Tin tức

Nâng cao năng lực tiếng Việt và trải nghiệm văn hóa các dân tộc Việt Nam cho sinh viên quốc tế tại Khoa Việt Nam học và tiếng Việt

Thứ tư - 05/06/2024 23:35
Nằm trong kế hoạch đào tạo, thực tập thực tế dành cho sinh viên quốc tế tại Khoa Việt Nam học và tiếng Việt, ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN, trong hai ngày từ 27-28/05, Khoa đã tổ chức chuyến tham quan, trải nghiệm ngôn ngữ, văn hoá Việt Nam cho hơn 70 sinh viên quốc tế đến từ các nước như Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Trung Quốc, Cuba, Ucraina... đang theo học tại Khoa. Chuyến tham quan, thực tế do TS. Bùi Duy Dương - Phó Trưởng khoa làm trưởng đoàn, cùng các thầy cô trong Khoa.
 

Nằm ở phía Tây của tỉnh Hòa Bình, cách Hà Nội khoảng 140 km, Mai Châu là một thung lũng sở hữu vẻ đẹp hấp dẫn rất riêng của thiên nhiên xanh mát, bầu không khí trong lành và ẩn chứa bản sắc văn hóa dân tộc Thái đặc trưng. Trên đường di chuyển bằng ô tô đến Mai Châu, thầy trò Khoa Việt Nam học và tiếng Việt đã dừng chân tại đèo Thung Khe (hay còn gọi là đèo Đá Trắng), nơi có ngọn núi đá vôi sừng sững và cung đường “phủ tuyết trắng” đẹp đến lạ lùng.

Tiếp đó, các bạn sinh viên, học viên quốc tế được chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ khi ngắm toàn cảnh thung lũng Mai Châu từ trên cao. 

Điểm đến trong chuyến hành trình thực tập, thực tế thầy trò Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt là Bản Lác, Mai Châu trong sự tiếp đón nhiệt tình, nồng ấm của người dân nơi đây. Các bạn sinh viên Quốc tế vô cùng háo hức khi được thưởng thức các ẩm thực đặc trưng của núi rừng Tây Bắc như thịt xiên nướng, cá suối nướng, rau cải mèo, cơm lam... cũng như thưởng ngoạn vẻ đẹp của thiên nhiên, hoà mình vào sinh hoạt văn hoá của người dân địa phương trong chuyến tham quan 8 bản dân tộc Thái : Lác 1, Lác 2, Poom Cọong, Nà Phòn, Nà Thìa, Bản Văn, Bản Nhót, Thung Mài. 

Trong hai ngày tại khu du lịch Bản Lác, các bạn sinh viên, học viên quốc tế cũng được trực tiếp trải nghiệm những nét văn hoá đặc sắc của đồng bào dân tộc Thái, những trang phục của phụ nữ Thái, những điệu nhảy, múa, bài hát vô cùng vui tươi. 

“Đêm lửa trại kết nối năm châu” như một điểm nhấn của chương trình thực tập, thực tế. Tất cả say sưa thưởng thức những điệu múa xòe đậm chất núi rừng Tây Bắc, tiếng khèn du dương vang xa, những bước nhảy nhịp nhàng trong màn múa sạp sôi động. Thầy và trò Khoa Việt Nam học và tiếng Việt cùng nắm tay nhau quanh đốm lửa bập bùng, cùng nhảy, cùng hát trong không khí ấm áp, gắn kết tình cảm giữa các quốc gia. Đối với nhiều sinh viên quốc tế thì đây là lần đầu tiên các em được trải nghiệm văn hóa cộng đồng độc đáo như vậy. Và chắc chắn đây sẽ là một kỷ niệm đẹp, dấu ấn sâu đậm, khó phai mờ trong lòng mỗi sinh viên nước ngoài khi đến với Mai Châu.
 
Ngày hôm sau hành trình trải nghiệm tiếp tục bằng chuyến tham quan, khám phá thác nước Gò Lào, đây là một trong những thác nước đẹp nhất ở thung lũng Mai Châu. 
 
Hành trình 2 ngày 1 đêm tuy không ngắn cũng không dài nhưng đây là một chuyến đi thực sự ấn tượng. Đây không chỉ là dịp các sinh viên quốc tế từ rất nhiều quốc gia trên thế giới được khám phá, trải nghiệm cảnh đẹp thiên nhiên, những nét văn hoá độc đáo, đời sống sinh hoạt cộng đồng của người dân tộc vùng núi phía Bắc mà còn là dịp quảng bá, giới thiệu với bạn bè quốc tế hình ảnh người dân Việt Nam thân thiện, mến khách, nhân văn. 
Chuyến đi cũng là dịp tăng cường giao lưu, vun đắp tình cảm giữa thầy và trò cũng như giữa du học sinh các nước đang học tập tại Khoa. Với phương châm Việt Nam học “thực chiến”, Khoa Việt Nam học và tiếng Việt luôn đề cao việc thực hành, thực tế trong học tập và giảng dạy. Những chuyến đi thực tế như thế này trao cho sinh viên quốc tế cơ hội vừa tự chủ động khám phá các điểm tham quan, vừa giao lưu với người dân bản địa, tìm hiểu văn hóa Việt Nam, trau dồi thêm vốn tiếng Việt, từ đó bồi dưỡng thêm tình yêu với tiếng Việt, với văn hoá Việt Nam.
 

Tác giả: Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây