Tin tức

Niềm tin và các phương tiện truyền thông đại chúng

Thứ tư - 18/10/2017 00:38
“Niềm tin, truyền thông và truyền thông đại chúng” là chủ đề thuyết trình trước sinh viên Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường ĐHKHXH&NV của TS. Martha Kuhnhenn (Khoa Khoa học Chính trị và Nghiên cứu truyền thông, Đại học Ugreifswald, CHLB Đức) vào ngày 17/10/2017.

Diễn giả cho biết, đây là một chủ đề rất quan trọng trong truyền thông chính trị ở Đức cũng như các nước khác trên thế giới hiện nay. Mỗi khi có một chính trị gia đắc cử, dư luận và báo chí truyền thông lại chia sẻ thông tin, thảo luận và thể hiện bằng nhiều cách khác nhau niềm tin và sự tín nhiệm dành cho họ.

TS. Martha đề cập đến khái niệm về niềm tin của một nhà Xã hội học nổi tiếng - Niklas Luhmann. Trong một thế giới phức tạp như hiện nay, con người không thể nào có thông tin đầy đủ về tất cả mọi thứ. Tuy nhiên, con người vẫn cần phải có niềm tin vào một điều gì đấy vì niềm tin mới thúc đẩy hành động. Do đó, lòng tin làm giảm sự phức tạp của xã hội và thế giới, giúp chúng ta vượt qua hạn chế là sự thiếu hụt về thông tin và khái quát hoá kỳ vọng của chúng ta về hành vi. Nói cách khác, niềm tin giúp thay thế những thông tin chúng ta chưa biết bằng sự bảo đảm từ bên trong mỗi người.

Niềm tin là cần thiết trong rất nhiều tình huống khác nhau trong cuộc sống. Niềm tin diễn ra ở nhiều cấp độ: cấp độ giữa cá nhân với cá nhân; cấp độ thế chế hay hay tổ chức; cấp độ cao nhất là cấp độ xã hội.

TS. Martha cũng đề cập đến sự khác biệt giữa niềm tin và hy vọng. Niềm tin là một hành động dựa trên sự chắc chắn và kỳ vọng nhất định của con người và người ta dùng nó để để ra quyết định. Nhưng hy vọng lại dựa trên những cảm giác, thông tin không rõ ràng, không chắc chắn bằng lòng tin.

Một khái niệm khác liên quan đến niềm tin là sự tín nhiệm. Diễn giả cho rằng sự tín nhiệm là một cấp độ thấp hơn của niềm tin. Đó là đặc trưng được gắn với bất kỳ một cá nhân hay tổ chức nào, nhưng chỉ có được sau một quá trình tương tác, liên hệ, chia sẻ với nhau. Và sự tín nhiệm cũng được thể hiện và nhìn nhận đa chiều, đa hướng. Nếu lòng tin là khái niệm liên quan đến tương lai thì tín nhiệm là khái niệm liên quan đến thời điểm hiện tại.

Bàn về những yếu tố để tạo dựng sự tín nhiệm đối với các chính trị gia trên phương diện truyền thông chính trị, bài thuyết trình đi sâu phân tích 4 yếu tố: năng lực, khả năng tương tác xã hội, uy tín, sự thấu hiểu. Trong đó, nghiên cứu truyền thông đã chỉ ra: các chính trị gia thường tạo dựng được sự tín nhiệm và lòng tin của công chúng hiệu quả qua khả năng tương tác xã hội, tạo liên kết về cảm xúc để tìm kiếm sự thấu hiểu và thông cảm của công chúng.

Vậy các nhà báo và những người hoạt động truyền thông nên chú ý đến những tiêu chí hay yếu tố nào để tạo dựng được sự tín nhiệm của độc giả ? TS. Martha chia sẻ rằng hãy chú trọng số liệu, dữ kiện, thông tin cụ thể và chính xác sẽ giúp độc giả có niềm tin với nhà báo. Mặt khác, các nhà báo cần chú trọng xây dựng và chia sẻ những câu chuyện có cảm xúc và tình huống cụ thể để tạo sự thu hút, sự thông cảm và thấu hiểu hơn từ người đọc.

PGS. TS Đặng Thị Thu Hương (Trưởng Khoa Báo chí và Truyền thông) chụp ảnh lưu niệm với TS. Martha Kuhnhenn

TS. Martha Kuhnhenn chụp ảnh lưu niệm với đại diện lãnh đạo Khoa Báo chí và Truyền thông

Tác giả: Thanh Hà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây