Ngôn ngữ
Theo TS. Nguyễn Thị Thanh Huyền (Phó Chủ nhiệm Khoa Báo chí và Truyền thông), có một bước chuyển rõ nét trong việc lựa chọn đề tài khoá luận tốt nghiệp của sinh viên Khoa Báo chí và Truyền thông năm nay. Ngoài các đề tài thuộc lĩnh vực báo chí truyền thống như báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình…, sinh viên có xu hướng ngày càng quan tâm nhiều hơn tới các lĩnh vực mới như quan hệ công chúng, quảng cáo. Đề tài cũng có tính thực tiễn và tính thời sự cao như: “Tìm hiểu hoạt động quảng cáo phi lợi nhuận trong các chiến dịch truyền thông bảo vệ môi trường”, “Sử dụng Facebook trong các hoạt động truyền thông nội bộ của tập đoàn Hoa Sao”, “Hoạt động của các công ty truyền thông trước xu hướng xã hội hoá truyền hình”, “Xây dựng thương hiệu doanh nghiệp thông qua Website”, “Xây dựng chiến lược QHCC cho liên đoàn VOVINAM VN đến năm 2020” …
Nhiều đề tài khoá luận có tính liên ngành cao khi nghiên cứu vấn đề từ nhiều góc tiếp cận: báo chí, pháp luật, truyền thông, quan hệ công chúng… Các đề tài khó, đi vào các vấn đề về kĩ năng thực hành và thao tác nghiệp vụ của nhà báo cũng là một nét mới, được sinh viên rất quan tâm như: tiếp xúc và bảo vệ nhân chứng trong các phóng sự điều tra, xử lí nguồn tin trong tác phẩm báo chí…
Bên cạnh đó, nhiều vấn đề thời sự của báo chí và của đất nước thời gian qua đã trở thành đối tượng nghiên cứu, đối chiếu của lí thuyết ngành như: “Vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo trên báo điện tử VN Plus và Dân Trí”, “Chủ quyền Trường Sa và Hoàng Sa trên báo điện tử VnExpress năm 2012”, “Thông tin về biển đảo trên báo in”, “Báo chí với việc tiếp cận nguồn tin qua vụ án ông Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng – HP”, “Báo diện tử với việc phản ánh về vụ việc đất đai tại huyện Tiên Lãng – HP (áp dụng lí thuyết “đóng khung” để phân tích nội dung các bài báo); “Thông tin về biến đổi khí hậu trên báo chí”…
TS. Nguyễn Thị Thanh Huyền chia sẻ: “Ấn tượng rõ nét nhất trong mùa bảo vệ khoá luận tốt nghiệp của sinh viên Khoa Báo chí và Truyền thông năm nay là các bạn rất tự tin và hiểu rõ mục đích và công việc mình làm. Các đề tài nghiên cứu thường có tính ứng dụng cao và được chọn lựa sao cho gắn với định hướng phát triển nghề nghiệp của mỗi cá nhân”. Những sinh viên có ý định sẽ học tiếp cao học sau tốt nghiệp thường hướng vào các vấn đề lí thuyết của ngành, ngược lại, những bạn quan tâm tới thực hành nghề thì làm các đề tài có tính thực tiễn. Có sinh viên nghiên cứu và xây dựng mô hình truyền thông cho chính cơ quan, công ty mà bạn đang làm part-time. Có sinh viên đã và đang làm phóng viên tại các toà soạn lại tìm hiểu các vấn đề về kĩ năng thực tiễn của nghề nghiệp, đề xuất các giải pháp phát triển nội dung trên tờ báo mà mình đang cộng tác… Điều đó đã tạo ra bức tranh đề tài đa dạng, phản ánh sự quan tâm của sinh viên đến các vấn đề thực tế và kĩ năng nghề nghiệp ngày càng nhiều.
Bên cạnh những ưu điểm, TS. Huyền cho rằng sinh viên Khoa Báo chí và Truyền thông vẫn còn những hạn chế trong khi trình bày kết quả nghiên cứu như: nhiều slide trình chiếu chưa gây được ấn tượng, kĩ năng tương tác với người nghe còn yếu…
Nằm trong chiến lược đổi mới hoạt động đào tạo theo hướng nâng cao khả năng thực hành nghề nghiệp, nhiều năm qua Khoa Báo chí và Truyền thông cho phép sinh viên bảo vệ khoá luận tốt nghiệp bằng các sản phẩm truyền hình. Quy định này khi áp dụng đã nhận được sự quan tâm và tạo hứng khởi cho nhiều sinh viên – đặc biệt là những bạn có thiên hướng làm việc ở các đài phát thanh và truyền hình sau khi ra trường. Xu hướng này mấy năm nay ngày càng phát triển mạnh trong sinh viên Khoa, đặc biệt là khi có sự hỗ trợ ngày càng hiệu quả của Trung tâm Nghiệp vụ Báo chí và Truyền thông (CMP) với hệ thống phương tiện kĩ thuật chuyên ngành phát thanh, truyền hình hiện đại không kém các đài truyền hình hiện nay.
Sinh viên phải nộp sản phẩm truyền hình hoàn chỉnh cùng một báo cáo về quá trình thực hiện, giải thích việc ứng dụng lí thuyết chuyên ngành vào nội dung tác phẩm. Thành viên của Hội đồng bảo vệ là những nhà báo có kinh nghiệm lâu năm, đang làm việc trong lĩnh vực truyền hình.
Năm nay, có 6 tác phẩm được đưa ra bảo vệ trước Hội đồng, gồm: “Thăng trầm rock Hà Nội” (Nguyễn Thuý Quỳnh, Vũ Việt Nga), “Vang mãi khúc đồng dao” (Dương Thị Kiều Oanh), “Làng trống Đọi Tam” (Trần Bảo Lâm), “Giai điệu của đêm” (Thiều Thu Quỳnh), “Người sống trong nỗi nhớ” (Chu Mỹ Lan), TVC quảng cáo cho dịch vụ của ngân hàng Ocean bank (Tô Hải Phương).
Nếu “Thăng trầm rock Hà Nội” được đánh giá cao ở nghệ thuật sử dụng âm nhạc, cách kể chuyện lôi cuốn và cách tạo không khí cuồng nhiệt trong phim; thì “Vang mãi khúc đồng dao” lại đề cao giá trị nhân văn trong việc lưu giữ và bảo tồn những câu hát đồng dao như một món ăn tinh thần quý giá cho trẻ em. TVC quảng cáo thể hiện sự chuyên nghiệp của tác giả trong tổ chức, sản xuất và thực hiện. “Giai điệu của đêm” là sự tìm tòi, thử nghiệm mới trong phương pháp kể chuyện. “Làng trống Đọi Tam” lại là cái nhìn giản dị, mộc mạc nhưng vẫn cuốn hút về vẻ đẹp của di sản một làng nghề.
Đặc biệt, sâu lắng và giàu cảm xúc là “Người sống trong nỗi nhớ” – bộ phim tài liệu về chân dung cố PGS.TSKH Nguyễn Hải Kế, nguyên Chủ nhiệm Khoa Lịch sử, Trường ĐHKHXH&NV – của tác giả Chu Mỹ Lan. Bộ phim đã khắc hoạ đầy ấn tượng về hình ảnh một người thầy giáo – nhà khoa học uyên bác, giản dị trong đời thường nhưng có một cá tính khoa học đặc biệt, có tấm lòng chân thành, nhiệt huyết với thế hệ học trò, với cuộc đời. Tác giả kết nối hiệu quả những hình ảnh tư liệu về nhân vật với các trường đoạn phỏng vấn trong phim để tạo hiệu quả khắc hoạ chân dung rõ nét nhất. Tác phẩm đã đạt điểm số cao nhất của Hội đồng: 9,8 điểm.
Theo ThS. Nguyễn Cao Cường – Phó Giám đốc CMP, những sản phẩm trên của sinh viên đều là những tác phẩm báo chí có chất lượng tốt, đáp ứng yêu cầu phát sóng của các đài truyền hình. Sinh viên chủ động trong tìm kiếm, phát hiện chủ đề mang tầm xã hội cho tác phẩm của mình, qua đó thể hiện năng lực tư duy nhạy bén và độc lập. Phương pháp thực hiện các tác phẩm truyền hình được xây dựng trên bộ tài liệu lí thuyết công phu và khoa học. Qua việc thực hiện sản phẩm, sinh viên đã cho thấy mình nắm rõ quy trình, cách thức tổ chức một ê kip làm phim, phát huy hết những kĩ năng và kiến thức chuyên ngành đã được học ở trường. “Với kết quả đã nhìn thấy, các em hoàn toàn có khả năng tác nghiệp ngay trong lĩnh vực truyền hình sau khi ra trường” – ThS. Nguyễn Cao Cường khẳng định.
Trên thực tế, sinh viên Hà Thái (khoá QH-2008X) với tác phẩm tốt nghiệp “Nợ” – giải thưởng Cánh diều Bạc hạng mục phim ngắn 2012 – là một minh chứng rõ nét cho năng lực nghề nghiệp và khả năng sáng tạo của sinh viên chuyên ngành Báo chí và Truyền thông, đồng thời khẳng định tính đúng đắn của một hướng đi mà Khoa Báo chí và Truyền thông đã triển khai trong thời gian qua.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn