Chương trình giao lưu và biểu diễn nằm trong khuôn khổ hoạt động Giới thiệu nghệ thuật Tuồng với khán giả trẻ do Công đoàn Trường ĐH KHXH&NV phối hợp với Nhà hát Tuồng Việt Nam thực hiện.
Hơn 500 sinh viên và các thầy cô, cán bộ của Trường ĐH KHXH&NV đã ngồi chật kín hội trường tầng 8 nhà E - nơi diễn ra hoạt động giao lưu, diễn suất các trích đoạn tuồng nổi tiếng của các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Việt Nam. Không gian chân thực và sôi nổi như tại chính sân khấu biểu diễn của một nhà hát, với sự góp mặt của các nghệ sĩ biểu diễn, dàn trống và các nhạc cụ khác.
“Tuồng”, “hát bộ” hay “hát bội” là những cách gọi khác nhau chỉ một loại hình loại hình nghệ thuật sân khấu cổ truyền độc đáo của Việt Nam. Là một loại hình nghệ thuật cổ điển lâu đời, tồn tại dọc chiều dài lịch sử Việt Nam, Tuồng in đậm dấu ấn những giá trị văn hóa, văn minh độc đáo được truyền từ đời này sang đời khác. Đây là một đặc trưng đáng tự hào mà không phải quốc gia nào cũng có được. Với ngôn ngữ văn chương bác học kết hợp nhuần nhuyễn văn chữ Hán với văn nôm, Tuồng là nghệ thuật tổng hợp có cả văn học, hội họa, âm nhạc, trò diễn… thể hiện giá trị và bản sắc truyền thống của dân tộc.
Ngược dòng thời gian, nghệ thuật Tuồng có những điểm gần gũi với các ngành học khoa học xã hội và nhân văn, nhất là ngành Hán Nôm, Văn học, Ngôn ngữ, Việt Nam học… là những thế mạnh trong đào tạo của VNU-USSH. Từ nhiều năm qua, Nhà hát Tuồng Việt Nam và Đại học Tổng hợp, sau đó là Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN đã có nhiều hợp tác trong hoạt động đào tạo và giao lưu, trao đổi. Tại buổi giao lưu, GS.TS Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN chia sẻ niềm vui và tự hào khi có nhiều nghệ sĩ, cán bộ của Nhà hát Tuồng Việt Nam là cựu sinh viên của nhà trường. Thời gian tới, Nhà hát Tuồng Việt Nam mong muốn tiếp tục có thêm nhiều sinh viên VNU-USSH với niềm yêu mến và đam mê văn hoá nghệ thuật dân tộc, với nền tảng tri thức được trang bị tại nhà trường, sẽ có nhiều đóng góp trong sự phát triển của các loại hình nghệ thuật dân tộc, trong đó có nghệ thuật Tuồng.
GS.TS Hoàng Anh Tuấn – Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN (ngoài cùng bên phải) và TS. Ngô Thị Kiều Oanh - Chủ tịch Công đoàn trường (ngoài cùng bên trái) trao tặng những món quà trân quý tới lãnh đạo và nghệ sĩ của Nhà hát Tuồng Việt Nam
Hơn 500 sinh viên và các thầy cô, cán bộ của Trường ĐH KHXH&NV đã ngồi chật kín hội trường tầng 8 nhà E - nơi diễn ra hoạt động giao lưu, diễn suất các trích đoạn tuồng nổi tiếng của các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Việt Nam
Với xu hướng đào tạo liên ngành, đưa hơi thở cuộc sống vào các chương trình học tại nhà trường, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN đã mang tới cho sinh viên nhiều cơ hội trải nghiệm thực tế tại các tổ chức, doanh nghiệp, các hoạt động văn hoá nghệ thuật…
Nhà trường cũng dự kiến mở ngành
Điện ảnh và Nghệ thuật Đại chúng trong năm 2024. Chương trình đào tạo này được xây dựng nhằm đào tạo cử nhân làm công tác nghiên cứu/thực hành điện ảnh, nghệ thuật đại chúng, công nghiệp văn hóa và những lĩnh vực có liên quan. Người học sẽ được trang bị hệ thống kiến thức và kĩ năng chuyên môn, kĩ năng bổ trợ nghề nghiệp liên quan đến điện ảnh và nghệ thuật. Nhiều chuyên gia văn hoá và giáo dục đánh giá, chương trình đào tạo Điện ảnh và Nghệ thuật Đại chúng có nhiều triển vọng thu hút sinh viên lựa chọn và đam mê, giúp sinh viên rộng mở thêm nhiều cơ hội nghề nghiệp như đạo diễn, biên kịch…
Nghệ sĩ Tạ Văn Sốp - Phó Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam giao lưu, giải đáp những thông tin về nghệ thuật tuồng với sinh viên Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN
Trích đoạn trong vở tuồng “Ông già cõng vợ đi xem chèo” - vở diễn đã nhận được nhiều sự tán thưởng của người xem tại sân khấu của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN.
Khán phòng của hội trường tầng 8 Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN thật sôi động với những âm thanh tán thưởng nhiệt thành của các thầy cô và các em sinh viên. Khán giả thích thú trước sự biến tấu linh hoạt của các vai diễn, sự hoà quyện tài tình của lời hát và âm nhạc. Âm hưởng hùng tráng với những tấm gương tận trung báo quốc, xả thân vì đại nghĩa, những bài học về lẽ ứng xử của con người giữa cái chung và cái riêng, giữa gia đình và Tổ quốc… đã mang tới cho khán giả VNU-USSH nhiều cảm xúc, đặc biệt là các bạn sinh viên nước ngoài đang học tập tại Trường ĐH KHXH&NV.
Trích đoạn trong vở tuồng “Ôn Đình chém tá” với sự diễn suất tài tình của các nghệ sĩ đã mang đến một không khí hào hứng cho khán giả VNU-USSH
Với Ivan - sinh viên Khoa Việt Nam học và tiếng Việt, được trực tiếp xem biểu diễn nghệ thuật Tuồng là một trải nghiệm đặc biệt. “Nghệ thuật dân tộc của Việt Nam thực sự thu hút và mang đến cho em nhiều sự ngạc nhiên. Em đã yêu mến tiếng Việt và văn hoá Việt Nam từ bao giờ không hay!” - cậu sinh viên năm thứ nhất hồ hởi chia sẻ. Ivan cho biết, trong thời gian học tập tại VNU-USSH, em và các bạn sinh viên đã được tham gia nhiều hoạt động thực tế thú vị tại nhiều địa phương khác nhau, được tìm hiểu văn hoá, nghệ thuật của nhiều vùng miền. Đó là những giá trị và những kỷ niệm khó quên về mảnh đất hình chữ S đối với sinh viên quốc tế.
Ivan - sinh viên Khoa Việt Nam học và tiếng Việt đặc biệt thích thú với sân khấu biểu diễn nghệ thuật Tuồng tại VNU-USSH
Tại buổi giao lưu, các bạn sinh viên Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN đã được các nghệ sĩ chia sẻ về nét đặc trưng cũng như những giá trị của nghệ thuật Tuồng. Các nghệ sĩ của Nhà hát Tuồng Việt Nam vô cùng ngạc nhiên trước tình cảm yêu mến và vốn hiểu biết của các khán giả trẻ VNU-USSH về loại hình nghệ thuật đặc sắc này và mong muốn trong thời gian không xa, thêm nhiều hơn nữa các thế hệ sinh viên Trường ĐH KHXH&NV sẽ tiếp tục có đóng góp cho sự phát triển của văn hoá nghệ thuật dân tộc.
Các thầy cô và sinh viên Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN thích thú trước nghệ thuật biểu diễn tài tình của các nghệ sĩ Tuồng
Tin bài liên quan:
Đại học Quốc gia Hà Nội: Đưa nghệ thuật tuồng đến với giảng đường Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN
CTĐT Điện ảnh và nghệ thuật đại chúng: Nhiều triển vọng thu hút sinh viên lựa chọn và đam mê
Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội dự kiến mở ngành Điện ảnh