Tin tức

Nói đi đôi với làm là hành xử theo nhân cách của quân tử

Thứ sáu - 23/05/2014 04:35
Nói đi đôi với làm là hành xử theo nhân cách của quân tử
Nói đi đôi với làm là hành xử theo nhân cách của quân tử

 

Trong lịch sử bang giao giữa Đại Việt và nhà Nguyên có chuyện chép rằng, vào đầu thế kỷ XIV, Chánh sứ Đại Việt là Mạc Đĩnh Chi được vua Nguyên Mông khâm phục và phong “Lưỡng quốc trạng nguyên” ghi trên chiếc quạt thử tài. Ông đỗ Trạng nguyên đời Trần Minh Tông, nổi tiếng thông minh, thẳng thắn và liêm khiết. Có lần được Tể tướng nhà Nguyên mời tới tư dinh cùng sứ giả các nước. Trong phòng khách thấy có bức tranh vẽ chim sẻ rất thật đậu trên thân cây trúc, Ông chạy vội đến xem, hóa ra là không phải sẻ thật. Mọi người cười ồ, ông bình thản giật bức tranh xuống xé làm nhiều mảnh và từ tốn nói: “Người ta vốn vẽ chim sẻ đậu cành mai, chưa ai từng vẽ chim sẻ đậu cành trúc. Chim sẻ tượng trưng tiểu nhân, trúc tượng trưng quân tử, tôi giúp Tể tưởng diệt trừ mầm mống tiểu nhân cưỡi đầu quân tử”. Mọi người hoan hỉ, ai cũng khen là phải.

Mạc Đĩnh Chi hai lần làm Chánh sứ, lần đầu vào năm 1308. Câu chuyện diễn ra cách nay hơn 700 năm lại khá ấn tượng với tôi vào chính tháng 5 này. Hóa ra, Tể tưởng nhà Nguyên đã “nhất thời sơ ý” để hình ảnh quân tử bị chà đạp qua bức họa. Hóa ra, có một học giả Đại Việt đã từng cảnh báo thẳng thắn mà chân tình với Tể tướng và quan khách nước ngoài tại nhà Tể tướng về nguy cơ loạn nếu không quyết tâm giữ đạo quân tử. Cũng hóa ra, vị Tể tướng nước lớn và đại diện học giả các nước lúc đó tỉnh ngộ ra ngay được rằng hủy bức họa là hủy mầm mống đại loạn, là răn dạy thế gian hãy chung tay bảo vệ đạo làm người.

Nói theo ngôn ngữ hôm nay, Tể tướng nhà Nguyên và các trí thức phương Đông lúc đó đã biết lắng nghe, biết tiếp thu những lời nói đúng, thẳng thắn, chân tình, hợp đạo nhân. Những nhà nho ấy cũng đã gặp Đức Phật ở tinh thần chân tu mà xuất phát điểm là chống cái xấu từ chính bản thân: “Ngu dốt lớn nhất đời người là dối trá”, “Thất bại lớn nhất đời người là tự đại”, “Sai lầm lớn nhất đời người là đánh mất mình”, “Kẻ thù lớn nhất đời người là chính mình”. Những bậc đại nho ấy do không muốn đánh mất mình nên không thể dối lòng mình, vì dối mình thì sẽ dối người; họ khiêm tốn, cầu thị vì quân tử-đại nho không thể tự cao, tự đại; họ luôn khẳng định tinh thần quân tử của mình, nên luôn cảnh giác với chính mình, vì kẻ thù lớn nhất đời người là bản thân.

Tính nhân bản trong thuyết quân tử của nho giáo về điểm này vẫn đang có sức sống mãnh liệt trong quan hệ giữa người với người, giữa các quốc gia trong cộng đồng quốc tế hôm nay. Cốt lõi của nhân cách quân tử đó là lòng tự trọng để xây dựng niềm tin trong thiết lập môi trường hòa bình, hợp tác, hữu nghị và phát triển. Quân tử nói là làm, đó danh dự một con người. Quân tử không thể sống hai lòng vì sống hai lòng là tính cách của tiểu nhân. Quân tử có một quá trình tư duy và hành động luôn chỉ vì nghĩa lớn. Tham lam, đố kỵ, coi thường thiên hạ theo kiểu “hạ mục vô nhân” (dưới con mắt ta không có ai cả) bao giờ cũng đối lập với nhân cách quân tử và bao giờ cũng bị thiên hạ chê cười, khinh miệt và lánh xa.

Giàn khoan HD 981 của Trung Quốc đặt trái phép trên vùng biển Việt Nam/Ảnh: AP

Phản cảm biết bao, khi những sự kiện gây hấn của Trung Quốc hơn nửa tháng nay trong vùng biển thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam làm lòng người ở hai nước Việt-Trung và cộng đồng quốc tế nghi hoặc nặng nề về lời hay, ý đẹp của tinh thần 16 chữ: “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai“; tinh thần 4 tốt: “Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt” trên nền tảng “4 tương”: “Sơn thủy tương liên,  Lý tưởng tương thông,  Văn hóa tương đồng, Vận mệnh tương quan”. Quả thực, không cần ngẫm nghĩ lâu, ai cũng hiểu giá trị của những điều tốt đẹp trên sẽ đem lại sự hữu hảo thực sự, sự phát triển lâu bền cho nhân dân dân hai nước Trung-Việt và cộng đồng quốc tế trong thế giới văn minh đầy biến động hôm nay. Cái thế giới mà đòi hỏi các nước phải hành động có tính nhân văn, bảo đảm lòng tin trên mọi lĩnh vực quan hệ quốc tế. Do “Sơn thủy tương liên” mà vạn vạn năm hai dân tộc Việt-Trung đã/sẽ bên nhau và đã không ít nét “Văn hóa tương đồng”. Phải nói rằng, hôm nay (chứ không phải ngày xửa, ngày xưa) sự gần gũi ấy đáng ra phải là điều kiện rất thuận lợi để hai nước hợp tác phát triển. Tinh thần ấy, nhân dân hai nước rất hoan nghênh và chung tay biến nó thành hiện thực cuộc sống.

Nhưng, hóa ra không phải thế. Nếu Trung Quốc muốn thực lòng với những tinh thần trên thì đâu có làm như thế với Việt Nam. Nhiều câu hỏi đặt ra lúc này xung quanh hành động Trung Quốc gây hấn, xâm chiếm chủ quyền Việt Nam. Vài  câu hỏi từ thưc tiễn cuộc sống đang đòi hỏi chúng ta suy nghĩ để tỉnh táo hành động:

- Những cam kết xây dựng tình hữu nghị giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước đang bị các nhà lãnh đạo Trung Quốc phản bội hay đấy chỉ là cái mẹo che dấu âm mưu thâm độc vốn thâm căn cố đế của họ?

- Trong thế kỷ XXI, văn minh loài người đã đạt đến đỉnh cao của tự giác ngộ mà tại sao Trung Quốc chẳng những không tôn trọng lời Tuyên bố tinh thần 16 chữ và tinh thần 4 tốt, nhất là cùng Việt Nam Tuyên bố về 6 nguyên tắc chỉ đạo giải quyết vấn đề Biển Đông, mà còn phớt lờ pháp luật và thông lệ quốc tế mà họ là quốc gia thành viên cam kết?

- Tại sao trong bối cảnh căng thẳng đang leo thang trên Biển Đông, các đơn vị quân đội trên địa bàn 2 tỉnh Quảng Tây và Vân Nam giáp biên với Việt Nam bắt đầu chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu cấp độ 3? (Theo Thông tấn xã Đài Loan  ngày 15/5) ? Dù thông tin này chưa được Trung Quốc chính thức công bố nhưng chúng ta cần hết sức cảnh giác bởi động thái này của Trung Quốc vốn đạt "bậc thầy" của những toan tính và thủ đoạn nham hiểm và chúng ta đã có những bài học trong quá khứ.

- Tại sao Tờ "Thời báo Hoàn Cầu" - một tờ báo lớn chính thống, cơ quan phát ngôn của Đảng Cộng Sản Trung Quốc ngày 14 tháng 5 đăng bài viết nhan đề "Việt Nam nếu muốn nếm lại bài học lịch sử, họ sẽ có ngày được toại nguyện", một giọng điệu đe dọa của những kẻ mang dã tâm bành trướng lãnh thổ và xâm lược ?

Chẳng những người Việt Nam, mà nhiều dư luận quốc tế hôm nay đều trả lời được những câu hỏi trên. Đơn giản là tác giả của những âm mưu ấy quá lộ liễu và quá xem thường công lý và đạo lý.

Nhân dân Việt Nam luôn khát vọng hòa bình. Các chiến sĩ cảnh sát biển Việt Nam biết kiềm chế vì khát vọng hòa bình. Thời gian qua, lòng yêu nước của người dân nước Việt cũng thể hiện khát vọng hòa bình. Già trẻ, gái trai, sinh viên, trí thức, công nhân và người dân Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế… và các tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội đều biểu thị sự cực lực phản đối hành vi xâm lược của Trung Quốc. Nhiều cơ sở tôn giáo như Phật giáo, Thiên chúa giáo đã cầu nguyện cho quốc thái dân an, phản đối những hành động của Trung Quốc xâm lược, đồng thời, tổ chức quyên góp vật chất ủng hộ các chiến sĩ đang kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền đất nước. Người Việt ở ngoài nước đã dấy lên làn sóng phản đối Trung Quôc và được nhân dân sở tại ủng hộ.

Nhà nước ta kiên trì yêu cầu Trung Quốc có những phản hồi tích cực, sau nhiều lần Bộ trưởng Ngoại giao ta điện đàm để thẳng thắn khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa, kiên quyết yêu cầu Trung Quốc rút gian khoan HD – 981 cùng các tàu hộ tống ra khỏi vùng chủ quyền Việt Nam, cũng như chấm dứt vi phạm vùng bay thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam.

Lúc này, sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại đang là yêu cầu cấp bách. Sức mạnh của dân tộc ta mấy nghìn năm qua là Đại đoàn kết dân tộc. Nay cũng vẫn thế. Chỉ có đoàn kết toàn dân tộc mới có sức mạnh, mới giương cao được ngọn cờ chính nghĩa để chiến thắng. Trả lời những câu hỏi nêu trên là làm sáng tỏ âm mưu bành trướng và bá quyền của Trung Quốc. Vấn đề càng sáng tỏ thì sự cảnh giác càng phải cao và yêu cầu đoàn kết toàn dân tộc càng cấp thiết hơn bao giờ hết.

Mọi biểu hiện của mất cảnh giác nghe kẻ xấu xúi giục, kích động để hành hung, cướp phá tài sản các doanh nghiệp có nguồn gốc Trung Quốc và các doanh nghiệp khác như vừa qua đều làm tổn hại đến Đại đoàn toàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế. Đồng thời, kẻ xấu đang lợi dụng hiện tượng đó để thổi phồng, vu cáo, xuyên tạc, gây khó khăn cho chúng ta đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo. Hệ quả làm giảm thiểu sức mạnh dân tộc trong lúc này. Thực chất, đó là những hành động mù quáng, kém hiểu biết, thiếu văn minh, mất cảnh giác trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Lòng yêu nước chân chính yêu cầu chấm dứt ngay lập tức những hành động tương tự.

Mong rằng hệ thống chính trị các cấp, nhất là những người đứng đầu cần quan tâm sát sao hơn, thể hiện tinh thần chịu trách nhiệm cao hơn sau khi Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện chỉ đạo, để khỏi rơi vào tình trạng trống đánh xuôi, kèn thổi ngược! Ta có chính nghĩa, ta được dư luận tiến bộ toàn thế giới, kể cả dư luận tiến bộ Trung Quốc ủng hộ nên hãy đoàn kết xua đuổi bầy chim sẻ đang đậu khóm trúc vườn nhà một cách thông minh, có văn hóa, theo công lý và đạo lý để hành động như những người quân tử trong tranh đấu dài lâu với những kẻ xâm phạm chủ quyền và xâm lược đất nước ta.

Tác giả: PGS.TS Phạm Xuân Hằng (nguyên Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN) (Theo Đại đoàn kết tháng 5/2014)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây