Ngôn ngữ
"Ký ức Điện Biên" là bộ phim do Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất năm 2004, do NSƯT Đỗ Minh Tuấn làm đạo diễn. Nội dung kể về một câu chuyện xảy ra trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Anh vệ quốc đoàn Bạo và cô y tá Mây dẫn giải một tù binh Pháp tên là Becna về hậu cứ. Trên đường đi đã xảy ra nhiều chuyện vừa bi hài và lãng mạn giữa ba nhân vật. Trong hành trình này, tình yêu đã nảy nở giữa Bạo và Mây. 50 năm sau, Becna quay lại Việt Nam và gặp lại Bạo. Những ký ức về Điện Biên năm xưa - tuy khốc liệt nhưng vẫn lấp lánh tình người - là những kỷ niệm mãnh liệt không thể nào quên trong cuộc đời của các nhân vật chính.
Quang cảnh sân khấu trong đêm giao lưu
Bộ phim là một tác phẩm điện ảnh thành công và gây được nhiều cảm xúc cho người xem, dù nội dung làm về đề tài chiến tranh vốn rất dễ đi vào lối mòn tuyên truyền thông thường. Phim thành công trước hết nhờ đội ngũ những những tên tuổi lành nghề như: đạo diễn Đỗ Minh Tuấn, biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, quay phim Nguyễn Đức Việt, thiết kế mỹ thuật Vũ Huy, nhạc sỹ Trọng Đài. Nói về chiến thắng Điện Biên Phủ vĩ đại của dân tộc nhưng bộ phim chọn cách phản ánh theo góc nhìn của 3 nhân vật, 3 số phận bình thường nhất trong chiến tranh thông qua câu chuyện rất bình dị của họ. Chiến tranh là “phông nền” cũng là nguyên cớ quan trọng để dẫn đến tình tiết câu chuyện 3 nhân vật gặp nhau, cùng “va chạm” những suy nghĩ, cảm xúc của mình, để cuối cùng đọng lại những giá trị sống quan trọng nhất. Câu chuyện chân thực, giàu cảm xúc cùng với lối diễn xuất tự nhiên của hai diễn viên trẻ là Kiều Anh - vai Mây và Phạm Quang Ánh - vai Bạo đã giúp bộ phim ghi dấu ấn trong lòng người xem.
Đạo diễn, NSƯT Đỗ Minh Tuấn tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, nay là Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN. Ông từng theo học Khoa Đạo diễn Trường Sân khấu điện ảnh và công tác tại Hãng phim truyện Việt Nam. Là nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình, đạo diễn phim, họa sỹ, ông đã giành được rất nhiều giải thưởng trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật như: Giải nhất cuộc thi thơ Báo văn nghệ năm 1988 – 1989; Giải ba cuộc thi Tiểu thuyết lần thứ 3 của Hội nhà văn Việt Nam; Giải nhì cuộc thi sáng tác ca khúc về Thủ đô năm 1976; Giải đạo diễn xuất sắc nhất tại liên hoan phim Cánh diều năm 2004 với phim “Ký ức Điện Biên”… Ông còn được khán giả biết đến với các tác phẩm phim nhựa như: “Ngọn đèn trong mơ”, “Dịch cười”, “Người đàn bà nghịch cát”, “Hoa của trời”, “Vua bãi rác”. Ông cũng là tác giả của nhiều bộ phim truyền hình thành công như: “Thằng Cuội”, “Đi bầu Thành hoàng”, “Tết sớm”, “Dậy chồng”, “Bí Mật Eva”…
Chia sẻ tại buổi giao lưu, đạo diễn Đỗ Minh Tuấn nói: “Chưa bao giờ có một bộ phim mà mình gửi gắm nhiều cảm xúc sáng tạo như với “Ký ức Điện Biên”. Ông cũng tâm đắc với logic phản ánh chiến tranh qua góc nhìn, suy nghĩ, cảm xúc rất riêng của từng nhân vật. Nhờ đó ấn tượng về chiến tranh hiện lên sâu sắc trong những tình huống rất đời thường, thậm chí trong cả những ám ảnh, hoài niệm của mỗi người, đem lại chiều sâu ý nghĩa cho bộ phim.
Bộ phim bản điện ảnh đã được chiếu cho hơn 2 triệu lượt người xem tại các rạp - một con số ấn tượng bấy giờ, đồng thời được 5 nước mua bản quyền chiếu tại nước ngoài. Điều ấy đã đem lại niềm hạnh phúc không gì sánh được cho vị đạo diễn, bởi “bộ phim đã đem hình ảnh con người Việt Nam nhân hậu và dũng cảm đến với bạn bè thế giới”. Đồng thời, báo chí và giới chuyên môn đánh giá, đây là bộ phim thoát khỏi lối mòn của phim kỷ niệm, thể hiện sự sáng tạo và tìm tòi riêng của đạo diễn và biên kịch.
Chia sẻ về khó khăn trong quá trình làm phim, đạo diễn Đỗ Minh Tuấn cho biết: khó khăn lớn nhất là tạo nên một không gian Điện Biên trong thời chiến với súng ống, bom đạn, lô cốt sao cho chân thực và gần với lịch sử nhất. Bên cạnh đó, nhiều cảnh quay có máy bay và nhảy dù từ trực thăng rất phức tạp, cần xin sự hỗ trợ của nhiều đơn vị có liên quan. Nhưng tất cả đều đã được vượt qua nhờ tâm huyết và sự nỗ lực của cả đoàn làm phim. Phần thiết kế bối cảnh chiến trường trong phim được đánh giá là xuất sắc, góp phần đem lại thành công cho bộ phim.
Họa sỹ Vũ Huy là người có đóng góp quan trọng để “Ký ức Điện Biên” nhận được nhiều lời khen của khán giả rằng: “phim phản ánh đúng cuộc sống của họ thời trước”. Để làm phim “Ký ức Điện Biên”, họa sỹ đã phải nghiên cứu rất kỹ các tư liệu và hình ảnh về thời kỳ lịch sử này để cho ra những bối cảnh, phục trang chân thật nhất. Khung cảnh chiến trường, hầm Đờ-cát, ụ súng, ngọn đồi… đều được phục dựng theo tỷ lệ 1:1. Khi được hỏi liệu anh có chạnh lòng không khi vai trò của họa sỹ thiết kế bối cảnh trong phim lịch sử là vô cùng quan trọng nhưng đó lại là công việc thầm lặng ít người biết đến, họa sỹ Vũ Huy chia sẻ: “không phiền vì điều nay, đó là công việc mà mình chọn, nếu biết làm nghề một cách nhiệt tình và hết lòng thì thành công sẽ đến".
Kiều Anh và Quang Ánh, hai diễn viên chính trong phim cũng là hai gương mặt khá quen thuộc với khán giả truyền hình. Kiều Anh được biết đến với các vai diễn trong “Phía trước là bầu trời”, “Những công dân tập thể”… Đóng một lúc hai vai trong “Ký ức Điện Biên”, một nữ thanh niên xung phong thời chiến và một cô gái trẻ của thời hiện đại sinh ra trong thời bình, nữ diễn viên cho biết đây là một trong những thử thách trong nghiệp diễn của cô. Nhận vai diễn khi còn rất trẻ, mới 24 tuổi, kinh nghiệm cuộc sống cũng như nhận thức về bối cảnh và tâm lý con người giai đoạn lịch sử ấy còn “non” nên cô gặp nhiều khó khăn khi diễn. Nhờ sự hướng dẫn của đạo diễn và sự giúp đỡ của đoàn làm phim mà cô đã hoàn thành tốt vai diễn cũng như tích lũy được nhiều kỹ năng diễn xuất sau bộ phim này. Kiều Anh cũng bày tỏ niềm hạnh phúc khi được đón nhận tình cảm yêu mến mà các bạn trẻ dành cho vai diễn này của cô, dù sau bộ phim, cô đã có “khoảng lặng” nghỉ diễn suốt 8 năm để tích luỹ năng lượng cho những đột phá, sáng tạo mới trong tương lai.
Diễn viên Phạm Quang Ánh cũng có nhiều kỷ niệm khó quên khi tham gia “Ký ức Điện Biên”. Đây là vai diễn đầu tiên của anh sau khi tốt nghiệp trường Sân khấu Điện ảnh. Được giao ngay một vai chính trong một bộ phim nhựa lớn về đề tài lịch sử đã khiến anh vừa mừng vừa… run. Đạo diễn đã đưa ra một yêu cầu khá gắt gao: phải giảm 7kg trong 10 ngày để phù hợp với nhân vật. Vì muốn nắm bắt cơ hội đắt giá này, Quang Ánh đã quyết tâm thực hiện bằng được yêu cầu của đạo diễn. Sau 10 ngày gần như không ăn cơm, chỉ ăn rau, tập thể dục như…điên, Quang Ánh đã trình diện đạo diễn Đỗ Minh Tuấn với một bộ dạng còn hơn cả mong đợi: anh giảm được 8kg ! Đây là kỷ niệm khó quên đầu đời của chàng diễn viên trẻ và nhờ đó, anh đã sớm nhận ra những khó khăn vất vả của nghề diễn đằng sau hào quang lung linh của người nghệ sỹ.
Buổi giao lưu đã để lại nhiều suy ngẫm trong lòng các bạn trẻ về những giá trị nhân văn trong cuộc sống, về vẻ đẹp của lịch sử, về những giá trị và bài học không thể quên trong cuộc sống của mỗi con người và rộng hơn là của cả một dân tộc. Sự tâm huyết và tinh thần vượt khó trong lao động nghệ thuật của các nghệ sỹ cũng nhận được sự trân trọng và đồng cảm của khán giả.
Đánh giá cao góc nhìn nhân văn của tác phẩm, PGS.TS Vũ Thị Phụng (Chủ nhiệm Khoa Lưu trữ và Quản trị văn phòng) phát biểu: “Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn từng là sinh viên của Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, nay là Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN. Tôi tin là chính kiến thức được các thầy cô truyền dạy dưới mái trường này đã góp phần tạo nên cách tư duy, cách nhìn các vấn đề lịch sử theo một góc nhìn riêng, giúp đạo diễn dù làm phim chính luận nhưng vẫn đầy hấp dẫn và gần gũi. “Chất” nhân văn là “chất” quan trọng nhất đã tạo nên tầm nhìn và cách làm phim rất riêng của đạo diễn. Chúng tôi và mái trường này rất tự hào về anh!”.
TS. Nguyễn Quang Liệu (Trường phòng Chính trị và Công tác sinh viên) lại bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc đến đoàn làm phim, bởi bộ phim đã giúp thế hệ thầy được quay trở lại với những năm tháng lịch sử, học lại những bài học về lịch sử rất giàu tính chân thực, tính chiến đấu nhưng cũng hết sức lãng mạn. Bộ phim cũng giúp đưa thế hệ trẻ tới gần hơn với lịch sử, từ trân trọng những giá trị của lịch sử để yêu quý hơn những gì đang có trong cuộc sống hôm nay.
Tác giả: Thanh Hà
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn