Tin tức

Chuyến thực tế trên dải đất miền Trung của sinh viên Báo chí

Thứ năm - 08/09/2016 23:18
Chuyến đi nào cũng có điểm xuất phát và kết thúc, xuất phát với tâm trạng háo hức để rồi kết thúc trong sự hoài niệm và nhớ nhung. Chuyến đi tác nghiệp thực tế của đoàn sinh viên K58BC cũng vậy, trên chuyến hành trình mang tên về nguồn không dài nhưng cũng đủ để lại nhiều trải nghiệm khó quên thời sinh viên, khi được học tập tại mái trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.
Chuyến thực tế trên dải đất miền Trung của sinh viên Báo chí
Chuyến thực tế trên dải đất miền Trung của sinh viên Báo chí

Hành trình đỏ hướng về lịch sử dân tộc

Vừa qua Sinh viên K58 Báo chí đã có chuyến đi học tập, tác nghiệp thực tế trên dải đất miền Trung đầy ý nghĩa. Đoàn hơn 60 bạn sinh viên tham gia, cùng 3 thầy cô dẫn  đoàn là cô Đặng Thị Thu Hương Trưởng khoa Báo chí và Truyền thông, thầy Phan Văn Kiền, thầy Nguyễn Đình Hậu. Địa điểm mà đoàn hướng tới là những địa danh gắn liền với những địa chỉ đỏ trên dải đất miền Trung. Đó là di tích lịch sử Ngã Ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh), Nghĩa Trang Trường Sơn, Thành Cổ Quảng Trị (Quảng Trị), Vũng Chùa - Đảo Yến và vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng Bình).

Mỗi vùng đất mà đoàn đi qua hay ghé thăm đều đọng lại trong mỗi bạn sinh viên một cảm xúc riêng, bồn chồn xao xuyến xen lẫn nghẹn ngào trong nước mắt.

Trong các địa điểm mà đoàn đến, để lại ấn tượng sâu sắc cho các bạn là những địa danh di tích lịch sử - nơi ghi dấu một thời oai hùng, đầy bi tráng nhưng cũng đầy mất mát và đau thương của cả dân tộc trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Không khỏi chạnh lòng và không cầm được những dòng nước mắt khi lần đầu tiên các bạn được đặt chân lên những mảnh đất mà trước đây đã diễn ra các cuộc giao tranh ác liệt. Khắc nghiệt là thế, cái chết và sự sống chỉ trong gang tấc nhưng các chiến sĩ cùng nhân dân ta vẫn quyết tâm đồng lòng đánh đuổi kẻ thù, sẵn sàng đương đầu với hi sinh mất mát để giành lấy độc lập.

Những địa danh còn đó ghi dấu một thời oai hùng, một thời oanh liệt của dân tộc, nhưng đằng sau đó là cả một mất mát đau thương cho đến tận bây giờ.

Các bạn sinh viên vừa ghi chép thông tin vừa tranh thủ tác nghiệp để có những bài viết của mình tại địa danh Ngã Ba Đồng Lộc

Địa danh đầu tiên đoàn tới dâng hương là Ngã Ba Đồng Lộc, nơi ghi dấu sự hi sinh anh dũng của tiểu đội 10 cô gái thanh niên xung phong. Người trẻ tuổi nhất là 17 tuổi, ba người chị lớn tuổi nhất cùng 24 tuổi. Giờ đây chiến tranh đã lùi xa, cuộc sống đã hồi sinh ngay trên tọa độ chết năm xưa, thời gian có thể khiến cho người ta quên đi bao nhiêu ngã ba trong cuộc đời nhưng khó có ai một lần đi qua mà có thể quên được Ngã Ba Đồng Lộc.

Các nhóm sinh viên tác nghiệp tại các địa điểm đoàn dừng chân

Sau Ngã Ba Đồng Lộc, đoàn tiếp tục đến viếng các anh hùng liệt sĩ tại nghĩa trang Trường Sơn. Đến đây các bạn trẻ mới biết được hết nỗi đau của cả dân tộc, chiến tranh đã qua đi nhưng những mất mát, hi sinh sẽ không bao giờ qua đi. Những người mẹ mất con, người vợ mất chồng cũng vì chiến tranh và còn đó nỗi đau cho đến tận bây giờ không thể bù đắp được. Nghẹn ngào dâng nén nhang thắp cho vong linh các anh hùng liệt sĩ thầy cô và các bạn không khỏi ngậm ngùi, để có được nền độc lập dân tộc ta đã phải đánh đổi biết bao xương máu của các thế hệ đi trước.

Đoàn tới viếng các anh hùng tại nghĩa trang Trường Sơn

Thành Cổ Quảng Trị, nơi gắn liền với 81 ngày đêm ác liệt năm 1972.  Trong 81 ngày đêm đó để chiếm lại thành cổ Quảng Trị và thị xã Quảng Trị, Mỹ đã ném xuống đây 328 ngàn tấn bom. Nơi đây cũng đã diễn ra cuộc giao tranh ác liệt giữa ta và địch. Hàng ngàn chiến sĩ đã hy sinh tại đây, xương máu các anh đã hòa quyện vào gạch đá đổ nát. Thầy cô và các bạn  không cầm được nước mắt khi nghe những dòng thơ viết về Thành Cổ.

Đoàn dâng hương tại Thành Cổ Quảng Trị

Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi

Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ

Trời Quảng Trị trong xanh và lộng gió

Dẫu ồn ào đừng lay động hàng cây.

………………………………….

Nhẹ bước chân và nói khẻ thôi

Thành Cổ rộng sao đồng đội tôi nằm chật

Mỗi tấc đất là một cuộc đời có thật

Cho tôi hôm nay đến nghẹn ngào.

Còn đó những dư âm…

Bên cạnh đó đoàn cũng ghé thăm Động Phong Nha (Quảng Bình). Động Phong Nha được coi là "Thiên Nam đệ nhất động" của nước ta, được che chở bởi những cánh rừng nhiệt đới. Cảnh núi non sông nước nơi đây quyến rũ, thiên nhiên hùng vĩ làm mê hoặc lòng người. Suốt hành trình đoàn cũng ghé thăm nhiều địa danh nổi tiếng ở miền Trung. Mỗi điểm đến đều mang đến cho các bạn một trải nghiệm riêng cùng một cảm xúc khác biệt.

Trong chuyến hành trình cuối cùng đoàn đã ghé Vũng Chùa – Đảo Yến viếng mộ Đại Tướng Võ Nguyên Giáp. Cả đoàn đã kính cẩn dâng hương tưởng nhớ vị Đại Tướng vĩ đại của dân tộc.

Chuyến đi với cung đường dài hơn 1000km đã để lại nhiều kỷ niệm cho các bạn cùng thầy cô dẫn đoàn. Chuyến đi nào cũng có điểm dừng nhưng sau mỗi chuyến đi là cả một dư âm còn mãi. Chuyến đi không chỉ là một chuyến đi thực tế học tập mà đó còn là một chuyến đi để gắn kết thêm tình bạn bè, thầy cô. Tất cả bỏ lại những vất vả cùng lo toan về học tập để nhường chỗ cho chuyến đi dài ngày. Và những kỷ niệm trong chuyến hành trình lần này sẽ mãi mãi là kỷ niệm để lại nhiều tiếc nuối về một thời sinh viên

Tác giả: Bài viêt: Văn Hùng K58BC; ảnh: Hoài An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây