Nữ sinh ĐH KHXH&NV: Hán Nôm giúp tôi thay đổi tư duy và cách sống

Thứ tư - 07/06/2023 21:30
Mỗi khi Thanh Ngà giới thiệu là sinh viên ngành Hán Nôm, mọi người thường hỏi: "Học Hán Nôm là học cái gì?", "Học Hán Nôm là học viết chữ thư pháp đúng không?", "Học Hán Nôm là học tiếng Trung à?"... Dẫu vậy, cô nữ sinh năm cuối Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội chưa bao giờ thấy hối hận khi đã chọn ngành học đặc biệt này.
Học Hán Nôm để trở thành cầu nối giữa cổ và kim
Trần Thanh Ngà, sinh năm 2001 tại Hà Nội, là sinh viên năm cuối ngành Hán Nôm, khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội. Cô vừa giành giải thưởng USSH Youth Awards - Tuổi trẻ Nhân văn 2023 trong lĩnh vực Học tập - Nghiên cứu khoa học.
Giải thưởng Tuổi trẻ Nhân văn năm 2023 trong lĩnh vực Học tập - Nghiên cứu khoa học
Khi Thanh Ngà giới thiệu là sinh viên ngành Hán Nôm, đa số mọi người đều ngạc nhiên vì khá ít người biết đến ngành học này, cũng như đặt ra nhiều câu hỏi “dở khóc dở cười”. Đáp lại những thắc mắc đó, cô thường trả lời đơn giản rằng: “Hán Nôm là ngành học nghiên cứu về lịch sử, văn hóa Việt Nam và các nước đồng văn dựa trên những tư liệu được viết bằng chữ Hán và chữ Nôm".
Một số thành tích nổi bật của Trần Thanh Ngà
Chia sẻ về lý do đến với Hán Nôm, Thanh Ngà cho biết khi chọn ngành học, cô đã đọc được bài phỏng vấn của Tiến sĩ Đinh Thanh Hiếu, Trưởng Bộ môn Hán Nôm, khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội. Trong đó, thầy Hiếu đã nhận xét rằng Hán Nôm là ngành học có vai trò như "cầu nối giá trị văn hóa truyền thống và hiện đại", mang đến cho người học cả giá trị kiến thức cũng như giá trị về mặt đạo đức.
Thanh Ngà và Tiến sĩ Đinh Thanh Hiếu
Ấn tượng với phát biểu đó, cũng như nhận thấy mục tiêu giảng dạy của ngành phù hợp với sở thích cá nhân, Thanh Ngà đã quyết định lựa chọn ngành Hán Nôm. Đây là một ngành học kết nối giữa cổ và kim nên yêu cầu ở người học những tiêu chuẩn nhất định.
Đầu tiên, đó là việc ghi nhớ chữ Hán, phiên âm và dịch nghĩa một số văn bản cổ. Những yêu cầu cao hơn có thể kể đến như thông hiểu tư tưởng, quan điểm chính trị của các nhà triết học thuộc nhiều học phái khác nhau.
Khi mới bắt đầu học, Thanh Ngà thật sự bị choáng ngợp bởi số lượng chữ Hán cần phải nhớ, khối lượng kiến thức cần phải học hay dung lượng giảng dạy của mỗi tài liệu. Đối với một tân sinh viên chưa có căn bản vững chắc về Hán Nôm như cô thì việc ghi nhớ, học thuộc chữ Hán phồn thể trở nên vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, đây lại là nền tảng để có thể học tốt các kiến thức chuyên sâu hơn, điều này khiến cô cảm thấy mình cần cố gắng học tập hơn nữa
Những chữ Hán, chữ Nôm ban đầu của cô chưa được chuẩn, đẹp, lại còn sai rất nhiều lỗi. Đối mặt với khó khăn ấy, Thanh Ngà quyết tâm luyện chữ, viết đi viết lại nhiều lần cho đến khi nhớ được mặt chữ và cách viết. Dần dần, khi cô nhớ được nhiều chữ hơn, nét bút cũng trở nên tự tin, uyển chuyển, rõ ràng và sạch đẹp hơn.
Những bản luyện viết chữ của Thanh Ngà (từ trái sang phải) từ năm nhất đến năm thứ ba
“Những môn học chuyên ngành được thầy cô chọn lọc nhằm gửi đến chúng mình nhiều giá trị nhân văn tốt đẹp của cha ông ta. Lượng kiến thức của ngành học đã giúp mình thay đổi rất nhiều về tư duy cũng như cách sống. Với mình, đây chính là điều giá trị nhất mà ngành Hán Nôm đã mang lại cho bản thân”, cô chia sẻ.
Thanh Ngà ví ngành học của mình tựa như chiếc chìa khóa, giúp mở ra kho tàng văn hoá truyền thống của tổ tiên. Theo cô, trong thời đại hội nhập và phát triển hiện nay, việc giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc là vô cùng quan trọng. Hán Nôm chính là một trong những nền tảng vững chắc để người Việt Nam xây dựng một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.
Cô nhìn nhận rằng, nếu muốn học tốt ngành Hán Nôm, người học cần đảm bảo hai yếu tố gồm ưa thích tìm hiểu truyền thống và có năng khiếu về văn học.
 
Say mê nghiên cứu khoa học, ước mơ giúp đỡ trẻ em vùng khó
Năm 2022, Thanh Ngà là một trong hai sinh viên của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn có công trình nghiên cứu khoa học sinh viên được khen thưởng cấp Đại học Quốc gia Hà Nội. Đề tài “Tiên học Lễ của giáo dục Tiểu học thời cổ: Nghiên cứu thiên "Minh luân" sách Tử Chu Tử Tiểu học toàn thư" của cô đã đạt giải Nhất cấp Đại học Quốc gia Hà Nội, sau được phát triển và chọn đăng trên sách kỷ niệm Hội thảo “Nghiên cứu Hán Nôm năm 2022”.
Tại Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập ngành Hán Nôm, tháng 11/2022
Hiện tại, Thanh Ngà đang quan tâm và thực hiện một số đề tài nghiên cứu về kinh điển Nho gia tại Việt Nam. Dù đây là hướng đi mà nhiều nhà nghiên cứu đã và đang theo đuổi, nhưng với cô, người làm khoa học luôn phải tìm ra những góc nhìn mới để có thể đa dạng hoá vấn đề.
 
Thanh Ngà mong rằng những bài nghiên cứu tiếp theo của mình sẽ được mọi người tiếp tục đón đọc và cho ý kiến nhận xét, phản biện. Từ đó, một người trẻ như cô sẽ học hỏi được nhiều kinh nghiệm sâu sắc hơn trên hành trình nghiên cứu khoa học.
“Nghiên cứu khoa học không phải con đường êm đềm trải đầy hoa hồng nhưng mình vẫn sẽ tiếp tục theo đuổi sau khi tốt nghiệp. Bởi, trong quá trình nghiên cứu, mình có thể hiểu thêm nhiều lý lẽ, biết thêm nhiều kiến thức. Hy vọng rằng mình có thể đi xa nhất có thể trên con đường này”, Thanh Ngà tâm sự.
Hán Nôm là một ngành học thường phải làm việc nhiều với tài liệu, sách vở nên một số ý kiến cho rằng ngành học này khá nhàm chán. Hoặc mọi người thường nghĩ sinh viên ngành Hán Nôm chỉ ngồi yên một chỗ và ít tham gia các hoạt động ngoại khoá.
Nhưng sự thật không phải như vậy, trong quá trình học tập, Thanh Ngà luôn tham gia đầy đủ các chương trình, sự kiện do Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên tổ chức. Cô cũng từng đạt danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” cấp trường. Nhờ quá trình công tác Đoàn - Hội, cô dần hình thành sở thích tham gia hoạt động tình nguyện, đặc biệt trong việc bảo vệ và giúp đỡ trẻ em.
Thanh Ngà trong một số hoạt động thời sinh viên
Trong quá trình hoạt động ngoại khóa, cô đã làm được quen với nhiều bạn sinh viên có cùng sở thích tìm hiểu văn hóa các nước châu Á. Các bạn đã chia sẻ cho cô rất nhiều kiến thức thú vị với góc nhìn đa dạng. Việc này có ý nghĩa rất lớn với cô trong quá trình tìm kiếm và hoàn thành đề tài nghiên cứu khoa học.
Thanh Ngà dự kiến sẽ tốt nghiệp đại học vào tháng 7 tới. Cô đang tìm kiếm cơ hội để đi dạy học tại các vùng sâu vùng xa, giúp đỡ trẻ em những khu vực khó khăn tiếp cận tri thức. Đây chính là ước mơ mà cô hằng ấp ủ từ những ngày đầu tiên bước chân vào đại học. Sau đó, cô dự định theo học cao học ngành Hán Nôm để tiếp tục con đường trở thành một nhà nghiên cứu.
-------------------------------------
Cùng tìm hiểu về ngành Hán Nôm, thuộc khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN tại đây
 
 
Thông tin về chương trình đào tạo
Tên ngành đào tạo:
+ Tiếng Việt: Hán Nôm
+ Tiếng Anh: Sino – Nom
Danh hiệu tốt nghiệp: Cử nhân
Thời gian đào tạo: 4 năm
Tên văn bằng tốt nghiệp:
+ Tiếng Việt: Cử nhân ngành Hán Nôm
+ Tiếng Anh: The Degree of Bacherlor in Sino – Nom
Cơ hội nghề nghiệp
Chuyên gia sưu tầm, bảo quản các văn bản Hán Nôm
- Chuyên viên nghiên cứu về văn tự cổ, di tích lịch sử, văn hóa dân gian
- Giảng dạy Hán Nôm và tiếng Trung tại các trường học
- Dịch thuật, phiên dịch viên tiếng Trung cho các cơ quan và doanh nghiệp
- Biên tập viên tại các cơ quan báo chí, tạp chí chuyên ngành, hướng dẫn viên tiếng Trung,…
Khả năng học tập, nâng cao trình độ sau khi tốt nghiệp
Sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học, tùy theo năng lực và nhu cầu có thể học tiếp lên những bậc cao hơn (Thạc sĩ Hán Nôm và Tiến sĩ Hán Nôm) ở các cơ sở đào tạo trong và ngoài Đại học Quốc gia Hà Nội.

Tác giả: Theo Báo Sinh viên Việt Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây