Ngôn ngữ
GS.TS Phạm Hồng Tung là một trong không nhiều nhà khoa học được nhận chức danh giáo sư và để lại dấu ấn riêng trong nền sử học đương đại Việt Nam khi tuổi đời còn trẻ. Sau khi tốt nghiệp Khoa Lịch sử, Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) ông may mắn được nhà trường tuyển làm cán bộ giảng dạy, sau đó được Trường cử đi học tập, nghiên cứu gần 10 năm liên tục tại CHLB Đức - một trong những quốc gia có nền giáo dục và khoa học cơ bản tiên tiến nhất ở châu Âu. Ông hoàn thành chương trình thạc sĩ loại ưu (mit Auszeichnung) năm 1997 tại Trường Đại học Tổng hợp Passau và chương trình đào tạo tiến sĩ loại xuất sắc (magna cum laude) tại Trường Đại học Tổng hợp Humboldt năm 2002. Trở về nước với hành trang là vốn kiến thức chuyên sâu, liên ngành về lịch sử và văn hóa Việt Nam, cùng với cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu khoa học hiện đại, ông tiếp tục được các bậc thầy khả kính dìu dắt, được Khoa Lịch sử và Trường ĐHKHXH&NV tạo điều kiện để nhanh chóng hòa mình vào sự nghiệp đào tạo và nghiên cứu khoa học với nhiều đóng góp quan trọng.
Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Tung/Ảnh: Thành Long
Trên lĩnh vực đào tạo, GS.TS Phạm Hồng Tung đã và đang tham gia giảng dạy nhiều môn học/chuyên đề cho các cơ sở đào tạo thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, như môn Lịch sử Việt Nam cận đại, chuyên đề Lịch sử cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam, chuyên đề Các xu hướng tư tưởng chính trị trong lịch sử cận đại Việt Nam cho sinh viên ngành Lịch sử Việt Nam; môn Văn hóa chính trị Việt Nam, chuyên đề Lịch sử chính trị Việt Nam cho sinh viên và học viên sau đại học ngành Chính trị học; các chuyên đề Không gian văn hóa châu thổ sông Hồng, Những vấn đề lý luận và phương pháp nghiên cứu khu vực học, Việt Nam học ở Việt Nam và trên thế giới cho học viên và nghiên cứu sinh của Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển. Ngoài ra, GS.TS Phạm Hồng Tung còn tham gia giảng dạy bằng tiếng Anh và tiếng Đức cho sinh viên và học viên, nghiên cứu sinh nước ngoài thuộc các chương trình đào tạo quốc tế như chương trình CIEE (Council of International Education Exchange) chương trình EAP (Education Abroad Program), các chương trình hợp tác với Đại học Tổng hợp Princeton và Đại học Tổng hợp Connecticut của Mỹ. Năm 2007, ông được Đại học Tổng hợp Freiburg (CHLB Đức), một trong những trường đại học nổi tiếng nhất ở châu Âu mời làm giáo sư thỉnh giảng. Ông cũng được Đại học Quốc gia Hà Nội phân công thực hiện một số bài giảng online cho Đại học Tổng hợp Tokyo (Nhật Bản) và Đại học Quốc gia Seoul v.v…; GS.TS Phạm Hồng Tung đã và đang tham gia hướng dẫn nghiên cứu sinh và học viên cao học, biên soạn giáo trình, bài giảng. Ông được biết đến như một thầy giáo có nền tảng kiến thức chuyên môn sâu rộng, cập nhật, phong cách sư phạm lôi cuốn, nghiêm khắc với bản thân và với học trò, nhưng cũng đầy trẻ trung, hài hước và cá tính. Có lẽ những ai là học trò của GS.TS Phạm Hồng Tung đều cảm nhận được rằng: thầy không chỉ mang lại cho mình kiến thức, mà quan trọng hơn là dạy cách tư duy, nhất là tư duy phê phán khoa học, truyền cho họ niềm đam mê và lòng dũng cảm khám phá những vấn đề “gai góc” của lịch sử.
GS. TS Phạm Hồng Tung luôn tự hào được học tập và trưởng thành từ Khoa Lịch sử, Trường ĐHKHXH&NV - một trong những cái nôi của nền sử học Việt Nam hiện đại, nơi ông có may mắn được nhiều bậc thầy tài năng và đức độ thương yêu dìu dắt, dạy bảo tận tình, được nhiều đồng nghiệp và bạn bè hết lòng giúp đỡ. Nhờ được sự định hướng của các thầy và của Khoa Lịch sử, ông đã miệt mài theo đuổi những hoài bão gắn liền với những hướng nghiên cứu cơ bản của lịch sử Việt Nam cận đại và hiện đại, như lịch sử các phong trào yêu nước và cách mạng của quần chúng nhân dân ở Việt Nam thời cận đại, Cách mạng tháng Tám năm 1945, một số vấn đề về lịch sử chính trị và văn hóa chính trị Việt Nam cận - hiện đại, các yếu tố và khía cạnh quốc tế của cuộc vận động phi thực dân hóa ở Việt Nam vv... Đây là những nội dung cơ bản, quan trọng của lịch sử Việt Nam cận - hiện đại đồng thời cũng là địa hạt diễn ra nhiều cuộc tranh luận sôi nổi nhất của giới nghiên cứu. Ở hướng nghiên cứu nào, GS.TS Phạm Hồng Tung cũng có những đóng góp rất riêng, góp thêm những thông tin sử liệu, những cái nhìn, hướng tiếp cận và cách luận giải mới mẻ và sắc sảo.
Thầy là Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển, ĐHQGHN/Ảnh: Thành Long
Trong thực tiễn nghiên cứu của mình, GS. Phạm Hồng Tung luôn chú trọng tuân thủ những nguyên tắc cơ bản của sử học, đó là sự nghiêm cẩn trong phê phán sử liệu, trung thực, khách quan, toàn diện và cụ thể. Ông thường chia sẻ với đồng nghiệp và học trò nguyên tắc đảm bảo tính đa chiều trong tiếp cận và luận giải các sự kiện, nhân vật và quá trình lịch sử. Với ông, bản thân sử học đã là một khoa học liên ngành, và vì vậy, việc phối hợp vận dụng nhiều hệ thống phương pháp và cách tiếp cận của sử học và các khoa học chuyên ngành khác như xã hội học, nhân học, văn hóa học, kinh tế học, triết học, khoa học chính trị, khu vực học vv... trong nghiên cứu được ông rất quan tâm. Ông cũng rất coi trọng sự hợp tác và đối thoại trong nghiên cứu lịch sử. Ông tham gia nhiều nhóm nghiên cứu ở cả Việt Nam và nước ngoài để hoàn thành các chương trình nghiên cứu liên ngành về lịch sử, văn hóa và xã hội của Việt Nam và của khu vực Đông Nam Á và Đông Á. Với tinh thần khoa học thực sự cầu thị và nghiêm túc, GS.TS Phạm Hồng Tung tham gia nhiều hội thảo, hội nghị và các diễn đàn khoa học ở cả trong và ngoài nước, nơi ông luôn sẵn sàng chia sẻ ý kiến, quan điểm, phương pháp, đóng góp thông tin tư liệu và cũng không ngần ngại tranh luận quyết liệt với đồng nghiệp để cùng làm sáng tỏ hơn những tồn nghi học thuật.
Bên cạnh công tác giảng dạy và nghiên cứu, trong những năm gần đây GS. Phạm Hồng Tung còn tham gia công tác quản lý, lãnh đạo, chủ yếu là công tác quản lý hoạt động khoa học và công nghệ ở ĐHQGHN. Do vậy mà hoạt động quản lý vẫn luôn gắn chặt với hoạt động chuyên môn, tạo điều kiện cho ông có dịp tiếp xúc, làm việc với đội ngũ đông đảo các nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau. Thông qua đó, ông càng có dịp học hỏi thêm, mở rộng tầm nhìn và hiểu biết của mình.
Mặc dù đã đạt được một số thành tựu nổi bật trong nghiên cứu lịch sử Việt Nam cận - hiện đại, GS. Phạm Hồng Tung vẫn chia sẻ, rằng đó mới chỉ là những kết quả bước đầu; rằng công việc và mục tiêu ông vươn tới vẫn còn đang ở phía trước. Hy vọng với hoài bão, tài năng và sự miệt mài vốn có của mình, ông tiếp tục có những đóng góp có giá trị to lớn hơn nữa cho sự nghiệp đào tạo và nghiên cứu khoa học của nước nhà.
GIÁO SƯ, TIẾN SĨ PHẠM HỒNG TUNG
Trung tâm đào tạo bồi dưỡng cán bộ giảng dạy Lý luận Mác-Lênin (1986-1990). Khoa Lịch sử Trường ĐHKHXH&NV (1990-2003). Phòng Khoa học (2003-2004).
Trưởng phòng Khoa học của Trường Đại học KHXH&NV (2003-2004). Phó Trưởng ban, Trưởng ban Khoa học & Công nghệ, ĐHQGHN (2004-2012). Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, ĐHQGHN (2012 đến nay).
1. Die Politisierung der Massen in Vietnam, 1925-1939, Logos Verlag, Berlin, 2002. 2. Lịch sử cuộc vận động vì các quyền dân sinh, dân chủ ở Việt Nam (1936-1939), NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2008. 3. Văn hóa chính trị và lịch sử dưới góc nhìn văn hóa chính trị, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2008. 4. Nội các Trần Trọng Kim: Bản chất, vai trò và vị trí lịch sử, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2009. 5. Lịch sử cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2013.
|
Tác giả: ThS. Trương Thị Bích Hạnh