Tạo sân chơi, môi trường năng động cho sinh viên
Chia sẻ tại chương trình, GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ, nhắc tới trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, nhiều người sẽ nghĩ đây là nơi có tính hàn lâm, kinh điển rất cao.
GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu tại chương trình Ngày hội việc làm - Kết nối nhà tuyển dụng năm 2024
Theo GS.TS Hoàng Anh Tuấn, năm 2025 tới đây, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn sẽ kỷ niệm 80 năm truyền thống, tính từ ngày 10/10/1945, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập Ban Đại học Văn khoa - một trong năm ban thuộc Đại học Quốc gia Việt Nam, tiền thân của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Tới năm 1995, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn chính thức được thành lập, trở thành đơn vị độc lập nằm trong Đại học Quốc gia Hà Nội.
“Hành trình 80 năm truyền thống đã hun đúc lên tính hàn lâm học thuật rất cao, trở thành thương hiệu của nhà trường. Tuy nhiên, nếu chỉ nói như vậy thì thực sự chưa đủ. Bởi trong hành trình mấy chục năm vừa qua, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn vẫn đảm bảo yếu tố hàn lâm học thuật, nhưng không bao giờ coi nhẹ và xa rời yếu tố hội nhập để sinh viên, học viên ở các hệ đào tạo khi ra trường không chỉ có kiến thức chuyên sâu, mà còn có kiến thức liên ngành, phương pháp liên ngành và đặc biệt là có các hệ kỹ năng rất đa dạng”, GS.TS Hoàng Anh Tuấn cho hay.
Ông khẳng định, hàn lâm kinh điển vẫn là thương hiệu bất biến của nhà trường. Chất khoa học cơ bản, định hướng nghiên cứu là không thay đổi và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn sẽ tiếp tục đầu tư cho định hướng này.
Tuy nhiên, xã hội đang thay đổi theo hướng rất năng động; thị trường việc làm đòi hỏi nhiều yếu tố. Do đó, việc tạo ra những sân chơi, môi trường công việc năng động hơn, gắn kết hơn, gần gũi hơn với xu hướng việc làm của sinh viên là một trong những yêu cầu mà các trường đại học - trong đó có Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đều nhận thức, đều phải dấn thân và triển khai.
Đại biểu tham dự chương trình
“Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn có một câu slogan là “trân trọng quá khứ”. Chúng tôi vẫn nghĩ đến những yếu tố kinh điển, hàn lâm, học thuật chuyên sâu, nhưng phải “nắm giữ tương lai”. Đó là xu hướng sinh viên nhà trường phải tiếp nhận và phải chuẩn bị hành trang. Trách nhiệm của nhà trường là làm sao tạo ra môi trường, không gian tốt nhất để sinh viên làm được điều này”, GS.TS Hoàng Anh Tuấn nói.
Theo ông, khi Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn lần đầu tổ chức Ngày hội việc làm vào năm 2023, đã có hơn 1.000 vị trí việc làm được tuyển dụng ngay tại chỗ. Rất nhiều sinh viên tốt nghiệp vào mùa hè năm 2023 đã tìm đến được các đối tác của nhà trường, trở thành cán bộ, nhân viên chính thức. Điều này khẳng định sự gắn kết giữa nhà trường với các đối tác rất hiệu quả.
Điều chỉnh chương trình đào tạo phù hợp với thực tiễn
GS.TS Hoàng Anh Tuấn cũng cho biết, một trong những chính sách rất tuyệt vời của Đại học Quốc gia Hà Nội là giao quyền tự chủ trong việc điều chỉnh, điều hướng các chương trình đào tạo cho các đơn vị trực tiếp đào tạo.
Nắm bắt quan điểm này, hằng năm, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đều tận dụng tối đa khoảng không gian 20% trong chương trình đào tạo để điều chỉnh những môn học không còn phù hợp cả về chuyên môn cũng như định hướng, để “quyết liệt” đưa ra khỏi chương trình đào tạo.
“Như vậy có nghĩa là thầy cô, những người làm công tác giảng dạy phải dấn thân mạnh mẽ hơn và sinh viên cũng có tiếng nói rất cao trong những kỳ kiểm định chất lượng, đánh giá chương trình. Chúng tôi đều lắng nghe, cả từ góc độ sinh viên, góc độ nhà tuyển dụng, góc độ đối tác để điều chỉnh.
Chương trình phải làm sao đảm bảo được tiêu chí về mặt chất lượng chuyên môn mà Bộ GD-ĐT đã đề ra, Đại học Quốc gia Hà Nội đã quy định và nhà trường mong muốn; nhưng đồng thời cũng phải hướng đến một cách thực tế là nghề nghiệp của học trò”, GS.TS Hoàng Anh Tuấn khẳng định.
Ngày hội việc làm năm 2024 của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn có sự tham gia của gần 60 nhà tuyển dụng, đem tới gần 1.300 cơ hội việc làm ở nhiều lĩnh vực
Ông nhấn mạnh, chương trình đào tạo của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn hiện vẫn có những định hướng rất chuyên sâu, hàn lâm để sinh viên định hướng về nghiên cứu, nhưng cũng có các nội dung căn bản, xây dựng tố chất để sinh viên có thể khởi nghiệp, lập nghiệp được nếu các em có nhu cầu.
Việc điều chỉnh chương trình đào tạo là một trong những yếu tố quyết định và sống còn mà nhà trường đặc biệt quan tâm và mạnh mẽ điều chỉnh qua từng năm.
Khởi nghiệp cho sinh viên ngành khoa học xã hội nhân văn
Tại Ngày hội việc làm - Kết nối nhà tuyển dụng năm 2024 của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ông Phạm Thanh Hưng (Shark Hưng), thành viên Hội đồng quản trị nhiều công ty, tập đoàn lớn như: Cen Group, HT Square (Hacoocha), Ibiero, Hồng Thái, Haval Thành An,... đã có phần chia sẻ về chủ đề khởi nghiệp cho sinh viên ngành Khoa học Xã hội Nhân văn.
Ông Phạm Thanh Hưng (thứ tư từ phải qua) cùng lãnh đạo, giảng viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tại Ngày hội việc làm 2024
Ông Phạm Thanh Hưng cho rằng, bất cứ ngành nghề nào, miễn xã hội cần, chúng ta hoàn toàn có thể khởi nghiệp. "Xã hội" ở đây có thể là mỗi cá nhân, cộng đồng, thậm chí là ở tầm Chính phủ, quốc gia.
“Vì vậy, các bạn đừng nghĩ rằng ngành học của chúng ta hàn lâm hay lý thuyết mà không thể khởi nghiệp được. Rất nhiều doanh nhân trên thế giới cũng khởi nghiệp trong lĩnh vực chúng ta học. Ví dụ ở ngành báo chí, những “ông trùm” truyền thông, báo chí đều là những doanh nhân cực kỳ thành đạt”, ông Phạm Thanh Hưng nói.
Doanh nhân này đồng thời nhấn mạnh, những dịch vụ liên quan đến báo chí, phát thanh truyền hình là những dịch vụ xã hội rất cần, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp, các cơ quan Nhà nước và cả cộng đồng. Ông nhìn nhận, ngành nào càng ít người học, càng đặc thù thì càng ít cạnh tranh, có nghĩa những người theo đuổi ngành đó càng có lợi thế.
“Đừng lo ngại khó khởi nghiệp, vì nếu chúng ta khởi nghiệp trong lĩnh vực đặc thù như vậy, rõ ràng chúng ta rất có cơ hội”, ông Phạm Thanh Hưng cho hay.
Cũng tại chương trình, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã tổ chức talkshow "Chuyển đổi việc làm - Cơ hội, thách thức cho người lao động và doanh nghiệp", với sự tham gia của 5 diễn giả là các nhà tuyển dụng ở nhiều lĩnh vực.
Các diễn giả tham dự talkshow gồm: nhà báo Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng ban Sinh Viên, báo Tiền Phong; bà Hồng Nguyễn, CEO công ty Pinky House Việt Nam, chuyên gia đào tạo về tài chính và đầu tư bất động sản cho thuê; ông Nguyễn Văn Đạt, Giám đốc Phát triển mạng lưới kiêm Giám đốc đối ngoại Công ty thời trang YODY; bà Thương Vũ, Giám đốc Sconnect Academy of Media Arts, Founder và Giảng viên Học viện đào tạo lãnh đạo Link Power Việt Nam và ca sĩ/diễn viên/MC Duy Khoa, Giám đốc công ty AN Media.
PGS.TS Đặng Thị Thu Hương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đại diện ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn với các doanh nghiệp