sự khó chia sẻ với nhỏ bạn hay thì thầm với mẹ mình tôi lại vô thức đến trường, ngồi dưới những tán cây xanh mát trong trường có điều gì ở đây xoa dịu tâm hồn tôi. Nỗi buồn trong tôi vẫy tay tạm biệt tôi. Nhân văn đã thực sự là một phần quan trọng trong cuộc đời tôi. Nó không chỉ còn là mái trường nơi tôi đi học, mà còn là người bạn để tôi tâm sự dù không phải nói ra.
Thật tuyệt vời khi kiếm tìm được niềm đam mê cho mình phải không? Nhưng nó sẽ tuyệt diệu hơn khi bạn để đam mê bước vào cuộc đời bạn và biết nó tỏa sáng. Hiện tại bạn có tìm thấy ước mơ của mình hay đang sống vì ước mơ của ai đó? Bạn đã từng như tôi từ bỏ ước mơ thuở nhỏ để rồi tự mình dằn vặt và sống mãi với quá khứ? Nếu như vậy hãy nghĩ lại, chậm thôi, bạn sẽ thấy cuộc đời này đôi khi ta phải từ bỏ để hướng tới điều thực sự thuộc về mình. Bạn nhé!
Đó là Nhân Văn“của tôi”. Còn bạn? Hãy nhắm mắt lại và tìm xem trong góc nào đó sâu thẳm nơi con tim bạn, bạn sẽ thấy một tia sáng rất đẹp dù nó còn yếu. Bạn biết vì sao không? Vì nó chưa được thắp lên đó.
Tác giả: Trần Thu Thảo Khoa - Đông phương học
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn