Ngôn ngữ
Điểm dừng chân đầu tiên của đoàn là Nghĩa trang Liệt sỹ huyện Vị Xuyên, nơi an nghỉ của 1746 liệt sỹ, trong đó có 264 phần mộ liệt sỹ chưa biết tên. Các anh đến từ 33 tỉnh thành phố trên khắp mọi miền đất nước. Các anh là những chàng trai mười tám đôi mươi đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giữ nước, trong mười năm chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc. Trong chiến dịch này các anh đã sống bám đá, chết bám đá, thành bất tử. Trong cơn mưa tẩy trần của sớm mai, GS.TS Nguyễn Văn Kim, Bí thư Đảng ủy; PGS.TS Trần Văn Hải, Chủ tịch Hội CCB Trường và các cựu binh đã ghi sổ lưu niệm và thắp nén tâm nhang tri ân đồng đội đã nằm lại đất này
Một địa danh gây sự chú ý của các thành viên trong đoàn là “Con đường Hạnh phúc” trên Cao nguyên đá Đồng Văn. Con đường dài chừng 200km nối liền các huyện Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc, Quảng Bạ với thị xã Hà Giang. Trước đây, việc đi lại giữa các huyện rất khó khăn, thậm chí bị chia cắt mỗi khi bị lũ lụt đổ về. Để phá vỡ sự biệt lập đó, đảng và nhà nước quyết đinh mở con đường này. Hàng ngàn thanh niên cả nước cùng với các dân công của 16 dân tộc trên cao nguyên đá chung tay phá đá, mở đường, Họ không quản khó khăn, khí hậu khắc nghiệt, dụng cụ lao động thô sơ , có những đoạn đèo những người mở đường phải treo mình trên vách đá để đục từng cm đá. Cứ thế, cứ thế, con đường hình thành dần bằng ý chí và sức mạnh tinh thần của dân tộc. Con đường đi qua nhiều đèo trong đó Mã Pí Lèng là cung đèo hiểm trở bậc nhất vùng núi biên viễn phía Bắc, được ví như vua của các con đèo. Những đoạn đường vòng cua tay áo đổ xuống cảm giác như xe bị treo trên vực thẳm
Con đường hoàn thành mang lại hạnh phúc cho bà con nơi đây và được Bác Hồ đặt tên là “Con đường Hạnh phúc’’
Cổng trời Quảng Bạ được coi là cửa ngõ đầu tiên dẫn vào Cao nguyên đá. Muốn lên Cổng Trời phải vượt qua nhiều cung đường khúc khủy, vượt qua những ngọn đá tai mèo cao vút. Đây cũng là nơi bắt đầu “Con đường Hạnh phúc”. Nơi đây xe đi qua núi đá trong núi đá, mù sương chìm trong mù sương. Anh Huy, một tay lái kỳ cựu trên cung đường này cho biết: Có nhiều hôm sương mù dày đặc, xe không thấy rõ đường đi phải nhờ hai người đi hai bên xe, trước mũi xe làm hoa tiêu mới có thể vượt qua. Đi thêm và chục bậc thang trên đỉnh núi, là nơi lý tưởng có thể ngắm nhìn phong cảnh cao nguyên đá Đồng Văn, thấy con đường như một dải lụa màu trậm nâu của đất vắt qua mái tóc thẫm xanh của cô gái tuổi đôi mươi đang khoe sắc và căng tràn nhựa sống của Núi đôi Cô Tiên làm vợi đi mọi lo âu, như nạp thêm năng lượng để tiếp tục hành trình khám phá mảnh đất kỳ vỹ này
Cột cờ Lũng Cú, cột cờ quốc gia nằm trên đỉnh núi Lũng Cú hay gọi là núi Rồng, được coi là biểu tượng thiêng liêng về chủ quyền quốc gia trong tâm thế người Việt. Đến Hà Giang, cột cờ Lũng Cú được lựa chọn đầu tiên của khách thăm quan. Từ lưng chừng núi, du khách chinh phục độ cao cột cờ phải đi lên 286 bậc trên độ cao 1700m so với mặt biển. Những CCB mái tóc đã ngả màu sương gió, một thời trận mạc nay đặt chân trên đỉnh cột cờ, đứng dưới lá cờ đỏ sao vàng phần phật tung bay trước gió, chúng ta càng tự hào về những người con anh hùng đã làm nên một đất nước anh hùng.
hành trình về nguồn 2017 đã để lại cho mọi người những kỷ niệm đẹp, những ký ức không quên và cho ta thêm yêu tổ quốc.
Tác giả: Bài Phạm Đình Lân: Ảnh Nguyễn Long
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn