Ngôn ngữ
Cuộc thi có sự tham gia của sinh viên tới từ bốn trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Luật Hà Nội, Đại học Ngoại thương, và Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Đây cũng là năm thứ sáu Nhà trường và Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức hoạt động này.
Ngày 26/4 hằng năm được Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) chọn làm “Ngày Sở hữu trí tuệ Thế giới” (World Intellectual Property Day - World IP Day). Thông qua các chủ đề của World IP Day, WIPO truyền đi thông điệp khuyến khích đổi mới, sáng tạo toàn cầu.
Năm 2016 là lần thứ 16 World IP Day được WIPO tổ chức nhằm nâng cao nhận thức về vai trò của sở hữu trí tuệ trong cuộc sống, cũng như vinh danh sự đóng góp của các nhà sáng tạo vào sự phát triển của xã hội. Nhìn lại những thông điệp mà WIPO đã nỗ lực truyền đạt trong suốt 16 năm qua, WIPO đã luôn kiên trì với mục tiêu đẩy mạnh hoạt động sáng tạo và tạo điều kiện chuyển giao công nghệ liên quan đến sở hữu trí tuệ sang các nước đang phát triển để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa, đồng thời bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trên toàn thế giới.
Trong phát biểu khai mạc cuộc thi, Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV Phạm Quang Minh đã nói đến tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng của công tác nghiên cứu và đào tạo nhân lực SHTT, cũng như nâng cao hiểu biết của cộng đồng về lĩnh vực này. Ông cho biết: Tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, việc tăng cường bảo hộ quyền SHTT nhằm đáp ứng những nhu cầu ngày càng cao của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế thực sự đã trở thành đòi hỏi vô cùng cấp thiết. Bảo hộ quyền SHTT ở Việt Nam tuy là một việc hết sức mới mẻ nhưng hiện đang được Nhà nước nỗ lực củng cố, hoàn thiện hệ thống pháp luật hiện hành. Trong khi Việt Nam đã và đang đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong việc xây dựng pháp luật về SHTT thì việc thực thi các qui định đó trên thực tế mới chỉ được triển khai bước đầu và chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Để đưa hệ thống bảo hộ quyền SHTT của Việt Nam thực sự trở thành một hệ thống có hiệu quả đòi hỏi phải có những biện pháp mang tính đồng bộ và tổng hợp trên nhiều phương diện. Trong đó, việc phát triển nguồn nhân lực SHTT và nâng cao hiểu biết cộng đồng về SHTT thông qua các chương trình đào tạo, giáo dục về SHTT tại các trường đại học và cao đẳng của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Cuộc thi được tổ chức với mục đích gắn kết đào tạo với thực tế hoạt động SHTT, khuyến khích tìm hiểu và nâng cao hiểu biết của sinh viên và doanh nghiệp về Sở hữu trí tuệ - một yếu tố quan trọng trong nền kinh tế tri thức và hội nhập. Đây cũng là nơi tạo điều kiện giao lưu giữa các “nhà quản lý tương lai” trên sân chơi bình đẳng, thân ái. Cuộc thi đồng thời là dịp các nhà quản lý tương lai được tiếp xúc và tìm hiểu về các doanh nghiệp, cũng như các CEO thành công để có thể học hỏi thêm kinh nghiệm và từ đó hiểu thêm về công việc và sự lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai.
Cuộc thi có 3 phần: Chào hỏi - Kiến thức chung về SHTT - Xử lý tình huống. Với các kiến thức, kỹ năng đã được truyền tải trên giảng đường đại học về sở hữu trí tuệ, các bạn sinh viên của bốn trường đại học lớn của Hà có dịp được trổ tài thông qua các phần thi hết sức sinh động, thú vị, góp phần lan tỏa hiểu biết và ý thức về sở hữu trí tuệ tới cộng đồng, từ đó nâng cao hiệu quả bảo hộ các tài sản trí tuệ trong thực tiễn.
Giải Nhất thuộc về Đại học Luật Hà Nội, giải Nhì thuộc về Trường ĐHKHXH&NV - ĐHQGHN, giải Ba thuộc về Trường Đại học Kinh tế quốc dân và Đại học Ngoại thương.
Cuộc thi là hoạt động thường niên trong khuôn khổ thỏa thuận hợp tác về Sở hữu trí tuệ giữa Cục Sở hữu trí tuệ và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Ba đơn vị tài trợ của cuộc thi là Công ty Luật Sở hữu trí tuệ Trường Xuân, Công ty TNHH MasterBrand, Công ty Luật Phượng Hoàng.
Tác giả: Thanh Hà
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn