Cuộc thi “Khởi nghiệp dựa trên quyền sở hữu trí tuệ”

Thứ hai - 13/05/2019 01:39
Ngày 11/5/2019, cuộc thi “Khởi nghiệp dựa trên quyền sở hữu trí tuệ” đã diễn ra tại Hội trường tầng 8 nhà E, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.
Cuộc thi “Khởi nghiệp dựa trên quyền sở hữu trí tuệ”
Cuộc thi “Khởi nghiệp dựa trên quyền sở hữu trí tuệ”

Cuộc thi do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn phối hợp cùng Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức. Cuộc thi hướng tới mục tiêu gắn kết đào tạo với thực tế hoạt động sở hữu trí tuệ, nâng cao nhận thức của sinh viên về sở hữu trí tuệ và khởi nghiệp, khích lệ khả năng sáng tạo của sinh viên, tạo điều kiện kết nối mạng lưới khởi nghiệp và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp trong các trường đại học gắn với sở hữu trí tuệ.

Ông Đinh Hữu Phí (Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục sở hữu trí tuệ)

Cuộc thi có sự tham dự của GS.TS Nguyễn Văn Kim (Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV), ông Đinh Hữu Phí (Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục sở hữu trí tuệ) cùng với đại diện các trường đại học tham gia cuộc thi và các đơn vị tài trợ.

Phát biểu khai mạc cuộc thi, ông Đinh Hữu Phí đánh giá cao sự phối hợp tổ chức cuộc thi của Trường ĐHKHXH&NV và Cục Sở hữu trí tuệ; đồng thời cũng khẳng định những bước tiến lớn trong việc tăng cường chất lượng đào tạo về sở hữu trí tuệ trong nhà trường.

GS.TS Nguyễn Văn Kim (Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV)

Phát biểu tại cuộc thi, GS.TS Nguyễn Văn Kim cũng khẳng định: “Sáng tạo là động lực phát triển của tất cả các quốc gia. Trường ĐHKHXH&NV chính là mái nhà chung của cộng đồng khoa học, tạo ra không gian học thuật để sinh viên, các nhà nghiên cứu có thể thảo luật, trao đổi và nâng cao năng lực và mở rộng hợp tác”.

Ban tổ chức tặng hoa và kỷ niệm chương cho các nhà tài trợ: Công ty Luật HDS, Công ty Luật TNHH LINK & PARTNERS, Trung tâm Sáng tạo và Ươm tạo FTU (FIIS) và Công ty cổ phần 9Fury.

Cuộc thi có sự tham gia của 4 đội thi đến từ các trường: Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn; Đại học Kinh tế quốc dân; Đại học Luật Hà Nội; Học viện phụ nữ Việt Nam.

Ban tổ chức tặng hoa và kỷ niệm chương cho đại diện các đội thi chung kết

Cuộc thi có 3 phần thi:

Phần 1 - Chào hỏi: các nhóm đã có những phần giới thiệu sáng tạo, ấn tượng về đội chơi của mình với nội dung liên quan đến Sở hữu trí tuệ và Khởi nghiệp.

Phần 2 - Đấu trí IP: diễn ra vô cùng căng thẳng và kịch tính. Vượt qua 10 câu hỏi, bằng kiến thức và sự nhanh trí, 2 đội thi đến từ Trường Kinh Tế Quốc Dân và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cùng dẫn đầu với 16 điểm.

Phần 3: Khởi nghiệp - là vòng thi quyết định của cuộc thi.

Trao giải Nhất cho đội đến từ Trường Đại học Kinh tế Quốc dân

Trao giải Nhì cho đội Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và Đại học Luật Hà Nội

Giải Ba thuộc về đội thi đến từ Học viện Phụ nữ Việt Nam

Giải cổ động thuộc về đội Trường ĐHKHXH&NV

Trao giấy chứng nhận về sở hữu trí tuệ và khởi nghiệp sáng tạo cho các đơn vị

Trường Đại học Luật Hà Nội đem đến cuộc thi dự án “Chuỗi cà phê Luật vì cộng đồng”. Dự án lấy cảm hứng từ sự đối lập giữa hình ảnh nụ cười khi được mùa và những giọt nước mắt đắng cay khi hạt cà phê rớt giá của người nông dân Gia Lai cùng với sự thiếu hụt một không gian chia sẻ luật pháp.

Phần thi “Chuỗi cà phê Luật vì cộng đồng” của Đại học Luật

“Chuỗi cà phê Luật vì cộng đồng” giúp tiêu thụ một phần cà phê cho người nông dân, đồng thời tạo ra một không gian co – working space dành cho những cá nhân, tổ chức quan tâm, làm việc hay những người muốn tìm hiểu về luật pháp. Dự án chính xuất phát từ tinh thần đầy tính nhân văn: Tìm thêm một hướng đi cho nông sản Việt kết hợp cùng với giá trị cốt lõi là môi trường học thuật đậm chất Luật. 

Học viện Phụ nữ Việt Nam đem đến hội thi dự án “Spa dưỡng sinh bằng thảo dược”. Dự án xuất phát từ nhu cầu khởi nghiệp, giải quyết vấn đề việc làm cho người phụ nữ; đồng thời đáp ứng được nhu cầu làm đẹp, chăm sóc sức khỏe bằng các thảo dược thiên nhiên của phái đẹp. Dự án mong muốn sẽ đem đến một hướng làm kinh tế mới và một phương pháp chăm sóc sắc đẹp, sức khỏe cho người phụ nữ.

Phần thi của Học viện Phụ nữ Việt Nam

Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn mang đến cuộc thi dự án “Edu Here”. Edu Here sẽ là đơn vị trung gian kết nối học sinh, sinh viên với các trung tâm ngoại ngữ. Sinh viên đăng kí lớp học qua Edu Here sẽ được học trải nghiệm, nhận được những ưu đãi giảm giá cho các khóa học. Trung tâm ngoại ngữ sẽ có một giải pháp truyền thông hiệu quả, tiết kiệm hơn cho doanh nghiệp của mình.

Phần thi chào hỏi của đội Trường ĐHKHXH&NV

Trường Đại học Kinh tế quốc dân đem đến cuộc thi dự án “Vòng đeo tay chống say tàu xe” - một giải pháp an toàn, tiết kiệm giải quyết tình trạng say tàu xe xuất hiện ở rất nhiều người. Vòng đeo tay có thiết kế đơn giản: một vòng đeo tay có chốt điều chỉnh độ rộng và 1 hạt nhựa được đặt vào huyệt nội quan khi đeo. Đây là sản phẩm đã được sản xuất và bán ở nhiều nước trên thế giới và được nhập bán về Việt Nam với giá khoảng từ 200.000 – 450.000 VNĐ. Dự án cải tiến thiết kế của sản phẩm đồng thời cung cấp sản phẩm với giá chỉ 100.000 VNĐ.

Phần thi chào hỏi của đội Trường Đại học Kinh tế Quốc dân

Kết thúc 3 phần thi, BGK đã trao giải Nhất cho đội đến từ Trường Đại học Kinh tế Quốc dân; đồng giải nhì cho đội thi đến từ Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và Đại học Luật Hà Nội. Giải ba thuộc về đội thi đến từ Học viện Phụ nữ Việt Nam.

PGS.TS Trần Văn Hải, Trưởng Bộ môn Sở hữu trí tuệ, Khoa Khoa học Quản lý, Trường ĐHKHXHNV – đại diện Ban cố vấn giải thích các đáp án của phần thi

Cuộc thi là bước đệm để các Start-up có thể tiếp tục theo đuổi đam mê trong lĩnh vực Sở hữu trí tuệ và đạt được thành công trong tương lai.

Tác giả: Nguyễn Nga - Lê Huy

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây