Ngôn ngữ
Franz Kafka (03/07/1883 - 03/06/1924) là một nhà văn sinh ra tại Prague (nay là thủ đô nước Cộng hòa Séc), trong một gia đình Do Thái nói tiếng Đức. Ông chủ yếu sáng tác bằng tiếng Đức và sinh thời từng có nhiều chuyến du lịch qua các nước châu Âu như Áo, Pháp, Đức, Thụy Sĩ, Ý,... để nghỉ ngơi và dưỡng bệnh.
Kafka luôn quan sát, chiêm nghiệm về cuộc sống xung quanh ở mỗi nơi mà ông đặt chân đến. Nhiều tác phẩm lớn của Kafka được lấy cảm hứng và sáng tác trong thời gian nhà văn lưu trú ở nước ngoài, với nội dung và phong cách nghệ thuật thể hiện một tầm nhìn đi trước thời đại. Vì thế có thể nói di sản mà ông để lại là kho báu quý giá của toàn nhân loại mà chúng ta sẽ không ngừng ngưỡng vọng và khám phá.
Hiệu trưởng Phạm Quang Minh cùng Đại sứ 5 nước Áo, Cộng hòa Séc, Đức, Pháp, Thụy Sĩ tại Việt Nam cắt băng khai trương triển lãm
Thế giới đã có hàng nghìn công trình nghiên cứu về Kafka. Cuộc đời, tác phẩm và tư tưởng triết học của ông chưa bao giờ vơi sức hút với giới nghiên cứu thuộc mọi lĩnh vực, trường phái. Đối với văn chương, quan trọng hơn cả, ông mở ra nguồn cảm hứng mới cho các nhà văn hậu thế. Kafka là tượng đài kỳ vĩ của những trường phái văn học - triết học về sau, như phi lí, hiện thực huyền ảo, hiện sinh, hậu hiện đại. Ngày nay, những tiểu thuyết gia nổi tiếng thế giới như Haruki Murakami, Salman Rushdie, Margaret Atwood,... cũng chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ Kafka.
Phát biểu khai mạc triển lãm, GS.TS Phạm Quang Minh đã gửi lời cám ơn tới Đại sứ quán các nước Áo, Cộng hòa Séc, Đức, Pháp, Thụy Sĩ vì đã tin tưởng và lựa chọn Nhà trường làm địa chỉ để tổ chức triển lãm, tọa đàm và cuộc thi viết về Kafka.
GS.TS Phạm Quang Minh phát biểu khai mạc buổi lễ
GS.TS Phạm Quang Minh nhấn mạnh, trong số 24 ngành, chuyên ngành tại trường, văn học là một trong những cái tên quan trọng. Khoa Văn học nằm trong số những khoa đầu tiên, với hơn 70 năm truyền thống. Rất nhiều cựu sinh viên của Khoa đã trưởng thành từ đây như Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, ông Nguyễn Thế Kỷ (Tổng Giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam).
Phát biểu tại lễ khai mạc, ngài Vitezlav Grepl (Đại sứ Cộng hòa Séc tại Việt Nam) chia sẻ niềm vui và sự tin tưởng khi đưa chuỗi sự kiện văn hóa trong khuôn khổ Lễ hội Kafka đến tới Trường ĐHKHXH&NV.
Đại sứ Vitezlav Grepl phát biểu tại buổi lễ
Sau buổi khai mạc triển lãm, Ban tổ chức sẽ tiếp tục phối hợp với Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN triển khai hội thảo quốc tế “Kafka với nền văn học châu Á”. Hội thảo nhằm nghiên cứu, phân tích sâu hơn nữa các tác phẩm của Kafka qua góc nhìn của các nhà khoa học và dịch giả Việt Nam.
Cùng thời gian này, Trường ĐHKHXH&NV sẽ phát động cuộc thi viết về Kafka, để khám phá thêm những cách nhìn nhận của thế hệ trẻ hiện nay về nhà văn này.
Tác giả: Hoài An
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn