Tin tức

Thuyết trình về tội phạm thù ghét tại Hoa Kỳ

Thứ năm - 21/09/2017 03:48
Ngày 21/9/2017, PGS. TS Hoàng Anh Tuấn (Phó Hiệu trưởng Trường DDHKHXH&NV) cùng các cán bộ, giảng viên Nhà trường đã tiếp và lắng nghe bài thuyết trình của ông Brett A. Parson (Sở Cảnh sát Thủ đô Washington DC) về vấn đề tội phạm thù ghét tại Hoa Kỳ.

Mở đầu bài thuyết trình, ông Brett A. Parson giới thiệu về bối cảnh xã hội-văn hóa của Hoa Kỳ. Hoa Kỳ vốn được ví là một “nồi hầm nhừ”, một đất nước đa dạng về chủng tộc, văn hóa, sắc tộc, ngôn ngữ. Tuy nhiên, chính sự đa dạng này làm nảy sinh nhiều xung đột, với hệ quả là hành vi thù ghét nhắm vào những nhóm người có sự khác biệt về một trong những lĩnh vực nói trên. Vì những rào cản văn hóa-xã hội, hoặc vì mất niềm tin vào lực lượng cảnh sát, họ không có được sự hỗ trợ như những nhóm công dân chủ lưu. Là một sĩ quan cảnh sát, nhiệm vụ của ông Brett A. Parson là bảo vệ quyền của các cộng đồng như vậy.

Quang cảnh khán phòng

Trong lịch sử Hoa Kỳ có nhiều đạo luật ra đời để bảo vệ quyền của các cộng đồng yếu thế và chống sự thù ghét, phân biệt đối xử. Đầu tiên là Đạo luật Quyền Dân sự năm 1968, nhằm truy tố các đối tượng có hành vi xâm phạm tới chủng tộc, màu da, tôn giáo hay gốc tịch của người khác; bảo vệ nạn nhân khi tham gia vào một trong sáu loại hình hoạt động là nhập học, trông coi một nơi chốn/cơ sở công cộng, xin việc, tham gia hội thẩm trong một phiên tòa tiểu bang hoặc bầu cử. Kế tiếp là Đạo luật Kiểm soát Tội Bạo lực và Hành pháp năm 1994, nhằm nâng mức phạt với những hành vi thù ghét do kỳ thị chủng tộc, màu da, tôn giáo, gốc tịch, sắc tộc, hay giới. Đạo luật Phòng chống Đốt phá Nhà thờ năm 1996 chống bôi nhọ hay phá hủy bất cứ tài sản tôn giáo hữu hình nào vì lý do chủng tộc, màu da hay sắc tộc. Gần đây nhất, Đạo luật Phòng ngừa Tội phạm Thù ghét Matthew Shepard và James Byrd ra đời năm 2009, nhằm điều chỉnh những dạng tội phạm có động cơ nhắm vào giới, xu hướng tính dục, căn tính giới hay đặc điểm khuyết tật. Đặc biệt, Đạo luật năm 2009 lấy tên của hai nạn nhân đã thiệt mạng vì hành vi phân biệt đối xử (Matthew Sphepard là người đồng tính nam còn James Byrd là người da đen).

Ông Brett A. Parson đưa ra một số ví dụ về hành vi thù ghét

Từ các đạo luật trên, ông Brett A. Parson định nghĩa tội phạm thù ghét là một hành vi có chủ ý, thể hiện sự thù hận, kỳ thị hay định kiến của kẻ vi phạm dựa trên địa vị của một (nhóm) nạn nhân. Có rất nhiều lĩnh vực dễ xảy ra hành vi kỳ thị, từ chủng tộc, màu da, tôn giáo; cho tới căn tính giới, tình trạng hôn nhân, sự khuyết tật hình thể, thiên hướng chính trị…  Để minh họa tình hình về dạng tội phạm này ở Hoa Kỳ, ông Brett A. Parson dùng kết quả từ một cuộc khảo sát với 7.121 nạn nhân của 5.818 hành vi thù ghét cá nhân năm 2015. Trong số này, 59.2% số vụ việc có liên quan tới sự kỳ thị về chủng tộc, sắc tộc, tổ tiên; 19,7% kỳ thị tôn giáo; 19,8% kỳ thị về giới; và 1,2% kỳ thị về khuyết tật. Chính từ những khảo sát này mà lực lượng cảnh sát có thể xác định các nhóm đối tượng cần được bảo vệ.

Tuy nhiên, ông Brett A. Parson nhấn mạnh, việc xác định và truy tố hành vi thù ghét không đơn giản. Bởi sĩ quan cảnh sát phải chứng minh được động cơ gây án của nghi phạm dựa vào các dữ kiện, hoàn cảnh khách quan, hay những khuôn mẫu của hành vi liên quan. Một bộ tiêu chí đã ra đời để xác định hành vi tội phạm, trong đó có những dấu hiệu như: tại nơi mà sự việc xảy ra, nạn nhân là thành viên của một nhóm thiểu số so với một nhóm khác; nạn nhân tham gia vào các hoạt động để cổ vũ nhóm của mình; hoặc những chỉ dấu như các bình luận, phát ngôn xuất phát từ nghi phạm. Để minh họa, ông Brett A. Parson kể lại một sự việc có thật mà ở đó, hai kẻ tình nghi bị cáo buộc đã cướp điện thoại của một nạn nhân là thành viên của cộng đồng LGBT. Theo lời kể của nhân chứng, hai nghi phạm đã có phát ngôn kỳ thị người đồng tình nam, do đó bị coi là có động cơ từ định kiến giới.  

Sau phần thuyết trình, ông Brett A. Parson đã tiếp nhận, trả lời câu hỏi từ cử tọa về nội hàm của một số khái niệm pháp luật; sự thù ghét, định kiến trong lòng hàng ngũ cảnh sát; quá trình phát triển của luật pháp chống thù ghét tại Hoa Kỳ. Qua việc giải đáp các thắc mắc trên, ông Brett A. Parson làm rõ, như bất cứ hệ thống luật nào khác, luật pháp Hoa Kỳ đã, đang được hoàn thiện và không thể trở nên hoàn hảo trong một sớm một chiều. Cũng như vậy, không có con người nào thoát khỏi định kiến hoàn toàn, mà chỉ có thể phát hiện và khắc phục theo thời gian.

PGS. TS Hoàng Anh Tuấn chụp ảnh lưu niệm với ông Brett A. Parson

Tác giả: Trần Minh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây