Tối ngày 3/10, Trường ĐHKHXH&NV và Đại sứ quán CH Ấn Độ tại Việt Nam đã phối hợp tổ chức lễ mít tinh kỉ niệm ngày Quốc tế Phi bạo lực tại 19 Lê Thánh Tông.
Dự lễ kỉ niệm có GS.TS Nguyễn Văn Khánh - Hiệu trưởng Nhà trường, ông Ranjit Rae - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hoà Ấn Độ tại Việt Nam, ông Ratubatsi Super Moloi - Đại sứ Cộng hoà Nam Phi, đại diện Bộ Ngoại giao nước CHXHCN Việt Nam, đại sứ quán các nước, đại diện các tổ chức phi chính phủ, cộng đồng Ấn Kiều tại Việt Nam...
Năm 2007, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã chọn ngày 2 tháng 10 hàng năm, sinh nhật của Mahatma Gandhi là ngày Quốc tế phi bạo lực, nhằm quảng bá văn hoá về hoà bình, lòng bao dung, sự thấu hiểu và tinh thần phi bạo lực thông qua giáo dục và nhận thức của cộng đồng.
Phát biểu tại buổi lễ GS.TS Nguyễn Văn Khánh – Hiệu trưởng Nhà trường nhấn mạnh: Suốt cuộc đời, ngay cả trong những tình cảnh bi đát nhất, Gandhi luôn gắn bó với triết lí không dùng bạo lực và đã hiến dâng cả cuộc đời mình cho đích cao cả là khám phá chân lí. Gandhi tuyên bố rằng cuộc đấu tranh vĩ đại nhất của con người chính là vượt qua nỗi sợ hãi, độc ác, xấu xa của chính mình. Gandhi cũng tin rằng cốt lõi của mọi tôn giáo trên thế giới này chính là chân lí và tình thương yêu. Tư tưởng của Ganhi đã và đang ảnh hưởng đến nhiều nhà lãnh đạo của không ít phong trào chính trị trên thế giới.
GS, Hiệu trưởng khẳng định: Trong thế giới đầy biến động và xu hướng bạo lực đang bùng phát hiện nay, tư tưởng vĩ đại của Gandhi đã góp phần gợi mở và rọi sáng một hướng đi cho nhân loại để cùng tồn tại trong hoà bình và phát triển. Tin tưởng rằng với các giá trị nhân văn cao cả, cuộc đời và sự nghiệp nhất là tư tưởng phi bạo lực vì hoà bình của Mahatma Gandhi sẽ tiếp tục lan toả, trường tồn mãi với thời gian.
Ông Ranjit Rae - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hoà Ấn Độ tại Việt Nam cho biết: Thông điệp “Phi bạo lực” có tầm ảnh hưởng vĩnh cửu, Đó là thông điệp cốt lõi của nền văn minh Ấn Độ, được gọi là “Ahimsa”. Ngày Quốc tế hoà bình và Phi bạo lực cho tất cả chúng ta cơ hội được soi mình vào khái niệm “Ahimsa”, để tự xem xét nội tâm mình, tự nhìn nhận làm sao cho chúng ta có thể áp dụng tư tưởng của Manhatma Gandhi trong cuộc sống và làm thế nào chúng ta có thể đóng góp cho hạnh phúc của cộng đồng, xã hội và môi trường chúng ta.
Trong buổi lễ sinh viên chuyên ngành Ấn Độ học Khoa Đông phương học cũng đã dựng lại các trích đoạn sinh động và chân thực về cuộc đời Mahatma Gandhi.
Manhatma Gandhi (02/10/1869 – 30/01/1948) là một lãnh đạo tinh thần và chính trị đối với đất nước và nhân dân Ấn Độ. Với tư tưởng phi bạo lực của mình, ông đã góp phần giải phóng Ấn Độ khỏi ách đô hộ của thực dân Anh và được nhân dân Ấn độ tôn vinh là người cha của dân tộc.