Nhiều nhà khoa học uy tín trao đổi về Kim Cương Thừa trong văn hóa Phật giáo Việt Nam hiện nay

Thứ tư - 27/03/2024 00:30
Mật tông đã có lịch sử hàng nghìn năm ở Việt Nam, để lại dấu ấn sâu đậm trong văn hoá Phật giáo; Kim Cương Thừa mới du nhập vào Việt Nam trong khoảng 30 năm gần đây và đang tác động nhiều chiều đến đời sống xã hội và sinh hoạt Phật giáo ở Việt Nam, cần có thái độ khách quan, khoa học, “gạn đục, khơi trong”.
Toạ đàm đã gợi mở một số tư vấn chính sách, nhưng cần tiếp tục có những nghiên cứu bài bản, chuyên sâu hơn về Kim Cương thừa và Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo đương đại cần tiếp tục là một đơn vị tiên phong.
Đó là nhận định của các nhà khoa học trong Tọa đàm khoa học với chủ đề “Kim Cương Thừa trong văn hóa Phật giáo Việt Nam hiện nay”. Tọa đàm do Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo đương đại, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN chủ trì tổ chức sáng ngày 26/03/2024.
Vấn đề khoa học thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học uy tín
Tham dự tọa đàm, về phía Giáo hội Phật giáo Việt Nam có TT.TS. Thích Đức Thiện - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký, Trưởng ban Phật giáo Quốc tế Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam; GS. Lê Mạnh Thát - Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp. HCM; TT.TS. Thích Nguyên Đạt - Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế; Cư sĩ Lương Gia Tĩnh - Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội; TT. Thích Vạn Trí - Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại TP Đà Lạt.
Về phía các cơ quan quản lý và nghiên cứu trong nước có sự tham dự của Bà Trần Thị Minh Nga - Phó Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ; PGS.TS. Nguyễn Thị Minh Ngọc - Phó Viện trưởng Viện XHH, Viện Hàn lâm KHXHVN; TS. Lê Tâm Đắc – Phó Viện trưởng Viện tôn giáo, tín ngưỡng, Học viện CTQG HCM; TS. Phạm Thị Lan Anh - Trưởng phòng Quản lý Di sản VH, Sở VH-TT Hà Nội; TS. Đặng Cẩm Tú – Giám đốc Trung tâm Vì sự phát triển phụ nữ Bắc Trung bộ, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
Về phía Đại học Quốc gia Hà Nội và Trường ĐH KHXH&NV có sự tham dự của PGS.TS Nguyễn Hoàng Hải - Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội; PGS.TS Đào Thanh Trường - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV; PGS.TS Lại Quốc Khánh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo Đương đại; GS.TS. Đỗ Quang Hưng - Chủ tịch Hội đồng Khoa học đốc Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo Đương đại; TS. Trịnh Văn Định -  Trưởng phòng Quản lý Nghiên cứu khoa học cùng đông đảo các nhà khoa học, các vị tu sĩ, phật tử, sinh viên, học viên sau đại học trong và ngoài Trường Đại học KHXH&NV.
PGS.TS Lại Quốc Khánh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo Đương đại
Phát biểu khai mạc tọa đàm, PGS.TS Lại Quốc Khánh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo Đương đại cho biết, trong tiến trình lịch sử - văn hóa của dân tộc Việt Nam, Phật giáo Việt Nam cùng bao thế hệ nhà tu hành, cư sĩ, tín đồ Phật tử, các sơn môn, tông phái Phật giáo đã có những đóng góp vô cùng to lớn, trong đó Thiền tông, Tịnh độ tông và Mật tông có vai trò rất quan trọng. Bước sang thế kỷ XXI, thiên niên kỷ thứ III, Phật giáo trên thế giới nói chung, ở Việt Nam nói riêng, với hệ thống di sản tư tưởng - văn hóa đồ sộ, với sức mạnh Từ Bi - Trí Huệ, thật sự là một nguồn lực quý báu cho sự ổn định và phát triển của xã hội. Nhưng, để phát huy được nguồn lực đó, cần có những nghiên cứu khoa học công phu, nghiêm túc.
Có thể khẳng định rằng, trong tổng thể những công trình nghiên cứu có giá trị về Phật giáo, những nghiên cứu về Mật tông - Kim Cương Thừa ở Việt Nam chưa nhiều, chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu nhận thức của xã hội, chưa thực sự cung cấp được những luận cứ khoa học cho việc hoạch định chính sách có liên quan của cả Nhà nước và Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, tọa đàm khoa học: “Kim Cương Thừa trong văn hóa Phật giáo Việt Nam hiện nay” được tổ chức với mong muốn là một hoạt động khoa học khởi đầu cho những hướng nghiên cứu để phát huy các giá trị tốt đẹp của Phật giáo, trong đó có Kim Cương Thừa tại Việt Nam, qua đó có những đóng góp khoa học thiết thực, đáp ứng nhu cầu xã hội và công tác tư vấn chính sách.
Trong khuôn khổ của tọa đàm, 12 tham luận đến từ các nhà khoa học tuy tín tại Trường ĐH KH&NV, ĐHQGHN, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các cơ quan nghiên cứu và hoạch định chính sách trong nước đã được trình bày, bao quát được những khía cạnh phong phú của Kim Cương Thừa trong dòng chảy lịch sử Phật giáo nói riêng và văn hóa Việt Nam nói chung.
Tọa đàm vinh dự có sự tham dự của GS. Lê Mạnh Thát - Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. HCM
PGS.TS Nguyễn Hoàng Hải - Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, PGS.TS Đào Thanh Trường - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV tới tham dự tọa đàm
PGS.TS Lại Quốc Khánh, GS.TS. Đỗ Quang Hưng, PGS.TS Nguyễn Quang Hưng đồng chủ trì tọa đàm
 
Tọa đàm vinh dự nhận hoa chúc mừng của TT.TS. Thích Đức Thiện - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký, Trưởng ban Phật giáo Quốc tế Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Ban Tôn giáo Chính phủ
Tọa đàm khoa học thu hút sự quan tâm, đóng góp ý kiến của nhiều nhà khoa học uy tín trong nước
VNU-USSH tiên phong trong nghiên cứu vấn đề khoa học về Kim Cương Thừa
Mật tông là một trong những tông phái của Phật giáo, xuất phát từ Ấn Độ vào khoảng thế kỷ thứ VII, rồi sau đó được truyền bá sang Trung Hoa, Nhật Bản..., và đặc biệt là phát triển mạnh mẽ ở Tây Tạng. Ở Tây Tạng, Mật tông còn được gọi là Kim Cương Thừa.  Sự hiện diện và ảnh hưởng xã hội của Mật tông - Kim Cương Thừa ở Việt Nam là một thực tế. Xu hướng vận động của Mật tông - Kim Cương Thừa trong tương lai cũng là một thực tế không thể không quan tâm nếu muốn những giá trị chân chính của tôn phái Phật giáo này được giữ gìn và phát huy một cách tích cực.
GS.TS Đỗ Quang Hưng nhấn mạnh, tọa đàm là dịp hiếm hoi để nhìn lại lịch sử và truyền thống của Mật Tông Việt Nam hàng nghìn năm trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, thường tồn tại trong thế chân vạc “Thiền - Tịnh - Mật”. Còn nhiều hướng nghiên cứu được đặt ra đòi hỏi sự nghiên cứu của các nhà khoa học, như vấn đề trong thế giới đương đại hôm nay những đặc điểm và truyền thống của Mật Tông Việt Nam có những điều gì phải điều chỉnh, nâng cao, kể cả trong giáo lý và tu tập? Ảnh hưởng của Tạng Mật - Kim Cương Thừa với Phật giáo Việt Nam, văn hóa Phật giáo Việt Nam hiện nay ở góc độ Phật học, Phật pháp, Hoằng pháp cũng như đời sống tu tập hành trì? Về phương diện kinh tế- xã hội, cộng đồng non trẻ của Mật Tông Tây Tạng ở Việt Nam có những nguồn lực gì trong việc tham gia phát triển kinh tế- xã hội, đặc biệt là nhu cầu du lịch văn hóa, du lịch tâm linh?
TT.TS. Thích Đức Thiện - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký, Trưởng ban Phật giáo Quốc tế Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đánh giá cao ý nghĩa khoa học của tọa đàm
Theo TT.TS. Thích Đức Thiện - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký, Trưởng ban Phật giáo Quốc tế Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ngày nay, trong xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới, Phật giáo Việt Nam cũng đón nhận, giao lưu với nhiều truyền thống, hệ phái Phật giáo cả Thiền tông, Tịnh độ tông, và Mật tông hay Kim Cương Thừa đến từ nhiều quốc gia có truyền thống đặc trưng các dòng Kim Cương Thừa. Tăng Ni, Phật tử Việt Nam đã hành trì theo phương pháp, nghi lễ, văn hoá Kim Cương Thừa.
Trong bối cảnh như vậy, tọa đàm khoa học về Kim Cương Thừa do Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo Đương đại tổ chức là hết sức cần thiết giúp cho Tăng Ni, Phật tử Việt Nam hiểu sâu hơn và nhận diện đúng về tính bình đẳng giác ngộ, giải thoát của tất cả các pháp môn tu tập của Đạo Phật.
TT.TS. Thích Nguyên Đạt - Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế 
Cư sĩ Lương Gia Tĩnh - Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội
TT. Thích Vạn Trí - Trưởng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tại Tp. Đà Lạt
TS. Lê Tâm Đắc - Phó Viện trưởng Viện tôn giáo, tín ngưỡng, Học viện CTQG HCM
Với những góc nhìn đa chiều về lịch sử hình thành và phát triển, các khía cạnh trong nhận diện và phát triển văn hóa tốt đẹp của Kim Cương Thừa trong văn hóa Việt Nam, các nhà khoa học đã mang tới tọa đàm một không khí trao đổi khoa học nghiêm túc, cởi mở và khơi gợi nhiều hướng nghiên cứu mới. Những vấn đề được thảo luận tại tọa đàm như: “Kim Cang Thừa tại Việt Nam: Quá khứ và hiện tại” (GS. Lê Mạnh Thát - Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp. HCM; “Mật tông trong đời sống tâm linh của người Việt Nam hiện nay” (PGS.TS. Nguyễn Minh Ngọc (Phó Viện trưởng Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm KHXHVN);  “Kim Cương thừa trong dòng văn hóa Việt” (PGS.TS. Lại Quốc Khánh – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV, Giám đốc Trung tâm NCTGĐĐ, TT.TS Thích Nguyên Đạt - Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế); “Kim Cương Thừa trong đời sống Phật giáo Việt Nam hiện nay” (Cư sĩ Lương Gia Tĩnh - Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tai Hà Nội); “Cái nhìn từ ảnh hưởng của Mật tông tại Đài Loan đối với sự phát triển Mật tông tại Việt Nam” (TT.TS Thích Giải Hiền - Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế); “Phật giáo Mật tông trong dòng chảy Phật giáo Việt Nam” (TS. Bùi Hữu Dược - Viện Tôn giáo, tín ngưỡng, HVCTQG HCM); “Nhận diện cơ bản về Biểu tướng và Bản tính của Đại bi tâm đà la ni - Một chân ngôn được hành trì phổ biến trong văn hóa Phật giáo Việt đương đại” (TS. Mai Thị Thơm - Viện Trần Nhân Tông, ĐHQGHN); “Dấu ấn Kim Cương Thừa tại các chùa ở Hà Nội” (TS. Phạm Thị Lan Anh - Trưởng phòng Quản lý Di sản văn hoá, Sở VH-TT Hà Nội); “Phật giáo và văn hoá (từ quan điểm của các học giả quốc tế đến Kim Cương Thừa Việt Nam) của PGS.TS. Nguyễn Quang Hưng - Phó Chủ tịch HĐKH Trung tâm NCTGĐĐ; “Từ Thiền sư Minh Châu Hương Hải đến Thiền sư Thích Đại Sán và yếu tố quyền năng trong văn hóa Thuận Quảng thế kỷ XVII – XVIII” (TS. Thích Chấn Đạo - HV Phật giáo Việt Nam tại Huế); “Kim Cương Thừa trong văn hóa Phật giáo thế giới và Việt Nam” (TS. Vũ Văn Chung (Trường Đại học KHXH&NV).
Các nhà khoa học tham dự tọa đàm đánh giá, với vị trí là trường đại học hàng đầu nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN đã khai phóng và cởi mở khi tổ chức tọa đàm quy tụ các nghiên cứu khoa học tiên phong về Kim Cương Thừa tại Việt Nam, sánh ngang với các trường đại học lớn trên thế giới.
Với sự chuẩn bị công phu, nghiêm túc và có tính chuyên nghiệp cao, với sự ủng hộ và tham gia của các nhà nghiên cứu có uy tín, tọa đàm đã cung cấp thêm những luận cứ khoa học mới, có giá trị, qua đó góp phần làm rõ thêm vị trí, vai trò và những giá trị độc đáo, đặc sắc của Mật tông - Kim Cương Thừa trong đời sống văn hóa Việt Nam nói chung, văn hóa Phật giáo Việt Nam hiện nay nói riêng góp phần làm sâu sắc và phong phú Phật giáo Việt Nam, phát huy những giá trị nguồn lực Phật giáo nói riêng và tôn giáo nói chung vào công cuộc xây dựng và hiện đại đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.
Một số hình ảnh tại Tọa đàm khoa học “Kim Cương Thừa trong văn hóa Phật giáo Việt Nam hiện nay” được tổ chức sáng ngày 26/3/2024:
 
 
 
 
 
 
 
 

Tác giả: Thùy Dung, Đại Hữu – USSH Media

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây