Ngôn ngữ
Tham dự buổi thuyết trình có GS.TS Phạm Quang Minh (Hiệu trường Nhà trường), GS.TS Nguyễn Văn Kim (Phó Hiệu trưởng Nhà trường), TS. Andrew Hardy (Giám đốc Viện Viễn đông bác cổ) cùng nhiều nhà khoa học và sinh viên trong trường.
GS. Paulo Castro Seixas là nhà Nhân học, Xã hội học tại Đại học Lisbon. Ông quan tâm nghiên cứu về chính sách, đô thị và lãnh thổ từ góc nhìn của Nhân học. Bài thuyết trình của ông nói về thực trạng các nghiên cứu về Đông Nam Á ở Bồ Đào Nha hiện nay.
GS. Paulo Castro Seixas
Bồ Đào Nha là quốc gia nằm ở Tây Nam châu Âu trên bán đảo Iberia, là nước cực Tây của châu Âu, giáp với Đại Tây Dương ở phía Tây và phía Nam, giáp Tây Ban Nha ở phía Đông và phía Bắc. Bồ Đào Nha là một trong những quốc gia châu Âu đầu tiên đặt chân đến châu Á và đặc biệt có mối quan hệ khá lâu dài với Đông Nam Á từ thế kỷ 15, 16. Năm 1513, Bồ Đào Nha lần đầu tiên đến Trung Quốc và năm 1516 lần đầu tiên đến Việt Nam. Năm 1957, chính quyền Trung Quốc chính thức công nhận sự hiện diện của Bồ Đào Nha tại Ma Cao. Bồ Đào Nha cũng là quốc gia thực dân rời châu Á muộn nhất vào năm 1999, sau khi trao trả Ma Cao cho Trung Quốc.
GS. Paulo Castro Seixas cho biết, các nghiên cứu về Đông Nam Á của Bồ Đào Nha khá ít ỏi, tập trung chủ yếu vào các nước thuộc khu vực Đông Á. Trong giai đoạn đầu của lịch sử, những nghiên cứu này nặng về mô tả, không đi sâu phân tích và để phục vụ hoạt động quản lý hành chính, gồm các thông tin về nhân học, chính trị, tôn giáo… của khu vực này.
Vào thế kỷ 19, Bồ Đào Nha bắt đầu cai trị các thuộc địa ở khu vực Đông Nam Á, dẫn đến nhu cầu nghiên cứu sâu về Nhân học hình thể, Nhân học chính trị, quan hệ giữa các nhóm sắc tộc khác nhau… phục vụ cai trị thuộc địa và quản lý hành chính. Cuối thế kỷ 19, người Bồ Đào Nha bắt đầu quan tâm hơn đến nghiên cứu về văn hoá phương Đông, đặc biệt là Văn học. Giai đoạn sau năm 1999, các nghiên cứu về Đông Nam Á xoay quanh hai trọng tâm là Ma Cao và Đông Timor.
Trọng tâm mối quan tâm về Đông Nam Á cũng có sự dịch chuyển từ nghiên cứu lịch sử, ngôn ngữ, văn hoá… sang các lĩnh vực như quan hệ quốc tế, kinh tế… Trên thực tế, mỗi trung tâm nghiên cứu ở Bồ Đào Nha lại có các mối quan tâm khác nhau về Đông Nam Á. Có trung tâm nghiên cứu chuyên sâu về lịch sử, có trung tâm tập trung nghiên cứu kinh tế và phát triển. Viện Nghiên cứu phương Đông, Trường Khoa học Chính trị và Xã hội, Đại học Lisbon đặt trọng tâm nghiên cứu các vấn đề chính trị, quan hệ quốc tế, hành chính công. Một số trung tâm khác lại quan tâm nghiên cứu so sánh trong lĩnh vực văn hoá và ngôn ngữ.
Tại các đại học ở Bồ Đào Nha hiện có triển khai đào tạo Thạc sỹ Đông phương học, Thạc sỹ quan hệ Âu - Á… Các hoạt động đào tạo này được sự hỗ trợ và hợp tác của một số đơn vị nước ngoài như Viện Khổng Tử (Trung Quốc). Đông Timor, Ma Cao, Trung Quốc… là những cái tên chiếm sự quan tâm hàng đầu trong các luận văn, luận án nghiên cứu Đông Nam Á. Các nội dung nghiên cứu như: ảnh hưởng của quá trình trao trả Ma Cao về Trung Quốc, quyền tự quyết và xây dựng Nhà nước của Đông Tomor…
Tại Việt Nam, các giáo sĩ Bồ Đào Nha ghi dấu ấn trong việc góp phần sáng tạo ra chữ quốc ngữ, phổ biến Kito giáo, xây dựng các nhà thờ với những dấu ấn kiến trúc độc đáo trở thành các di sản văn hoá của Việt Nam…
Bài trình bày của GS. Paulo Castro Seixas được đánh giá là giúp "đánh thức' nhiều kiến thức rộng lớn liên quan đến mối quan hệ lịch sử giữa Việt Nam, Đông Nam Á với châu Âu và thế giới. Diễn giả cũng nhận được nhiều câu hỏi của cử toạ về: dấu ấn của người Bồ Đào Nha trong lịch sử và văn hoá Việt Nam? Tình hình khai thác và sử dụng tài liệu lưu trữ về lịch sử, văn hoá Đông Nam Á trong kho tư liệu tại Bồ Đào Nha ? Chính sách của Bồ Đào Nha hiện giờ với khu vực Đông Nam Á ?...
Tác giả: Thanh Hà
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn