Đọc trường ca "Cuộc chiến mười ngàn ngày" của Hữu Đạt

Thứ hai - 01/06/2015 00:16
Cách đây chưa lâu, vào khoảng những ngày cuối năm 2013, Hữu Đạt cho ra mắt tập thơ Lữ hành, gây sự ngạc nhiên không ít ở người đọc quen biết anh. Việc một người bấy lâu nay chuyên viết văn xuôi bất ngờ chuyển sang viết thơ, thật ra cũng không có gì lạ. Nhưng nếu ai quen biết Hữu Đạt, biết anh vốn là một chuyên gia ngôn ngữ giảng dạy ở bậc đại học, đã để lại hàng chục đầu sách nghiên cứu, vào lúc tuổi không còn trẻ, bỗng làm thơ như chạy đua với thời gian, thì sự ngạc nhiên âu cũng là điều dễ hiểu. Thế nhưng còn ngạc nhiên hơn, chỉ ngay sau một thời gian rất ngắn (hơn nửa năm), anh lại đã có ngay bản thảo tập trường ca Cuộc chiến mười ngàn ngày, thì quả là ngạc nhiên thật.
Đọc trường ca
Đọc trường ca "Cuộc chiến mười ngàn ngày" của Hữu Đạt

Trường ca, vốn là một thể loại thách thức với nhiều người vì nó đòi hỏi ở người viết vốn sống dồi dào, cảm xúc mãnh liệt và một sự am hiểu nhất định về thể loại. Vậy nên khi biết Hữu Đạt có “âm mưu” nhảy vào địa hạt trường ca, ban đầu quả thật tôi không tin. Phải đến tận khi cầm trên tay bản thảo Cuộc chiến mười ngàn ngày của anh, tôi mới vỡ lẽ, thì ra với Hữu Đạt không gì là không có thể. Càng thán phục hơn khi biết rằng, ở giữa cái thời buổi “cơm áo không đùa với khách thơ” như hiện nay, một nhà giáo,  sau những thành công ở địa hạt truyện ngắn, sân khấu, điện ảnh và tiểu thuyết, chỉ trong một thời gian ngắn, lại cho trình làng một lúc tới hai tập thơ “nghiêm ngắn”, tôi nghĩ, nếu không thật sự say mê tâm huyết, thì không thể có được thành công đó.

Trường ca là một thể loại văn học tương đối đặc biệt nằm giữa hai phương thức sáng tác tự sự và trữ tình. Nó vốn không phải là thế mạnh trong sáng tác văn chương ở nước ta. Bằng cứ cho thấy là, thành tựu trong thơ ca nói chung của người Việt có thể dẫn ra được khá nhiều, nhưng thành tựu trong trường ca thì lại là rất hiếm. Đó là một thực tế. Rõ ràng văn học Việt Nam có rất nhiều nhà thơ, số các nhà thơ từng thử sức mình trong trường ca, có thể nhiều hơn con số mười, nhưng tác phẩm của họ nhận được sự hưởng ứng từ phía người đọc lại khó vượt qua con số đó (Tố Hữu, Thu Bồn, Nguyễn Khoa Điềm, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Việt Chiến, Trần Mạnh Hảo, Thi Hoàng, Anh Ngọc, Nguyễn Trọng Tạo, Trần Anh Thái). Rõ ràng, trường ca là một thách thức nghiêm khắc với các nhà thơ. Bước vào địa hạt này, như đã nói, người làm thơ ngoài vốn kinh nghiệm đời sống, văn học (có sự hiểu biết sâu về mặt thể loại), còn phải khẳng định được trữ lượng cảm xúc với thời cuộc, “sự trường vốn”, giống như một doanh nhân lớn trên con đường doanh thương (dám chấp nhận cả thất bại). Thiếu một trong những yếu tố đó, sẽ thật khó có được sự thành công trong mảng sáng tác này. Chúng tôi nghĩ, là một người từng sáng tác trên nhiều lĩnh vực (sân khấu, điện ảnh, văn xuôi), bắt tay viết Cuộc chiến mười ngàn ngày, Hữu Đạt hẳn đã biết lượng sức.

Cuộc chiến mười ngàn ngày được cấu trúc thành 12 chương, bắt đầu với “Khát vọng mùa thu” (chương 1), qua “Ngày toàn quốc kháng chiến” (chương 2), “Mãi mãi Điện Biên” (chương 3), “Khi chúng tôi lớn lên” (chương 4), “Cuộc đối đầu lịch sử” (chương 5), “Những người Mẹ” (chương 6), “Mái trường đại học” (chương 7), “Những ngôi làng” (chương 8), “Trận đánh cuối cùng” (chương 9), “Đất nước chuyển mình” (chương 10), “Thách thức” (chương 11) và cuối cùng là chương mang tên “Thế hệ chúng tôi” (chương 12). Nhìn vào nhan đề các chương, Cuộc chiến mười ngàn ngày, có thể được xếp vào loại trường ca lịch sử. Bởi lẽ từ đầu đến cuối, những sự kiện được đề cập trong các chương gần như ôm trọn lịch sử của đất nước từ ngày Cách mạng Mùa thu, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, qua hai cuộc kháng chiến chống xâm lược, đến tận khi đất nước đã hoàn toàn thống nhất, đang trong dựng xây và hội nhập. Với thể loại trường ca, tôi cho rằng, cái khó khăn lớn nhất với các tác giả, đó là cấu trúc. Viết một bài thơ ngắn chỉ đòi hỏi người cầm bút có được xúc cảm dồi dào, một tác phẩm văn xuôi thì lại cần vốn sống, với một trường ca, người ta cần cả hai khả năng đó. Nếu không làm chủ được cảm xúc, tác phẩm của anh chỉ chơi vơi, nhưng nếu không làm chủ được cấu trúc, một bản trường ca sẽ “loạn nhịp”, người đọc sẽ khó lòng hiểu được ý đồ tác giả. Một bản trường ca hay, ngoài sức cuốn hút của các câu thơ, còn phải “neo” được trong lòng độc giả vẻ đẹp, sự chặt chẽ về mặt cấu trúc. Do bản thân trường ca thuộc phương thức tự sự, nghĩa là có yếu tố kể, có một câu chuyện, nên nếu cấu trúc lỏng lẻo, hoặc thậm chí không có cấu trúc, tác giả sẽ không biết dẫn dắt câu chuyện như thế nào. Để kiểm chứng vấn đề này, chúng ta hãy thử khảo sát các bản trường ca nổi tiếng trên thế giới, Iliat, Odyxe của người Hy Lạp, Ramayana và Mahabharata của Ấn Độ, Trường  ca Roland của Pháp…Tất cả các bản trường ca này đều đưa đến cho người đọc những câu chuyện rất hấp dẫn, thú vị, chính nhờ chúng có một cấu trúc chặt chẽ.

Ở Việt Nam ta, khái niệm trường ca chỉ bắt đầu xuất hiện trong khoảng những năm 50 của thế kỉ XX. Theo hai tác giả Bùi Văn Nguyên và Hà Minh Đức, thì “trường ca là hình thức thơ tự sự, ít nhiều dựa trên phương thức tự sự …. Trường ca còn là hình thức truyện thơ, nhưng không phải truyện thơ nào cũng là trường ca hoặc có màu sắc trường ca.. Nội dung của trường ca thường gắn liền với các phạm trù thẩm mĩ về cái đẹp, cái hùng, cái cao cả. Trường ca thường có cốt truyện không hoàn chỉnh”. Nhà nghiên cứu Hoàng Ngọc Hiến cũng khẳng định: “Trường ca là một thể loại lớn với hai nghĩa: có dung lượng lớn và mang nội dung lớn”; và “Tương quan giữa nguyên tắc trữ tình và nguyên tắc tự sự là một vấn đề trung tâm của thi pháp trường ca”. Một chút liên hệ như vậy để chúng ta thấy được, tại sao các nhà nghiên cứu lại khẳng định, sáng tác trường ca là sự thách thức với tất cả các tác giả.

Trở lại với cấu trúc Cuộc chiến mười ngàn ngày của Hữu Đạt, có thể khẳng định đây là bản trường ca được cấu trúc theo mạch sự kiện lịch sử đất nước. Như chúng tôi đã nói ở trên, với 12 chương của bản trường ca, tác giả Hữu Đạt có ý “ôm trọn” lịch sử đất nước kể từ ngày đầu (mùa thu Cách mạng) đến thời điểm hiện tại (đất nước giải phóng và đang trong quá trình dựng xây, hội nhập). Từ một góc độ khác, trong 12 chương của bản trường ca, ta lại bắt gặp một số chương trong Cuộc chiến mười ngàn ngày tách ra khỏi mạch sự kiện lịch sử, đào sâu vào mạch cảm xúc cá nhân. Có khi đó là cảm xúc về “những người Mẹ” (chương 6); khi thì cảm xúc về “những ngôi làng”; và có khi đó lại là những chiêm nghiệm cá nhân từ góc nhìn thế hệ: “Khi chúng tôi lớn lên/ Vùng chiến tuyến vẫn còn phi chiến sự”, “Chúng tôi lớn lên/ Mây thổn thức giữa đôi bờ ước vọng/ Những bãi bồi nổi những giấc mơ xanh”, “Chúng tôi lớn lên/ Hiểu đất nước qua những bài lịch sử/ Mẹ Âu Cơ sinh bọc trứng trăm con”… Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm trong trường ca Mặt đường khát vọng khi viết về Đất Nước cũng bám vào sự vận động ý thức của thế hệ trẻ thành thị miền Nam hướng về nhân dân, về dân tộc trong những ngày chống Mĩ. Chương 5 bản trường ca Mặt đường khát vọng của ông bắt đầu bằng câu: “Khi chúng tôi lớn lên Đất Nước đã có rồi”…), và cả bài thơ cứ đi theo mạch cảm xúc đó. Tôi cho rằng, Hữu Đạt cũng giống Nguyễn Khoa Điềm ở đặc điểm này: khi viết về đất nước, cả hai đều tìm một điểm tựa từ góc nhìn của một thế hệ cụ thể nào đó (chúng tôi), với Nguyễn Khoa Điềm “chúng tôi” còn rất trẻ, với Hữu Đạt, “chúng tôi” lớn lên cùng sự lớn lên của đất nước, nhân dân.  Xét trên phương diện ấy, ý tưởng của Hữu Đạt quả là rất lớn. 

Bìa cuốn sách "Cuộc chiến mười ngàn ngày" của tác giả Hữu Đạt, do NXB Công an Nhân dân xuất bản năm 2015

Bám sát mạch sự kiện lịch sử của dân tộc, Cuộc chiến mười ngàn ngày mở đầu bằng cảm xúc những ngày mùa thu trước Cách mạng (139 câu), qua cuộc kháng chiến trường kì chống thực dân Pháp (333 câu), lưu lại với “mãi mãi Điện Biên” (227 câu), tiếp tục bằng cuộc đối đầu lịch sử với đế quốc Mĩ (143 câu) đi đến Trận đánh cuối cùng (203 câu) và kết thúc bằng Đất nước chuyển mình. Nếu coi Cuộc chiến mười ngàn ngày là một bản trường ca lịch sử, thì tôi nghĩ với chừng ấy câu thơ bám sát đến tận cùng những sự kiện lịch sử lớn của dân tộc, Hữu Đạt đã hoàn thành trách nhiệm của mình. Hàng trăm câu thơ được viết bằng cảm xúc của một chàng trai sinh ra và lớn lên ở một ngôi làng thuộc đồng bằng Bắc Bộ vào những ngày đất nước chiến tranh,đã toát lên được giọng điệu “hào sảng” của một bản trường ca thứ thiệt. Không giống với một vài thể loại văn chương, trường ca ít nhiều có hơi hướng sử thi (épopée), nên người đọc dễ nhận thấy giọng điệu “sang trọng” toát ra từ câu chữ. Thật khó có thể thống kê hết những ví dụ về các câu thơ mang giọng điệu hào sảng như vậy trong cả tập trường ca Cuộc chiến mười ngàn ngày, nhưng chỉ cần lướt qua chương Mở đầu “Khát vọng mùa thu”, ta đã thấy được dáng dấp “hùng tráng” của nó. Khúc mở đầu (gần bằng dung lượng bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu), giống như một cuốn sử ngắn gọn về những ngày đen tối nô lệ của dân tộc Việt Nam. Chỉ với 139 câu/dòng thơ, Hữu Đạt đã cung cấp cho người đọc nhiều sự kiện lịch sử: những cuộc giao tranh không cân sức với kẻ thù, những vị anh hùng mà ngày nay mỗi người dân Việt Nam đều không thể nào quên, những thời khắc lịch sử quan trọng khi dân tộc mở ra một trang sử mới. Hữu Đạt chọn hình thức thơ theo thể tự do. Đó cũng là sự lựa chọn tất yếu khi mạch cảm xúc bài thơ rõ ràng đi theo hướng này. Lịch sử đất nước những ngày đầu tiên xen kẽ, tương phản trên bảng pha màu trắng/đen, sáng/ tối, bi/ hùng, rên xiết đau thương, nhưng cũng thiết tha tình cảm. Việc lựa chọn hình thức câu thơ là tùy thuộc vào nội dung cảm xúc đó. Chẳng hạn, 4 câu mở đầu được tác giả viết theo thể thơ 9 chữ: “Gần một trăm năm trong xích xiềng nô lệ/ Dân tộc ta nghèo trong đói rách thương đau/ Đất nước lầm than qua bao nhiêu dâu bể/ Trai gái yêu nhau nên điệu lí qua cầu”. Câu thơ dài hơn so với bình thường cũng là cách để tác giả tạo được xúc cảm da diết hơn khi muốn nói về “những nỗi đau” và “những nỗi thương” một thời của dân tộc. Trong khi đó ở đoạn thơ nói về ý chí quật cường của những người cộng sản trong cuộc đấu tranh chống quân thù, nhà thơ lại chuyển sang một hình thức thơ hoàn toàn khác, câu thơ tự do hơn (trong câu chữ), rắn rỏi hơn và cũng cương quyết hơn:

Những trái tim son sắt với màu cờ

Người cộng sản trung kiên

Không bao giờ gục ngã

Trước bạc tiền

Không thể bị bán mua

Bao đồng chí hi sinh

trong lao tù vẫn hát

Những tấm gương

muôn thuở vẫn chói ngời

Dù thân dẫu  tan vào trong đất

Mà hồn còn thiêng mãi núi sông ơi!

Tác giả có ghi chú ở ngay trên đầu đoạn thơ đây là hình một chiếc đồng hồ cát. Quả thật tôi chưa có đủ thời gian và trình độ để thẩm định những câu thơ viết theo hình vẽ, một thể nghiệm độc đáo của Hữu Đạt trong bản trường ca này (kể cả trong tập thơ Lữ hành xuất bản trước đó) tạo được hiệu quả bao nhiêu cho những nội dung cần phản ánh của anh, nhưng cứ nhìn trên hình thức văn bản, tôi nghĩ đó có lẽ cũng là một trong những đóng góp của nhà thơ vốn xuất thân từ một chuyên gia ngôn ngữ. Nhân đây cũng muốn xin được nhắc lại, ngay từ tập thơ Lữ hành Hữu Đạt đã có vẻ rất “chăm chỉ’ sáng tạo kiểu thơ thị giác. Trong tác phẩm thơ này, anh đã có khá nhiều bài viết theo kiểu hình họa. Và trong bản trường ca “ Cuộc chiến mười ngàn ngày”, sự  sáng tạo này trong thơ của anh lại càng “đậm đặc” hơn. Tôi đã thống kê được trong tập trường ca Cuộc chiến mười ngàn ngày có 39  đoạn thơ được viết theo kiểu thị giác với nhiều hình họa khác nhau khá ấn tượng. Đó là: hình cái ly có chân,  hình mái nhà rông hình cái hũ  đựng gạo,hình bầu rượu,hình cái bình cổ, hình lọ hoa, hình chiếc ly lớn, hình chìa khóa, hình con quay, hình đồng hồ cát, hình chiếc lư đồng, hình cây Thánh giá,hình lọ lộc bình, hình ngọn nến, hình giọt lệ, hình ngọn đuốc,  hình mũi tên, hình trống đồng, hình cây rơm  hình ngọn nến, hình tháp xuôi.hình cây rơm, hình bản đồ Việt Nam … .Một sự kì công tạo nên các hình họa dày đặc như vậy của tác giả không thể không khiến người đọc phải chú ý. Khi bàn về thơ hình họa (hay thơ thị giác) trong lịch sử thơ ca nói chung, nhiều nhà nghiên cứu đã cho rằng, trong hoàn cảnh cụ thể, nhất thời, viết thơ theo kiểu hình vẽ cũng có thể mang đến cho người đọc những ấn tượng mới mẻ, thú vị. Thay vì người đọc bấy lâu nay chỉ chăm chú “đọc thơ”, thì nay khi tiếp xúc với thơ từ góc độ hình họa, họ có cơ hội được “xem một bài thơ”. Với cách “đọc này”, những chữ viết tưởng như “vô hình” giờ đã biến thành một bức tranh hay một đoạn phim (như trong điện ảnh). Tôi nghĩ rằng, sự pha trộn loại hình nghệ thuật như thế cũng là một hướng đổi mới sáng tác nghệ thuật hiện nay. Vào những năm đầu thế kỉ XX, trong văn học Pháp, cùng thời kì xuất hiện trường phái hội họa lập thể của Picasso, trong văn học cũng xuất hiện một trường phái thơ hình vẽ (Calligramme), mà tiêu biểu nhất là nhà thơ Apollinaire, tác giả của bài thơ nổi tiếng Cầu Mirabeau. Hữu Đạt trong trường ca Cuộc chiến mười ngàn ngày còn tốn nhiều công sức hơn cho “cuộc chơi” này. Và tất nhiên cũng giống như Apollinaire, cũng có những bài thơ hình họa của anh chỉ thuần túy là một trò chơi hình thức. Nhưng có những bài/đoạn thơ hình họa của anh lại ẩn chứa những thông điệp nội dung theo cách riêng và những thông tin thẩm mỹ thú vị. Vì thế, trong số các thử nghiệm này, cũng có những hình vẽ - thơ của Hữu Đạt đã để lại được trong lòng người đọc ấn tượng đặc biệt. Chẳng hạn, với tôi, khi “xem” và “đọc” kĩ đoạn thơ hình cây rơm (tr.32), tôi cũng như cảm giác được mình đang sống lại với một ngôi làng nông thôn Việt Nam rất điển hình trước đây trong cái nồng nàn của hương lúa:

Trâu ta

ăn cỏ đồng ta

Dù  trong  dù  đục

Ta tắm ao nhà vẫn hơn

Nhớ làng câu hát véo von

Ru ta từ lúc hãy còn trẻ thơ

Nhớ làng qua những giấc mơ

Đêm trăng có tiếng ầu ơ rất buồn…

Đọc (và xem) đoạn thơ hình bản đồ nước Việt Nam (tr.56), chưa cần phải nghiên cứu kĩ nội dung, tôi cảm thấy trong lòng mình bỗng dâng lên một niềm cảm xúc mãnh liệt . Cái hình chữ S mà bấy lâu nay chúng ta vẫn thường nhìn thấy trên tấm bản đồ đất nước bình thường vậy thôi, giờ đây như bỗng có một tâm hồn. Không phải ngẫu nhiên, trong đời sống nghệ thuật gần đây, ta thấy xuất hiện không ít loại hình mới lạ: nghệ thuật sắp đặt, nhạc thị giác, thơ trình diễn…Có lẽ đó cũng là một cách để làm cho nghệ thuật bớt nhàm chán đi chăng? Tôi nghĩ thơ thị giác hay thơ hình họa –hình vẽ cũng đi theo hướng đó…

Ở một phương diện khác, nhìn từ góc độ cấu trúc - tư tưởng, Cuộc chiến mười ngàn ngày, ngoài tính chất một bản trường ca lịch sử, còn là một tác phẩm dồi dào cảm xúc, trăn trở suy tư trước thời cuộc của tác giả. Đây có lẽ cũng là một yếu tố không kém phần quan trọng với một bản trường ca. Một bài thơ, đôi khi chỉ cần hay (về mặt âm nhạc, âm điệu) thôi là đủ, nhưng một bản trường ca nếu không có điểm tựa tư tưởng, không mang đến cho người đọc một nhận thức rõ ràng về mặt nội dung, thật khó có thể bám trụ trong lòng người đọc. Cuộc chiến mười ngàn ngày song song với những sự kiện lịch sử suốt chiều dài đất nước, còn được cấu trúc xen kẽ những “trữ tình ngoại đề” đầy trăn trở của nhà thơ. Chẳng hạn, sau ba chương đầu về “Khát vọng mùa thu”, “Cuộc kháng chiến chín năm”, và “Mãi mãi Điện Biên”, Hữu Đạt dừng lại để trò chuyện với bạn đọc về “Thế hệ chúng tôi”, thế hệ của tác giả. Sau các chương “Cuộc đối đầu lịch sử”, anh tâm sự về “Những người Mẹ” của đất nước Việt Nam trong những năm gian khổ hy sinh. Rồi trở lại với “Mái trường đại học”, về mảnh đất Mễ Trì mà tôi và anh, thế hệ chúng tôi từng sống và học tập trong những năm chiến tranh, để chiêm nghiệm sâu hơn về những con người đã từng trải qua cuộc kháng chiến chống Mỹ với bao hy sinh, mất mát. Sau đó là cuộc lữ hành trở về với “Những ngôi làng”. Sau “Trận đánh cuối cùng”, “Đất nước chuyển mình”, Hữu Đạt có một chương ngập tràn suy tư về đất nước sau chiến tranh, đất nước trên con đường công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Cũng giống Nguyễn Duy trong Đánh thức tiềm lực, Hữu Đạt cũng có những câu thơ đầy trăn trở trong trường ca Cuộc chiến mười ngàn ngày:

“Dự án mở thênh thang khắp chốn

Nhà chưa xây tiền túi đã gom đầy

Đất của công  lấy từ tay dân chúng

Đền bù chả là bao mà giá đắt trao tay”

Hoặc:

Thời kinh tế thị trường

Lòng người chao đảo quá

Chân lý hôm qua

nay bỗng rẻ như bèo

Bao cái ác lượn lờ

Và đồng tiền đang phá

Những đạo đức ngàn đời

Tan như bọt sóng reo

Cuộc chiến mười ngàn ngày được viết từ 2010 đến cuối năm 2013, đầu năm 2014, ở thời điểm vấn đề Biển Đông chưa nóng bỏng như hiện nay, nhưng trong bản trường ca này, ta đã bắt gặp những câu thơ chứng tỏ tác giả là người khá nhạy cảm, thức thời, một tâm hồn yêu nước sâu sắc, đằm thắm:

Chúng tôi lớn lên

Hiểu đất nước qua những bài lịch sử

Mẹ Âu Cơ sinh bọc trứng trăm con

Một nửa vác cung tên lên núi

Một nửa đi khai phá những bưng biền

Ý thức với Biển Đông từ thuở ấy

Đã thấm vào mỗi giọt nước vùng biên

Có thể khẳng định, Cuộc chiến mười ngàn ngày là một thành công thể hiện sự độc đáo của Hữu Đạt. Đây là tập trường ca có nội dung phong phú, chân thực giàu cảm cảm xúc với lối viết khoáng hoạt, có chiều sâu về hàm lượng ngữ nghĩa với- nhiều cách tân độc đáo. Đó là một tập trường ca làm giàu có và phong phú thêm mảng thể loại trường ca hiện đại, rất có ích trong việc truyền bá tinh thần yêu nước và ý chí quyết tâm của nhân dân ta trong chiến tranh giữ nước và khắc phục vượt qua thử thách để xây dựng cuộc sống mới hôm nay.   

Tác giả: Trần Hinh

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây