Tin tức

Nghiên cứu thời kỳ Bắc thuộc (179 TCN - 938 SCN) trong Lịch sử Việt Nam

Thứ ba - 29/08/2017 04:51
Ngày 17 tháng 8 năm 2017, Khoa Lịch sử, đầu mối là Chi đoàn Cán bộ Khoa, đã tổ chức một Tọa đàm Khoa học Quốc tế với chủ đề “Thời kỳ Bắc thuộc (179 TCN - 938 SCN) trong Lịch sử Việt Nam: Những nghiên cứu mới” (Northern Domination Period (179BC-938AD) in the History of Vietnam: New Research Findings) với 3 diễn giả là chuyên gia về chủ đề. Đó là TS. Catherine Churchman (Trường Ngôn ngữ và Văn hóa, Đại học Victoria, Wellington, New Zealand), TS. Đặng Hồng Sơn (Khoa Lịch sử, Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQGHN) và ThS. Phạm Lê Huy (Khoa Đông Phương học, thuộc Nhà trường).
Nghiên cứu thời kỳ Bắc thuộc (179 TCN - 938 SCN) trong Lịch sử Việt Nam
Nghiên cứu thời kỳ Bắc thuộc (179 TCN - 938 SCN) trong Lịch sử Việt Nam

Trong lịch sử Việt Nam, nghiên cứu về thời kỳ một thiên niên kỷ thống thuộc các vương triều phương Bắc rất quan trọng đối với nhiều vấn đề lớn của lịch sử và văn hóa dân tộc. Chủ đề này, tuy vậy, còn ẩn chứa nhiều câu hỏi khoa học lý thú mà hóc búa, từ những vấn đề tiếp cận, đánh giá, nhận thức vĩ mô, cho đến những nghi vấn khảo cứu tư liệu. Tầm quan trọng, tính hấp dẫn và bí ẩn của 1000 năm Bắc thuộc đã thu hút nhiều thế hệ học giả quan tâm, nghiên cứu, như các tên tuổi Henri Maspero, Leonard Aurousseau của giới sử học Pháp đầu thế kỷ XX, Đào Duy Anh, Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Nguyễn Quang Ngọc của Sử học Việt Nam hiện đại, hay Stephen Dennis O’ Harrow, Keith Weller Taylor, Li Tana, Judith Cameron trong giới nghiên cứu Âu - Mỹ gần 40 năm qua.

Tuy vậy, đối với thế hệ các nhà khoa học trẻ của Việt Nam cũng như quốc tế, chưa nhiều người lựa chọn hướng nghiên cứu gắn với thời kỳ lịch sử này, một công việc đòi hỏi những năng lực, kỹ năng, sự đam mê, tính nhẫn nại và bền bỉ đặc biệt. Nguồn tư liệu chính yếu cho chủ đề học thuật này là thư tịch cổ Hán tự, phần nhiều của Trung Quốc, tư liệu khảo cổ, văn khắc kim thạch, tư liệu dân gian… đều có niên đại và thời gian tồn tại cách ngày nay cả hơn nghìn năm. Không những thế, đây cũng là một giai đoạn lịch sử dài, phức tạp, đầy biến động và chịu nhiều luồng quan điểm đánh giá, nhìn nhận khác, thậm chí, trái ngược nhau. Cho đến gần đây, tại Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội xuất hiện hai nhà nghiên cứu trẻ đã hăng hái đương đầu thử thách để theo đuổi hướng nghiên cứu Bắc thuộc Việt Nam.

Thạc sĩ Phạm Lê Huy, Giảng viên Khoa Đông Phương học thuộc Nhà trường, hiện là Nghiên cứu sinh Bộ môn Lịch sử Việt Nam Cổ trung đại của Khoa. Từ năm 2008, sau khi tốt nghiệp Đại học và Sau Đại học tại Đại học Waseda (Tokyo, Nhật Bản) về nước, Phạm Lê Huy đã chú ý đến vấn đề các thủ lĩnh An Nam thời thuộc Đường (thế kỷ VII-X SCN) và có công bố khoa học đầu tiên. Thực hiện đề tài Luận án tại Bộ môn, Phạm Lê Huy, với thế mạnh về năng lực nghiên cứu, sự say mê và vốn ngoại ngữ phong phú, đã có những đóng góp khoa học lớn về tư liệu và nhận thức thời kỳ Bắc thuộc Việt Nam với công trình “Tầng lớp Thủ lĩnh tại Giao Châu - An Nam thời Đô hộ Tùy - Đường” cùng nhiều bài nghiên cứu chuyên sâu trên các tạp chí, diễn đàn học thuật trong và ngoài nước.

Tiến sĩ Đặng Hồng Sơn, Phó Chủ nhiệm Bộ môn Khảo cổ học, Phó trưởng Khoa, là một nhà khảo cổ học lịch sử, chuyên gia về vật liệu kiến trúc Việt Nam và Đông Á thời kỳ Tiền Cận đại, tác giả chuyên khảo Gạch, Ngói và Vật liệu trang trí trên mái thời Lý - Trần - Hồ (Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2016). Sau khi bảo vệ Tiến sĩ tại Trung tâm Khảo cổ học Biên cương, Học viện Văn khoa, Đại học Cát Lâm (Trường Xuân, Trung Quốc), Đặng Hồng Sơn về tiếp tục công tác tại Khoa Lịch sử, đã tham gia chủ trì các cuộc khai quật tại di tích thành cổ Luy Lâu (thôn Lũng Khê, xã Thanh Khương, Thuận Thành, Bắc Ninh).

Trong khi những nghiên cứu từ góc nhìn khác nhau thuộc Sử học và Khảo cổ học của Phạm Lê Huy và Đặng Hồng Sơn đã đặt ra yêu cầu cần phải có những diễn đàn thảo luận chuyên sâu, trong khoảng tháng 7-8 năm 2017, một chuyên gia về thời kỳ Bắc thuộc trong lịch sử Nam Trung Quốc và Bắc Việt Nam đã có chuyến công tác trao đổi học thuật và khai thác tư liệu tại Việt Nam. Tiến sĩ Catherine Churchman là một nhà sử học, giảng dạy Chương trình Châu Á học tại Đại học Victoria, Wellington, chuyên sâu nghiên cứu về lịch sử vùng Lĩnh Nam và Đông Nam Á lục địa trong một thiên niên kỷ đầu công nguyên, về tiếng Mân Nam của cộng đồng Hoa kiều ở Malaysia, bản sắc địa phương của người Hoa Nam tại Trung Quốc cũng như trong các cộng đồng Hoa kiều di cư, văn học Thái và Việt viết bằng chữ Nôm, và văn học Hán Nôm của Việt Nam. Năm 2016, Tiến sĩ đã xuất bản cuốn chuyên khảo của mình với tựa đề The People Between the Rivers: The Rise and Fall of a Bronze Drum Culture, 200-750 CE (Các Nhóm người giữa Tây Giang và Nhị Hà: Sự Trỗi dậy và Lụi tàn của một nền Văn hóa Trống đồng từ thế kỷ III đến giữa thế kỷ VIII sau Công nguyên), (Lanham: Rowman & Littlefield), vốn là sự nâng cao, hoàn thiện của luận án tiến sĩ Lịch sử Châu Á mà Churchman bảo vệ xuất sắc tại Đại học Quốc gia Úc. Công trình của TS. Churman chỉ ra một cách thuyết phục, bằng chứng cứ thư tịch và khảo cổ học, rằng trong khoảng thế kỷ II-III đến giữa thế kỷ VIII đã có một lịch sử trỗi dậy và lụi tàn của các chính thể người Lí và Lão tại khu vực núi giữa 2 con sông là Sông Hồng (Bắc Bộ, Việt Nam) và sông Tây Giang (Quảng Tây, Quảng Đông (Trung Quốc) với trung tâm là châu thổ hạ lưu, được gọi đồng bằng Châu Giang, nơi có thương cảng Quảng Châu nổi tiếng). Với biểu trưng văn hóa vật chất là các trống đồng Heger loại II, các xã hội Lí, Lão đã trở nên hùng mạnh, tự chủ, dựa vào đặc điểm địa chính trị, vị thế kinh tế thương mại, các nguồn lực khoáng sản của mình, cũng như việc giải quyết tốt mối quan hệ với các vương triều Hán tộc trong bối cảnh loạn Lục triều nói riêng, thời kỳ giữa Hán với Đường nói chung. Cuốn sách thảo luận những vấn đề lý thuyết tảng nền của lịch sử cổ đại Việt Nam và Nam Trung Quốc như các khái niệm “Hán hóa”, “Sắc tộc”, các định danh “Lí” (俚), “Lão” (獠), cũng như góp phần lý giải con đường độc lập từ Giao Châu - An Nam đến nước Đại Cồ Việt thế kỷ X của lịch sử dân tộc ta.

Buổi tọa đàm khoa học được diễn ra với sự ủng hộ, khuyến khích của Chi ủy, Ban Chủ nhiệm Khoa Lịch sử, của Ban Giám đốc Bảo tàng Nhân học, và đặc biệt của Ban Giám hiệu Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Chủ tọa cho buổi tọa đàm là GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc (Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Trưởng Bộ môn Văn hóa học và Lịch sử Văn hóa Việt Nam, Khoa Lịch sử). Đến dự và góp ý chuyên môn cho Tọa đàm còn có PGS.TS Lâm Mỹ Dung (Giám đốc Bảo tàng Nhân học, Trưởng Bộ môn Khảo cổ học, Khoa Lịch sử), PGS.TS Trần Thiện Thanh (Phó trưởng khoa Lịch sử, đại diện Khoa phát biểu khai mạc), GS.TS Andrew Hardy (Trưởng đại diện EFEO tại Việt Nam), PGS.TS Trịnh Sinh (Viên Khảo cổ học), cùng những nhà nghiên cứu đến từ các Khoa thuộc Đại học KHXH&NV, các Trường, Viện thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội, các viện nghiên cứu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Đại học Sư phạm Hà Nội, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, và nhiều học giả khác từ cả trong và ngoài nước. Tham gia thảo luận cho các bài thuyết trình của Tọa đàm là ThS. Vũ Đường Luân (Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển, ĐHQGHN) hiện là Nghiên cứu sinh của Đại học Trung Sơn (Quảng Châu, Trung Quốc), cũng là một chuyên gia trẻ về lịch sử khu vực biên giới Việt - Trung giai đoạn Sơ kỳ Cận đại.

Ba bài thuyết trình tại Tọa đàm bao gồm “Tư duy Vượt biên giới trong Lịch sử của Giao Châu” của TS. Catherine Churchman, tham luận “Mối liên hệ giữa Đồng bằng Sông Hồng và cư dân của nó với các khu vực khác dưới thời Tùy - Đường nhìn từ các tuyến giao thông” của Phạm Lê Huy, và nghiên cứu “Lịch sử từ Gạch Ngói: Đầu ngói ống mặt người Lũng Khê (Việt Nam)” của TS. Đặng Hồng Sơn. Về mặt không gian, nếu tham luận của Catherine Churchman bao quát một vùng rộng lớn từ Lưỡng Quảng (Trung Quốc), qua các miền núi biên giới Việt - Trung hiện đại, đến Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ (Thanh - Nghệ - Tĩnh) của Việt Nam, với 2 “ốc đảo Hán hóa” là Quảng Châu (châu thổ Châu Giang, Quảng Đông) và Đồng bằng Sông Hồng (trung tâm của Giao Châu thế kỷ III-VII SCN), nhưng trọng tâm mà tác giả hướng đến là vùng núi Quảng Tây và phía Bắc Việt Nam; thì nghiên cứu của Phạm Lê Huy tập trung vào châu thổ Bắc Bộ nhưng gắn kết với các khu vực khác như, trong phạm vi bài thuyết trình, là miền Nam Quảng Tây và khu vực Thanh Hóa thông qua các tuyến giao thông thủy bộ quan trọng, đặc biệt là “Mã Viện lộ” và dòng sông Đáy; còn trình bày của Đặng Hồng Sơn chuyên chú vào di chỉ thành cổ Lũng Khê (Thuận Thành, Bắc Ninh), một trung tâm đô thị phồn thịnh của Giao Chỉ bộ thời Hán, có khả năng là trị sở đô hộ Luy Lâu hoặc Long Biên trong thư tịch cổ Trung Quốc và Việt Nam hơn ngàn năm để lại. Về mặt thời gian, nếu Đặng Hồng Sơn tập trung vào giai đoạn Hán thuộc (thế kỷ II TCN - thế kỷ III SCN) và lấn một chút sang đầu thời Tam quốc; thì nghiên cứu của Catherine Churchman có khung thời gian khá dài, từ sau nhà Hán đến Tùy (giai đoạn Lục triều), thậm chí đến giữa thế kỷ VIII dưới triều Đường; còn mối quan tâm của Phạm Lê Huy cho đến nay đều chuyên sâu vào giai đoạn Tùy - Đường (thế kỷ VII-X SCN). Tọa đàm, do vậy, có sự kết nối hợp lý về không gian và thời gian: mở rộng, liên kết và thu hẹp về không gian, liền mạch và nhịp nhàng về thời gian nghiên cứu.

TS. Catherine Churchman trình bày nghiên cứu “Các Nhóm người giữa Tây Giang và Nhị Hà” và mối quan hệ với lịch sử Giao Châu thời Bắc thuộc

Về những vấn đề nội dung, cả 3 tham luận đều đưa đến một nhận thức chung, chính xác là tái nhận thức, về lịch sử Bắc thuộc của Việt Nam, cũng như của các cộng đồng người ở Nam Trung Quốc cho đến trước thế kỷ X. Theo đó, lịch sử Giao Châu - An Nam không thể chỉ bó hẹp trong không gian ngày nay thuộc lãnh thổ Việt Nam hiện đại, vùng trung tâm là Châu thổ Sông Hồng luôn có mối liên hệ chặt chẽ với các vùng miền khác về chính trị - kinh tế và văn hóa. Những kết nối giao thông hoặc rào cản địa lý, những diễn biến bên ngoài ranh giới quốc gia đều tác động không nhỏ đến lịch sử Giao Châu, hay sự tiếp biến tôn giáo tín ngưỡng tại quận Giao Chỉ thế kỷ II-III, không chỉ là một chiều tụ - nhập, mà rất có thể, như giả thuyết của Đặng Hồng Sơn, còn lan tỏa, xuất ngược lên phía Bắc, đến kinh đô của một triều đình Hán tộc. TS. Churchman, do vậy, đề xuất một cách nghĩ vượt lên trên các đường biên, theo đó, có sự tương đồng lớn giữa 2 châu thổ lưu vực 2 sông Nhị Hà và Châu Giang, nhưng đồng thời, có sự biệt lập không nhỏ của vùng thượng nguyên ở giữa, và chính hoạt động của các nhóm ngôn ngữ - tộc người phi Hán, phi Việt đó đã góp phần đẩy nhanh con đường giành độc lập, tự chủ của người Việt, để quá trình này đơm hoa ở thế kỷ X. Tương tự như thế, Phạm Lê Huy, tuy đứng ở góc nhìn châu thổ Bắc Bộ của Việt Nam, nhưng cũng chỉ ra những liên kết giữa lưu vực Sông Hồng với các vùng miền bên kia biên giới, hoặc thậm chí những trở ngại giao thông với chính khu vực nay đã nằm bên trong lãnh thổ hiện đại. Cả Catherine và Lê Huy đều thống nhất khẳng định, sự thành hình của một Đại Cồ Việt thế kỷ X không phải là đột khởi, không chỉ bởi sự suy sụp của Đế chế Đường, mà nó là kết quả của một quá trình lâu dài, với sự tham góp của đa dạng các thực thể ở trong và bên ngoài Giao Châu.

ThS. Phạm Lê Huy thuyết trình về mối liên hệ của Châu thổ Bắc Bộ với Nam Quảng Tây, Thanh Hóa qua các tuyến giao thông thủy - bộ

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng còn một số quan điểm không đồng nhất. Đó là, nếu Churchman định nghĩa các khái niệm “Lí” và “Lão” theo góc nhìn chính trị, chứ không phải đặc điểm tộc người, theo mức độ mối quan hệ giữa chính thể tự trị của các nhóm người “giữa Lưỡng giang” đó với các chính quyền đô hộ người Hán; thì Phạm Lê Huy chỉ ra sự xáo trộn, phức tạp hơn nhiều của các khái niệm này. Đồng bằng châu thổ Sông Hồng theo khắc họa của Huy rất đa dạng so với nhận thức cũ: vừa đa tộc người về đặc trưng dân cư (bản địa, Hán, Man - Lão - Di phi Hoa Hạ, người Chân Lạp), vừa đa địa hình (châu thổ, khê động, duyên hải), đặc biệt là quá trình “hỗn huyết đa tầng” và “bản địa hóa đa dạng” của các lớp cư dân, trong đó đáng chú ý là lớp di dân từ Phương Bắc, và điều này tác động nhiều đến các định danh “Hoa Hạ”, “Man”, “Di” và “Lão” trong lịch sử Giao Châu. Ngoài ra, việc gọi tên di tích thành cổ ở Lũng Khê là Luy Lâu hay thành Long Biên cũng không thống nhất giữa 2 nhà khoa học trẻ Phạm Lê Huy và Đặng Hồng Sơn. Nếu Lê Huy đưa ra các chứng cứ tư liệu lịch sử để khẳng định Lũng Khê không thể là Luy Lâu, địa điểm của trị sở Giao Chỉ bộ thời Hán chỉ có thể ở hữu ngạn sông Hồng, còn di tích được coi là “thành cổ Luy Lâu” ở Thuận Thành được thư tịch và bi ký khắc ghi Long Biên; thì đứng trên phương diện khảo cổ học, Đặng Hồng Sơn xác định Lũng Khê cũng là một đô thị cổ phồn thịnh, một dấu tích vật chất có niên đại Hán - Lục triều quy mô nhất được tìm thấy cho tới nay tại đồng bằng Bắc Bộ, và việc có phải Luy Lâu ở khoảng thành Quèn (Quốc Oai) hay đâu đó thuộc khu vực Hà Tây (cũ) hay không, phải đợi các khai quật khảo cổ học lớn trong tương lai. Mặc dầu vậy, ta có thể thấy, trong những khác biệt về quan niệm, một số thống nhất chung giữa các nhà nghiên cứu vẫn nổi lên, đó là cả Catherine Churchman và Phạm Lê Huy đều không định nghĩa các danh xưng “Lí”, “Lão” theo tiếp cận tộc người, và rất có thể những tranh luận Luy Lâu hay Long Biên của Huy và Sơn sẽ dẫn đến một điểm kết chung - có thể hai mà lại là một?!

TS. Đặng Hồng Sơn trình bày về nghiên cứu đầu ngói ống mặt người tại di tích thành cổ Lũng Khê

Tọa đàm cũng nhận được những phát biểu bình luận, góp ý, trao đổi của các nhà nghiên cứu Vũ Đường Luân (đối với bài giảng của Churchman), Nguyễn Quang Anh (về tiếp cận địa lý địa chất các tuyến giao thông thủy), Nguyễn Hữu Mạnh (cập nhật thống kê phân bố trống đồng từ Heger I muộn sang Heger II tại Bắc Việt Nam), ý kiến của PGS.TS Trịnh Sinh về sự tương đồng, dị biệt giữa trống Heger I và II, giữa trống Heger II ở Bắc Việt Nam (cụ thể thượng du Thanh Hóa) với trống Quảng Tây, về yếu tố Thái cổ hay “khoảng lặng” Heger II tại khu vực Việt Bắc (cũ), và về tiếp cận phi biên giới lãnh thổ trong nghiên cứu khảo cổ học thời Cổ đại và Sơ kỳ Trung đại Việt Nam. Và đặc biệt là góp ý khoa học giá trị từ Giáo sư Lâm Mỹ Dung, về sự phân bố trống đồng Heger I tại Nam Trung Quốc, Bắc Việt Nam từ thế kỷ IV TCN đến thế kỷ II SCN, và khác biệt trong thống kê số lượng mộ gạch Hán ở châu thổ Bắc Bộ của Giao Châu giai đoạn nghiên cứu. Ý kiến của các nhà khảo cổ học Việt Nam cho thấy yêu cầu bổ sung các tài liệu khảo cổ phía Việt Nam vào nghiên cứu The People Between the Rivers nói riêng, định hướng khoa học sắp tới của tác giả Churchman nói chung, ngày càng triển vọng và gắn kết với nghiên cứu Việt Nam. Những định hướng này cũng cho thấy, nghiên cứu về Sơ sử và Cổ Trung đại Việt Nam, tư liệu thư tịch cổ đã rất quan trọng, nhưng không thể là tất cả; những học giả chỉ dựa vào văn bản Hán tự mà không đặt tư liệu thành văn đó trong mối quan hệ với các nguồn khác (khảo cổ, văn hóa…), thì rất có thể rơi vào quan điểm thái cực. Công trình của TS. Churchman, nghiên cứu của Phạm Lê Huy, cũng như cuốn sách mới công bố của GS.TS Nam C. Kim (The Origins of Ancient Vietnam, Oxford, 2015) đã cho thấy hiệu quả của hướng nghiên cứu tổng hợp này, cũng như giá trị của tư liệu khảo cổ học trong nhận thức về thời kỳ lịch sử sớm ở Việt Nam và Đông Nam Á.

Phát biểu tổng kết Tọa đàm, Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc hoan nghênh các tiếp cận mới trong nghiên cứu lịch sử Việt Nam của các học giả trẻ. Những hướng đi mới này đã đưa lại nhận thức mới, lý thú và chân xác hơn về giai đoạn 1000 năm Bắc thuộc trong lịch sử Việt Nam. Tư duy vượt biên giới và tiếp cận đa dạng, tổng thể đề xuất bởi Catherine Churchman và Phạm Lê Huy trong tọa đàm ngày hôm nay cũng rất tương trùng với hai xu hướng lớn nghiên cứu lịch sử, văn hóa Việt Nam được thể hiện trong các công trình Vietnam Borderless Histories (Nhung Tuyết Trần, Anthony J. S. Reid, Phan Huy Lê và các học giả khác, Wisconsin, 2006) và nguyên lý về “Tính Đa tuyến, Toàn bộ, Toàn diện của Lịch sử Việt Nam” mà Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Phan Huy Lê đã đề ra trong công trình Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2016 Lịch sử và Văn hóa Việt Nam Tiếp cận bộ phận (Hà Nội, 2007, 2012). Giáo sư Chủ tọa cũng hoan nghênh và đánh giá cao sáng kiến tổ chức Seminar của Chi đoàn Cán bộ Khoa Lịch sử, biến một sinh hoạt khoa học của một đơn vị trở thành diễn đàn vừa chuyên sâu, vừa mang tầm quốc gia, có thể đại diện cho học thuật Việt Nam và thế giới về chủ đề nghiên cứu. Tọa đàm tạo sự kết nối giữa các chuyên gia, trao đổi tri thức, các tư liệu, kết quả phát hiện mới, đặc biệt là thiết lập mạng lưới các nhà khoa học trẻ Việt Nam và quốc tế, hướng đến những định hướng nghiên cứu chung trong tương lai. Đối với Khoa Lịch sử, những trao đổi tại Tọa đàm cũng vạch ra các kế hoạch đào tạo và nghiên cứu trong thời gian tới, nhất là Bộ môn Khảo cổ học, như khai quật di tích thành Quèn, xây dựng dự án nghiên cứu thời kỳ Lục triều, nhằm hiện thực hóa chiến lược phát triển của Khoa là củng cố sự gắn bó mật thiết giữa khảo cổ và lịch sử.

Tọa đàm Khoa học Quốc tế “Thời kỳ Bắc thuộc (179 TCN - 938 SCN) trong Lịch sử Việt Nam: Những nghiên cứu mới” mở ra một hướng mới trong tổ chức chuỗi Seminar định kỳ của Khoa Lịch sử, khẳng định sự tiên phong và tầm nghiên cứu đỉnh cao của một trung tâm đào tạo và nghiên cứu Sử học hàng đầu đất nước, với truyền thống hơn 60 năm hình thành và phát triển.

GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc chủ tọa và phát biểu tổng kết Tọa đàm

Diễn giả, Ban Tổ chức và một số đại biểu chụp hình lưu niệm tại Tọa đàm

Tác giả: Ngọc Lan

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 3 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây