Tin tức

Trung Quốc vi phạm DOC - một thách đố với ASEAN

Thứ ba - 27/05/2014 23:54
Trung Quốc vốn có mối quan hệ gần gũi, lâu dài và khăng khít với các nước Đông Nam Á. Sự phát triển kinh tế xã hội trong điều kiện hòa bình, ổn định đem lại lợi ích chung cho tất cả các nước trong khu vực. Những nguyên tắc cơ bản của ASEAN về gìn giữ hòa bình, không can thiệp công việc nội bộ nước khác, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa bằng vũ lực là cơ sở của mối quan hệ đoàn kết và hợp tác giữa các nước ASEAN cũng như giữa ASEAN với bên ngoài. Quan hệ ASEAN – Trung Quốc không nằm ngoài khuôn khổ đó. Đặc biệt ngày 4/11/2002 tại Phnom Penh, lãnh đạo các nước ASEAN và Trung Quốc đã long trọng ký bản Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (viết tắt là DOC) với lời cam kết “Các bên có trách nhiệm tôn trọng những điều khoản của Tuyên bố này và hành động phù hợp với sự tôn trọng đó” (điều 8).

Tiếc rằng, trong thực tiễn, Trung Quốc đã nhiều lần xâm phạm vào các vùng biển của Philippin và Việt Nam, thường xuyên gây không khí căng thẳng, bất ổn trên Biển Đông. Đặc biệt nghiêm trọng, ngày 2/5/1014 Trung Quốc đã trắng trợn hạ đặt trái phép dàn khoan HD 981 tại tọa độ 15 độ 29 vĩ Bắc – 111 độ 12 kinh Đông, hoàn toàn nằm trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Đồng thời, Trung Quốc đã điều hơn 80 tầu các loại và máy bay đến yểm trợ, phun nước, đâm thùng tầu của ngư dân và biên phòng Việt Nam. Đây là hành động xâm lược trắng trợn vào chủ quyền của Việt Nam - một nước láng giềng, một thành viên ASEAN.

Đối chiếu với nội dung bản Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông DOC mà Trung Quốc là một bên ký kết, có thể thấy quốc gia này đã vi phạm tất cả các điều khoản của DOC.

Các nước tham gia ký kết DOC đều cam kết tôn trọng các mục tiêu và nguyên tắc của Hiến chương LHQ, Công ước LHQ về luật Biển năm 1982 (UNCLOS), Hiệp ước hữu nghị và Hợp tác ĐNA (TAC) và 5 nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình (điều 1). Như vậy, với hành động xâm lược đặt dàn khoan HD 981 tại vùng biển chủ quyền của Việt Nam, Trung Quốc đã phủ nhận những nguyên tắc cơ  bản được quốc tế tôn trọng, kể cả xóa bỏ điều mà Trung Quốc đã từng là một bên đưa ra sáng kiến về 5 nguyên tắc chung sống hòa bình. Đây là hành động chà đạp lên các nguyên tắc cơ bản của quan hệ quốc tế hiện đại, một điều không thể chấp nhận được.

Các bên ký Tuyên bố cam kết việc “xây dựng lòng tin và sự tín nhiệm lẫn nhau” (điều 2), “tái khẳng định sự tôn trọng và cam kết của mình đối với quyền tự do hoạt động hàng hải và bay trên vùng trời Biển Đông” (điều 3) và “chịu trách nhiệm giải quyết các tranh chấp về lãnh thổ và về quyền thực thi pháp luật bằng các phương tiện hòa bình mà không viện đến sự đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, thông qua các cuộc tham vấn thân thiện và các cuộc đàm pháp bởi các quốc gia có chủ quyền liên quan trực tiếp” (điều 4). Thử hỏi rằng việc Trung Quốc hạ đặt dàn khoa HD 981 với sự yểm trợ của lực lượng có vũ trang có phải là hành động “xây dựng lòng tin” của Bắc Kinh, có phải là sự thực hiện lời cam kết “tham vấn thân thiện và đàm phán” như họ đã ký? Có thể gọi được chăng việc điều động một lực lượng vũ trang tấn công vào tầu thuyền Việt Nam là hành động hòa bình, “không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa bằng vũ lực” như họ đã cam kết ?

Chỉ dẫn ra một vài điểm cũng đủ thấy rằng nhà cầm quyền Trung Quốc  hành động trái với những điều họ đã ký kết tại DOC. Họ đã thực sự xâm phạm vào chủ quyền của nước Việt Nam và vi phạm trắng trợn nội dung DOC. Điều đó cũng có nghĩa, họ không thực tâm thi hành nghiêm chỉnh các điều đã thỏa thuận với ASEAN và thể hiện thái độ không thực sự coi trọng các đối tác ASEAN. Đây là một thách thức lớn chẳng những với một hay một vài thành viên ASEAN mà là thái độ ngạo mạn đối với toàn thể các quốc gia ASEAN đang trên bước đường tiến tới xây dựng Cộng đồng vào năm tới.

Tình hình nghiêm trọng trên Biển Đông đã được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thông báo tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 24 tại Myanmar, trọng đó nhấn mạnh: “Đây là lần đầu tiên Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan vào hạ đặt tại địa điểm nằm sâu trong Thềm lục địa và vùng Đặc quyền Kinh tế của một nước trong ASEAN, là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng Luật pháp Quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và cũng là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng Tuyên bố về Ứng xử của các Bên trên Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc là một bên tham gia ký kết. Hành động cực kỳ nguy hiểm này đã và đang đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông”.

Phản ứng trước hành động ngang ngược của Trung Quốc, lần đầu tiên ASEAN đã đưa vấn đề này vào nội dung ba bản Tuyên bố quan trọng: Tuyên bố của các Ngoại trưởng ASEAN, Tuyên bố của Hội nghị Thượng đỉnh Nay Pyi Taw và Tuyên bố của Chủ tịch Hội Nghị - Tổng thống nước chủ nhà Myanmar. Các Tuyên bố tỏ rõ quan điểm khá nhất quán của ASEAN, đạt được sự đồng thuận ở mức độ cao trong việc giải quyết các vấn dề Biển Đông trên tinh thần DOC – một văn kiện mà Trung Quốc đã ký kết và có trách nhiệm phải nghiêm chỉnh thi hành.

                                                        

Tác giả: GS.NGND Vũ Dương Ninh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây