Ngôn ngữ
- Thưa PGS., hội thảo quốc tế lần này do Trường ĐHKHXH&NV tổ chức có điểm gì khác biệt so với những hội thảo về biển Đông đã được tổ chức trước đó ?
Hội thảo lần này được tổ chức trong bối cảnh sau khi Trung Quốc buộc phải rút dàn khoan Hải Dương 981 trước thời hạn khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và vào thời điểm mà ASEAN đang quyết tâm hoàn thành mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm tới 2015. Ngoài ra, hội thảo cũng được tổ chức khi Chính phủ Việt Nam kiên định chủ trương giải quyết các tranh chấp bằng con đường hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và tích cực đàm phán xây dựng Bộ quy tắc về ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).
Hội thảo có sự tham gia của các học giả đến từ các nước trong và ngoài khu vực như CHLB Đức, Indonesia, Nhật Bản, Mỹ và Philippines, có tính đại diện và có tiếng nói đa dạng, nhiều chiều.
Đặc biệt hội thảo có sự tham gia đông đảo của các chuyên gia hàng đầu Việt Nam như Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Bộ Công An, TS. Trần Công Trục, Nguyên trưởng ban Biên giới chính phủ, GS.TS. Đỗ Tiến Sâm, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, PGS.TS.Nguyễn Vũ Tùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển Đông, Học viện Ngoại giao...
PGS.TS Phạm Quang Minh/Ảnh:baomoi
- Chủ đề chính của hội thảo là “tác động và các hướng hướng tiếp cận hoà bình và hợp tác”, xin PGS. nói rõ hơn về chủ đề này và mục tiêu của ban tổ chức hội thảo ?
Đây chính là điểm khác biệt cơ bản của Hội thảo về Biển Đông lần này. Việc Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam từ tháng 5 đến tháng 7/2014 vừa qua là một hành động nguy hiểm, vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, không chỉ trực tiếp đe dọa chủ quyền của Việt Nam, mà còn ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh của toàn khu vực và thế giới. Vì thế hội thảo đặt ra mục tiêu không chỉ làm rõ nguyên nhân, động cơ, tác động của sự kiện giàn khoan Hải Dương 981, mà phải đánh giá một cách toàn diện, đa chiều chiến lược lâu dài và mưu đồ của Trung Quốc ở Biển Đông, từ đó đề ra các hướng tiếp cận hòa bình, hợp tác cho toàn khu vực.
Với mục tiêu đó, hội thảo được chia thành 5 phiên gắn kết chặt chẽ, bổ sung cho nhau. Trước hết, vấn đề Biển Đông được xem xét trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc, coi đó như là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới định hình kiến trúc an ninh khu vực hiện tại cũng như tương lai. Tiếp đó, hội thảo tập trung thảo luận khía cạnh pháp lý của vấn đề, coi đó là chìa khóa giải quyết căn bản, hòa bình, văn minh các tranh chấp về chủ quyền ở Biển Đông. Tiếp theo, Hội thảo cũng dành thời gian tiếp cận vấn đề tranh chấp thông qua chia sẻ kinh nghiệm giải quyết hòa bình xung đột của các khu vực và quốc gia khác ở châu Âu và Nhật Bản. Cuối cùng, hội thảo đã thảo luận rất thẳng thắn và cởi mở về vai trò của ASEAN trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, nhấn mạnh đến vai trò trung tâm của ASEAN như một nhân tố quan trọng không thể thiếu được trong bối cảnh tranh giành ảnh hưởng giữa các nước lớn và chưa có một cơ chế giải quyết xung đột hiệu quả trong khu vực.
Các đại biểu trong nước và quốc tế chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo/Ảnh: Thành Long
- Đâu là những kết quả đáng chú ý nhất thu nhận được qua các thảo luận tại hội thảo ?
Hội thảo đã diễn ra trong bầu không khí học thuật, trao đổi thẳng thắn, cởi mở, giúp cho các bên hiểu được quan điểm của nhau, từ đó hướng tới xây dựng mạng lưới chia sẻ thông tin và các kết quả nghiên cứu trong tương lai.
Hội thảo một lần nữa góp thêm tiếng nói của ngoại giao kênh 2 - tiếng nói của giới học giả - một kênh đối thoại quan trọng không thể thiếu được của nền ngoại giao hiện đại đã được thừa nhận rộng rãi trên toàn thế giới. Tiếp cận từ góc độ học thuật sẽ góp phần thiết thực vào bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc cũng như hoà bình, an ninh khu vực. Điểm chung mà các báo cáo đều chia sẻ là tính chất phức tạp, đan xen, lâu dài của tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và vì vậy các biện pháp giải quyết cũng phải toàn diện, kiên trì, mềm dẻo, kết hợp một các đồng bộ đấu tranh chính trị, ngoại giao với pháp lý.
- Các ý kiến tại hội thảo đã nhận định như thế nào về tình hình tranh chấp trên biển Đông hiện nay thưa PGS. ?
Thế giới ngày nay đã trở nên phụ thuộc lẫn nhau hơn bao giờ hết và chính sự phụ thuộc lẫn nhau này buộc tất cả các quốc gia phải cân nhắc rất kỹ lưỡng trước khi đưa ra bất cứ một quyết định nào. Từ nhận định đó, có thể dự đoán là khó có thể có một cuộc chiến tranh hay xung đột vũ trang xảy ra trong khu vực. Tuy nhiên, các học giả cũng cho rằng Trung Quốc sẽ dần dần từng bước thực hiện "chiến thuật ép buộc" (coercive tactics) được dẫn dắt bởi lực lượng dân sự có sự chống lưng của lực lượng quân sự để củng cố sự kiểm soát các vùng biển tranh chấp một các hợp pháp. Để đối phó với mưu đồ này các nước phải thực hiện đường lối ngoại giao tích cực, đẩy mạnh hợp tác quốc phòng và tăng cường xây dựng năng lực.
- Là cơ sở đào tạo và nghiên cứu hàng đầu, Nhà trường đã và sẽ có mối quan tâm như thế nào về các vấn đề liên quan đến biển Đông nói riêng và chủ quyền biển đảo nói chung ?
Với tư cách là trung tâm đào tạo và nghiên cứu hàng đầu đất nước, Nhà trường đã có nhiều chương trình nghiên cứu về chủ quyền biển đảo, về chính sách đối ngoại của các nước lớn và hợp tác của ASEAN. Đây là một trong nhiều hội thảo về Biển Đông mà Nhà trường đã tổ chức với sự tham gia của các học giả quốc tế và Việt Nam. "Học thuật hóa Biển Đông", tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo, nghiên cứu về Biển Đông, từ đó nâng cao nhận thức và hiểu biết về vấn đề chủ quyền biển đảo, giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế sẽ là một trong những định hướng quan trọng của Nhà trường trong thời gian tới.
- Xin cảm ơn PGS.
Tác giả: Thanh Hà
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn