Ngày 29/5/2013, Khoa Báo chí và Truyền thông (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội) kết hợp với Viện Konrad Adenauer Stiftung (Đức) tổ chức Toạ đàm quốc tế với chủ đề “Mô hình báo chí kinh tế ở Việt Nam và Đức: diện mạo thông tin kinh tế trên báo chí truyền thông”. Toạ đàm nhằm làm rõ thực trạng báo chí kinh tế ở Đức và Việt Nam, chia sẻ kinh nghiệm phát triển báo chí kinh tế và những kĩ năng xử lí, chuyển tải thông tin kinh tế trên báo chí.
Thuyết trình tại buổi toạ đàm là nhiều nhà báo tên tuổi, nhiều chuyên gia báo chí và truyền thông như: Miriam Viola von Wrochem (UỶ ban Văn hoá và Truyền thông CHLB Đức), TS. Trần Ngọc Châu (Tổng giám đốc kênh truyền hình kinh tế – tài chính FBNC), TS. Đặng Đức Long (Phó Tổng biên tập Thời báo Tài chính)…
Diễn giả Miriam Viola von Wrochem đem đến bài tham luận về bối cảnh kinh tế Đức và châu Âu được thể hiện trên báo chí Đức và vai trò điều tiết thông tin của Văn phòng thông tin và báo chí liên bang Đức trong hoạt động hỗ trợ nhà báo tìm kiếm thông tin về chính sách, số liệu… liên quan đến các vấn đề kinh tế của đất nước. Bài tham luận đã đưa đến một nhận thức quan trọng, đó là muốn có một nền báo chí kinh tế chuyên nghiệp và phát triển, rất cần có một nguồn thông tin kinh tế chính thống, chuyên nghiệp và minh bạch, có trách nhiệm từ chính quyền cung cấp cho báo chí.
TS. Đặng Đức Long có bài thuyết trình sắc sảo và hấp dẫn về thách thức của báo chí kinh tế Việt Nam trong quá trình hội nhập. Tác giả nhận định: cùng với sự phát triển của đất nước trong thời kì đổi mới và hội nhập quốc tế, thông tin kinh tế đang ngày càng chiếm tỉ trọng lớn trên tất cả các loại hình báo chí, kể cả báo in, báo hình, báo nói và báo điện tử. Báo chí kinh tế Việt Nam hiện đang có những bước phát triển mạnh mẽ để khẳng định đúng tầm vóc, vị thế của mình, cũng như đáp ứng nhu cầu xã hội. Tuy nhiên, vấn đề chất lượng thông tin và tính chuyên nghiệp trong tác nghiệp của nhà báo làm về kinh tế vẫn còn nhiều vấn đề phải bàn. Nhà báo Đức Long nhấn mạnh: ba đặc tính quan trọng nhất cần được đảm bảo của thông tin báo chí kinh tế là: tính chính xác, phổ thông và khách quan. Nhà báo làm về kinh tế phải có kiến thức chuyên ngành về kinh tế và kĩ năng chuyên môn tốt, có đạo đức báo chí cao trong việc xử lí và đưa thông tin khách qua ra công luận, có ý thức học hỏi, tự đào tạo thường xuyên. Các cơ sở đào tạo báo chí cần có chuyên ngành đào tạo riêng về lĩnh vực báo chí kinh tế. Và cũng rất cần một cơ chế tài chính tốt để báo chí kinh tế phát triển lành mạnh và chuyên nghiệp.
TS. Trần Ngọc Châu lại chia sẻ bài học kinh nghiệm thực tiễn và nóng hổi về việc làm thế nào để xây dựng và phát triển thành công một kênh truyền hình kinh tế tài chính tại Việt Nam theo mô hình xã hội hoá. Theo người sáng lập và điều hành cao cấp nhất của kênh FBNC, làm báo kinh tế cần luôn thận trọng vì dễ bị nghi ngờ, bản thân những người trong cuộc cũng dễ bị cám dỗ bởi các nhà đầu tư. Để có được thành công và thương hiệu riêng, FBNC đã xác định các nguyên tắc: cần thiết, chính xác, nghiêm túc và trân trọng các giá trị. Việc thu thập thông tin từ nhiều nguồn và minh bạch thông tin cũng là một yếu tố quan trọng của báo chí kinh tế.
Nhà báo Sĩ Hoàng (Thời báo Kinh tế Việt Nam) lại đem đến những trải nghiệm của chính bản thân mình trong quá trình tự đào tạo và trưởng thành để trở thành một nhà báo chuyên nghiệp trong lĩnh vực báo chí kinh tế. Anh cho rằng, xu hướng báo chí theo lĩnh vực hẹp sẽ ngày càng phát triển ở Việt Nam. Làm báo trong lĩnh vực hẹp thực sự là một thách thức đối với chính những người đang làm báo chuyên nghiệp, bởi phải có kiến thức chuyên sâu gần như một chuyên gia, khả năng am hiểu và nhạy bén với tình hình thực tiễn và sự say mê nghề nghiệp cao. Nhiều đơn vị báo chí kinh tế, đặc biệt ở những chuyên mục kinh tế hẹp gặp nhiều khó khăn trong tuyển nhân sự. Bản thân nhà báo Sĩ Hoàng sau nhiều năm làm nghề, khi chuyển sang làm về mảng kinh tế đã phải tham gia nhiều khoá học chuyên sâu về tài chính, kinh tế để có kiến thức tương đương một người làm việc trong ngành nghề này, mới đáp ứng được yêu cầu công việc. Anh cũng nhấn mạnh đến “nguy cơ” sinh viên ngành Báo chí hiện đang bị cạnh tranh dữ dội với những sinh viên chuyên ngành kinh tế, tài chính trong địa hạt nghề nghiệp của mình.
Một nội dung bao trùm lên tất cả các tham luận được trình bày tại toạ đàm, là các cơ sở đào tạo báo chí sẽ làm gì để đào tạo các chuyên gia báo chí kinh tế ? Từ năm 2012, trước những yêu cầu mới đối với nghề báo, Khoa Báo chí và Truyền thông Trường ĐHKHXH&NV đã tuyển sinh thêm khối A nhằm tiến tới quy chuẩn hoá tỉ lệ đầu vào giữa các khối. Bên cạnh đó, Khoa cũng dự kiến các giải pháp: cho sinh viên học kiến thức chuyên ngành với các chuyên gia kinh tế, học kĩ năng làm báo kinh tế với các nhà báo chuyên nghiệp làm trong lĩnh vực kinh tế; mở rộng hợp tác với các trường đại học về kinh tế, tài chính cũng như các công ti, ngân hàng, tập đoàn kinh tế để tăng kiến thức và trải nghiệm cho sinh viên; tổ chức nhiều hội thảo về kinh tế dành cho giới truyền thông và sinh viên chuyên ngành; xuất bản các ấn phẩm, chương trình phát thanh và truyền hình về kinh tế do sinh viên thực hiện trong quá trình học…