Ngôn ngữ
Cách đây đúng 10 năm, khi tham dự Hội thảo kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và Hội nghị Giơ-ne-vơ tại Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc), trong phiên bế mạc, tôi đã nghe một học giả Trung Quốc phát biểu rằng: "trong quan hệ quốc tế ngày nay không thể đối xử với nhau bằng vũ lực, vì đó là cách ứng xử của thời kỳ dã man". Người phát biểu ấy là Giáo sư Văn Trang, nguyên là thành viên trong Đoàn cố vấn Trung Quốc sang Vệt Nam trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Ông đã từng sống ở Việt Bắc nhiều năm, đã viết sách về Bác Hồ với tấm lòng kính yêu. Cùng chủ trì phiên bế mạc với ông, tôi rất cảm xúc động, vì đó là tiếng nói của một nhân cách trọng hòa bình, giàu tính nhân ái, tự trọng mang đậm bản sắc văn hóa nhân bản.
Đầu tháng 5 này, tôi lại nhớ về kỷ niệm ở Bắc Kinh mười năm trước, nhất là khi nghe Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan nước sâu có nhiều tàu hộ tống, trong đó có cả tàu vũ trang, máy bay yểm trợ đặt tại vùng chủ quyền biển đảo Việt Nam để thăm dò, khai thác dầu khí. Đồng thời, các tàu chức năng của Trung Quốc được máy bay hộ tống đã uy hiếp tàu cảnh sát biển của Việt Nam đang làm nhiệm vụ trong vùng biển thuộc chủ quyền của mình. Việt Nam có đủ chứng cứ pháp lý và lịch sử để khẳng định quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam. Việt Nam có đủ các văn bản pháp lý mang tính chất quốc gia, quốc tế để minh chứng điều hiển nhiên đó.
Đã nhiều năm nay, Trung Quốc luôn bám vào “đường lưỡi bò” 9 đoạn vô căn cứ để đưa ra nhiều tuyên bố và hành động ngang ngược, phục vụ cho những toan tính riêng. Điều đó đã vi phạm luật pháp và thông lệ quốc tế. Trong thời đại văn minh hôm nay, lối hành xử quốc tế như thế sẽ bị lương tri và trí tuệ loài người phát hiện dễ dàng và xa lánh. Đó là xét về mặt tinh thần “tự luật” của một đất nước trong môi trường quan hệ quốc tế hiện đại.
Hành động ấy còn đi ngược lại những chủ trương hữu nghị do Trung quốc đề xướng như "Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai" hoặc “Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt” trên nền tảng Sơn thủy tương liên, Lý tưởng tương thông,Văn hóa tương đồng, Vận mệnh tương quan.
Như vậy là giữa lời nói và việc làm đã xuất hiện những khoảng cách. Thật tiếc thay!
Tàu cá của ngư dân Việt Nam mang cờ Tổ quốc sẵn sàng lướt sóng ra khơi Hoàng Sa/Ảnh: VOV
Như đã nói, đầu tháng 5 này, Trung Quốc lại sử dụng hàng chục tàu các loại, kể cả tàu có vũ trang được máy bay hộ tống để áp tải giàn khoan nước sâu Haiyang Shiyou-981 đưa vào đặt trái phép tại vùng biển của Việt Nam (vùng biển mà Việt Nam có chủ quyền phù hợp với Công ước UNCLOS 1982). Hình ảnh các máy bay quần đảo uy hiếp và các tàu chức năng Trung Quốc phun vòi rồng, đâm thẳng gây hư hại tàu cảnh sát Việt Nam không chỉ xuất hiện nhiều lần trên màn hình vô tuyến Việt Nam, mà còn cả trên truyền hình nhiều nước. Các thuật ngữ: “Trung Quốc”, “giàn khoan HD 981”, “Việt Nam”, “UNCLOS 1982”, “Vùng biển có quyền chủ quyền, quyền tài phán, đặc quyền kinh tế”, “vòi rồng”, “đâm tàu”; “đàm phán hòa bình”, “họp báo”…được vang lên hàng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng toàn cầu.
Ấy vậy mà trong cuộc điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam, người đứng đầu ngành Ngoại giao Trung Quốc ngang ngược “kêu gọi phía Việt Nam không nên can thiệp các hoạt động của các công ty Trung Quốc ở khu vực quần đảo Tây Sa” (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam). Người đứng đầu ngành Ngoại giao Trung Quốc còn trắng trợn xuyên tạc rằng, Việt Nam “vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Trung Quốc khi can thiệp vào các hoạt động bình thường của công ty Trung Quốc” ở quần đảo Hoàng Sa và cho rằng đây là “một phần lãnh thổ Trung Quốc và không có tranh chấp”.
Ngư dân miền Trung vẫn can trường bám ngư trường truyền thống. Các tổ đội gắn kết với nhau đánh cá trên ngư trường Việt Nam/Ảnh: VOV
Sự đối lập giữa lời nói và hành động của Trung Quốc đang khiến nhân dân Việt Nam và Trung Quốc nghi ngại về tính khả thi, tính chân thực của các phương châm xây dựng mối quan hệ hữu nghị giữa Trung Quốc và các quốc gia trong khu vực và thế giới. Xin hãy nghe quan điểm của học giả Lý Lệnh Hoa, nguyên là thành viên của Trung tâm Tin tức hải dương Trung Quốc, người đã từng khẳng định Trung Quốc không có bất kỳ căn cứ nào để xác định "đường lưỡi bò" là đường biên giới quốc gia. Ông phát biểu trên blog cá nhân (trang 163.com lúc 21 giờ 37 phút ngày 6-5), rằng, là một trong những nước ký kết Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982, Trung Quốc nên tuân theo điều thứ 74 và 83 của công ước này, phải tôn trọng chủ trương thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của các nước ven biển xung quanh. Đó là nhận thức của người hiểu biết, người có lòng tự trọng.
Những ngày qua, dư luận Việt Nam, dư luận Trung Quốc và công đồng quốc tế đã cực lực phản đối việc Trung Quốc xâm chiếm chủ quyền của Việt Nam. Tất cả yêu cầu Trung Quốc ngay lập tức đưa giàn khoan nước sâu Haiyang Shiyou-981và các loại tàu ra khỏi vùng biển có quyền chủ quyền của Việt Nam, đồng thời chấm dứt các hành động bất hợp pháp. Đó là việc làm cần thiết, tôn trọng luật pháp quốc tế, phù hợp với lương tri loài người.
Lực lượng cảnh sát biển Việt Nam luôn sát cánh cùng ngư dân/Ảnh: VOV
Thước đo tố chất văn minh hôm nay là sự tự giác tuân thủ luật pháp và thông lệ quốc tế, là lòng tự trọng để phấn đấu thực sự cho hợp tác, hữu nghị và phát triển. Dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế mà cùng nhau đối thoại hòa bình để giải quyết các tranh chấp, xung đột là cách hành xử văn minh mà nhân loại cũng như bất kỳ quốc gia dân tộc nào đều ưu tiên lựa chọn.
Trên nền tảng “tương liên, tương thông, tương đồng, tương quan”, chúng ta đều mong muốn Trung Quốc hãy thực lòng cùng chúng ta biến tinh thần 16 chữ và tinh thần 4 tốt trở thành hiện thực. Điều đó không chỉ tạo cho nhân dân hai nước, mà còn góp phần tạo cho nhân dân trong khu vực và thế giới một môi trường quan hệ quốc tế văn minh, bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau. Thời đại văn minh đòi hỏi phải ứng xử với nhau văn minh theo đúng nghĩa của nó và phải cùng nhau có bổn phận làm giàu thêm giá trị văn minh của nhân loại. Việc Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan đến cắm ở vùng biển Việt Nam đâu có phải là lối ứng xử văn minh, đâu có phải là phẩm chất của người quân tử.
Trong chiều dài lịch sử đất nước mình, nhân dân Việt Nam đã đi qua 17 cuộc chiến tranh chống xâm lược nên biết hòa bình có giá trị của hòa bình. Trong quan hệ này, khát vọng hòa bình là lẽ sống của dân tộc Việt Nam và được các thế hệ không tiếc công sức và cả xương máu để giữ gìn hòa bình. Xin ai đó chớ hồ đồ hành động khiêu khích để kích động xung đột nóng mà tạo cớ “lấy thịt đè người”. Nhầm to đấy! Dân tộc này có bản lĩnh lấy trí tuệ để sẻ chia, đối thoại trên tinh thần nhân bản, nhân văn, nhân đạo. Dân tộc này có bản lĩnh lấy trí tuệ để sẻ chia, đối thoại trên tinh thần nhân bản, nhân văn, nhân đạo và với tư cách là một quốc gia độc lập, có chủ quyền, với nguyên tắc mà ông cha ta từ ngàn năm trước đã khẳng định: “Nam quốc sơn hà Nam Đế cư ” và khi giang sơn bị xâm lược, cả dân tộc đồng tâm để "Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ".
Vì vậy, Việt Nam kiên quyết yêu cầu Trung Quốc phải rút ngay giàn khoan ra khỏi vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, Trung Quốc phải tôn trọng luật pháp quốc tế và tôn trọng khát vọng hòa bình của hai dân tộc cũng như của loài người.
Tác giả: PGS.TS Phạm Xuân Hằng (theo báo Hànộimới)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn