Ngôn ngữ
GS. Đinh Xuân Lâm sinh ngày 4 tháng 2 năm 1925 tại xã Sơn Tân, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, trong một gia đình quan lại yêu nước. Quê hương ông là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, nơi thần y Hải Thượng Lãn Ông buốc thuốc cứu người, nơi Đình nguyên Tiến sĩ Phan Đình Phùng đã cùng thủ lĩnh nông dân Cao Thắng lập căn cứ Cần vương chống thực dân Pháp bền bỉ trong suốt chục năm.
Năm 1945, ông tốt nghiệp Tú tài toàn phần Ban Triết học và Văn chương ở Trường Quốc học Huế, đúng vào lúc nhân dân cả nước vùng lên làm cuộc Cách mạng tháng Tám long trời lở đất để giành lại chính quyền từ tay thực dân Pháp và phát xít Nhật. Cách mạng tháng Tám thành công đã làm thay đổi nhận thức và cuộc đời ông. Được tận mắt chứng kiến sức mạnh xung thiên của quần chúng nhân dân trong những ngày Tổng khởi nghĩa, nhất là trước thái độ trọng nghĩa và ân tình của các lãnh tụ Việt Minh chỉ huy cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Thanh Hóa, ông đã bị cảm hóa và hăng hái tham gia hoạt động cứu nước. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, ông dạy học phổ thông, đồng thời tham gia công tác đoàn thể trong tỉnh Thanh Hóa.
Sau khi miền Bắc được giải phóng, ông được cử đi học Đại học Sư phạm Hà Nội, cùng lớp Sử - Địa với Phan Huy Lê và Trần Quốc Vượng. Năm 1956, bộ tứ Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng tốt nghiệp đại học loại xuất sắc và đều được giữ lại làm cán bộ giảng dạy tại trường.
GS.NGND Đinh Xuân Lâm
Trong suốt nửa thế kỷ đứng trên bục giảng, GS. Đinh Xuân Lâm đã đào tạo hàng nghìn sinh viên, hướng dẫn thành công hàng chục tiến sĩ, được các thế hệ sinh viên yêu mến, kính trọng, và tôn làm “tứ trụ triều đình” của Khoa lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội). GS. Đinh Xuân Lâm thuộc thế hệ những người xây nền đắp móng và là một chuyên gia đầu ngành của nền Sử học mácxít nước nhà. Bất cứ ai đã từng học, từng gặp, từng làm việc với GS. Đinh Xuân Lâm đều có cảm nhận ông là một con người thông tuệ, uyên bác nhưng lại rất gần gũi, giản dị. Ông sống điềm đạm, khiêm nhường, bao dung, cởi mở và chân thành với mọi người, cả với đồng nghiệp và các học trò. Ở trong tâm tính và cách ứng xử của ông có sự bộc trực và chân tình của người xứ Nghệ, lại có sự tinh tế và nghi thức của văn hóa Huế, và đặc biệt là giàu chất nhân ái, lãng mạn của văn hóa Pháp. Sự tài hoa, uyên bác và mộc mạc, chân thành trong con người ông đã tạo nên chân dung một nhà giáo vừa thanh cao vừa giản dị và rất gần gũi, nhân hậu.
Với bút lực dồi dào, trong hơn nửa thế kỷ nghiên cứu không ngừng nghỉ, GS. Đinh Xuân Lâm để lại một di sản khoa học to lớn, với khoảng 400 công trình khoa học (bao gồm sách, giáo trình, bài báo, báo cáo khoa học, …). Tài năng khoa học của ông đã được kết trái từ sớm, ngay khi tốt nghiệp đại học. Từ năm 1959, tức là chỉ sau khi về dạy ở Khoa Lịch sử chưa đến 3 năm, ông đã cùng một số đồng nghiệp trẻ, dưới sự chỉ đạo của nhà Sử học lỗi lạc - GS. Trần Văn Giàu, tiến hành biên soạn và cho công bố bộ sách Lịch sử cận đại Việt Nam (4 tập). Đây là một bộ sách giáo trình lịch sử cận đại đầu tiên được giới sử học đánh giá cao về chất lượng khoa học. Năm 1998, mặc dù đã ở tuổi 73, GS. Đinh Xuân Lâm vẫn viết bài in báo và tham gia hội thảo khoa học, và nhất là đã đứng ra làm chủ biên sách Đại cương lịch sử Việt Nam (tập 2) trong bộ sách cùng tên gồm 4 tập do Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành. Bộ sách này cho đến nay đã được tái bản tới 14 lần, và được sử dụng làm giáo trình giảng dạy trong các trường đại học và cao đẳng. Không dừng lại ở đó, đến năm 2012, bộ sách Lịch sử Việt Nam (tập 3) do GS. Đinh Xuân Lâm làm chủ biên lại ra mắt bạn đọc. Đây là bộ sách cho đến nay được coi là đầy đủ, cập nhật và có chất lượng cao nhất trong các bộ giáo trình đại học về lịch sử Việt Nam ở thời kỳ thuộc địa.
Lĩnh vực nghiên cứu Sử học của GS. Đinh Xuân Lâm thật phong phú và đa dạng. Ở lĩnh vực nào ông cũng để lại những dấu ấn sâu đậm. Tuy nhiên, hướng nghiên cứu thành công nhất, định hình nên vị trí chuyên gia đầu ngành về Lịch sử Việt Nam cận đại của GS. Đinh Xuân Lâm chính là những công trình nghiên cứu về chủ nghĩa thực dân và phong trào chống chủ nghĩa thực dân Pháp của dân tộc Việt Nam kéo dài gần một thế kỷ, từ nửa cuối thế kỷ XIX đến nửa đầu thế kỷ XX. Những nghiên cứu xuất sắc nhất của GS. Đinh Xuân Lâm về mảng đề tài này đã được tập hợp lại trong cuốn sách Phong trào chống chủ nghĩa thực dân ở Việt Nam.
Cố GS. Trần Quốc Vượng, GS. Đinh Xuân Lâm, GS. Hà Văn Tấn, GS. Phan Huy Lê - "tứ trụ" huyền thoại của Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN) với người thầy của mình - GS. NGND Trần Văn Giàu và phu nhân
Cuốn sách được chia làm năm phần. Phần một với tiêu đề Từ Cần vương đến Duy tân tuyển chọn những nghiên cứu xuất sắc của GS. Đinh Xuân Lâm về âm mưu xâm lược của thực dân Pháp cũng như phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp của các thế hệ người Việt yêu nước. Có những bài viết làm rõ những nội dung và đặc điểm cụ thể về phong trào Cần vương ở một địa phương (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,…) hay hoạt động đầu tư của Pháp ở một thành phố (Hải Phòng), nhưng lại có những bài viết khác đi sâu khái quát những nét lớn của lịch sử Việt Nam giai đoạn này như: đánh giá trách nhiệm của triều Nguyễn trong việc để nước ta rơi vào tay thực dân Pháp, phân tích đặc điểm của chủ nghĩa đế quốc Pháp tại Việt Nam. Điều đặc biệt là GS. Đinh Xuân Lâm, với vốn kiến thức chuyên sâu được tích lũy qua hàng chục năm và phương pháp luận khoa học vững chãi, đã đưa ra được những kiến giải sâu sắc, sáng rõ và đầy sức thuyết phục về nguyên nhân và quá trình chuyển biến kinh tế - xã hội Việt Nam dưới tác động của công cuộc xâm lược và khai thác thuộc địa của thực dân Pháp trong thời kỳ cận đại.
Lịch sử VIệt Nam thế kỷ XX gắn bó chặt chẽ với tên tuổi của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh. Phần hai của cuốn sách – Hồ Chí Minh và cách mạng Việt Nam – giúp người đọc có điều kiện nhận rõ các mốc lớn có tính quyết định, mang ý nghĩa bước ngoặt lịch sử trên con đường hoạt động yêu nước cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng như một số đặc điểm nổi bật trong tư tưởng của Người. Không chỉ có vậy, GS. Đinh Xuân Lâm còn cố gắng đi tìm và giải mã nguồn gốc sâu xa cũng như thuộc tính chi phối toàn bộ cuộc đời và tư tưởng của Hồ Chí Minh qua các bài viết như: Văn hóa phương Tây – một trong những nguồn gốc hình thành nên tư tưởng Hồ Chí Minh về thế giới, Chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh - sự kết hợp biện chứng giữa truyền thống và thời đại,… Có thể nói, trong nghiên cứu Hồ Chí Minh ở Việt Nam, GS. Đinh Xuân Lâm là một trong số những người tiên phong và đạt được nhiều thành công nổi trội nhất.
Phần ba của cuốn sách – Khía cạnh quốc tế của cách mạng Việt Nam – lại là một góc nhìn khác về phong trào chống chủ nghĩa thực dân ở Việt Nam khi đặt nó trong các mối quan hệ quốc tế. GS. Đinh Xuân Lâm không chỉ quan tâm đến các mối liên minh chiến đấu của nhân dân Việt Nam với các dân tộc bị áp bức trên thế giới trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, giành độc lập (ở Lào, Campuchia, Madagascar,…) mà còn đi sâu phân tích những ảnh hưởng và tác động của các nhân tố quốc tế đến cách mạng Việt Nam (trước hết là của cách mạng Trung Quốc, cách mạng Nga và Quốc tế Cộng sản,…).
Nghiên cứu về các nhân vật lịch sử - một trong những “sở trường” của GS. Đinh Xuân Lâm, được tập hợp trong phần bốn của cuốn sách với tiêu đề Những nhân vật lịch sử tiêu biểu. Nhờ miệt mài điền dã, tra cứu tư liệu từ nhiều nguồn, cả trong nước và nước ngoài mà tác giả đã phát hiện và cung cấp thêm nhiều hiểu biết mới, không chỉ về quê hương, gia tộc, mà còn về vị trí, vai trò của các nhân vật đối với lịch sử Việt Nam. Bằng văn phong sắc ngọt và khúc chiết, mạch lạc mà nhẹ nhàng của ông, hàng loạt những nhân vật lịch sử từ các thủ lĩnh Cần vương, các nhà cải cách tiêu biểu cuối thế kỷ XIX đến những nhà cách mạng và văn hóa nổi tiếng đầu thế kỷ XX như Phan Châu Trinh, Đào Duy Anh, Võ Nguyên Giáp đã trở nên gần gũi hơn với chúng ta.
Bìa cuốn sách "Phong trào chống chủ nghĩa thực dân ở Việt Nam" của GS. Đinh Xuân Lâm vừa được Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam xuất bản tháng 1/2015
Phần cuối Mấy vấn đề tư liệu, sử liệu học và nguyên tắc đánh giá nhân vật lịch sử cũng là một đóng góp sâu sắc nữa của GS. Đinh Xuân Lâm với nền Sử học nước nhà. Là một nhà nghiên cứu sử dụng được tiếng Anh và có vốn tiếng Pháp uyên thâm, GS. Đinh Xuân Lâm đã sưu tầm, tập hợp được nhiều tư liệu quý ở trong và ngoài nước. Có thể một số tư liệu này hiện nay đã quá quen thuộc với người nghiên cứu, nhưng vào thời điểm cách đây hơn 20 năm thì những tư liệu đó còn rất mới mẻ, đã góp phần soi sáng một góc khuất của lịch sử cách mạng Việt Nam. Hơn thế nữa, từ kinh nghiệm nghiên cứu phong phú, GS. Đinh Xuân Lâm đã có nhiều ý kiến tổng kết rất xác đáng trên phương diện phương pháp luận trong vấn đề nghiên cứu nhân vật lịch sử, nhất là những nhân vật chưa có sự thống nhất về nhận thức trong giới học thuật. Chính ông đã hết sức nghiêm túc ngay cả với bản thân khi thay đổi cách nhìn nhận về một số nhân vật lịch sử như: Phan Thanh Giản, Nguyễn Trường Tộ, Lưu Vĩnh Phúc,… Từ các công trình nghiên cứu của ông toát lên tinh thần trách nhiệm, sự dũng cảm và tấm lòng nhân ái của một nhà khoa học có tài và có tâm với dân với nước.
Với những nội dung và đóng góp nói trên, tập sách Phong trào chống chủ nghĩa thực dân ở Việt Nam thực sự là một ấn phẩm khoa học không chỉ có ý nghĩa kết tinh những nghiên cứu xuất sắc của GS. Đinh Xuân Lâm mà còn có tính chất gợi mở, định hướng cho những thế hệ nghiên cứu đi sau, nhất là lớp trẻ hiện nay về một giai đoạn phức tạp, đầy biến động, nhưng có tính chất bản lề và đặc biệt quan trọng của lịch sử Việt Nam.
Thay mặt Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, nơi ông đã yêu quý, gắn bó và cống hiến cả cuộc đời khoa học, và với tư cách là một học trò, một đồng nghiệp của Thầy trong 40 năm nay, tôi rất vui mừng và hân hạnh được trân trọng giới thiệu cuốn sách với bạn đọc gần xa. Đây cũng là tình cảm biết ơn và tấm lòng trân trọng của nhà Trường, của Khoa Lịch sử và của Bộ môn Lịch sử Việt Nam cận – hiện đại xin được gửi tới nhà giáo, nhà sử học hàng đầu xuất sắc - GS.NGND.Đinh Xuân Lâm nhân dịp Ông bước sang CỬU TUẦN ĐẠI KHÁNH (Đại thọ tuổi 90) vào mùa Xuân Ất Mùi 2015.
Tác giả: GS.NGND Nguyễn Văn Khánh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn