Tin tức

“EFEO - nhịp cầu tri thức kết nối học thuật Việt Nam với thế giới”

Thứ sáu - 05/12/2014 04:50
Sáng nay, ngày 5/12/2014, Trường ĐHKHXH&NV (ĐHQGHN) phối hợp với Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp (EFEO), Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức hội thảo quốc tế “Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp và các ngành KHXH&NV Việt Nam”.
“EFEO - nhịp cầu tri thức kết nối học thuật Việt Nam với thế giới”
“EFEO - nhịp cầu tri thức kết nối học thuật Việt Nam với thế giới”

Dự hội thảo có ngài Jean-Noel Poirier (Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hoà Pháp tại Việt Nam), ông Yves Goudineau (Giám đốc EFEO Paris), GS. Phan Huy Lê (Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam), GS.TS Nguyễn Văn Khánh (Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV) cùng các nhà khoa học Việt Nam, Pháp và Nhật Bản.

Toàn cảnh phiên khai mạc Hội thảo/Ảnh: Thành Long

Tại phiên khai mạc, GS.TS Nguyễn Văn Khánh đã phát biểu khẳng định vai trò và đóng góp quan trọng của EFEO đối với sự hình thành và phát triển của các ngành KHXH&NV Việt Nam.

EFEO là nhịp cầu vững chắc nhất trong nhiều nhịp cầu tri thức kết nối học thuật của Việt Nam với thế giới" - GS Hiệu trưởng nhấn mạnh.

Năm 1898, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer ký quyết định thành lập một cơ quan nghiên cứu về Phương Đông với tên gọi “Phái đoàn Khảo cổ Thường trực tại Đông Dương”. Đến năm 1900, cơ quan này được đổi tên thành “Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp”, gọi tắt là EFEO, có chức năng chủ yếu là nghiên cứu khoa học về lịch sử, khảo cổ, ngôn ngữ, dân tộc học, địa vật lý và địa nhân văn ở bán đảo Đông Dương và các nước tại Viễn Đông.

Ngày 23/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 65 thiết lập “Đông Phương Bác Cổ Học viện” thay thế cho "Pháp quốc Viễn Đông Bác Cổ Học viện", có nhiệm vụ bảo tồn và lưu giữ những thành tựu nghiên cứu của EFEO trên cả nước Việt Nam.

Sau Hiệp định Geneve năm 1954, EFEO chuyển trụ sở vào Sài Gòn. Và đến năm 1960, EFEO chính thức đóng cửa, chấm dứt hơn 6 thập niên hoạt động ở Việt Nam. Đến năm 1993, EFEO tái lập văn phòng đại diện tại Hà Nội. Hiện nay, bên cạnh trụ sở chính ở Paris (CH Pháp), EFEO còn có 18 trung tâm tại 12 quốc gia, trong đó có 2 văn phòng đại diện tại Việt Nam, cả ở Hà Nội và TPHCM.

GS.TS Nguyễn Văn Khánh (Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV) phát biểu khai mạc Hội thảo/Ảnh: Thành Long

Những đóng góp của EFEO cho KHXH&NV Việt Nam thể hiện ở những mặt tiêu biểu sau: góp phần khai mở một số ngành KHXH&NV hiện đại ở Việt Nam như Khảo cổ học, Dân tộc học, Bảo tàng học, Văn bản học…; thúc đẩy hiện đại hoá các ngành KHXH&NV truyền thống song song với xây dựng những ngành học mới; góp phần xây dựng đội ngũ các nhà Việt Nam học quốc tế, đồng thời góp phần đào tạo một thế hệ các nhà KHXH&NV Việt Nam hiện đại trong thế kỷ 20; tổ chức nhiều chương trình, dự án nghiên cứu lớn về các thời đại đá mới (Hoà Bình), thời đại kim khí (Đồng Sơn, Sa Huỳnh), các vương quốc cổ (Phù Nam, Champa)…, xuất bản Bulletin de L’Ecole Francaise d’Etrême-Orient-BEFEO) và nhiều công trình có giá trị về văn hoá và lịch sử Việt Nam;    Bên cạnh đó, EFEO góp phần thiết thực trong việc sưu tầm và bảo tồn cổ vật, xây dựng các bảo tàng hiện đại, đóng góp vào lĩnh vực quản lý di sản ở Việt Nam.

Trong những năm gần đây, EFEO đóng góp hữu hiệu vào việc giới thiệu những khuynh hướng nghiên cứu mới, quan điểm, trường phái khoa học mới, từ đó góp phần thúc đẩy sự phát triển của các ngành KHXHNV Việt Nam.

Ngài Jean-Noel Poirier (Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hoà Pháp tại Việt Nam) phát biểu tại Hội nghị/Ảnh: Thành Long

GS. Yves Goudineau (Giám đốc EFEO Paris) phát biểu tại Hội nghị/Ảnh: Thành Long

Sau phiên khai mạc, Hội thảo sẽ diễn ra trong hai ngày 5&6/12/2014. Đây sẽ là cơ hội để các nhà khoa học Việt Nam trao đổi thành quả nghiên cứu với các nhà khoa học đã và đang làm việc trong EFEO trên thế giới, qua đó tăng cường thêm cách tiếp cận liên ngành, so sánh đối chiếu thành quả nghiên cứu của mình với khu vực và thế giới, để có cái nhìn toàn diện hơn về các ngành KHXH&NV ở Việt Nam hiện nay.

Các tham luận sẽ được trình bày tại 6 tiểu ban.

Tiểu ban 1 với chủ đề “Lịch sử EFEO trước 1945”. Các nội dung trao đổi cụ thể gồm: EFEO với việc bảo tồn các di tích Chămpa; Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp với việc bảo tồn các di tích lịch sử, văn hoá tại Hà Nội, giai đoạn 1900-1945; Nguồn sử liệu BEFEO (1901-1945) trong nghiên cứu lịch sử Việt Nam.

Tiểu ban 2 với chủ đề “Trao đổi khoa học và đào tạo tinh hoa khoa học quốc gia trước 1945”. Các nội dung trao đổi cụ thể gồm: Từ Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp đến Phương Đông bác cổ học viện: những phương diện hợp tác khoa học giữ các nhà nghiên cứu Pháp và Việt Nam; Henri Maspero và các ngành nghiên cứu lịch sử ngữ âm tiếng Việt; LeoPol Cadie và những nghiên cứu về tôn giáo học ở Việt Nam - một dấu ấn quan trọng hình thành ngành Tôn giáo học; EFEO và việc hình thành Khu vực học và Việt Nam học.

Tiểu ban 3 với chủ đề “Trao đổi khoa học và đào tạo tinh hoa khoa học từ độc lập đến thời kỳ đổi mới”. Các nội dung trao đổi cụ thể gồm: Hướng tiếp cận không gian trong nghiên cứu làng Việt và những đóng góp của Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp; Việc vận dụng các nguồn tư liệu của EFEO vào việc tiếp tục các công trình nghiên cứu về khoa học xã hội của các nhà khoa phía Nam trước và sau năm 1975.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm sau phiên khai mạc Hội nghị/Ảnh: Thành Long

Tiểu ban 4 với chủ đề “Trung tâm EFEO ở Việt Nam từ sau năm 1993”. Các nội dung trao đổi cụ thể gồm: Các nghiên cứu đa ngành được tiến hành bởi EFEO và Viện Khảo cổ học Việt Nam; EFEO - vai trò trung tâm của một chương trình hợp tác khu vực nhằm tăng cường các nghiên cứu về phương pháp luận về khoa học xã hội; Ghi nhận về một hướng nghiên cứu mới trong văn hoá phía Nam Việt Nam và những nghiên cứu hiện nay do EFEO tiến hành.

Tiểu ban 5 với chủ đề “Hợp tác khoa học của các viện nghiên cứu Việt Nam và các bảo tàng  với Trung tâm EFEO từ năm 1993”. Các nội dung trao đổi cụ thể gồm: Công trình tổng tập văn khắc Hán Nôm - một điểm nhất trong hợp tác khoa học của EFEO đầu thế kỷ XXI; Các hoạt động của EFEO phối hợp với Viện Khảo cổ học trong việc nghiên cứu và bảo tồn di sản văn hoá Việt Nam; Quan hệ hợp tác nghiên cứu giữa Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội và Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp từ năm 2010 đến nay; Nghiên cứu khoa học của các học giả của EFEO về bộ sưu tập của Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng; EFEO với nghiên cứu về Lào Cai.

Tiểu ban 6 với chủ đề “Các trung tâm của EFEO ở Đông Nam Á”. Các nội dung trao đổi cụ thể gồm: Bảo tồn, trùng tu những bức điêu khắc của văn hoá Chămpa và của đồng bằng sông Cửu Long; Các hoạt động nghiên cứu gần đây về văn khắc Chămpa; Kho thư viện ảnh của EFEO, tập trung vào dữ liệu liên quan đến phông Việt Nam; Giá trị của EFEO đối với những nhà nghiên cứu về lịch sử Việt Nam: trường hợp và kỳ vọng của giới nghiên cứu tại Nhật Bản.

Tác giả: Thanh Hà - video: Đình Hậu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây