Ngôn ngữ
Một số hình ảnh hội thảo "Trách nhiệm xã hội và đạo đức báo chí trong kỷ nguyên kỹ thuật số
Tin bài trên báo chí
Báo điện tử Nhân dân: Trách nhiệm xã hội và đạo đức báo chí trong cạnh tranh thông tin
Báo điện tử Dân trí: Quay lưng với thân phận con người, báo chí sẽ không còn độc giả
Thông tấn xã Việt Nam: Đề cao trách nhiệm xã hội, đạo đức báo chí trong kỷ nguyên số
Báo Hà Nội mới: Trách nhiệm xã hội và đạo đức báo chí trong kỷ nguyên số
Báo điện tử VOV: Báo chí trong kỷ nguyên số: Phải ưu tiên cái đúng
17 tham luận gửi tới hội thảo là những bài phân tích, đánh giá thực trạng hoạt động báo chí và hiện trạng vi phạm đạo đức báo chí ở Việt Nam hiện nay, xác định trách nhiệm xã hội của nhà báo và đề xuất nhiều giải pháp khuyến nghị để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động báo chí truyền thông ở Việt Nam.
TS Bùi Chí Trung (trái) và PGS.TS Đặng Thị Thu Hương đang điều hành hội thảo
Học cách sống chung với thông tin trong kỷ nguyên số
Đó là nhận định của nhà báo Hữu Thọ trước thực trạng thông tin hiện nay. Công chúng trong kỷ nguyên số đang phải sống chung với những luồng thông tin thật giả, xấu tốt lẫn lộn. Theo ông, trong thông tin hàng ngày công chúng tiếp nhận, trong cái xấu luôn có cái tốt, trong cái tốt luôn có cái xấu, trong giả có thật, trong thật lại có giả. Lý giải cho vấn đề này, ông cho rằng nếu thông tin tất cả đều xấu, hoặc đều tốt, công chúng sẽ không muốn tiếp nhận.
Điều này đã đưa vấn đề đạo đức báo chí trong môi trường truyền thông kỹ thuật số đang là vấn đề thời sự nóng bỏng hiện nay. Những khối lượng thông tin lớn được chuyển tải từng giây phút qua mạng internet khiến con người không còn đủ khả năng kiểm soát thông tin.
Nhà báo Hữu Thọ đang phát biểu tại hội thảo
Theo nhà báo Hữu Thọ, thông tin trên mạng hiện nay cái giả nhiều khi còn nhiều hơn cái thật. Nhưng công chúng vẫn phải sống chung với thông tin mạng. Theo ông, không có giải pháp nào có thể ngăn cản hay loại trừ những thông tin này trên môi trường mạng. Công chúng trong kỷ nguyên số cần là những công chúng học được những thái độ để sống chung với những luồng thông tin này và những người cung cấp thông tin - cụ thể ở đây là nhà báo phải tự đặt ra yêu cầu cao với vấn đề đạo đức, bản lĩnh nghề nghiệp.
"Các tổng biên tập của những tờ báo hiện nay không còn nguyên vai trò đọc báo và kiểm duyệt thông tin báo chí nữa. Bên cạnh nhiệm vụ nặng nề đó, họ còn phải khoác lên vai mình gánh nặng của quảng cáo, của phát hành. Có đôi khi, quảng cáo phát hành còn là nỗi lo lớn hơn của tổng biên tập" nhà báo Hữu Thọ nói.
Nhà báo Lê Duy Truyền, Phó TGĐ Thông tấn xã Việt Nam đang chia sẻ quan điểm của mình
Có cùng quan điểm này, nhà báo Lê Duy Truyền, Phó Tổng Giám đốc Thông Tấn xã Việt Nam cũng cho rằng kỷ nguyên số đã dẫn đến sự bùng nổ của truyền thông xã hội. Xét ở góc độ nào đó, truyền thông xã hội không thua kém báo chí về tính cập nhật nhanh, nội dung phong phú và thông tin đa chiều. Hơn nữa, khả năng lan tỏa của thông tin trên mạng xã hội dường như không có giới hạn, bởi sự ra đời của nhiều tiện ích chia sẻ đã khiến mạng xã hội trở thành những “cỗ máy truyền tin”, không bị hạn chế bởi nguồn nhân lực hay tài chính. Nhưng những thông tin không phải lúc nào cũng chính xác và khách quan. Điều này đã tạo ra những áp lực về thông tin phản biện kịp thời và thông tin chỉnh hướng dư luận của báo chí.
Trách nhiệm tự thân của mỗi nhà báo
Hội thảo cũng bàn luận nhiều giải pháp để nâng cao đạo đức và trách nhiệm xã hội của báo chí trong kỷ nguyên kỹ thuật số. Một trong những giải pháp được nhiều chuyên gia đồng tình và nhắc tới đó là trách nhiệm đầu tiên xuất phát từ yếu tố tự thân của nhà báo.
Tự thân người làm báo luôn phải nâng cao trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân, đạo đức và kỹ năng nghề nghiệp của mình bởi đây là yếu tố trọng tâm để giúp các nhà báo có thể chắc tay bút trong quá trình tác nghiệp.
Nhà báo Lương Bích Ngọc, Tổng Biên tập báo điện tử Khám Phá chia sẻ: Trong cuộc đời làm báo, không có nhà báo nào là không vấp phải những lỗi lầm. Có những lỗi lầm nhỏ có thể sửa chữa được, nhưng cũng có những lỗi lầm phải trả giá rất nhiều. Nhưng điều quan trọng, mỗi nhà báo cần định hướng cho mình trở thành một nhà báo tử tế.
Nhà báo Đăng Dũng (Phó TBT báo Tuổi trẻ) chia sẻ
Nhấn mạnh về trách nhiệm cá nhân mỗi nhà báo, nhà báo Đăng Dũng, Phó Tổng biên tập báo Tuổi trẻ nói: "Tôi thường tự hào về ngòi bút của mình, nhưng nhiều khi tôi cũng sợ chính ngòi bút đó. Khi tôi viết một tác phẩm báo chí, tác phẩm đó sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều con người trong xã hội. Một sơ xuất nhỏ, khi không khai thác hết chiều cạnh của thông tin, tôi sẽ phải đối diện với những ân hận của cuộc đời mình. Nhưng khi dấn thân vào nghiệp báo, hãy luôn tự hào về ngòi bút của riêng mình, viết về những cái đẹp, nhân văn của cuộc sống".
Có thể nói, báo chí có sức mạnh đặc biệt, có khả năng phổ biến và tác động từng ngày từng giờ tới xã hội, ảnh hưởng đến mọi thành viên, mọi tổ chức trong xã hội. Làm báo không chỉ là nghề đơn thuần mà còn là một sứ mệnh bởi nghề báo không tồn tại tự nó và cho nó, mà tồn tại vì xã hội và cho xã hội. Báo chí, nhà báo phải hoạt động vì cuộc sống và vì lợi ích của đại bộ phận người lao động trong xã hội, nên luôn phải hướng tới những giá trị chân thiện mỹ đích thực. Và vì thế, trong thời đại kỹ thuật số, đạo đức nghề báo luôn luôn được đề cao và đòi hỏi thực thi hiệu quả hơn bao giờ hết.
Tác giả: Đình Hậu - video: Anh Thư
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn