Tin tức

Hội thảo khoa học: Hoàng Xuân Hãn – cuộc đời và sự nghiệp

Thứ hai - 23/02/2009 15:18

Sáng 19/02/2009, hội thảo khoa học về cuộc đời và sự nghiệp của học giả Hoàng Xuân Hãn đã diễn ra tại Trường ĐHKHXH&NV. Một hội thảo có quy mô nhỏ với khoảng 20 báo cáo nhưng sâu sắc ở những phân tích đánh giá ở góc độ khoa học về giá trị của các công trình nghiên cứu của GS. Hoàng Xuân Hãn; ấm cúng bởi tình cảm ngưỡng mộ và yêu quý của đông đảo các đại biểu dành cho ông.

Sáng 19/02/2009, hội thảo khoa học về cuộc đời và sự nghiệp của học giả Hoàng Xuân Hãn đã diễn ra tại Trường ĐHKHXH&NV. Một hội thảo có quy mô nhỏ với khoảng 20 báo cáo nhưng sâu sắc ở những phân tích đánh giá ở góc độ khoa học về giá trị của các công trình nghiên cứu của GS. Hoàng Xuân Hãn; ấm cúng bởi tình cảm ngưỡng mộ và yêu quý của đông đảo các đại biểu dành cho ông.

Nhiều nhà khoa học đầu ngành đã có mặt tham dự hội thảo này như GS. NGND. Nguyễn Tài Cẩn, GS. NGND. Phan Huy Lê, GS. NGND. Đinh Văn Đức, GS. TSKH. Vũ Minh Giang, PGS. TS. Nguyễn Quang Ngọc... Ngoài ra hội thảo còn có sự góp mặt của khá đông các cán bộ trẻ, học viên cao học, nghiên cứu sinh - những người chưa từng một lần gặp mặt GS. Hoàng Xuân Hãn nhưng những công trình nghiên cứu của ông đã trở thành những cuốn sách kinh điển, nuôi dưỡng những khát khao tìm tòi và định hướng trên con đường nghiên cứu của họ.

Trên phương diện giáo dục, ThS. Đỗ Thị Hương Thảo cho rằng: “Chỉ với ba công trình “Vần quốc ngữ”, “Chương trình trung học” và “Danh từ khoa học” ... đã nêu bật được những đóng góp to lớn của Hoàng Xuân Hãn đối với nền giáo dục Việt Nam buổi đầu độc lập cũng như trong suốt quá trình phát triển của giáo dục Việt Nam sau này”. Để chứng minh, tác giả đã trình bày những khảo cứu kỹ của mình trong thực tế kèm theo những dẫn chứng rất cụ thể với một sự nhiệt thành và lòng yêu thích sâu sắc. Tất cả để cho thấy những tìm tòi khoa học của Hoàng Xuân Hãn đã đi vào thực tế cuộc sống một cách hiệu quả và lâu bền cho đến tận ngày nay. Riêng cuốn Danh từ khoa học không chỉ là một đóng góp lớn của vị GS này về mặt tư duy khoa học mà đặc biệt, công trình còn góp phần đưa tiếng Việt trở thành ngôn ngữ khoa học – điều không phải bất kỳ ngôn ngữ nào trên thế giới cũng làm được.

Chọn “Chinh phụ ngâm bị khảo” làm tác phẩm nghiên cứu, qua đó giảng viên Nguyễn Hùng Vỹ đã nêu ra nhiều bài học từ cách tư duy và phương pháp khảo cứu tác phẩm Nôm nổi tiếng này của GS. Hoàng Xuân Hãn. Đó là bài học về tầm quan trọng của tư liệu liên quan đến tính chính xác của mỗi kết luận, bài học về một phương pháp nghiên cứu khoa học chặt chẽ, logic, về sự tận tuỵ, kiên nhẫn trong công việc, về sự trung thực và đức tính cả tin trong khoa học...

[img class="caption" src="images/stories/2009/02/24/pgs.ts%20pham%20hong%20tung.jpg" border="0" alt="PGS.TS Phạm Hồng Tung. Ảnh: Công Khanh" title="PGS.TS Phạm Hồng Tung. Ảnh: Công Khanh" width="280" height="188" align="left" ]

PGS.TS. Phạm Hồng Tung, chuyên gia lịch sử cận hiện đại, thì đặt những hoạt động của Hoàng Xuân Hãn trong nội các của Trần Trọng Kim tại một khúc quanh lớn của lịch sử dân tộc trước đảo chính Nhật – Pháp để phân tích những hành xử của ông và nhận thấy: “dù lựa chọn con đường nào thì họ vẫn giữ nguyên vẹn bầu nhiệt huyết sôi nổi, chân thành trong việc phụng sự dân tộc”. Tác giả Lý Tường Vân thì nghiên cứu về “Vấn đề quan hệ quốc tế của Việt Nam qua cách nhìn của GS. Hoàng Xuân Hãn”. Tác giả bày tỏ sự trân trọng GS như một người luôn sắt son với tương lai, vận mệnh nước nhà và đồng cảm với tinh thần tự hào dân tộc và khát vọng của ông muốn xây dựng đất nước lớn mạnh để có được địa vị vững chắc: “được lân bang tôn trọng, được cường quốc nể nang”.

Lần tìm từ cuốn “Lý Thường Kiệt” (1949) cho đến những trăn trở cuối đời của Hoàng Xuân Hãn khi gửi thư cho nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng và đại tướng Võ Nguyên Giáp về vấn đề chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, tác giả Nguyễn Bảo Trang nhận thấy trong thế kỷ XX ông là nhà nghiên cứu Việt Nam đầu tiên đặt cách nghiên cứu về biên giới và chủ quyền quốc gia từ biên giới đất liền đến biển và hải đảo. ThS. Nguyễn Hoài Phương thì nghiên cứu “Thực vật tất khảo” của Hoàng Xuân Hãn để cho thấy đóng góp của ông ở một lĩnh vực nghiên cứu khá “lạ” là ẩm thực, dù “Hoàng Xuân Hãn biên dịch, chú giải Thực vật tất khảo với tư cách là một nhà sử học khảo cứu một tư liệu quý, một nhà văn hoá muốn giữ gìn những giá trị văn hoá của cha ông cho các thế hệ mai sau hơn là một nghiên cứu về ẩm thực Việt Nam”. Tác giả Hoàng Thị Hồng Nga thì lại có những nhận định về đóng góp của của GS. Hãn trong cộng đồng Việt kiều ở Pháp trên hai phương diện: thúc đẩy tinh thần yêu nước và lòng tự tôn dân tộc; giữ gìn và phát huy truyền thống văn hoá dân tộc cũng như thúc đẩy sự giao lưu giữ hai nền văn hoá Đông Tây.

Phát biểu tại hội thảo, GS. Phan Huy Lê cho rằng thế hệ sau có rất nhiều điều có thể học được từ cuộc đời khoa học của GS. Hãn. Đó là một nhân cách lớn của một trí thức lớn, luôn hướng về Tổ quốc với một tình cảm sâu sắc và luôn mong mỏi được cống hiến cho đất nước. Tuy là Việt kiều sống ở Pháp nhưng cho đến lúc mất đi ông vẫn mang quốc tịch Việt Nam – một điều rất hiếm đối với các trí thức bấy giờ. Ông còn là một nhà khoa học chân chính, trung thực, coi trọng sự thật, mong muốn tìm ra sự thật cho dù sự thật đó đưa ra có gây nhiều phản bác, nghi ngờ của dư luận. Một điều nữa mà giới khoa học hiện nay khâm phục GS Hoàng Xuân Hãn là trong các nghiên cứu của mình, ông luôn đề cao vấn đề phương pháp tư duy, phương luận. Ông từng tâm sự rằng di sản của ông cha ta để lại rất phong phú nhưng tiếc là chưa có nhiều công trình nghiên cứu xứng đáng để đưa những giá trị ấy ra công luận, ra thế giới chỉ vì phương pháp nghiên cứu còn quá lạc hậu. Đồng tình với ý kiến của GS. Phan Huy Lê, GS.TSKH. Vũ Minh Giang và PGS.TS. Nguyễn Quang Ngọc cũng cho rằng hệ phương pháp nghiên cứu có tính liên ngành cao, không lý thuyết nhiều, coi trọng tư liệu đã khiến các công trình của GS. Hoàng Xuân Hãn có giá trị rất cao về mặt học thuật, trở thành mẫu mực cho thế hệ sau.

Tổng kết hội thảo, PGS.TSKH. Nguyễn Hải Kế - Chủ nhiệm Khoa Lịch sử - nhận định: “Hoàng Xuân Hãn thuộc vào hàng những đấng bậc không cần đến sự vinh danh, phải nhờ qua các cuộc hội thảo khoa học to hay nhỏ mới trở thành nổi tiếng, mới phát hiện ra những giá trị tiềm tàng, to lớn trong sự nghiệp của ông... Những công trình nghiên cứu của ông có một sức sống và giá trị lâu bền đối với giới khoa học nước nhà, là kết tinh của thái độ, phẩm chất cụ thể của một người con nước Việt luôn mong mỏi và khát vọng được cống hiến cho đất nước, cho dân tộc. Tuy sống và làm việc trong thế kỷ XX nhưng thuộc vào những đấng bậc mà sức sống và năng lực truyền giao xuyên thế kỷ”. Còn GS.TS Đinh Văn Đức thì cho rằng với tầm vóc và những đóng góp lớn của GS. Hoàng Xuân Hãn trên nhiều lĩnh vực thì ông xứng đáng được vinh danh như một trong những tên tuổi góp phần thúc đẩy sự phát triển của khoa học hiện đại Việt Nam. Và tên ông xứng đáng được đặt tên cho một con đường lớn của thủ đô.

Đã 13 năm sau ngày GS. Hoàng Xuân Hãn qua đời, theo thư mục chưa đầy đủ thì đã có 75 bài viết liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp của GS. Hội thảo lần này là những nghiên cứu, đánh giá tiếp nối và sâu hơn về những giá trị kinh điển mà những công trình nghiên cứu khoa học mà ông để lại trên các lĩnh vực lịch sử, ngôn ngữ, văn hoá, giáo dục... Thế hệ sau học được gì từ những di sản quý mà ông để lại, những di sản ấy cần được nhìn nhận, đánh giá như thế nào cho đúng trong bối cảnh hiện nay? Đó là những câu hỏi mà cần nhiều hội thảo, nhiều nghiên cứu chuyên sâu hơn nữa mới có thể đưa ra những lời giải đáp thoả đáng.

Giới thiệu vài nét về học giả Hoàng Xuân Hãn

[img class="caption" src="images/stories/2009/02/24/hoangxuanhan_a.jpg" border="0" alt="GS. Hoàng Xuân Hãn" title="GS. Hoàng Xuân Hãn" align="left" width="204"/>

Hoàng Xuân Hãn (1908-1996) là một học giả lớn, một nhà văn hoá lớn, là bác học trên nhiều lĩnh vực của khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và khoa học xã hội và nhân văn.

Ông sinh ra trong một gia đình nho học ở xã Nhân Thị, tổng Yên Hồ, huyện La Sơn, phủ Đức Thọ (nay là xã Đức Nhân, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh). Năm 1928, ông sang Pháp du học, có bằng cử nhân khoa học, kỹ sư cầu cống, thạc sĩ toán học. Năm 1936, ông về nước dạy tại trường Bưởi và dạy toán tại các trường công chính, nông lâm, võ bị và Đại học Khoa học Hà Nội. Ông tham gia nhiều hoạt động khoa học và xã hội như ra “Tạp chí khoa học” để truyền bá các kiến thức khoa học trong quần chúng, soạn “Danh từ khoa học” để xây dựng hệ thống thuật ngữ bằng tiếng Việt, làm trưởng ban tu thư của Hội Truyền bá Quốc ngữ. Tháng 4/1945, ông tham gia chính phủ Trần Trọng Kim, giữ chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Mỹ thuật.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, ông được cử làm chủ tịch Tiểu ban chính trị của phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tại Hội nghị Đà Lạt vào tháng 4/1946. Năm 1951, ông sang Pháp cư trú. Năm 1958, thi đỗ bằng kỹ sư năng lượng nguyên tử, nhưng dành tất cả tâm huyết cho các công trình nghiên cứu về lịch sử và văn hoá Việt Nam. Ông tham gia Hội người Việt Nam tại Pháp, đã từng là uỷ viên Đoàn chủ tịch của tổ chức này. Ông sáng lập Hội văn hoá giáo dục Cam Tuyền tại Pháp để truyền bá và bảo lưu những giá trị của văn hoá Việt Nam truyền thống.

Ông mất vào tháng 3/1996 tại Pari.

Ông được Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học xã hội và nhân văn năm 2000. Những trước tác của Hoàng Xuân Hãn đã được tập hợp trong “La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn” (3 tập, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội, 1998).

Những tác phẩm chính của ông là: “Danh từ khoa học” (1942), “Đại Nam quốc sử diễn ca” (1949), “Lý Thường Kiệt” (1949), “Hà Thành thất thủ” (1950), “Mai đình mộng ký” (1951), “La Sơn phu tử” (1952), “Chinh phụ ngâm bị khảo” (1953), “Bích Câu kỳ ngộ” (1964), “Truyện Song tinh”, “Một vài kí vãng về hội nghị Đà Lạt” (1971), “Lịch pháp và lịch Việt Nam” (1982),...

Những thành tựu nghiên cứu của Giáo sư Hoàng Xuân Hãn là một di sản quý của nền khoa học Việt Nam. Tên tuổi, con người, sự nghiệp văn hoá - khoa học của Hoàng Xuân Hãn, những công trình nghiên cứu sử học cùng với tinh thần yêu nước, ý thức trách nhiệm cao đối với dân tộc, mục tiêu nghiên cứu vì chân lý, vì sự thật lịch sử, vì lợi ích của đất nước, của con người của ông mãi mãi là tấm gương sáng cho các trí thức Việt Nam hôm nay và mai sau.

Tác giả: thanhha

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây