Tin tức

Sinh viên ngành Ngôn ngữ học: vị trí việc làm đa dạng và cơ hội thăng tiến rộng mở

Thứ tư - 13/03/2024 23:20
(giaoduc.net.vn) Bạn đã nghe nói về ngành Ngôn ngữ học và dự định sẽ đăng kí theo học ở bậc đại học để phát huy thế mạnh về ngôn ngữ của mình. Nhưng bạn điều bạn băn khoăn nhất: sinh viên ngôn ngữ học thì sẽ được học những khối kiến thức gì? Cơ hội việc làm ra sao? Hãy cũng lắng nghe những chia sẻ từ phía các chuyên gia, giảng viên và các bạn sinh viên để hiểu thêm về ngành học này nhé.

Ngành Ngôn ngữ học trong những năm gần đây ngày càng phát triển theo hướng tăng cường những nội dung mang ứng dụng cao nên đã thu hút sự quan tâm của đông đảo các bạn sinh viên.

Sinh viên tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ học có thể hòa nhập nhanh vào thị trường lao động trong và ngoài nước ở nhiều lĩnh vực khác nhau như: làm biên tập viên tại ở các cơ quan thông tấn báo chí, nhà xuất bản, biên kịch tại hãng sản xuất phim, truyền thống, sản xuất content; nghiên cứu về ngôn ngữ học ở các viện nghiên cứu ngôn ngữ; giảng dạy ngôn ngữ học, tiếng Việt, văn hóa Việt Nam từ bậc phổ thông đến bậc đại học ở các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước…

Chương trình ngành ngôn ngữ học sẽ học những gì?

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Cẩm Lan, Trưởng khoa Ngôn ngữ học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, Khoa Ngôn ngữ học là một trong những khoa lâu năm nhất của trường. Những năm gần đây, chương trình đào tạo của Khoa được điều chỉnh theo hướng ứng dụng và liên ngành để đáp ứng nhu cầu thực tiễn xã hội, nhờ đó, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm phù hợp với chuyên môn một năm sau khi tốt nghiệp luôn đạt trên 80%.

Theo quy chế đào tạo hàng năm, các chương trình đào tạo được phép thay đổi, điều chỉnh từ 10-15%. Vì thế, nhà trường đã đưa vào chương trình nhiều môn học có tính ứng dụng như: Việt ngữ học với việc dạy tiếng Việt trong nhà trường, phương pháp dạy tiếng Việt cho người nước ngoài để trang bị cho sinh viên kỹ năng giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài; Việt ngữ học với công tác biên tập xuất bản, Ngôn ngữ học và truyền thông; Ngôn ngữ báo chí, Ngôn ngữ xuất bản…

3 20191118153942121

Phó giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Cẩm Lan, Trưởng khoa Ngôn ngữ học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc Gia Hà Nội. Ảnh: NTCC

“Phạm vi ứng dụng hiện nay của Ngôn ngữ học đang được mở rộng ra những lĩnh vực hết sức mới mẻ. Khoa Ngôn ngữ học đang hoàn thiện các thủ tục để mở hai hướng chuyên ngành Ngôn ngữ học trị liệu và Ngôn ngữ học máy tính, đáp ứng nhu cầu cấp thiết của xã hội hiện nay, thêm cơ hội việc làm thú vị cho các cử nhân ngành Ngôn ngữ học”, Phó giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Cẩm Lan thông tin thêm.

Ngành Ngôn ngữ học hiện nay cũng được đào tạo ở một số trường ĐH khác. Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Lan Anh - Trưởng Khoa Tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam, Trường Ngoại ngữ Du lịch (thuộc Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội) cho biết, sinh viên ngành Ngôn ngữ học của trường sẽ học những kiến thức giáo dục đại cương về lý luận chính trị, khoa học xã hội và nhân văn, ngoại ngữ, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng – an ninh và học những kiến thức cơ sở khối ngành, cơ sở ngành và chuyên ngành Ngôn ngữ học.
"Đặc biệt, các khoa học mũi nhọn hiện nay như trí tuệ nhân tạo, xử lí ngôn ngữ tự nhiên rất cần đến vai trò của Ngôn ngữ học và sự phối hợp giữa Ngôn ngữ học và Công nghệ thông tin. Hiện nay, một số trường đại học ở Việt Nam cũng đi theo hướng đào tạo này" - Tiến sĩ Lan Anh cũng cho biết xu hướng tất yếu mở thêm ngành học liên quan ngôn ngữ máy tính.

Vị trí việc làm đa dạng cùng cơ hội thăng tiến cao

Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Lan Anh, sinh viên tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ học có nhiều cơ hội thăng tiến trong công việc ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Mức lương khởi điểm của cử nhân ngành Ngôn ngữ học là từ 10 triệu đồng hoặc có thể cao hơn khi làm việc tại các cơ quan/doanh nghiệp ứng dụng ngôn ngữ học.

Sinh viên ngành học này có thể tích lũy thêm kinh nghiệm trong quá trình làm việc để trở thành Tổng biên tập các nhà xuất bản, làm Trưởng phòng biên tập nội dung tại các cơ quan báo chí, đài truyền hình; làm chuyên gia, trưởng nhóm nghiên cứu, giám đốc trung tâm xử lí ngôn ngữ tự nhiên, trị liệu ngôn ngữ…; học lên thạc sĩ, tiến sĩ Ngôn ngữ học để trở thành chuyên gia/giảng viên chính, giảng viên cao cấp trong các viện nghiên cứu hoặc cơ sở đào tạo về Ngôn ngữ học.

Cùng bàn về vấn đề này, theo PGS.TS Trịnh Cẩm Lan, cử nhân ngành Ngôn ngữ học tại VNU-USSH sau khi tốt nghiệp có thể đáp ứng các vị trí việc làm đa dạng trong nhiều lĩnh vực như: Nghiên cứu về ngôn ngữ học, Việt ngữ học ở các viện nghiên cứu; Giảng dạy ngôn ngữ học, Việt ngữ học, ngữ văn, tiếng Việt và văn hóa Việt Nam từ bậc phổ thông đến bậc đại học; phóng viên, biên tập viên, sản xuất nội dung tại cơ quan báo chí, xuất bản hoặc làm công tác trị liệu ngôn ngữ.
 

Ảnh 5

Nhiều cựu sinh viên của Khoa Ngôn ngữ học VNU-USSH  hiện đang công tác tại các cơ quan thông tấn báo chí trong cả nước

Trong thời gian gần đây, việc kết hợp Ngôn ngữ học với các ngành khác như Báo chí, Tâm lý học, Nhân học, Khoa học máy tính đã mở ra rất nhiều triển vọng. Trong đó, không thể nhắc tới Ngôn ngữ học trị liệu.

Thực tế, các khoa Phục hồi chức năng của Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai đang thiếu trầm trọng những người làm công tác này. Vậy nên, nhiều cựu sinh viên của Khoa sau khi học thêm các khóa đào tạo về trị liệu đã trở thành những chuyên gia trong lĩnh vực trị liệu ngôn ngữ.

Chia sẻ về những hoạt động hỗ trợ liên quan đến thực tập, thực tế của sinh viên trong chương trình đào tạo, PGS Trịnh Cẩm Lan cho biết, mỗi khoá sinh viên có hai đợt thực tập.

Hiện tại, Khoa Ngôn ngữ học có quan hệ đối tác với nhiều trường đại học ở các nước như Pháp, Mỹ, Australia, Nhật Bản…. Vì vậy, trong đợt thực tập thứ nhất, sinh viên có cơ hội được đi các nước này, đợt thực tập thứ hai sinh viên được thực tập tại các cơ sở như các tòa soạn báo, nhà xuất bản…
Bên cạnh đó, nhà trường có Trung tâm thực hành ứng dụng Ngôn ngữ học và Việt ngữ học luôn tạo điều kiện trong các hoạt động trải nghiệm nghiên cứu, giảng dạy.

Bạn Trình Phương Uyên - sinh viên K66 Khoa Ngôn ngữ học, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN - cho biết, lý do quyết định chọn theo học ngành Ngôn ngữ học tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn bởi em cảm thấy có niềm yêu thích đặc biệt với ngôn ngữ và tò mò về quá trình hình thành phát triển, cách thức tiếp cận với các ngôn ngữ từ Tiếng Việt cho đến các ngoại ngữ khác trên thế giới nên đã lựa chọn Khoa Ngôn ngữ học của Trường.

Tuy nhiên, theo Uyên, một vấn đề nhiều bạn tân sinh viên sẽ dễ gặp phải đó là việc các bạn hiểu nhầm “học Ngôn ngữ học là học nhiều ngoại ngữ một lúc”, cho nên thời gian đầu sẽ dễ bị hụt hẫng, đôi khi là chông chênh.

Ngoài ra việc tiếp cận với ngành Ngôn ngữ học, đặc biệt là khi học sâu vào chuyên ngành sẽ gây khó khăn nếu bản thân người học có năng lực chưa tốt về các ngoại ngữ liên quan như tiếng Trung, tiếng Anh…

"Môi trường học tập của trường rất đa dạng, sau 3 năm học tập và sinh hoạt tại trường, bản thân em cũng tham gia, đạt thành tích trong một số hoạt động như: Đạt học bổng cấp trường 2 kỳ: học kỳ I năm 2021-2022, học kỳ 2 năm 2022-2023; Liên chi Hội trưởng Khoa Ngôn ngữ học; Phó bí thư Liên chi Đoàn Khoa Ngôn ngữ học; Chi hội trưởng lớp K66; Trưởng Ban truyền thông Khoa Ngôn ngữ học…”. Uyên thông tin thêm.
 

Ảnh 6

Sinh viên tại khoa Ngôn ngữ học của VNU-USSH có thể tham gia rất nhiều hoạt động ngoại khoá và có nhiều cơ hội  học tập trao đổi tại nước ngoài 

Để đạt được những thành tích tốt trong học tập cũng như trong các hoạt động ngoại khoá, Uyên cho biết, khi tiếp cận sâu ngành Ngôn ngữ học cảm thấy rất thú vị, cho mình thêm những tri thức chuyên sâu về Tiếng Việt như là về lịch sử hình thành ngôn ngữ, các phương ngữ, ngôn ngữ dân tộc thiểu số, ứng dụng của ngành trong thực tiễn…. những điều mà gần như nếu không phải sinh viên của Khoa thì mình sẽ không được tiếp cận và biết đến.

Về kinh nghiệm trong quá trình học tập tại trường, các bạn nên học cách sắp xếp và quản lý thời gian thật hợp lý để có thể vừa học, vừa tham gia các hoạt động cộng đồng và vừa có thể đi làm để kiếm thêm thu nhập và lĩnh hội các kinh nghiệm xã hội.

Đối với kinh nghiệm học tập, các bạn nên chăm chỉ đọc sách, giáo trình, tài liệu môn học, chú ý nghe giảng trên lớp và có cách ghi chép lại một cách khoa học những gì mình đã tiếp thu. Đối với nội dung mà mình chưa nắm chắc hoặc còn phân vân đừng ngại mà hãy mạnh dạn đặt câu hỏi cho giảng viên hoặc các anh chị khoá trên để mình có thể tiếp thu tốt hơn.

Về định hướng ngành nghề sau khi tốt nghiệp, Uyên chia sẻ, cơ hội việc làm với các bạn sinh viên khoa Ngôn ngữ học của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn là rất rộng mở. Bản thân mình, khi tốt nghiệp sẽ dự định làm việc ở lĩnh vực truyền thông - một định hướng liên ngành của Khoa.

Tác giả: Thu Trang (giaoduc.net.vn)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây