Hội thảo khoa học với chủ đề “Khoa Triết học - 35 năm nghiên cứu và đào tạo” đã được tổ chức vào ngày 30/9. Dự hội thảo có PGS.TS Nguyễn Văn Kim - Phó Hiệu trưởng Nhà trường, các nhà khoa học trong và ngoài trường.
Hội thảo nhằm tổng kết những thành tựu to lớn trong 35 đào tạo và nghiên cứu khoa học của Khoa Triết học đồng thời bàn thảo, vạch định các chiến lược phát triển trong chặng đường tiếp theo của Khoa Triết học.
PGS.TS Nguyễn Thuý Vân (Chủ nhiệm Khoa Triết học) đã trình bày báo cáo 35 năm xây dựng và trưởng thành của Khoa Triết học trên một số lĩnh vực cơ bản: công tác tổ chức, hoạt động đào tạo, hợp tác quốc tế và cơ sở vật chất. Báo cáo nhấn mạnh với 35 năm xây dựng và trưởng thành từ một khoa ra đời trên cơ sở một chiến lược cho sự phát triển của đội ngũ cán bộ lí luận ở Việt Nam, Khoa đã xây dựng được một đội ngũ các nhà khoa học tâm huyết và trình độ.
Về đào tạo, trong 35 năm qua Khoa đã phấn đấu không ngừng để mở rộng quy mô, cơ cấu đào tạo. Từ 61 sinh viên khoá 1 đến nay Khoa đã hoàn thành nhiệm vụ đào tạo 32 khoá sinh viên hệ chính quy với 2110 sinh viên và 8 khoá sinh viên tại chức. Hiện nay Khoa đang đào tạo 325 sinh viên chính quy thuộc hai hệ đào tạo là chuẩn và chất lượng cao. Ở lĩnh vực đào tạo sau đại học Khoa đang đào tạo 3 mã ngành thạc sĩ, 2 mã ngành tiến sĩ và sẽ mở thêm 2 mã ngành tiến sĩ vào năm 2011 – 2012. Những chiến lược phát triển cụ thể trên từng lĩnh vực cũng đã được PGS.TS Nguyễn Thuý Vân trình bày tại hội thảo.
Thành tựu nghiên cứu và đào tạo của Khoa Triết học tiếp tục được khẳng định trong báo cáo “Khoa Triết học – nơi đào tạo cử nhân của uy tín cho Viện Triết học” của PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà (Viện Triết học). Báo cáo nêu rõ ngay từ những khoá sinh viên đầu tiên của Khoa đã được tiếp nhận và làm việc tại Viện Triết học, từ đó đến nay rất nhiều thế hệ sinh viên đã và đang được tiếp nhận và làm việc tại Viện. Các cán bộ được đào tạo từ Khoa Triết học có ưu điểm được trang bị kiến thức cơ bản về lịch sử triết học và triết học Mác - Lênin, am hiểu về lí luận chính trị của Đảng...
PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà nhấn mạnh: Trong số các cơ sở đào tạo triết học ở nước ta hiện nay, Khoa Triết học thuộc Trường ĐHKHXH&NV được biết đến như là một trong số các cơ sở đào tạo có nhiều tính “hàm lâm” về triết học.
Tại hội thảo lần này những vấn đề nghiên cứu và đào tạo triết học trong thời đại ngày nay cũng đã được đặt ra. PGS.TS Phan Thanh Khôi (Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng cần “Nâng cao tính thực tiễn trong bào giảng Triết học”. Theo PGS.TS Phan Thanh Khôi bài giảng lí luận chính trị nói chung và triết học nói riêng phải có tính thực tiễn, phải luôn liên hệ với thực tiễn sinh động. Giảng viên cần nhận rõ tầm quan trọng của việc nâng cao tính thực tiễn trong bài giảng triết học, cần hiểu đúng về các yếu tố thực tiễn đưa vào bài giảng...
PGS.TSKH Lương Đình Hải (Viện Nghiên cứu Con người) thì nhấn mạnh: Cần phải kết hợp nghiên cứu giảng dạy, không nên chủ quan nóng vội, nên có một chương trình thu hoạch tư liệu, tái cấu trúc lại toàn bộ tài liệu giáo trình… Trong những năm tới Khoa Triết học nên tái cấu trúc lại tài liệu giáo trình cần phải cập nhật hơn, cơ bản hơn và đồng bộ hơn.
Ngoài ra còn rất nhiều các ý kiến, báo cáo khác tập trung bàn thảo về nội dung cụ thể liên quan đến nghiên cứu, đào tạo cũng như vai trò của triết học trong thời đại ngày nay: “Giảng dạy triết học trong giai đoạn hiện nay” – TS. Trần Thảo Nguyên (Trường Đại học Đại Nam), “Vai trò của triết học và việc nghiên cứu, giảng dạy triết học trong bối cảnh hiện nay” – PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn (Khoa Triết học – Trường ĐHKHXH&NV), “Nâng cao tầm cao uy tín, vị thế của Khoa Triết học - Trường ĐHKHXH&NV trong thời kì đổi mới” – PGS.TS Nguyễn Bá Dương (Học viện Chính trị Quân sự)...
Hội thảo khoa học là một trong những hoạt động hướng tới kỉ niệm 35 năm thành lập Khoa Triết học.