Nữ sinh Nhân văn đạt 9.8 điểm khóa luận với đề tài hình ảnh thương hiệu quốc gia Việt Nam

Thứ năm - 15/06/2023 00:12
(SVVN) - Với số điểm 9.8/10, Phương Anh là sinh viên đạt điểm khóa luận tốt nghiệp cao nhất Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU-USSH) đợt 1 năm 2023. Đề tài khóa luận được xuất phát từ tình yêu lớn lao với quê hương Việt Nam, với nền giáo dục tử tế, đa dạng bản sắc văn hoá mà cô đã và đang trải nghiệm.
Chử Thị Phương Anh, sinh năm 2001, là sinh viên ngành Quan hệ công chúng, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU-USSH). Cuối tháng 6/2023 này, cô sẽ tốt nghiệp với điểm học tập xuất sắc 3.72/4.0 và vị trí Á khoa của ngành.
Cô cũng là sinh viên bằng kép ngành Ngôn ngữ Anh, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Hiện cô đang có điểm GPA 3.6/4.0. Nếu giữ đúng phong độ, Phương Anh sẽ có thêm một tấm bằng loại xuất sắc vào cuối năm nay.
Một số thành tích nổi bật của Chử Thị Phương Anh.
Gian nan hành trình làm khóa luận
Chia sẻ với chuyên trang Sinh Viên Việt Nam, báo Tiền Phong về khóa luận tốt nghiệp, cô cho biết: “Mình biết ơn và tự hào khi là người đạt điểm khóa luận tốt nghiệp cao nhất ngành Quan hệ công chúng: biết ơn vì đã gặp được những người thầy, người cô truyền cảm hứng, tự hào vì bản thân đã nỗ lực hết sức và không phụ sự tin tưởng của thầy cô”.
Đề tài khóa luận tốt nghiệp của Phương Anh là “Hình ảnh thương hiệu quốc gia Việt Nam trước và sau khi đến trong nhận thức của sinh viên quốc tế”. Nghiên cứu này nhằm tìm hiểu về hình ảnh Việt Nam trong nhận thức của các sinh viên quốc tế trước - sau khi học tập tại đây.
Lễ bảo vệ khóa luận đợt 1 năm 2023 của Phương Anh và các bạn sinh viên ngành Quan hệ công chúng
 
Phương Anh và PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Huyền – Phó Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội
Các giảng viên ngành Quan hệ công chúng đã đánh giá đây là một đề tài có tính mới. Bởi, nó nhìn nhận Việt Nam dưới tư cách là một điểm đến du học chứ không phải là một điểm đến du lịch như nhiều nghiên cứu trước đó.
Phương Anh tâm sự, cô lựa chọn đề tài này xuất phát từ tình yêu lớn lao với quê hương, đất nước và con người Việt Nam, với nền giáo dục tử tế, đa dạng bản sắc văn hoá mà cô đã và đang trải nghiệm tại Đại học Quốc gia Hà Nội.
“Mình tin rằng, người Việt Nam nói chung hay các thầy, cô giáo Việt Nam nói riêng có trình độ chuyên môn, phương pháp giáo dục không thua kém gì các quốc gia nổi tiếng về giáo dục khác như Úc, Mỹ hay Canada. Vậy nên, mình quyết tâm thực hiện nghiên cứu đề tài này, cũng như nỗ lực hết sức để hoàn thành nó một cách tốt nhất”, cô lý giải.
Phương Anh tại lễ trao Học bổng Quỹ Câu lạc bộ AEON 1% năm 2022
Khó khăn đầu tiên mà cô gặp phải là việc thuyết phục giảng viên hướng dẫn. Với lĩnh vực nghiên cứu là “thương hiệu quốc gia”, PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Huyền - Phó Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, đã tin tưởng gửi gắm cô cho TS. Lương Văn Hà. Thầy là một chuyên gia trong nghiên cứu thương hiệu quốc gia, đồng thời là giảng viên tại Trường Quản trị kinh doanh IÉSEG, Đại học Công giáo Lille, Pháp.
Trước đó, thầy Hà chưa từng nhận lời mời hướng dẫn khóa luận cho cử nhân nào tại Việt Nam. Do đó, thầy đã yêu cầu Phương Anh phải gửi sơ yếu lý lịch (CV) cũng như nêu rõ những đề tài mà cô dự định theo đuổi.
Phương Anh tham quan Trường Đại học Bansomdejchaopraya Rajabhat (BSRU) trong khuôn khổ Trại thanh niên ASEAN+3 Youth Camp tại Thái Lan, tháng 3/2023
Khó khăn thứ hai đến từ chính những yêu cầu khắt khe của thầy. Với cương vị là một nhà nghiên cứu, thầy đã yêu cầu cô phải thực hiện một đề tài có hàm lượng khoa học cao. Đề tài kết hợp phương pháp nghiên cứu định tính và định lượng, đòi hỏi số lượng mẫu khảo sát lớn và cần xử lý số liệu với nhiều quy trình nghiêm ngặt.
Vốn là học sinh lớp chuyên Văn, Phương Anh từng rất chật vật với môn “Thống kê cho khoa học xã hội” hồi năm nhất. Thế nhưng, cô buộc phải tự học các phần mềm thống kê để xử lý hàng loạt số liệu dùng làm minh chứng cho bài nghiên cứu.
Việc tìm kiếm sinh viên quốc tế để khảo sát cũng khiến cô đau đầu. Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên số lượng sinh viên quốc tế tại Việt Nam vào thời điểm khảo sát (cuối năm 2022) không nhiều. Đôi lúc cảm thấy quá chán nản trong hành trình “săn” người, Phương Anh đánh liều nhắn tin cho tất cả những ai có tên nước ngoài mà cô tìm được trên mạng xã hội để mời họ tham gia khảo sát.
Đến cuối cùng, cô đã tìm được khoảng 170 bạn sinh viên quốc tế đồng ý hỗ trợ. Các bạn đến từ nhiều quốc gia khác nhau như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Bulgaria, Ukraine, Pháp,... và hiện theo học tại các trường đại học ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Hoạt động trong Trại thanh niên ASEAN+3 Youth Camp tại Thái Lan.
Châm ngôn sống mà Phương Anh yêu thích nhất là "Điều kì diệu sẽ luôn đến khi chúng ta không bỏ cuộc, bởi vũ trụ sẽ luôn lắng nghe những trái tim ngoan cường" và “Nơi nào có ý chí, nơi đó sẽ có con đường”. Chính vì vậy, cô luôn mang trong mình một tinh thần cởi mở đón nhận, không ngại khó khăn, thất bại, dũng cảm học bằng trải nghiệm thực tế. Đó cũng chính là sự niềm tin đã khiến cô gái trẻ quyết tâm hoàn thành và gặt “trái ngọt” từ khoá luận tốt nghiệp đại học của mình.
Một Gen Z luôn sợ sự ổn định và vô nghĩa
Từ khi còn nhỏ, Phương Anh đã xác định được mong muốn làm việc trong lĩnh vực truyền thông để có thể đi muôn nơi, kết nối với nhiều người, cũng như thỏa sức sáng tạo. Chính vì vậy, cô đã tự vạch ra một lộ trình học tập cụ thể, đồng thời đặt chỉ tiêu phải hoàn thành từng cột mốc đề ra theo đúng tiến độ.
Việc theo học lớp chuyên Văn, trường THPT chuyên Nguyễn Trãi (Hải Dương) đã giúp cô trau dồi vốn từ vựng và khả năng viết. Với thành tích IELTS 7.0 năm lớp 11, cô đỗ tuyển thẳng vào ngành Quan hệ công chúng của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Ngay từ năm hai đại học, Phương Anh đã trở thành thực tập sinh tại Tập đoàn Công nghệ CMC. Chưa dừng lại, cô quyết định đăng ký học ngành kép Ngôn ngữ Anh tại Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Phương Anh tâm sự, cô không phải là một “mọt sách”. Chính niềm vui và sự thích thú khi được tiếp thu một kiến thức mới đã hấp dẫn, thôi thúc cô học thêm. Bên cạnh đó, ngành học thứ 2 cũng giúp ích rất nhiều cho quá trình nghiên cứu vốn đòi hỏi phải tiếp cận các nguồn tài liệu khổng lồ viết bằng tiếng Anh. Đây cũng là một công cụ để cô hiện thực hóa giấc mơ đưa hình ảnh Việt Nam vươn xa hơn.
Phương Anh trong một hoạt động tại CLB Thuyết trình MC PEM, trực thuộc Hội Sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Việc đi thực tập từ sớm đã giúp cô có cơ hội vận dụng các lý thuyết được học trên trường vào trong thực tiễn công việc. Ví dụ, kiến thức trong môn Kỹ năng viết cho Quan hệ công chúng, Ngôn ngữ báo chí được cô ứng dụng ngay vào việc viết bài truyền thông và Thông cáo báo chí cho sự kiện của công ty. Hoặc môn học Kỹ năng biên - phiên dịch đã giúp cô rất nhiều khi đọc tài liệu về các sản phẩm công nghệ và viết nội dung bằng tiếng Anh.
Việc đi làm từ sớm cũng cô khiến cô học thêm được nhiều kiến thức mới, từ những kỹ năng tưởng chừng như rất nhỏ nhưng cũng là một phần tạo nên sự chuyên nghiệp trong quá trình làm nghề: quản lý thời gian, lập kế hoạch, thiết kế ấn phẩm.
Tuy nhiên, việc đi thực tập cũng buộc cô phải đối mặt với nhiều thách thức: chấp nhận không có cuối tuần, hay ít thời gian nghỉ ngơi và đi chơi hơn. Để cân bằng cuộc sống và chữa lành bản thân, cô thường đi du lịch mỗi 6 tháng/lần cùng bạn bè và gia đình bằng chính số tiền kiếm được từ công việc làm thêm.
Là một Gen Z luôn sợ sự ổn định và vô nghĩa, Phương Anh sẽ rất thất vọng về bản thân nếu cứ đứng yên một chỗ từ ngày này qua tháng nọ mà không có thêm bước tiến hay thành tựu nào mới. Những năm tháng sinh viên, ngoài việc học và làm, cô dấn thân hết mình trong nhiều hoạt động ngoại khoá. Trong đó, đáng nhớ nhất chính là Cuộc thi Tìm kiếm tài năng MC toàn quốc Âm Sắc 2021 và gần đây nhất là chuyến đi Thái Lan trong khuôn khổ trại thanh niên ASEAN+3 Youth Camp 2023.
Với cuộc thi Âm Sắc, Phương Anh được giao nhiệm vụ Trưởng ban Nội dung, phụ trách điều phối toàn bộ nội dung của chương trình. Đây là một vị trí đòi hỏi tính sáng tạo và trách nhiệm rất lớn. Tổ chức trong giai đoạn dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều đêm cô và các thành viên khác mất ngủ vì phải nghĩ cách đổi phương thức thi và nội dung sao cho phù hợp với tình hình dịch bệnh.
Còn với chuyến đi Thái Lan, Phương Anh ấn tượng vì đó là lần đầu tiên cô được xuất ngoại với tư cách một đại biểu của trường đi ngoại giao văn hoá. Chuyến đi đã giúp cô có thêm nhiều người bạn quốc tế, hiểu thêm về văn hoá các nước ASEAN+3 và có những trải nghiệm khó quên tại xứ sở Chùa Vàng.
Hiện tại, Phương Anh đang quản lý hoạt động marketing cho 3 cơ sở của một trung tâm tiếng Anh trên địa bàn Hà Nội. Nhiệm vụ chính của cô gồm lên kế hoạch truyền thông và giám sát các hoạt động Marketing để tăng độ phủ nhận diện thương hiệu. Công việc này chính là sự kết hợp thú vị của cả 2 ngành học Quan hệ công chúng và Ngôn ngữ Anh. Do được đào tạo bài bản về tiếng Anh và truyền thông, cô nhanh chóng hiểu được điểm cốt lõi của thương hiệu để tập trung làm nổi bật nó.
Theo Phương Anh, điều may mắn và tự hào nhất đối với cô hiện tại chính là đã chọn đúng chuyên ngành mà bản thân thực sự đam mê, thay vì chật vật với một ngành học mà bản thân “chọn bừa”. Ngoài ra, Quan hệ công chúng cũng là một ngành tiềm năng bởi những kiến thức và kỹ năng thực tế mà nó đem lại cho người học.
Cô bày tỏ quan điểm, đại học sẽ là một trải nghiệm kiến thức thú vị nếu chúng ta chọn được ngành học phù hợp với năng lực, sở thích của bản thân cũng như nhu cầu của xã hội. Phương Anh gửi lời nhắn nhủ tới các bạn trẻ: “Trước khi quyết định chọn lựa một ngành học, hãy dừng lại một nhịp để lắng nghe trái tim mình mách bảo: Các bạn thật sự muốn trở thành ai trong tương lai?”.
------------------------------------------
Các bạn 2K5 ơi, các bạn đã sẵn sàng đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học vào ngành Quan hệ công chúng của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội để trở thành đồng môn của những sinh viên tài năng như Phương Anh chưa? VNU-USSH luôn trải thảm đỏ chào đón các bạn!
Thông tin chi tiết về ngành Quan hệ công chúng có tại đây

1. Một số thông tin về chương trình đào tạo
- Tên ngành đào tạo:
+ Tiếng Việt: Quan hệ công chúng
 + Tiếng Anh: Public Relations
- Danh hiệu tốt nghiệp: Cử nhân
- Thời gian đào tạo: 4 năm
- Tên văn bằng tốt nghiệp:
+ Tiếng Việt: Cử nhân ngành Quan hệ công chúng  
+ Tiếng Anh: The Degree of Bachelor in Public Relations
- Đơn vị được giao nhiệm vụ đào tạo: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
2. Mục tiêu đào tạo
Chương trình giáo dục đại học ngành Quan hệ công chúng đào tạo những cử nhân với kiến thức, kỹ năng, thái độ cần thiết để tác nghiệp các hoạt động xây dựng, duy trì, phát triển hình ảnh và mối quan hệ hai chiều giữa các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp… với các nhóm công chúng mục tiêu của họ thông qua việc cung cấp, trao đổi thông tin một cách đúng đắn, chính xác, trung thực; có khả năng nghiên cứu, giảng dạy về các vấn đề của quan hệ công chúng tại các doanh nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, các cơ sở nghiên cứu... Sau khoá học, sinh viên có đủ năng lực làm việc chuyên về quan hệ công chúng trong các cơ quan chính phủ, phi chính phủ, các cơ quan truyền thông, doanh nghiệp, các công ty cung cấp dịch vụ quan hệ công chúng chuyên nghiệp, các tổ chức chính trị, xã hội…, có khả năng tiếp tục học tập, tham gia học tập ở bậc học cao hơn, tích lũy kinh nghiệm để trở thành nhà lãnh đạo, chuyên gia trong lĩnh vực quan hệ công chúng.
3. Cơ hội nghề nghiệp

Nhóm 1- Chuyên viên quan hệ công chúng:Có đủ năng lực làm việc tại các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước và tư nhân, các tổ chức kinh tế, quốc tế và các tổ chức xã hội, phi chính phủ...; có thể đảm nhận các công việc như phụ trách quan hệ báo chí, quan hệ cộng đồng, tổ chức sự kiện, tổ chức truyền thông nội bộ...; triển vọng phát triển trong tương lai có thể trở thành trưởng phòng, ban, giám đốc bộ phận, dự án và giám đốc doanh nghiệp;
- Nhóm 2 - Chuyên viên phân tích và tư vấn quan hệ công chúng: Có khả năng làm việc tại các công ty và tổ chức tư vấn quản trị truyền thông doanh nghiệp, các Bộ và Sở, Ban, Ngành liên quan; có thể đảm nhận các công việc: trợ lý phân tích và lập báo cáo về môi trường truyền thông đối nội và đối ngoại của đơn vị; trợ lý xây dựng và thực hiện chiến lược truyền thông trong kinh doanh, phát triển đội ngũ nhân sự, xây dựng và phát triển thương hiệu, uy tín... của doanh nghiệp; triển vọng trong tương lai có thể trở thành các chuyên gia phân tích, tư vấn, lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp và tổ chức;
- Nhóm 3 -  Nghiên cứu viên và giảng viên quan hệ công chúng: Có khả năng nghiên cứu và giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học, các cơ sở nghiên cứu; có thể đảm nhận công việc: tham gia nghiên cứu các vấn đề có liên quan đến truyền thông, quan hệ công chúng, trợ lý giảng dạy, giảng viên dạy các môn học: nhập môn quan hệ công chúng, thực hành quan hệ công chúng, Chiến lược và chiến thuật quan hệ công chúng, Chiến dịch quan hệ công chúng...; triển vọng trong tương lai có thể trở thành nghiên cứu viên, giảng viên cao cấp, nhà quản lý trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu về truyền thông và quan hệ công chúng.
4. Khả năng học tập, nâng cao trình độ sau khi tốt nghiệp
Cử nhân ngành Quan hệ công chúng có thể học lên cao học chuyên ngành Quan hệ công chúng, Báo chí học, chuyên ngành Quản trị truyền thông và các chuyên ngành gần, chuyên ngành phù hợp khác trong hệ thống các chuyên ngành hiện được phép đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Báo Sinh viên Việt Nam: Nữ sinh đạt 9.8 điểm khóa luận với đề tài hình ảnh thương hiệu quốc gia Việt Nam 

Tác giả: Theo Báo Sinh viên Việt Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây