Ngôn ngữ
Đây là mẩu hội thoại mà tôi đã từng lặp đi lặp lại nhiều lần, đặc biệt là từ sau khi gặp gỡ họ hàng gia đình nhà chồng (bởi vì: gia đình tôi, bạn bè tôi ai cũng biết nhà tôi nghèo, làm gì có tiền mà “chạy việc”). Ẩn sau mỗi câu trả lời kia, trong lòng tôi luôn dâng lên một niềm tự hào và sự biết ơn sâu sắc đối với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.
Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông ở huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ. Ngày lên xe ô tô về Hà Nội dự thi Đại học, tôi vẫn băn khoăn hỏi: “Bố ơi! Con nên thi trường nào hả bố? Thi Nhân văn hay Sự phạm I ạ? Học Sư phạm sẽ không phải đóng học phí, nhưng học Nhân văn có hệ chất lượng cao – sẽ được học theo chương trình đào tạo riêng và có chế độ học bổng đặc biệt bố ạ”… Có lẽ, bố mẹ đều hiểu rằng, tôi cũng băn khoăn về gánh nặng kinh tế mà bố mẹ phải mang khi cho tôi đi học Đại học. Ngày tôi nhận giấy báo trúng tuyển trường Nhân văn, bố mẹ tôi vui lắm mà lo lắng cũng nhiều. Nào là tiền học, tiền trọ, tiền sách vở… và rồi đây liệu có phát sinh hàng loạt khoản tiền khác như: tiền chống trượt, tiền hết môn, tiền 20/11… giống trong các câu chuyện từ những người bạn của bố mẹ có con học ở một số trường Đại học khác hay không?
Tôi trở thành sinh viên K50 của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Vào học rồi, được tự mình trải nghiệm, tôi nhận ra rằng, đây là môi trường học thuật cao và đầy tính nhân văn. Những sinh viên chúng tôi được học thật, thi thật và kết quả thi phản ánh đúng lực học thật của từng người. Qua 4 năm học Đại học, 3 năm học Cao học và giờ đang là nghiên cứu sinh của Trường, tôi vẫn thấy mình thật may mắn khi được là học trò của các thầy giáo, cô giáo Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Các thầy cô luôn chỉ dạy nhiệt tình, giúp tôi mở cánh cửa tri thức, truyền cho tôi tình yêu khoa học, và hơn hết là cho tôi cảm nhận được tình người. Thầy cô luôn dành cho sinh viên tình cảm thầy trò thực sự. Có thể ở đâu đó bằng cấp được mua bằng tiền, điểm được đổi bằng những món quà vật chất; nhưng, ở Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tôi không thấy có như thế bao giờ.
Tôi tin rằng mình có duyên với mái trường này. Tốt nghiệp Đại học tháng 6 năm 2009, đến tháng 10 năm 2010 tôi được về Trường công tác. Một lần nữa, tôi thầm cảm ơn sự công tâm của các thầy giáo, cô giáo trong Khoa Triết học, Ban Giám hiệu Nhà trường, Phòng Tổ chức – Cán bộ và các phòng ban chức năng khác. Bởi lẽ, nếu không nhờ sự công tâm ấy, chắc có lẽ một cử nhân nhà nghèo tỉnh lẻ như tôi sẽ chẳng bao giờ thực hiện được ước mơ trở thành giảng viên Đại học. Và vui hơn nữa là tôi được là giảng viên của Trường Nhân văn thân yêu.
Tôi tự hào và biết ơn lắm – Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn!
Tác giả: Lê Thị Vinh Khoa - Chi đoàn Cán bộ Khoa Triết học
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn