Hội thảo “Sang chấn tâm lý và sự trợ giúp”

Thứ tư - 09/11/2016 02:10
Hội thảo được tổ chức ngày 7/11/2016 tại Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN với sự tham gia của các nhà khoa học Việt Nam và nước ngoài. Đơn vị phối hợp tổ chức là Viện sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai), Quĩ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia, Trung Tâm Nghiên cứu Châu Á (ĐHQG HN - ARC), Ủy ban Quản lý Lạm dụng chất và Sức khỏe Tâm thần (Bộ Y tế), Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ (SAMHSA).
Hội thảo “Sang chấn tâm lý và sự trợ giúp”
Hội thảo “Sang chấn tâm lý và sự trợ giúp”

GS.TS Nguyễn Văn Kim - Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV phát biểu tại hội thảo/Ảnh: Thành Long

Với chủ đề “Sang chấn tâm lý và sự trợ giúp”, hội thảo có mục tiêu giúp các nhà khoa học, các nhà thực hành trao đổi tri thức mới, chia sẻ kinh nghiệm, kết quả nghiên cứu các công cụ hỗ trợ, can thiệp mới có hiệu quả, nhằm giảm bớt nỗi đau cho người bệnh và nâng cao chất lượng cuộc sống. 

Các báo cáo cho thấy, sang chấn tâm lý hiện nay rất phổ biến và đã trở thành vấn đề thách thức cho mỗi quốc gia, dân tộc. Theo Báo cáo của WHO/2015 (Tổ chức sức khỏe thế giới) thì số người có biểu hiện các vấn đề sức khỏe tâm thần trên thế giới hiện nay khoảng 350 triệu, trong số đó, số người được tiếp cận hỗ trợ, can thiệp chỉ khoảng 10%. Sang chấn tâm lý đã để lại hậu quả hết sức nặng nề cho không chỉ cá nhân người bệnh mà còn cho gia đình và xã hội. Gần 60 báo cáo đến từ các nhà khoa học thuộc hơn 10 quốc gia trên thế giới đã đề cập đến vấn đề này dưới nhiều góc tiếp cận phong phú, đa dạng, phản ánh qui mô và tính chất phức tạp của vấn đề đặt ra.

Tiểu ban 1 của hội thảo tập trung vào nội dung “Sang chấn tâm lý trẻ em, vị thành niên và người trưởng thành” với hai chuyên đề.

Chuyên đề 1 là “Sang chấn tâm lý ở trẻ em và vị thành niên” - đây là chuyên đề được nhiều nhà khoa học quan tâm nhất. Hầu hết các báo cáo khoa học thuộc chuyên đề này đều lưu ý tới những đặc trưng tâm lý - sinh lý của nhóm khách thể này. Một số báo cáo về đánh giá thực trạng tổn thương tâm lý do sang chấn tâm lý. Một số khác nghiên cứu vể xây dựng thang đo và chuẩn hóa thang đo mức độ sang chấn tâm lý phù hợp với ngữ cảnh văn hóa, xã hội mỗi quốc gia, dân tộc hoặc cách thức sử dụng test phóng chiếu trong đánh giá sang chấn tâm lý của trẻ. Các nhà nghiên cứu thuộc chuyên đề này đều khẳng định; sang chấn tâm lý ở trẻ em, vị thành niên là một hiện tượng khá phổ biến trong xã hội đương đại nếu không được hỗ trợ, can thiệp kịp thời sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển nhân cách và chất lượng cuộc sống của các em.

Ở chuyên đề 2 về “Sang chấn tâm lý ở người trưởng thành”, một số báo cáo đi sâu về sang chấn tâm lý ở phụ nữ giai đoạn trước và sau sinh, làm rõ nguyên nhân cơ chế tâm lý bên trong của loại sang chấn này và đưa ra một số biện pháp can thiệp, phòng ngừa có giá trị thực tiễn cao. Một số khác đã tiếp cận sang chấn tâm lý dưới góc độ thực hành như: sang chấn tâm lý của phụ nữ bị bạo hành gia đình. Một số khác cập tới những vấn đề nóng bỏng trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay như: sang chấn tâm lý và chiến lược ứng phó của người dân vùng bị ảnh hưởng bão lụt, sự đe dọa vỡ đập tràn của máy thủy điện và sang chất tâm lý trong tình huống chiến tranh, khủng hoảng nhân đạo và các thảm họa thiên nhiên khác.

GS.TS Nguyễn Văn Khánh - Chủ tịch Hội đồng Khoa học - Đào tạo Trường ĐHKHXH&NV

Tiểu ban 2 về “Sang chấn tâm lý ở người lao động và các nhóm yếu thế”, gồm hai chuyên đề: “Sang chấn tâm lý ở người lao động” và “Sang chấn tâm lý ở các nhóm yếu thế”.

Với chuyên đề 1: “Sang chấn tâm lý ở người lao động”, một số bài viết đã tiếp cận sang chấn tâm lý ở bình diện lý luận phát triển mô hình và khái niệm sang chấn tâm lý trong xã hội hóa nghề nghiệp; nghiên cứu stress gắn liền với môi trường làm việc và chiến lược ứng phó, can thiệp đối với  người lao động trong một số loại hình công việc, nghề nghiệp đặc biệt được quan tâm như: giáo viên mầm non, người lao động trong các doanh nghiệp liên doanh, công việc ở điện thoại viên ở Trung tâm chăm sóc khách hàng…

Ở chuyên đề 2 về “Sang chấn tâm lý ở các nhóm yếu thế”, các báo cáo đã nhấn mạnh những đặc điểm tâm-sinh lý cùng với tính chất môi trường sống hết sức đặc thù của nhóm đối tượng này. Họ là những người dễ bị sang chấn, tổn thương tâm lý vì vậy việc nghiên cứu, can thiệp và hỗ trợ cho họ có ý nghĩa đặc biệt. Một số nhóm yếu thể được các tác giả đặc biệt quan tâm như: nạn nhân chất độc da cam, nạn nhân tai nạn giao thông, nạn nhân của tệ nạn buôn bán người. Một số bài viết đã tiếp cận sang chấn tâm lý ở các nhóm yếu thế dưới góc độ thực hành như: stress ở bệnh nhân viêm loét dạ dày tá tràng, người nghiện rượu và người cao tuổi. Một số bài báo tiếp cận vấn đề dưới góc độ của sức khỏe tâm thần như: sang chấn tâm lý ở bệnh nhân điều trị nội trú tại các viện sức khỏe tâm thần; sang chấn tâm lý của cá nhân, gia đình và cộng đồng do tác động của thiên tai; thực trạng việc chăm sóc và hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam...

          

Tác giả: ussh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây