Tin tức

Về nơi cội núi nguồn sông

Thứ sáu - 16/05/2014 00:05
Đã thành một thông lệ, hàng năm, cứ mỗi dịp diễn ra những ngày lễ lớn của dân tộc, Hội Cựu chiến binh trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Hà Nội lại có một chuyến đi “về nguồn”. Năm nay, nhân kỉ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, 39 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, 124 năm ngày sinh chủ tịch Hồ Chí Minh, anh em cựu chiến binh của trường lại có một chuyến về nguồn với đúng ý nghĩa của nó: trở lại Pác Bó, một địa danh nổi tiếng của Cao Bằng, nơi 73 năm trước, sau những ngày bôn ba hải ngoại, người con ưu tú của dân tộc Hồ Chí Minh, lần đầu tiên trở về nước đã đặt lên nơi đây.
Về nơi cội núi nguồn sông
Về nơi cội núi nguồn sông

Quyết định chọn địa điểm về nguồn lần này, chủ tịch Hội Cựu chiến binh Nguyễn Chí Hòa còn nhằm tới một cái đích khác nữa: chọn lộ trình đi xuyên qua ba tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, ba địa danh nổi tiếng, “Thủ đô gió ngàn” của những ngày đầu kháng chiến chống Pháp. Cuộc trở về lần này sẽ khơi dậy nhiều cảm xúc trong tâm hồn những cựu binh sau những ngày đứng lớp. Quả là một chuyến đi ngắn ngủi nhưng mang nhiều ý nghĩa. 

Ý nghĩa trước tiên có lẽ là thời gian của toàn bộ lộ trình. Mặc dù chuyến đi ngắn ngủi chỉ gói gọn trong ba ngày, từ sáng 30 tháng 4 đến chiều tối mùng 2 tháng 5, nhưng chuyến về nguồn lần này thật sự phấn khích với chúng tôi. Trên đường đi, tất cả mọi người đều nhắc lại cái thời điểm không thể quên của 39 năm về trước. Trong số chúng tôi có những anh em trong thời khắc lịch sử ấy đang có mặt ở chiến trường, nên đủ biết họ xúc động như thế nào khi nghe tin đất nước đã hoàn toàn thống nhất. Lùi về thời gian lịch sử sớm hơn: 60 năm trước, ngày chiến thắng Điện Biên Phủ, một đất nước nhỏ bé như Việt Nam hồi ấy, đã chiến thắng kẻ thù mạnh hơn gấp trăm lần. Niềm vui khơi gợi những kỉ niệm không bao giờ quên với những người con ưu tú của dân tộc: Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, và còn nhiều người khác nữa. “Uống nước nhớ nguồn”, chúng tôi tất cả đoàn đều thống nhất đặt cho chuyến đi này cái tên thân thương: Về nguồn. Trong tiếng Việt, hai chữ “về nguồn” tự bản thân nó đã nói lên được rất nhiều điều: về nguồn là về với những gì yêu thương, với nơi nuôi dưỡng, với thuở ban đầu, với nhân dân, dân tộc, và với chính bản thân mình. Tôi còn nhớ như in cách đây hai năm, giữa những ngày nắng như đổ lửa tháng 7 năm 2012, đúng vào dịp kỉ niệm lần thứ 40, 81 ngày đêm Thành cổ Quảng Trị, Hội cũng đã có một chuyến đi đầy xúc cảm và ý nghĩa như thế. Mặc dù đã dời xa chiến trường, xa tiếng súng từ nhiều năm, nhưng cứ mỗi lần bắt đầu một chuyến đi như thế, trong lòng những nhà giáo - cựu chiến binh ngày nào vẫn trào dâng cảm xúc. Chuyến đi không “qua sông” nhưng vẫn “có sóng” như nhà thơ Thâm Tâm trong bài Tống biệt hành đã viết. Đoàn đi năm nay bất ngờ vắng một vài cái tên quen thuộc: cựu binh Phạm Đình Lân, người đã có những câu thơ xúc động về Thành cổ Quảng Trị trước lúc lên đường vì một việc riêng đã không thể hành quân cùng đoàn; cặp cựu binh Lâm Bá Nam - Vũ Thị Phụng cũng vì chút chuyện gia đình nên đã “lỗi hẹn” với đoàn; các cựu binh Trần Thúc Việt, Nguyễn Bá Thành, Ngô Văn Hoán, Trần Văn Nhuệ, Bùi Duy Dân, Trần Nhật Chính…năm nay cũng không thể góp mặt. Nhưng năm nay, đoàn đi lại có thêm những gương mặt mới: Trần Xuân Hồng, Dương Xuân Sơn, Phạm Gia Lâm. Đặc biệt nhất có lẽ là nguyên hiệu trưởng Phạm Quang Long, người tuy không là cựu chiến binh, nhưng nhiều năm từng tham gia quản lí trường, hẳn ông không thể không có  “duyên nợ” với “binh nghiệp”. Phạm Quang Long là con trai của một liệt sĩ thời chống Pháp. Về nguồn cũng là một cách để người con trai Bà mẹ Anh hùng Việt Nam ôn lại một chút kỉ niệm hào hùng thuở xưa của người cha. Cuộc “về nguồn” của chúng tôi, vì thế bỗng thêm nhiều ý nghĩa. 

Không giống chuyến hành hương về Thành cổ Quảng Trị cách đây hai năm, dù có đoạn phải đi qua đường Hồ Chí Minh, vẫn chủ yếu là một lộ trình bằng phẳng, chuyến đi này xuyên qua ba tỉnh Thái Nguyên, Bắc Cạn, Cao Bằng, đặc biệt bắt đầu từ Bắc Cạn, chỉ rặt những đoạn đèo cua tay áo, dốc núi có chỗ lên cao tới tận ngang trời (Đèo Giàng), có chỗ như cảm giác nghe được tiếng gió “ù ù thổi” (Đèo Gió), nên chỉ chưa đầy 300 cây số, mà xe chúng tôi phải ì ạch bò tới gần 9 tiếng đồng hồ. Lại bất ngờ nhớ những câu thơ của Tố Hữu trong bài Việt Bắc: “Ai về, ai có nhớ không/ Ta về ta nhớ Phủ Thông, Đèo Giàng/ Nhớ sông Lô nhớ phố Ràng/ Nhớ từ Cao Lạng nhớ sang Nhị Hà”. Một bức tranh đẹp trên suốt con đường đi từ Thái nguyên, qua Bắc Cạn, đến Cao Bằng, và cuối cùng là địa danh lịch sử Pác Bó. Đến Thái Nguyên, địa danh gần thủ đô Hà Nội nhất, chúng tôi nhìn thấy tấm bảng chỉ dẫn đường đi ATK Định Hóa, nơi những ngày đầu gian khổ nhất, trung ương chính phủ đã ở đây. Qua Bắc Kạn, gặp lại nhóm sinh viên Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, các anh Nguyễn Cao Sơn và Nguyễn Đức Thành, hiện đều đang là cán bộ chủ chốt của đài Phát thanh và Truyền hình địa phương, nghe các anh tâm sự với tư cách những cựu binh và cựu sinh viên, mới thấu hiểu hết, để có được những thành quả như ngày hôm nay, dù vẫn còn rất khiêm tốn, chúng ta đã phải cố gắng phấn đấu nỗ lực đến thế nào. Đất nước còn nhiều khó khăn, đuổi xong giặc ngoại xâm, chúng ta vẫn còn nhiều thứ “giặc khác” cần chiến đấu và loại bỏ. Lại nhớ khoảng thời điểm năm 1950, chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trần Đăng Ninh, người đồng chí thân thiết của mình đã đặt chân tới Bắc Kạn, bài thơ Người gửi tặng Đơn vị thanh niên 312 làm đường tại xã Cẩm Giàng, huyện Bạch Dương ngày 28 tháng 3 năm 1951, cho đến tận bây giờ vẫn được truyền tụng rộng rãi trong thanh niên: “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí cũng làm nên”. Quả là con đường đến với thủ đô kháng chiến ngày nào đến tận bây giờ vẫn còn “hẹp”, nhưng bù lại, anh em trong đoàn đều khẳng định là “đẹp”. Đến đây, đến với những con đường dốc đá cheo leo, tìm một quán ăn có phần hơi khó, những không khí và gió thì “giàu có” vô cùng. Cũng may mà, trong đoàn có tới ba thành viên nữ, các chị Mai, Phương, Hương, ngay cả khi xe bò trên những đỉnh đèo cua tay áo, vậy nhưng không ai có cảm giác “nôn nao”. Phấn chấn trong cuộc hành hương về nguồn, đó là tâm trạng chung của tất cả các thành viên trong đoàn. 

Dù phải bò trên những khúc cua tay áo suốt từ Bắc Kạn, cuối cùng chúng tôi cũng đến được thành phố Cao Bằng lúc 1 giờ 30. Cao Bằng bây giờ, so với gần 40 năm về trước, thời gian tôi cũng từng có dịp về đây, đã khác hẳn xưa. Thành phố tuy không lớn nhưng khang trang và đẹp đẽ. Thật may mắn khi được bố trí ở tại khách sạn Bằng Giang, một tòa nhà 6 tầng, nằm ngay cạnh con sông Bằng Giang chia đôi thành phố, chỉ ngả lưng chừng 30 phút, chúng tôi đã kịp lấy lại sức khỏe để tiếp tục cuộc hành trình về nguồn. Con đường về nguồn giờ đây cũng khác hẳn xưa. Đường tuy vẫn còn hẹp nhưng bằng phẳng, chỉ hơn một tiếng đồng hồ, chúng tôi đã kịp đến cụm di tích Pác Bó, nơi 83 năm trước, Bác Hồ cùng một số đồng chí cách mạng Việt Nam vượt biên giới Trung Quốc về đây. Rất nhiều tài liệu hồi đó đã kịp ghi lại: “Đầu năm 1941, Bác Hồ cùng một số đồng chí đã vượt qua biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc ở cột mốc 108 để về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước. Ban đầu Bác nghỉ tại nhà ông Lý Quốc Súng, sau đó để đảm bảo sự an toàn và bí mật, Bác đã quyết định chuyển vào hang Cốc Bó, hang Lũng Lạn và lán Khuổi Nậm. Tại nơi đây đã diễn ra rất nhiều sự kiện quan trọng của Đảng và Nhà Nước như Hội Nghị Trung ương 8, quyết định thành lập Mặt Trận Việt Minh, xây dựng căn cứ địa cách mạng và chiến tranh du kích…”. Toàn cảnh khu di tích Pác Bó giờ đây hẳn đã khang trang hơn rất nhiều so với ngày đầu tiên Bác và các đồng chí Trung ương ở đây. Con đường đi từ ngoài vào hang Cốc Bó, dọc suối Lê Nin giờ đã được trải thảm bê tông. Dòng suối ngày nào trong câu thơ Bác viết (“Sáng ra bờ suối tối vào hang/ Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng/ Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng/ Cuộc đời cách mạng thật là sang”) vẫn trong veo, có thể nhìn rõ từng đàn cá bơi lội tung tăng. Vẫn còn nguyên đó cảnh núi rừng, cỏ cây, non nước như ngày nào Bác vẫn từng ở. Nói về Pác Bó là trở “về cội nguồn” quả không hề sai. Nơi đây xa văn minh thành thị nên mọi thứ đều mang vẻ đẹp thuần khiết, “trong veo” như đúng tên gọi của nó: Pác Bó – cội núi, nguồn sông.

Sau những buổi làm việc, Bác Hồ thường ngồi câu cá tại đây (Năm 1941)

Đến Pác Bó, về nguồn, chúng tôi không chỉ được thăm lại nơi ở và làm việc những ngày đầu của vị lãnh tụ kính yêu Hồ Chí Minh, mà còn được ghé thăm nhiều di tích lịch sử khác của đất nước: Thác Bản Giốc, vẻ đẹp nguyên sơ thiên nhiên ban tặng, thiêng liêng và hùng vĩ in giữa đất trời, khẳng định chủ quyền dân tộc. Mộ Kim Đồng vào thời điểm gần 40 năm trước, tôi từng đặt chân tới đây, chỉ là một nấm đất đơn sơ, nay thấy đã được xây dựng khang trang…Có lẽ còn nhiều nhiều di tích khác nữa chúng tôi chưa kịp đạt chân tới, do thời gian quá ngắn. Nhưng dù ngắn ngủi, một chuyến trở về nguồn vào đúng thời điểm lịch sử này cũng đã ghi khắc trong lòng chúng tôi, những cựu chiến binh của Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn những kỉ niệm không bao giờ phai. Đó cũng là những hành trang quý giá giúp chúng tôi làm việc tốt hơn trong những ngày tới.

Tác giả: Trần Hinh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây