Tin tức

Điếu văn tại Lễ truy điệu PGS.TS.NGƯT Phạm Xuân Hằng

Thứ sáu - 06/04/2018 23:31
Lời điếu do GS.TS Phạm Quang Minh (Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) đọc tại lễ truy điệu PGS.TS.NGƯT Phạm Xuân Hằng.

Kính thưa

Các vị đại diện UB TW MTTQ Việt Nam

Thành ủy, HĐND, UBND, MTTQ thành phố Hà Nội

Lãnh đạo Đại học Quốc gia Hà Nội và các cô giáo, thầy giáo

Kính thưa các cụ, các ông bà, cô dì chú bác, anh chị họ hàng nội ngoại; bà con  khối phố, bạn hữu gần xa, cùng toàn thể tang quyến

Kính thưa hương hồn PGS.TS.NGƯT Phạm Xuân Hằng !

 

PGS.TS.NGƯT Phạm Xuân Hằng, một nhà giáo mẫu mực, người đồng chí quí mến và thân thiết của chúng ta không còn nữa. Trái tim đầy nhiệt huyết của một người hết lòng vì sự nghiệp giáo dục, luôn trăn trở về những vấn đề của đất nước, của nhân dân đã ngừng đập hồi 21 giờ 14 phút ngày 1 tháng 4, tức ngày 18 tháng 2 năm Mậu Tuất, trong niềm tiếc thương vô hạn của gia đình, người thân, bạn bè, đồng nghiệp, học trò.

Hôm nay, chúng ta có mặt tại đây để tưởng nhớ và tiễn biệt PGS.TS.NGƯT Phạm Xuân Hằng - một cán bộ suốt đời tận tụy thực hiện và hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và xã hội trao cho, về cõi vĩnh hằng.

PGS.TS.NGƯT Phạm Xuân Hằng sinh ngày 15 tháng 5 năm 1950 trong một gia đình nông dân ở xã Thượng Hiền, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình - một vùng quê giàu những giá trị văn hóa, nhân văn như ông từng viết “quê nghèo nhưng những lời ru chẳng nghèo”. Sớm mồ côi cha, năm 1966, ông cùng em gái theo thân mẫu lên Lào Cai khai hoang. Nhờ được răn dạy và chịu ảnh hưởng sâu sắc từ ý chí quyết đoán, táo bạo, bản lĩnh của mẫu thân, người đã nuôi dưỡng ông không chỉ bằng “bắp ngô nặng hạt, con còn lối đi” mà còn bằng cả “lời ru ôm cả đất trời quê hương”.

Tốt nghiệp phổ thông, ông được Nhà nước cử sang Liên Xô học ngành Lưu trữ - Lịch sử. Về nước, ông trở thành giảng viên ở Bộ môn Lưu trữ học, rồi Bộ môn Sử liệu học, thuộc Khoa Lịch sử. Lĩnh vực mới, công việc mới càng như thử thách sự cố gắng vượt lên chính mình của người cán bộ trẻ. Ông miệt mài với những bài giảng mới và từ đây, đã có nhiều đóng góp cho việc xây dựng bộ môn và chuyên ngành Sử liệu học.

Năm 1988, Ông được cử đi làm Nghiên cứu sinh ở trường Lưu trữ - Lịch sử Mastxcova - ngôi trường đã đưa ông đến với nghề theo đuổi suốt đời. Từ những năm tháng đó, tri thức được bồi đắp thêm, trở thành bệ phóng cho những công trình khoa học của ông sau này. Những giáo trình, chuyên luận của ông về Sử liệu học là những tài liệu khoa học quý cho ngành. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, dù bận rộn với công việc quản lý và sức khỏe đã giảm sút vì tuổi tác và bệnh tật, nhưng ông vẫn dành nhiều sức lực, tâm huyết để cùng với các cộng sự xây dựng ngành Khoa học Quản lý, bây giờ trở thành Khoa Khoa học Quản lý với những đóng góp đáng kể cho ngành học và cho xã hội.

Không chỉ tâm huyết với nghề dạy học, PGS.NGƯT Phạm Xuân Hằng còn là một cán bộ lãnh đạo và quản lý trách nhiệm và giàu năng lực, luôn tận tâm tận lực để hoàn thành tốt các nhiệm vụ, chức trách được giao. Bắt đầu từ cương vị Phó Chủ nhiệm Khoa Lịch sử vào năm 1992, ông đã liên tục đảm nhiệm các chức vụ Phó Hiệu trưởng năm 1995 rồi Bí thư Đảng ủy năm 1999, Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQG Hà Nội. Trong suốt 10 năm làm Phó Hiệu trưởng rồi Hiệu trưởng Trường Đại học KHXH&NV, bao nhiêu sức lực, tâm huyết, sáng kiến ông đã cống hiến dành hết cho sự nghiệp giáo dục, góp phần xây dựng nhà trường ngày càng lớn mạnh, tạo điều kiện khẳng định vị thế của một trường đại học hàng đầu, một đại học anh hùng. Bản lĩnh vững vàng, nhiệt huyết, chịu khó học hỏi, đặc biệt là với tinh thần trách nhiệm cao và tấm lòng nhân hậu, ông đã dám nhận về mình những khó khăn, sát cánh cùng các đồng nghiệp và trưởng thành nhanh chóng từ thực tiễn.

Năm 2005, ông được điều ra công tác tại Thành ủy Hà Nội, được Đảng bộ Thành phố bầu là UVTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy. Nhiều cán bộ, đảng viên vẫn nhớ về ông trong vai trò của một Trưởng ban Tuyên giáo sâu sát thực tiễn sôi động của đời sống Thủ đô, nhiệt huyết, trung thực, thiết thực trong công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước đến các cơ sở. Rồi khi thực hiện Nghị quyết của Quốc hội mở rộng địa giới Thủ đô, vì sự nghiệp chung, ông lại chuyển sang nhận nhiệm vụ Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội. Trên cương vị mới này, ông đã có nhiều đóng góp quan trọng, thực hiện nhiều sáng kiến, gần dân, thân dân, được nhân dân yêu mến, tin cậy. Không chỉ làm tốt công tác tổ chức và vận động quần chúng, thực hiện phương châm đại đoàn kết toàn dân, ông còn tích cực tham gia công tác phản biện xã hội. Ông không nề hà trước các vấn đề khó, những thực tiễn gai góc, tích cực tham gia vào việc dân chủ hóa công tác của Mặt trận. Dường như những suy nghĩ tâm huyết của ông lúc này có thêm điều kiện để phát huy đóng góp cho đất nước. Ông trở thành nơi gửi gắm nhiều nguyện vọng của nhân dân, đem lại sự tin cậy của nhân dân với chính quyền. Năm 2015, mặc dù đã chuyển công tác về Trường, ông vẫn được MTTQVN tín nhiệm giới thiệu bầu làm Phó Chủ tịch không chuyên trách của UBTWMTTQ Việt Nam.

Ở tất cả những cơ quan, đơn vị mà ông đã từng công tác, mọi người đều luôn nhớ về ông như nhớ về một đồng nghiệp, một thủ trưởng tinh thông nghiệp vụ, kiên định nguyên tắc, quyết đoán, năng nổ nhưng cũng biết lắng nghe, dám thay đổi cả chính mình để cho công việc tốt hơn. Điều lớn nhất ở ông là sự trung thực, thẳng thắn, bản lĩnh vững vàng trước mọi vấn đề, sự sẻ chia và tình người. Cộng tác với ông, đồng nghiệp tìm thấy sự tin cậy, chỗ dựa vững chắc và thiện chí hướng tới những điều tốt đẹp. Từ hôm nhận được tin ông rời cõi tạm, rất nhiều đồng nghiệp, bạn bè, học sinh đã gửi tới nhà trường những lời chia buồn sâu sắc, sự cảm mến và tiếc thương một đồng nghiệp, một đồng chí, một người thầy sớm ra đi về cõi vĩnh hằng.

Kính thưa quí vị !

Do những đóng góp cho ngành giáo dục, ông đã được Nhà nước phong học hàm PGS, Nhà giáo ưu tú, Huân chương Lao động hạng Nhất, hai huân chương Lao động hạng Ba, Chiến sĩ Thi đua toàn quốc, nhiều bằng khen, giấy khen các cấp. Ông không chỉ là một đảng viên có hơn 30 năm tuổi Đảng mà là một đảng viên gương mẫu, một người cộng sản chân chính, đích thực. Ông là hiện thân của tầng lớp trí thức được nhân dân, chế độ nuôi dạy, dám lựa chọn và đi đến tận cùng con đường mà mình cho là đúng đắn.

Trong gia đình, ông là một người con hiếu thảo, một người chồng thương yêu vợ, một người cha nghiêm khắc nhưng nhân từ, một người ông kính yêu của các cháu. Ông cũng làm tròn trách nhiệm của mình không chỉ với gia tộc, hai bên nội ngoại mà còn với bà con quê hương Thái Bình yêu dấu.

PGS.TS.NGƯT Phạm Xuân Hằng mất đi, gia đình mất đi một người thân hết lòng thương yêu và chăm lo cho hạnh phúc và truyền thống gia đình, họ tộc; bạn bè, bà con khối phố mất đi một người bạn, một người láng giềng luôn hòa nhã, vui vẻ với mọi người; các đồng nghiệp, bạn bè, môn sinh mất đi một nhà giáo suốt đời gắn bó với nhà trường, một cán bộ mẫu mực về sự giản dị, nhiệt huyết và trung thành với sự nghiệp. Ông đã hạc giá vân du, thanh thỏa cõi vĩnh hằng nhưng cũng để lại cho con cháu, họ hàng, những người thân yêu, bạn bè, đồng nghiệp nỗi nhớ thương khôn nguôi.

Kính thưa hương hồn PGS.TS.NGƯT Phạm Xuân Hằng !

Kính thưa các quý vị !

Kính thưa tang quyến !

Trong quá trình lâm bệnh trọng, mặc dù các thầy thuốc đã hết lòng cứu chữa, các con cháu đã hết lòng chăm sóc nhưng sinh, lão, bệnh, tử có ai mà thoát được? Ông đã vĩnh biệt chúng ta. Cho phép chúng tôi, thay mặt ban Tổ chức Lễ tang, đồng nghiệp, bạn bè, đồng chí, môn sinh, bà con thân thích, khối phố…được chia sẻ nỗi đau mất mát này với gia đình. Cầu chúc cho linh hồn ông siêu thoát.

Trước giờ vĩnh biệt và tiễn đưa ông về nơi an nghỉ cuối cùng, xin quý vị dành một phút mặc niệm. Phút mặc niệm bắt đầu.

Xin trân trọng cảm ơn !

 

* Một số hình ảnh trong lễ an táng PGS.TS.NGƯT Phạm Xuân Hằng tại quê nhà Thái Bình

 

Tin buồn

Người đốt lên ngọn lửa

Tri ân PGS.TS.NGƯT Phạm Xuân Hằng

Khoa KHQL tri ân PGS.TS.NGƯT Phạm Xuân Hằng

Đảng uỷ, Ban Giám hiệu Nhà trường chúc Tết các nhà giáo lão thành

Khát vọng hoà bình là lẽ sống của con người

Tác giả: Ussh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây