Ngôn ngữ
“Khi tóc thầy bạc trắng, tóc em vẫn còn xanh… Khi tóc thầy bạc trắng chúng em đã khôn lớn rồi…” Câu hát là một minh chứng rất rõ để ta biết được rằng: tại đây, ngôi trường cổ kính này đã có lớp lớp các sinh viên ra trường rồi thành đạt, biết bao thế hệ đã được ươm mầm tại trường nhân văn – một cái tên đáng yêu, đáng nhớ, đáng để mỗi sinh viên chúng ta khắc cốt khi tâm.
Với em đó là một ngôi trường khá ấn tượng với bề dày lịch sử lâu đời và đó là lí do khiến em chon để học tập và gửi gắm ước mơ của mình.
Vẫn nhớ rõ cảm giác bỡ ngỡ, lạ lẫm và một chút lạc lõng khi lần đầu tiên đặt chân vào trường. Một ngôi trường danh tiếng và lớn nhất cả nước về chuyên nghành xã hội mà mỗi lần nhắc đến với bạn bè tôi không sao kiềm nỗi sự tự hào và vui sướng.
Nhân văn – đó là cả sự nhiệt huyết của các thầy, các cô mỗi khi đứng trên bục giảng và đó là sự năng động tháo vát của các anh chị trong đội xung kích khoác lên mình màu áo xanh của tuổi trẻ. Chỉ khi được học tập dưới mái trường này em mới thấm thía hơn về cái chất “nhân văn” ấy. Sau bao nhiêu năm đi học xa nhà, lần đầu tiên trong đời em bắt gặp được hình ảnh thầy Phó hiệu trưởng – một công người trăm công nghìn việc như vậy lại đích thân đến tận kí túc xá của sinh viên để tặng quà và chúc tết. Chính vì điều đó càng làm cho những sinh viên xa nhà như chúng em phần nào được an ủi, ấm lòng khi lần đầu đi học trải qua cuộc sống xa gia đình.
Dù ở đâu, ở bất cứ thành phố lớn nào đều có sự bon chen, đông đúc. Nhưng khi bước vào trường em cảm thấy những mệt mỏi, lo toan cuộc sống của thế giới ngoài kia dường như đã bị không khí thân thiện, ấp áp nơi này rũ bỏ hết. Nhớ lại những ngày còn là tân sinh viên của trường, em khá bỡ ngỡ nhưng khi được học lớp chính trị đầu năm biết được truyền thống lịch sử của trường, em cảm thấy tự hào vì là sinh viên của trường nhân văn.
Khi lên giảng đường ngoài những kiến thứctrên lớp, các thầy, các cô còn dạy cho chúng em cách để bươn chải với cuộc sống sinh viên, cách giao tiếp, ứng xử khi gặp phải những tình huống ngoài ý muốn... Các thầy các cô không chỉ dạy chúng em kiến thức mà còn dạy chúng em cách làm người, làm một người có ích cho xã hội. Thầy cô là những người đưa đò cao cả, bằng cả tâm và tài của mình các thầy cô đã dìu dắt và nâng đỡ chúng em đến tầng tri thức của nhân loại. Em thích được nghe, được đọc, được học những điều mới lạ từ sách vở, bạn bè, thầy cô. Em yêu cảm giác căng thẳng và không khí sôi nổi trong những buổi thuyết trình trên lớp. Và em trân trọng buổi đi thực tế khá lạ lẫm nhưng kết quả đạt được nhiều hơn điểm số khi chúng em đã tiến một bước dài hơn với thực tế nghề nghiệp.
Nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Nếu là con chim chiếc lá thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh – lẽ nào vay mà không có trả - sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”. Quả đúng như thế! Nhân Văn đã chắp cánh, đã trang bị cho em để trở thành một con người như vậy. Em yêu Nhân Văn- nơi khởi nguồn cho những ước mơ về tương lai của em. Có lẽ chưa một ngôi trường nào để lại ấn tượng với em như thế, Nhân Văn với những con người dịu dàng, nhiệt huyết đáng mến biết nhường nào!
Với bề dày lịch sử và truyền thống, sự tận tâm và uyên sâu của những người đưa đò nơi đây, em cũng như những sinh viên đang theo học tại mái trường này tin rằng Đại học khoa học xã hội và nhân văn sẽ luôn là cái nôi đào tạo ra những con người vừa hồng vừa chuyên cho đất nước, tiếp tục khẳng định vị thế của mình trên bản đồ giáo dục quốc gia và không ngừng vươn xa tới những tầm cao mới.
Nhân Văn – niềm tự hào của tôi ! Tôi yêu Nhân Văn
Tác giả: Lục Thị Hậu - K59 Công tác xã hội
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn