Ngôn ngữ
Ngày 23/5/2017, mở đầu chuỗi bài giảng là buổi thuyết trình của GS. Catherine Gegout về chủ đề “Sự can thiệp của Châu Âu vào Châu Phi”. Bài thuyết trình mở đầu với việc liệt kê các cuộc can thiệp quân sự trực tiếp của Pháp, Anh và EU vào Châu Phi từ năm 1986 tới 2016 và lý giải động cơ can thiệp của những nước này, gồm có động cơ an ninh, kinh tế, danh tiếng, chủ nghĩa nhân đạo và chủ nghĩa hậu thuộc địa.
Theo đó, các động cơ can thiệp có thể được xếp theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp. An ninh là động cơ chính, trong đó có việc đảm bảo quan hệ lành mạnh với chính thể đương quyền, chống khủng bố và các dòng người nhập cư, bảo vệ các căn cứ quân sự, bảo vệ công dân của nhà nước mình và giúp Mỹ duy trì sự bá quyền. Tiếp đó là các lợi ích lợi ích kinh tế, chừng nào các lợi ích an ninh đã được đảm bảo. Thứ ba, lãnh đạo các nước này muốn can thiệp để được tôn trọng và giữ vững quyền lực, khuyến khích người dân tin tưởng và tôn trọng nhằm hợp thức hóa vị trí của mình, đồng thời họ muốn tạo dựng danh tiếng với nhà nước nơi họ can thiệp, với các nhà nước ở cùng khu vực địa lý và/hay có cùng những giá trị văn hóa với siêu cường Hoa Kỳ và với các nhà nước thành viên LHQ. Ở cấp độ cuối cùng là động cơ đạo đức, tức là họ cảm thấy có trách nhiệm nhân dạo với người dân ngoài lãnh thổ của mình. Tuy nhiên, đây là động cơ cuối cùng và chỉ được thực hiện trên cơ sở thỏa mãn ba mục tiêu đầu.
Tiếp theo, GS. Katharine Adeney chia sẻ kinh nghiệm về một số phương pháp giảng dạy và nghiên cứu tại Đại học Nottingham. GS, Katharine Adeney phân biệt các loại hình giảng dạy khác nhau như bài giảng tương tác, bài tập giải quyết vấn đề, bài tập mô phỏng, giảng dạy trực tuyến và tranh luận. Cùng với đó cũng có những dạng bài tập khác nhau như bài viết, tiểu luận, báo cáo, luận văn, dự án. Bà cũng đặt ra những vấn đề trong việc giảng dạy, mà nổi bật nhất là việc đạo văn. Theo đó, đạo văn có nghĩa là: trình bày nghiên cứu của khác nhưng cho đó là của mình, bắt chước, sao chép, thông đồng, sử dụng từ ngữ/suy nghĩ của người khác mà không trích dẫn. Đồng thời, sinh viên thường không phân biệt được khi nào cần nhắc lại (paraphrase), khi nào cần trích dẫn (quote) một tuyên bố, hoặc cần chú thích bao nhiêu là đủ. Cuối cùng, bà phân biệt giữa hai dạng đánh giá học sinh. Đánh giá quá trình (formative feedback) nhằm giúp sinh viên cải thiện quá trình học tập một môn học, nhằm nâng cao kết quả cho môn học đó; còn đánh giá tổng kết (summative feedback) nhằm giúp sinh viên biết họ đã làm được những gì và nâng cao kết quả của những môn học trong tương lai
Cuối buổi chiều cùng ngày, GS. Katharine Adeney có bài giảng chuyên đề: “Liệu nền dân chủ Ấn Độ có bị đe dọa dưới thời Modi?” cho học viên cao học và cán bộ trong và ngoài Trường.
Bài thuyết trình giới thiệu về lịch sử, nguồn gốc, những thay đổi trong lịch sử và triển vọng của nền dân chủ Ấn Độ. Sau khi giành độc lập năm 1947 từ nước Anh, Ấn Độ được chia thành hai nhà nước là Ấn Độ và Pakistan với tôn giáo khác nhau. Ở cả hai nước đều có những nhóm ngôn ngữ và tôn giáo đa dạng. Theo Giáo sư Katharine Adeney, Ấn Độ có được nền dân chủ không phải là do kế thừa, tận dụng truyền thống nghị viện lâu đời của nước Anh, cũng không phải do có tầng lớp người Hindu đông đảo trong dân số. Mà theo bà, ba nguồn gốc chính của nền dân chủ Ấn Độ là: năng lực chính trị của Đảng Quốc đại Ấn Độ, với những lãnh đạo dân tộc như Mahatma Gandhi và Jawaharlal Nehru; sự ổn định của nền dân chủ Ấn Độ ngay trước khi độc lập, dựa trên sự thống nhất chính trị trong đa dạng nhiều ngôn ngữ khác nhau; và thái độ cởi mở với sự đa dạng.
GS. Katharine Adeney trình bày bài thuyết trình
Kể từ khi độc lập, nền dân chủ Ấn Độ đã trải qua những thay đổi như sự nổi lên của người dân thuộc các đẳng cấp thấp, sự đại diện ngày càng mạnh mẽ của các đẳng cấp thấp trong các đảng chính trị, cùng với đó là sự thống trị của đảng Dân tộc chủ nghĩa BJP trong các cuộc tuyển cử và trong quốc hội. Tuy nhiên, Đảng BJP ủng hộ chủ nghĩa dân tộc tôn giáo với sự thống trị của người Hindu trên khắp lãnh thổ. Họ gạt bỏ quyền của người Thiên chúa giáo và Hồi giáo trong việc duy trì tín ngưỡng tôn giáo riêng, dập tắt tiếng nói, những đối tượng bất đồng chính kiến và ‘phản dân tộc’; và tập trung quyền lực văn hóa vào tay người Hindu.
Theo GS. Katharine Adeney, điều này gây ra mối đe dọa tới nền dân chủ Ấn Độ, nhất là sau cuộc bầu cử tổng thống Narendra Modi năm 2014. Chính phủ sẵn sàng dùng quân đội để trấn áp các lực lượng bất đồng như người Hồi giáo. Tuy nhiên, những thay đổi tích cực nói trên sẽ tiếp tục thúc đẩy nền dân chủ dù không thể nói là hoàn hảo.
Giáo sư Katharine Adeney
|
GS. Catherine Gegout
|
Tác giả: Trần Minh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn