Toạ đàm “Đa văn hoá” (Multiculturalism) - Thông điệp về tình hữu nghị, hợp tác và sự chia sẻ các giá trị nhân văn

Chủ nhật - 20/11/2011 09:03
Ngày 17/11/2011, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội đã có vinh dự được đón tiếp Ngài David Johnston, Toàn quyền Canada đến thăm và tham dự Toạ đàm “Đa văn hoá” trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước theo lời mời của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.
Toạ đàm “Đa văn hoá” (Multiculturalism) - Thông điệp về tình hữu nghị, hợp tác và sự chia sẻ các giá trị nhân văn
Toạ đàm “Đa văn hoá” (Multiculturalism) - Thông điệp về tình hữu nghị, hợp tác và sự chia sẻ các giá trị nhân văn
Ngày 17/11/2011, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội đã có vinh dự được đón tiếp Ngài David Johnston, Toàn quyền Canada đến thăm và tham dự Toạ đàm “Đa văn hoá” trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước theo lời mời của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Tham dự toạ đàm có GS.TS. Nguyễn Văn Khánh, Hiệu trưởng Nhà trường, Ngài Toàn quyền David Johnston, Bà Deborah Chatsis, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Canada tại Việt Nam, Ngài Perrin Beatty, Chủ tịch và CEO, Phòng Thương mại Canada, Ông Paul Davidson, Chủ tịch, Hiệp hội các trường Đại học và Cao đẳng Canada Ông John R. McDougall, Chủ tịch, Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Canada, GS.TS. Nguyễn Hữu Đức, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội và đông đảo cán bộ của Bộ Ngoại giao, Bộ Giáo dục và Đào tạo và 300 sinh viên đến từ Khoa Quốc tế học, Khoa Đông phương học, Khoa Báo chí, Khoa Du lịch, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Học viện Ngoại giao, Đại học Hà Nội, Đại học Luật và đoàn sinh viên tình nguyện Canada đang hoạt động tại Hoà Bình. Ngoài ra còn có các cán bộ Khoa Quốc tế học, là đơn vị duy nhất ở Việt Nam có chương trình đào tạo Châu Mĩ học mà Canada là một trong những đối tượng được quan tâm. Diễn giả chính của Toạ đàm 4 người trong đó có 03 người đến từ Canada là GS. Lương Văn Hy, Giám đốc chương trình cao học về nghiên cứu Châu Á-Thái Bình Dương, Đại học Toronto, Bà Lí Thành Kim Thuý, nhà văn, Ông Kunal Gupta, Giám đốc điều hành của Tập đoàn Polar Mobile và GS. Vũ Dương Ninh, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Chủ trì toạ đàm là PGS.TS. Phạm Quang Minh, Trưởng Khoa Quóc tế học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Trong lời chào mừng Ngài Toàn quyền David Johnston, GS. TS. Hiệu trưởng Nguyễn Văn Khánh nhấn mạnh: “Sự kết hợp hài hoà giữa các nền văn hoá-văn minh của hơn 200 trăm tộc người đến từ các châu lục khác nhau đã làm cho Canada trở thành một vườn hoa lung linh sắc màu và toả ngát hương thơm. Cuộc toạ đàm về chủ đề “Đa văn hoá” chắc chắn sẽ thực sự thú vị và hấp dẫn bởi vì lịch sử hình thành và phát triển của hai dân tộc tuy rất khác nhau, nhưng cả hai đều chia sẻ một đặc điểm chung là yêu chuộng hoà bình và khoan dung văn hoá.”

Trong Thông cáo báo chí của Đại sứ quán Canada, Ngài Toàn Quyền David Johnston bày tỏ: “Tôi đang mong đến chuyến công du cấp Nhà nước lần đầu tiên đến châu Á trên cương vị là Toàn Quyền Canada. Thật là một niềm vui lớn và lí thú đối với tôi khi dẫn đầu đoàn đại biểu bao gồm các học giả nổi tiếng và doanh nhân thành đạt của Canada sang thăm Malaysia, Việt Nam và Singapore. Các chuyến thăm cấp Nhà nước này là cơ hội để chúng ta chứng kiến tận mắt hoạt động của Canada tại Đông Nam Á. Đây cũng sẽ là dịp để chúng ta đối thoại với các đối tác và nhấn mạnh nhận thức cũng như những mối quan tâm chung giữa chúng ta trên các lĩnh vực thương mại, đầu tư, sáng tạo và giáo dục. Đây cũng sẽ là dịp đặc biệt để gặp gỡ những người Canada giỏi giang đang sống và làm việc tại ba quốc gia này.” Toạ đàm được chia làm ba phần. Trong phần đầu các diễn giả lần lượt chia sẻ những trải nghiệm cá nhân hết sức phong phú và đa dạng của mình về chủ đề đa văn hoá. Nhà văn Kim Thuý sinh ra ở Việt Nam, đến Canada lúc 10 tuổi và đã thành công trong lĩnh vực văn học. Các tác phẩm của bà đã giành được nhiều giải thưởng, trong đó có Giải thưởng của Toàn quyền Canada năm 2010. Bà nhấn mạnh yếu tố con người, tính nhân văn của các cộng đồng cư dân ở Quebec thể hiện trong việc tận tình giúp đỡ, chia sẻ, đùm bọc bà và gia đình trong những ngày đầu đã giúp bà hoà nhập vào cuộc sống mới. Các giá trị văn hoá, các niềm tin đều được tôn trọng và chia sẻ, không có sự phân biệt. Chính sách đa văn hoá của Canada đã tạo điều kiện cho sự bảo tồn các giá trị văn hoá khác nhau, công nhận ngôn ngữ chính thức của Canada là tiếng Anh và Pháp. Giáo sư Lương Văn Hy lại chia sẻ những trải nghiệm của ông ở thành phố Toronto, nơi ông đã thành danh trong lĩnh việc giảng dạy và nghiên cứu về nhân chủng học, nơi mà sự bình đẳng giữa các tộc người và các nền văn hoá được tôn trọng, không có sự kì thị, phân biệt. Chủ nghĩa đa văn hoá Canada, khác với Mĩ, tạo điều kiện cho tất cả các nền văn hoá phát triển. Sự khác biệt cơ bản giữa Mĩ và Canada là sự quan tâm sâu sắc của chính phủ Canada đến các vấn đề an sinh xã hội và sự bình đẳng giữa các nhóm sắc tộc. Với tư cách là một Giám đốc điều hành của Tập đoàn viễn thông nổi tiếng Polar Mobile của Canada, Ông Kunal Gupta nhấn mạnh những trải nghiệm của mình từ góc độ kinh tế và truyền thông. Theo ông Gupta, văn hoá thông tin, truyền thông và ngôn ngữ đóng vai trò quan trọng trong thời kì toàn cầu hoá, đặc biệt là đối với giới trẻ. Tuy nhiên, tình hình này không phải ở đâu cũng giống nhau, vì thế đã xảy ra những “cú sốc văn hoá” đối với ông khi đến Trung Quốc và cả khi trở về Canada. Với hơn 50 năm trong nghề, GS. Vũ Dương Ninh đã chia sẻ những trải nghiệm hết sức thú vị về đa văn hoá ở Madagascar, khi GS thỉnh giảng trong hai năm 1988-1989. Nền văn hoá Madagascar là sự hoà trộn văn hoá giữa các nhóm sắc tộc của lục đia den với nhóm sắc tộc đến từ Đông Nam Á hàng nghìn năm trước, cho nên nhiều người dân ở đây đã tưởng nhầm GS là người Madagascar. Những trải nghiệm của GS về những các dân tộc anh em trên lãnh thổ Việt Nam cũng cho thấy sự hoà hợp, chia sẻ giữa những người của các nền văn hoá khác nhau để làm nên một bản sắc văn hoá Việt Nam chung. Trong phần thứ hai của Toạ đàm, cả bốn diễn giả đã tập trung thảo luận về 2 chủ đề là vai trò của đa văn hoá đối với sự phát triển và tác động của toàn cầu hoá đối với vấn đề bảo tồn các giá trị văn hoá. Tất cả các diễn giả đều nhấn mạnh vai trò vô cùng quan trọng của chính phủ Canada trong việc đưa ra và thực hiện các Đạo luật về ngôn ngữ (năm 1961 và 1988) và Đạo luật về Đa văn hoá (1988), tạo điều kiện cho sự phát triển văn hoá, ngôn ngữ của cả những người bản địa cũng như các nhóm sắc tộc nhập cư vào đất nước Canada. Trung bình, hàng năm có từ 150.000-200.000 người nhập cư vào Canada từ các châu lục khác nhau. Điều đặc biệt là họ một mặt có cơ hội hội nhập rất sâu rộng vào xã hội Canada, nhưng mặt khác lại vẫn bảo tồn những giá trị văn hoá của họ. Vì vậy, các giá trị văn hoá của đất nước Canada luôn luôn được bảo tồn, củng cố và phát huy, tạo thành “bức khảm văn hoá” (cultural mosaic) lung linh đa sắc màu, chứ không phải là một tập hợp dưới dạng “nồi hầm nhừ” (melting pot) như trường hợp của Mĩ. Điều quan trọng nhất ở Canada đó là sự chia sẻ, chấp nhận và tôn trọng khác biệt, là kết quả của quá trình “giao tiếp liên văn hoá” (intercultural communication). Các diễn giả cũng nhấn mạnh, toàn cầu hoá là xu thế tất yếy, không thể đảo ngược, có mặt ưu điểm nhưng cũng có những nhược điểm, nên các quốc gia phải có chính sách phù hợp với điều kiện của đất nước mình. Trong phần cuối của buổi toạ đàm các diễn giả đã nhận được hàng chục câu hỏi của sinh viên về các vấn đề như làm thế nào để giải quyết mâu thuẫn giữa đa văn hoá và sự thống nhất của đất nước, ảnh hưởng của văn hoá Mĩ đối với văn hoá Canada, làm thế nào để điều hành một tập thể có những người đến từ các nền văn hoá khác nhau, phải có chính sách gì để hạn chế những mặt tiêu cực của toàn cầu hoá.

Sau Toạ đàm là phần trình diễn các tiết mục văn nghệ của 20 sinh viên tình nguyện đến từ Canada và Việt Nam đã đem lại cho khán phòng một không khí hết sức trẻ trung, sôi nổi và hấp dẫn về đa văn hoá, giao tiếp liên văn hoá, làm phong phú thêm những nội dung mà các diễn giả vừa trình bày và là biểu hiện sinh động nhất của tình hữu nghị Việt Nam-Canada. Nhân dịp này, Ngài Toàn quyền David Johnston cũng trao huy chương cho Bà Nguyễn Thị Hồi, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Canada và PGS.TS. Phạm Quang Minh, Trưởng Khoa Quốc tế học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và nhân văn vì những đóng góp cho tình hữu nghị, hợp tác giữa hai nước và những cố gắng thúc đẩy nghiên cứu và giảng dạy về Canada ở Việt Nam.

Tác giả: admin

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây