Ngày 25/10/2012, Khoa Khoa học Quản lí - Trường ĐHKHXH&NV đã tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Nghiên cứu, đào tạo và phát triển ngành Khoa học quản lí ở Việt Nam trong quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế”.
Dự hội thảo có các đại biểu đến từ các trường đại học, các viện nghiên cứu, các cơ quan quản lí đã và đang tham gia đào tạo ngành Khoa học quản lí.
Phát biểu khai mạc hội thảo PGS.TS Phạm Quang Minh – Phó Hiệu trưởng Nhà trường - nhấn mạnh: Năm nay Khoa Khoa học quản lí tổ chức kỉ niệm 10 năm thành lập Khoa, hội thảo này là dịp nhìn lại một thập kỉ trưởng thành và phát triển của Khoa trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên của Khoa. Đồng thời hội thảo hướng tới việc làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa nghiên cứu lí luận và đào tạo với thực tiễn quản lí ở nước ta và trên thế giới, hướng tới việc hoàn thiện các chương trình đào tạo của Khoa Khoa học quản lí nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực xã hội ngày càng cao, phát triển các hướng nghiên cứu của các Bộ môn trong khoa.
Trong báo cáo đề dẫn trình bày tại hội thảo, TS Trần Văn Hải – Chủ nhiệm Khoa Khoa học Quản lí - nêu rõ: Mục tiêu của hội thảo là phân tích các điểm đạt và chưa đạt của quá trình nghiên cứu khoa học và đào tạo về khoa học quản lí, đề ra định hướng cốt lỗi để phát triển đào tạo và nghiên cứu đối với khoa học quản lí trong điều kiện hội nhập quốc tế ở Việt Nam.
Thảo luận về chương trình đào tạo cử nhân của Khoa Khoa học Quản lí, PGS.TS Phạm Xuân Hằng (Nguyên Hiệu trưởng, nguyên Chủ nhiệm Khoa Khoa học quản lí) trong tham luận “Chương trình đào tạo cử nhân của Khoa Khoa học Quản lí: những bước tiến và thời cơ, thách thức mới” cho biết: Chương trình đào tạo cử nhân của khoa đến nay đã nhiều lần được đổi mới, cụ thể đã trải qua ba đợt điều chỉnh lớn. Đợt đầu là xây dựng từng bước chương trình đào tạo cử nhân khoa học Quản lí xã hội. Đợt hai trên nền tảng khung chương trình đào tạo này, chương trình đào tạo cử nhân khoa học quản lí được biên soạn, hình thành rõ nét các hướng chuyên sâu đó là: lí luận và phương pháp quản lí; quản lí hành chính; quản lí nguồn nhân lực; quản lí các vấn đề xã hội; sở hữu trí tuệ; quản lí khoa học và công nghệ. Gần đây chương trình được điều chỉnh lần thứ ba thực hiện theo hướng chuẩn đầu ra, việc điều chương trình đào tạo lần này tập trung vào ba giá trị cốt lõi của chuẩn đầu ra đó là: thái độ, kiến thức và kĩ năng chuyên sâu của sản phẩm đầu ra phải đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
Thảo luận về vấn đề đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học phát triển khoa học quản lí ở nước ta trong thời kì đổi mới và hội nhập quốc tế GS.TS Dương Xuân Ngọc – Nguyên Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền - cho rằng, để hoạt động nghiên cứu khoa học tiếp tục khẳng định và phát triển hơn nữa Khoa Khoa học quản lí ở các cơ sở đào tạo cần thực hiện một số giải pháp chủ yếu như: xây dựng đội ngũ khoa học chuyên nghiệp, chuyên sâu; cần có chính sách tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí dịch vụ công cho hoạt động nghiên cứu khoa học; xây dựng và thực thi cơ chế, giải pháp, phối kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo, viện nghiên cứu và doanh nghiệp để sử dụng, phổ biến các kết quả nghiên cứu và để hiện thực hoá những ý tưởng sáng tạo trong nghiên cứu khoa học.
Một số những tham luận, thảo luận khác tại hội thảo thì lại đề cập đến những vấn đề cụ thể trong nghiên cứu, đào tạo và phát triển ngành Khoa học quản lí Trường ĐHKHXH&NV nói riêng và ngành Khoa học quản lí ở Việt Nam nói chung. Có thể kể tên các tham luận như: Chính sách, nhu cầu xã hội và thực trạng đào tạo sở hữu trí tuệ trong các trường đại học Việt Nam – TS. Vũ Hải Yến (Giám đốc Trung tâm Luật Sở hữu trí tuệ, Đại học Luật Hà Nội); Đào tạo hệ vừa làm, vừa học – một trong những định hướng phát triển chuyên ngành khoa học quản lí – TS. Nguyễn Văn Thành (Bộ Lao động và Thương binh xã hội); Những cơ hội và thách thức của sinh viên chuyên ngành nhân lực khoa học quản lí - ThS Nguyễn Kim Chi (Khoa Khoa học Quản lí)…