Ngôn ngữ
Tham dự có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc; PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia TP HCM; ông Phan Anh Sơn - Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam; ông ONO Masuo - Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM và đại diện Tổng lãnh sự quán Lào, Tổng lãnh sự quán Campuchia tại TP HCM; Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ GD&ĐT) Phạm Quang Hưng; PGS.TS Ngô Thị Phương Lan - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TPHCM.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc và ông Phan Anh Sơn, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam trao giải Nhất cho đội thi đến từ Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQGHN
Đặc biệt, vòng chung kết toàn quốc có sự tham gia của 12 đội thi xuất sắc nhất đến từ 12 cơ sở đào tạo đại diện cho 63 cơ sở đào tạo tiếng Việt trên khắp cả nước.
Nuôi dưỡng và vun đắp tình hữu nghị bằng ngôn ngữ chung là Tiếng Việt
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc chia sẻ: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp”. Lời Bác dạy năm xưa đến nay vẫn có giá trị, ý nghĩa sâu sắc. Trong xu thế hội nhập và phát triển, tiếng Việt là cầu nối quan trọng gắn kết quê hương, đất nước với bạn bè quốc tế. Chính vì lẽ đó, việc dạy và học tiếng Việt luôn được Bộ GD&ĐT đặc biệt chú trọng, cải thiện, nâng cao chất lượng trong những năm qua.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc khai mạc Vòng chung kết toàn quốc Cuộc thi Hùng biện tiếng Việt cho lưu học sinh nước ngoài năm 2023
Thứ trưởng thông tin: Hiện nay, có khoảng 22 nghìn lưu học sinh nước ngoài đang học tập tại trên 160 cơ sở đào tạo Việt Nam. Trong 5 năm gần đây (2016-2022), Việt Nam tiếp nhận, đào tạo hơn 45.000 lưu học sinh nước ngoài đến từ 102 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trung bình, hằng năm có từ 4.000 đến trên 6.000 lưu học sinh được tiếp nhận vào các cơ sở giáo dục của Việt Nam.
Cùng với xu hướng đào tạo của các nước trên thế giới, lấy nền tảng ngôn ngữ là chìa khóa mở cánh cửa đầu tiên trong hành trình học tập đầy hứa hẹn nhưng cũng nhiều thử thách, Bộ GD&ĐT Việt Nam luôn xác định yếu tố then chốt quyết định chất lượng giảng dạy, học tập của lưu học sinh nước ngoài tại Việt Nam là trình độ tiếng Việt. Chính vì vậy, việc nâng cao năng lực tiếng Việt luôn được xem là một nhiệm vụ quan trọng và xuyên suốt trong quá trình đào tạo tại tất cả các cơ sở giáo dục trên toàn quốc.
Ông Phan Anh Sơn - Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam phát biểu tại vòng thi Chung kết
“Việc dạy và học tiếng Việt không chỉ là việc giảng dạy ngôn ngữ, trang bị công cụ tiếp thu kiến thức mà còn là việc quảng bá văn hóa, lan tỏa bản sắc dân tộc và nâng cao năng lực giao tiếp liên văn hóa cho lưu học sinh đang học tại Việt Nam nói riêng, người nước ngoài và những người yêu thích ngôn ngữ, văn hóa Việt Nam nói chung”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc chia sẻ, đồng thời bày tỏ tin tưởng, thông qua Cuộc thi, các bạn lưu học sinh nước ngoài, các em học sinh, sinh viên Việt Nam, các thầy cô giáo sẽ có thêm một diễn đàn để giao lưu chuyên môn, văn hóa, nuôi dưỡng và vun đắp tình hữu nghị trên cơ sở ngôn ngữ chung là Tiếng Việt.
Là đơn vị đăng cai tổ chức cả Vòng thi khu vực phía Nam và Vòng chung kết toàn quốc, PGS.TS Ngô Thị Phương Lan - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TPHCM chia sẻ: Tiếng Việt và văn hóa Việt Nam đang ngày càng khẳng định được vị thế trên trường quốc tế, ngày càng nhiều người nước ngoài yêu thích và tìm hiểu, theo học. Tiếng Việt cũng đã trở thành một trong những môn ngoại ngữ được giảng dạy tại nhiều cơ sở giáo dục ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
PGS.TS Ngô Thị Phương Lan - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TPHCM
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM có lịch sử đào tạo hơn 25 năm. Số lượng học viên đăng ký tham gia các khóa học lên đến trên 2.500 lượt mỗi năm. Đây cũng là một trong những đơn vị được xem là uy tín nhất trong việc giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài ở khu vực phía Nam hiện nay.
“Chúng tôi hy vọng rằng, thông qua sự kiện này, chúng ta sẽ cùng kết nối, hợp tác tốt đẹp hơn nữa không chỉ trong các cuộc thi hùng biện tiếng Việt mà còn ở các khía cạnh khác liên quan đến đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng”, PGS.TS Ngô Thị Phương Lan bày tỏ.
Hiểu biết sâu sắc, hòa mình vào văn hóa Việt Nam
Năm 2023 là năm đầu tiên Bộ GD&ĐT tổ chức Cuộc thi Hùng biện tiếng Việt cho lưu học sinh nước ngoài với quy mô cả nước, nhằm tạo dựng sân chơi cho tất cả các lưu học sinh nước ngoài tại Việt Nam được giao lưu, thi đua học tập, tạo động lực cho việc đổi mới phương pháp giảng dạy và nâng cao chất lượng đào tạo tiếng Việt, đồng thời góp phần quảng bá giáo dục, văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế.
12 đội thi vòng chung kết đã mang đến hiểu biết và tình yêu với đất nước, con người Việt Nam trong từng tiết mục
Được phát động vào tháng 8/2023, trải qua 3 vòng thi sơ khảo tại 3 khu vực Bắc, Trung, Nam với hơn 600 trăm lưu học sinh đến từ 15 quốc gia đang học tập ở 63 cơ sở đào tạo của Việt Nam đăng ký tham gia. 12 đội thi đại diện cho 12 cơ sở đào tạo gồm lưu học sinh đến từ các nước Lào, Campuchia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Pháp, Úc, đã vượt qua 63 đội đăng ký thi để tranh tài tại vòng Chung kết toàn quốc.
Với chủ đề “Việt Nam trong tôi", tại vòng sơ khảo các thí sinh đã khai thác chủ yếu về đặc trưng văn hóa Việt Nam, danh lam thắng cảnh, điểm đến hấp dẫn, tình đoàn kết hữu nghị và có góc nhìn rất thú vị về những trải nghiệm lần đầu tại Việt Nam. Các bài dự thi đã sử dụng vốn từ phong phú, cách diễn đạt hợp lý và cuốn hút, mang lại nhiều cảm xúc, tạo dấu ấn tốt đẹp trong lòng người xem.
Lưu học sinh Hàn Quốc đóng trích đoạn vở cải lương "Tiếng trống Mê Linh" gây xúc động
Mỗi bài thi là sự kết hợp độc đáo về thuyết trình, kể chuyện, diễn kịch, ngâm thơ, đọc ca dao và hát bằng tiếng Việt, tạo nên những bài dự thi đa sắc màu vô cùng ấn tượng. Các thí sinh không chỉ sử dụng tiếng Việt thuần thục mà có sự hiểu biết rất sâu sắc về đất nước, con người Việt Nam và thực sự đã hòa mình vào văn hóa Việt Nam.
Với hình thức thi hùng biện, mỗi đội thi được lựa chọn 2-3 thí sinh hùng biện chính. Trong thời gian giới hạn là 7 phút cho mỗi phần trình bày, các đội thi không chỉ thể hiện sự trau chuốt về mặt nội dung, mà phần minh họa cũng được đầu tư rất công phu hấp dẫn và lôi cuốn người xem. Những hình ảnh về Việt Nam thật đẹp đã hiện lên trước mắt công chúng, hun đúc thêm tình yêu quê hương, đất nước, tình hữu nghị đoàn kết giữa các quốc gia, dân tộc.
Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế (Bộ GD&ĐT) Phạm Quang Hưng và Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TPHCM trao cờ và tặng hoa chúc mừng 2 đội đạt giải Nhì
Với 12 phần thi đặc sắc ở vòng Chung kết, Ban Giám khảo đã lựa chọn trao giải Nhất cho phần dự thi của đội thi đến từ Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội.
2 giải Nhì được trao cho đội thi đến từ, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên, Trường Đại học Cửu Long.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm với 12 đội thi vòng Chung kết
3 đội thi đoạt giải Ba gồm Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh, Trường Đại học Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP HCM.
6 giải Khuyến khích được trao cho Trường Đại học Y khoa Vinh, Trường Hữu Nghị 80, Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Kiên Giang, Trường Đại học Sư phạm TP.HCM.
Báo chí đưa tin về sự kiện:
Báo tuổi trẻ online: Nhóm lưu học sinh 8 quốc gia đoạt giải nhất cuộc thi nói tiếng Việt
Tác giả: Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn