Ngôn ngữ
Vào cuối những năm 80 của thế kỷ trước, báo chí ở Việt Nam có bước phát triển nở rộ với hơn 300 tờ báo, tạp chí, hàng chục đài phát thanh truyền hình từ trung ương đến địa phương. Hình ảnh người phóng viên xông xáo, năng động, luôn đi nhiều, biết nhiều, gặp gỡ nhiều người và mang lại thông tin mới mẻ cho công chúng đã in dấu sâu đậm trong tâm trí của nhiều thế hệ học trò và là ước mơ của nhiều cô bé, cậu bé từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Tuy nhiên, trước năm 1990, ở Việt Nam chỉ có duy nhất một cơ sở (trong hệ thống trường Đảng) đào tạo phóng viên, biên tập viên báo chí - đó là trường Tuyên giáo Trung ương (nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền). May mắn cho tôi và các bạn cùng trang lứa, đúng vào năm chúng tôi thi đại học, khoa Báo chí (trường ĐH Tổng hợp) được thành lập.
Ngày 12/10/1991, lễ khai giảng khóa học đầu tiên được tổ chức trọng thể ở đại giảng đường 19 Lê Thánh Tông. Lần đầu tiên chúng tôi được gặp gỡ rất nhiều Thầy/cô giáo của khoa, của trường, nhiều nhà báo, nhiều nhà lãnh đạo các cơ quan báo chí lớn … và được lắng nghe bài phát biểu chào mừng đầy tâm huyết của Giáo sư Chủ nhiệm khoa – Giáo sư Hà Minh Đức, người mà chúng tôi ngưỡng mộ đã lâu qua rất nhiều bài viết lý luận phê bình. Những lời chia sẻ có tính định hướng của Thầy về nghề báo, một nghề nghiệp vừa cần tầm cao tư tưởng, vừa cần kiến thức rộng về văn hóa, xã hội, vừa phải có kỹ năng nghề nghiệp thuần thục không chỉ giúp chúng tôi hiểu hơn về nghề nghiệp tương lai, mà còn thể hiện tầm nhìn chiến lược của Thầy, định hình triết lý đào tạo của khoa, và triết lý đào tạo đó được định vị, phát triển xuyên suốt cho đến tận bây giờ.
Báo chí là một ngành học bao gồm nhiều loại kiến thức tổng hợp về khoa học xã hội như chính trị, xã hội, luật pháp, văn học,… vì thế Thầy đã “chiêu hiền, đãi sỹ” mời về khoa những chuyên gia, những nhà khoa học, và những nhà báo hàng đầu ở Việt Nam để truyền giảng cho chúng tôi. Ngoài PGS.TS. Dương Xuân Sơn và thầy Trần Quang về khoa ngay từ ngày đầu, lần lượt PGS.TSKH Đỗ Xuân Hà, TSKH Đoàn Hương, PGS.TS.Vũ Quang Hào, PGS.TS. Đinh Văn Hường, PGS.TS.Nguyễn Thị Minh Thái,… được Thầy mời về khoa, tạo nên thế hệ vàng đầu tiên, gồm các chuyên gia đầu ngành về báo chí, văn hóa, ngôn ngữ, lịch sử, tâm huyết hết mình truyền giảng cho sinh viên báo chí. Bên cạnh đó, nhờ uy tín khoa học và mối quan hệ rộng khắp của Giáo sư, những thế hệ sinh viên đầu tiên của khoa chúng tôi được học hỏi và được truyền thụ kiến thức từ những giáo sư thỉnh giảng tên tuổi như GS.TS. Đỗ Quang Hưng, GS. Phương Lựu, PGS.TS. Nguyễn Thiện Giáp,… những nhà báo giầu kinh nghiệm như Đỗ Phượng, Trương Đức Anh, Trần Công Mân, Quang Đạm, Hoàng Tùng, Lê Bá Thuyên, Đỗ Quảng,… và cả những nhà thơ, nhà văn mà tác phẩm của họ đã đi vào tâm hồn bao thế hệ độc giả như nhà thơ Tố Hữu, Huy Cận, nhà văn Nguyên Ngọc, Tô Hoài,… Đa phần, Thầy Hà Minh Đức đều đích thân đưa các vị chuyên gia này đến lớp. Sau này khi ở lại khoa làm cán bộ giảng dạy, chúng tôi mới biết, rất nhiều lần Thầy đã đích thân đi mời và cũng rất nhiều người đến truyền thụ kiến thức cho chúng tôi chỉ vì vì nể uy tín chuyên môn và sự nhiệt tình của Giáo sư Hà Minh Đức.
Thầy Hà Minh Đức chụp ảnh cùng các cán bộ, giảng viên Khoa Báo chí và Truyền thông (Ảnh: Trần Minh)
Lớp chúng tôi được Thầy đích thân chỉ bảo, 5 sinh viên ưu tú nhất của lớp báo chí K36 đầu tiên ấy được Thầy giữ lại làm cán bộ giảng dạy của khoa, 2 trong số đó giờ đã là PGS.TS. Gần 60 sinh viên của lớp tôi tỏa về các cơ quan báo chí, nhiều người giờ đã giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt của các cơ quan báo chí quan trọng như Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, báo Nhân dân, báo Phụ nữ Việt Nam, báo Hải quan,… Mỗi lần họp lớp, chúng tôi lại ôn lại những kỷ niệm xưa, và câu chuyện về Giáo sư luôn là tâm điểm của ký ức thưở học trò khoa Báo chí. Trên con đường ‘tầm sư học đạo’, không phải ai cũng có được sự may mắn như chúng tôi, được làm học trò của những giáo sư uyên bác, tài ba mà ân cần, nhân ái như Giáo sư Hà Minh Đức.
Thầy Hà Minh Đức nổi tiếng từ rất sớm. Thầy là một trong những người đầu tiên viết sách nghiên cứu về Nam Cao, và là một trong những người đầu tiên đưa ra khái niệm ‘Nhà văn hiện thực” khi nói Nam Cao là cây bút hiện thực xuất sắc của nền văn học Việt Nam hiện đại. Cuốn “Nam Cao – đời văn và tác phẩm’ được giới nghiên cứu chú ý và đánh giá cao, được xuất bản khi Thầy mới hai mươi sáu tuổi. Một loạt tác phẩm sau này của Thầy như “Thơ và mấy vấn đề về thơ Việt Nam hiện đại”, “Nhà văn và tác phẩm’, “Thời gian và trang sách”, “Đi tìm chân lý nghệ thuật”, “Văn chương – tài năng và phong cách”, “C.Mác, Ph.Ănghen, V.I.Lênin và một số vấn đề lý luận văn nghệ”,… đã mang lại cho người đọc một cái nhìn đa dạng, sinh động về một thời kỳ rực rỡ của văn học Việt Nam, đồng thời. đã nêu lên những luận điểm cơ bản nhất của lý luận văn nghệ, có tác động không nhỏ tới hoạt động văn nghệ của nước nhà. Đặc biệt, Thầy dành nhiều thời gian tâm sức để nghiên cứu văn, thơ Hồ Chí Minh với các chuyên luận: “Chủ tịch Hồ Chí Minh-nhà thơ lớn của dân tộc”, “Tác phẩm văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh” và “Báo chí Hồ Chí Minh”. Những tác phẩm này không chỉ tìm hiểu quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thơ, văn, báo chí, mà còn đi sâu phân tích những khía cạnh làm nên phong cách Hồ Chí Minh, và lần lượt khái quát, đánh giá khá toàn diện, khách quan, nghiêm túc toàn bộ sự nghiệp văn, thơ và báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong gần 20 năm. Những nỗ lực, chuyên tâm nghiên cứu và những đóng góp to lớn của Thầy đã được ghi nhận qua giải Giải thưởng Nhà nước về nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn và Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học xã hội năm 2012.
Ảnh: Trần Minh
Những tri thức Thầy chắt chiu, tổng hợp, hệ thống hóa trong những công trình chuyên khảo, nghiên cứu đó, được Thầy tận tình truyền thụ cho chúng với cách dẫn dắt hóm hỉnh, nhẹ nhàng, qua những ví dụ sinh động và gần gũi.
Không chỉ nghiên cứu, giảng dạy văn học, Thầy còn là tác giả của những trang bút ký giàu chất hiện thực và những trang thơ giàu cảm xúc. Thầy viết bút ký về thế giới xích lô, viết bút ký về các đồng nghiệp như Vị giáo sư và ẩn sỹ đường, Tản mạn đầu ô,… Thầy đi Mỹ, và xuất bản tập bút ký ‘Ba lần đến nước Mỹ”, Thầy sang Nga và viết “Nước Nga – Thu vàng và miên man tuyết trắng”. Thầy đến Pháp và có tập bút ký ‘Paris – Hai mùa thu gặp lại”…. Nhiều bút ký của Thầy xuất hiện trên trang báo, là bài học thiết thực gần gũi và sinh động cho sinh viên báo chí chúng tôi khi học về “Ký văn học và ký báo chí’.
Báo chí là một ngành khoa học, gắn liền với nghiên cứu và phát triển, vì thế Giáo sư Hà Minh Đức đã thiết kế hướng nghiên cứu cho khoa, với nhiều bộ sách do Thầy chủ biên và trực tiếp thực hiện như ‘Thời gian và Nhân chứng” (3 tập), “Báo chí với vấn đề dân số kế hoạch hóa gia đình’, “Báo chí – Những vấn đề lý luận và thực tiễn”… Nhiều cuốn sau này đã trở thành sách xuất bản truyền thống thường niên của khoa, giới thiệu cho độc giả các bài nghiên cứu của cán bộ giảng viên, các chuyên gia, giáo sư thỉnh giảng của khoa, và định hình thương hiệu của khoa Báo chí và Truyền thông trong giới nghiên cứu và công chúng.
Khoa Báo chí mới hình thành, đội ngũ cán bộ còn mỏng, nhưng đều là những trí thức đầy cá tính, sắc sảo đến gai góc, và về khoa từ rất nhiều nguồn khác nhau. Thầy không chỉ là người tạo dựng chỗ dựa tinh thần, là một trong những trụ cột chính trong lĩnh vực chuyên môn của khoa, mà còn là người công tâm, nhân ái, dung hòa những điều khác biệt đến đối lập, gắn kết các thành viên trong khoa dưới mái nhà chung. Cho đến tận bây giờ, truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, đồng thuận, đồng lòng vẫn là sức mạnh cơ bản, nền tảng nhất giúp khoa Báo chí (nay là khoa Báo chí và Truyền thông) vượt qua nhiều khó khăn thách thức, hoàn thành tốt mọi trách nhiệm đối với nhà trường và xã hội.
Thầy là một nhà phê bình, nghiên cứu văn học danh tiếng, là một nhà thơ, nhà văn có nhiều tác phẩm chạm vào trái tim, lay động xúc cảm của độc giả. Thầy là một nhà quản lý công tâm, đầy khích lệ với đồng nghiệp và cấp dưới. Hơn hết cả, Thầy là một nhà giáo uyên bác mà tận tâm, dung dị, đã để lại cho biết bao thế hệ học trò tấm gương mẫu mực về người Thầy của cuộc đời mình.
Nhân dịp sinh nhật lần thứ 80 của Thầy, thầy và trò khoa Báo chí và Truyền thông kính chúc Thầy luôn dồi dào sức khỏe, và có thêm nhiều tác phẩm về lý luận và văn thơ.
Tác giả: PGS.TS. Đặng Thị Thu Hương
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn