Ngôn ngữ
Dương Khánh Huyền, sinh năm 2005, người dân tộc Tày, là cựu học sinh lớp chuyên Lịch sử, Trường THPT chuyên Bắc Kạn.
Dương Khánh Huyền, tân thủ khoa ngành Quan hệ công chúng. |
Với tổng điểm 26.4 ở ba môn Toán, Văn và Tiếng Trung, cô đã trúng tuyển ngành Quan hệ công chúng. Đây là ngành học “hot” với điểm đầu cao nhất Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn, Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU-USSH) năm 2023.
Hiệu trưởng VNU-USSH, GS.TS. Hoàng Anh Tuấn tặng bằng khen Thủ khoa đầu vào của ngành cho Khánh Huyền trong lễ khai giảng năm học 2023-2024. |
“Mình vẫn chưa kịp thích nghi với môi trường và cuộc sống ở Thủ đô. Có nhiều kiến thức quá mới, quá nặng mà cấp ba mình chưa từng nghe qua. Mình đã gặp được nhiều bạn mới, mọi người đều rất giỏi và tài năng nên mình có thêm động lực hoàn thiện bản thân”, Khánh Huyền tâm sự.
Thời phổ thông, cô là lớp trưởng, có nhiều học kỳ liên tiếp đạt học bổng của trường và là thành viên tích cực của CLB Nhảy chuyên Bắc Kạn. Cô cho biết, việc từng đỗ thủ khoa đầu vào lớp chuyên Lịch sử là thành tích mà cô tự hào nhất, bởi đó không chỉ thể hiện sự nỗ lực không ngừng mà còn là điều may mắn. Trước đó, Khánh Huyền có thời gian gắn bó với môn Ngữ văn nhưng hầu như không đạt được kết quả cao và luôn thấy tương lai “mịt mù” vì chưa tìm được hướng đi phù hợp với bản thân.
Chỉ một tháng trước kỳ tuyển sinh lớp 10, cô quyết định chuyển sang ôn thi chuyên Lịch sử. Đây là một quyết định khá mạo hiểm và liều lĩnh, khiến nữ sinh phải thức trắng nhiều đêm học và ôn thi cấp tốc. Tương tự, một hướng đi mới lại được cô lựa chọn sau khi lên cấp ba. Vốn hâm mộ các thần tượng Trung Quốc, cô thử học tiếng Trung. Lâu dần, cô thấy ngôn ngữ này có nhiều điều thú vị và hấp dẫn, nên bản thân cũng tiếp thu nhanh hơn.
Vào năm lớp 10, để nghiêm túc theo đuổi tiếng Trung, Khánh Huyền thuyết phục gia đình được chuyển sang thi tổ hợp D04 thay vì định hướng C00 ban đầu. Kèm với đó, cô phải cố gắng cân bằng việc học tiếng Anh và giữ vững điểm số ổn định các môn học trên lớp. Thời điểm đó, trên địa bàn thành phố Bắc Kạn chỉ có duy nhất một trung tâm ngoại ngữ dạy tiếng Trung. Nhưng do thiếu giáo viên, hoạt động của trung tâm không được ổn định. Vậy nên sau khi kết thúc khoá cơ bản tại đây, cô quyết định tự học, tự ôn thi chứng chỉ và thi tốt nghiệp THPT. Khánh Huyền tìm hiểu các khóa học miễn phí và có phí trên Internet, tham gia nhiều nhóm học tiếng Trung trên mạng xã hội. Đến năm 2022, cô thi đỗ chứng chỉ tiếng Trung HSK4, mức độ trung cấp trong 6 cấp độ HSK. Đây cũng là mức độ tiếng Trung vừa đủ để xét tuyển sớm vào nhiều trường đại học.
“Do dịch COVID-19 nên mình phải thi HSK trực tuyến, là hình thức thi nhiều rủi ro nhất. Thật không may trước ngày thi, mình còn bị mắc COVID-19 nên mình vẫn chưa thật sự hài lòng với kết quả”, Khánh Huyền kể.
Nhờ kết quả học tập, rèn luyện tốt kèm chứng chỉ ngoại ngữ, Khánh Huyền đã đỗ xét tuyển sớm các trường đại học như Trường Đại học Hà Nội, Trường Đại học Thương mại và Trường Đại học Mở Hà Nội. Đối với điểm thi tốt nghiệp THPT, cô tự tin đặt Quan hệ công chúng là nguyện vọng 1. Theo cô, việc học tiếng Trung không những có lợi cho ngành Quan hệ công chúng, mà có thể là điểm cộng cho sinh viên nhiều ngành khác. Có rất nhiều công ty Trung Quốc đang hoạt động tại nước ta, ngoài trình độ tiếng Trung, nhà tuyển dụng cũng yêu cầu sự năng động, nhạy bén với sự chuyển đổi liên tục trong thời đại số. Đây cũng chính là những tính cách nổi bật của người học ngành Quan hệ công chúng.
Khánh Huyền tham gia một hoạt động ngoại khóa ở đại học. |
Trong thời gian tới, Khánh Huyền dự định sẽ trau dồi thêm ngoại ngữ, cả tiếng Anh lẫn tiếng Trung. Ngoài ra, cô cũng muốn học thêm các kỹ năng chuyên môn như tin học văn phòng, hoặc các kỹ năng mềm như thuyết trình, lập kế hoạch… Cô cũng muốn sắp xếp thời gian để tham gia một số câu lạc bộ trong trường để trải nghiệm thời sinh viên sôi động.
Tác giả: Theo Báo Sinh Viên Việt Nam
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn