Ngôn ngữ
Năm 1991 trở thành một niên đại lịch sử đánh dấu sự tan rã của Nhà nước Xô viết và kết thúc Chiến tranh Lạnh. Sau đó, tình hình thế giới biến động mạnh mẽ, đã diễn ra một quá trình sắp xếp lực lượng giữa các cường quốc nhằm tiến tới một trật tự thế giới mới. Trong đó, Đông Á là nơi nổi lên nhiều sự kiện quan trọng, tác động đến mối quan hệ quốc tế và đến từng quốc gia trong khu vực. Tác giả Trần Bách Hiếu lấy đó làm đối tượng nghiên cứu về sự dịch chuyển vị thế giữa các quốc gia và tổ chức quốc tế trong khu vực.
Dựa trên cơ sở những quan điểm lý thuyết về quan hệ quốc tế, tác giả phân chia quá trình lịch sử ở Đông Á từ 1991 đến 2016 làm ba giai đoạn: 1). Từ 1991-2001, “khoảng trống quyền lực” xuất hiện ở Đông Á do sự sụp đổ của Liên Xô và sự suy giảm ảnh hưởng của Hoa Kỳ, tạo cơ hội cho sự vươn lên của Nhật Bản và Trung Quốc song “bố cục và diện mạo chính trị của khu vực còn mờ nhạt”; 2). Từ 2001 đến 2009, sự phân bố quyền lực dần dần được thực hiện bởicác nước lớn như Mỹ, Nga, Nhật Bản, Trung Quốc cùng các tổ chức đa phương như ASEAN, ARF, APEC, tất cả “đã trở thành những quân cờ chủ yếu trên bàn cờ chính trị Đông Á”; 3). Từ 2009 đến 2016, sự điều chỉnh chính sách của các nước lớn đã tạo nên “bố cục thế ba chân kiềng với diện mạo khá căng thẳng, ít hợp tác, thiếu niềm tin” giữa ba nhóm chủ thế: Trung Quốc, Nhật Bản / ASEAN, ARF, APEC / Mỹ, Nga. Tác giả nhận định “Diện mạo chính trị ở Đông Á đã hiện lên với những gam màu ẩn chứa nhiều căng thẳng, tinh thần hợp tác chưa thực sự cao, còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ xung đột giữa các nhóm chủ thể” (và ngay cả trong từng nhóm chủ thế như giữa Trung Quốc và Nhật Bản, giữa Mỹ và Nga).
Việt Nam là một quốc gia Đông Á, một thành viên ASEAN, có nhiều mối quan hệ lịch sử và là đối tác chiến lược / đối tác toàn diện với các nước lớn. Do vậy, Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội cùng những thách thức trong sự biến động của cục diện chính trị trong khu vực. Tác giả đã dành nhiều trang phân tích thuận lợi, khó khăn của Việt Nam, nhấn mạnh ba nét lớn trong đối sách là: nhận thức đúng dắn về cục diện chính trị khu vực và thế giới; khai thác có hiệu quả lợi thế địa chính trị nhằm tạo ra nhiều cơ hội phát triển đất nước và nâng cao vị thế quốc gia; theo đuổi chính sách “cân bằng chiến lược” giữa các nước lớn.
Cuốn sách khép lại với 224 trang được cấu trúc làm 4 chương đem lại cho người đọc nhiềù kiến thức cơ bản và bổ ích. Thời cuộc Đông Á vẫn đang hàng ngày, hàng giờ chuyển động với biết bao sự kiện mà trong đó, mỗi quốc gia đều có vai trò chi phối, đồng thời lại bị chi phối bởi cục diện chung. Tác giả dừng lại ở niên đại 2016, đương nhiên còn có nhiều vấn đề phải suy ngẫm mà công trình khoa học của TS. Trần Bách Hiều là một đóng góp mang tính gợi mở có giá trị tham khảo cho sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh và những ai quan tâm đến vấn đề chính trị và quan hệ quốc tế ở khu vực Đông Á.
Tháng 5-2017
GS. Vũ Dương Ninh
Tác giả: USSH
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn